Trẻ sẽ trưởng thành hơn khi được làm “chủ tịch hội đồng”?
Nếu các em chỉ được học với suy nghĩ “mình thật bé bỏng, yếu ớt” trẻ sẽ không thể phát huy hết khả năng của mình.
Có nên để chức danh “chủ tịch hội đồng tự quản” cho học sinh nắm giữ?
Thời gian luân phiên như thế nào?
Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo điều lệ trường tiểu học với một số nội dung mới theo định hướng của thông tư 30 (về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học) và mô hình trường học mới (VNEN). Trong đó, điều 17 của dự thảo điều lệ trường tiểu học với một số nội dung mới theo định hướng thông tư 30 quy định mỗi lớp học không quá 35 học sinh (HS).
Video đang HOT
Đặc biệt, lớp học có lớp trưởng, lớp phó hoặc chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản do tập thể học sinh bầu hoặc giáo viên chủ nhiệm chỉ định luân phiên. Điều này khiến dư luận không khỏi băn khoăn.
TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa tiểu học (Trường ĐH sư phạm Hà Nội) cho rằng: Trao quyền cho trẻ chính là 1 chủ trương đúng đắn của Bộ GD&ĐT. Trẻ em là người mai sau sẽ trưởng thành. Nếu các em chỉ được học với suy nghĩ “mình thật bé bỏng, yếu ớt” trẻ sẽ không thể phát huy hết khả năng của mình. Được coi trọng, được giao trách nhiệm, trẻ sẽ cố gắng hoàn thành trách nhiệm và sẽ trưởng thành dần lên sau mỗi thử thách. Vì thế, trao quyền cho trẻ là một việc mà người làm giáo dục cần thiết phải làm.
Đồng tình với quan điểm này, cô Nguyễn Thu Huyền (giáo viên một trường tiểu học quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng: Việc trao cho trẻ một chức danh khiến trẻ có động lực và trách nhiệm hơn với nhiệm vụ mình được giao. Đặc biệt nếu chức danh này luân phiên sẽ là mục tiêu để các bạn khác trong lớp phấn đấu. Nếu học tốt, có đủ tư chất sẽ có cơ hội được làm “chủ tịch hội đồng tự quản”.
Tuy nhiên, cô Huyền cũng băn khoăn, trong dự thảo chưa nêu rõ, chức danh này có nhiệm vụ cụ thể như thế nào? Hoặc dự thảo cũng quy định “do tập thể học sinh bầu hoặc giáo viên chủ nhiệm chỉ định luân phiên”. Tuy nhiên, thời gian luân phiên cụ thể là bao nhiêu? Một tháng, một quý, một học kỳ hay một năm?
“Mặc dù việc luân phiên có rất có lợi khi chức danh đó không vững bền nhưng cũng gây tâm lý xáo trộn cho chính các em “nắm giữ”. Nếu không khéo xử lý các em sẽ sốc khi bị “mất chức”… vô hình chung quy định hình thành tâm lý “giữ ghế” ngay từ khi các em còn nhỏ”- cô Huyền phân tích thêm.
Giáo viên cần định hướng cụ thể
Trao đổi với Infonet về vấn đề này, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: Việc đặt ra quá nhiều chức vụ “lớp trưởng, lớp phó, chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản, tổ trưởng, tổ phó rồi thư ký” trong khối tiểu học chỉ làm học sinh quen với bộ máy quản lý quá cồng kềnh ngay từ khi còn nhỏ. Ông Thuyết đặt câu hỏi: Với trẻ bậc tiểu học, chức vụ để làm gì? Với quá nhiều chức danh này liệu trẻ có làm được hay không?
“Việc đổi lớp trưởng, lớp phó luân phiên nhằm rèn luyện, tạo điều kiện cho mỗi học sinh có kỹ năng tổ chức, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng làm việc nhóm. Đây là có thể cũng là cách đề phòng các cháu nắm giữ chức vụ quá lâu sẽ quen với chức quyền hình thành tâm lý ra oai. Tuy nhiên, nếu giáo viên không có quán triệt ngay từ đầu (mỗi chức danh nắm giữ trong bao lâu) sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng trẻ sốc khi… mất chức” – GS Thuyết nhấn mạnh.
Quan điểm của GS Thuyết là không cần thiết đưa quá nhiều chức danh trong trường tiểu học. Đặc biệt những chức danh quá chi tiết như thế này đưa vào điều lệ.
Ngoài ra, giải đáp tình huống khi trao quyền cho những đứa trẻ mới lên 6- 7 liệu việc quản lý một lớp học có thực sự công bằng? Đặc biệt ở những lớp nhiều học sinh cá biệt, tâm lý thích ra oai, làm “đại ca” sẽ gây ra tình trạng gì?
TS Hương cho biết, nếu có tình huống đó thì đã có từ khi chúng ta cho chức danh lớp trường vào trường tiểu học rồi. “Việc tổ chức lớp tiểu học có mô hình ban cán sự được giao quyền hành là không nên nếu cô không định hướng cẩn thận, sẽ khiến trẻ hình thành tư tưởng lạm quyền, áp bức bạn.
Những đứa trẻ bị bắt nạt khác sẽ chấp nhận thế giới có người quyền lực hơn và nảy sinh hành động nịnh nọt. Ở nước ngoài, họ tổ chức lớp học không có ban cán bộ lớp, không có sự chênh lệch chức quyền giữa các học sinh. Việc mặc đồng phục cũng là để tôn sự bình đẳng”, TS Hương chia sẻ.
Vì thế, muốn tránh tất cả các vấn đề đó, cách duy nhất là xóa toàn bộ mọi chức danh trong tiểu học. Bởi theo TS Hương, tâm lý thích ra oai, làm “đại ca” là khá phổ biến ở người Việt Nam, trẻ em cũng không ngoại lệ.
Để tránh tình trạng này, TS Hương cho rằng các chức danh ” chủ tịch hội đồng” “phó chủ tịch hội đồng” cần được lập theo hình thức tự ứng cử sau đó các thành viên khác bỏ phiếu tín nhiệm để em nào trúng cử sẽ trách nhiệm hơn với công việc của mình.
Bên cạnh đó, cần phải khẳng định vai trò của giáo viên trong tình huống này vô cùng quan trọng. Chính các thầy cô chủ nhiệm là người định hướng cho học sinh trong lớp hiểu mình có quyền phán xét và thay thế cán bộ nếu họ làm sai.
Theo infonet