Trẻ Nhật động viên bạn và bài học giáo dục về thất bại
“Xem clip đoàn kết của trẻ em Nhật Bản, nhiều người lập tức chê ngành giáo dục Việt Nam. Mấy ai nghĩ chính cha mẹ cũng dạy con hạ bệ người khác”, TS tâm lý Vũ Thu Hương viết.
Bệnh thành tích ăn sâu vào lòng mỗi thành viên trong gia đình, phá hỏng những thứ quý giá như tình cảm bạn bè, cha mẹ và con cái, làm cho lũ trẻ trở nên xấu chơi hơn.
Trẻ dễ dàng cười nhạo khi thấy bạn thất bại. Trẻ cũng dễ dàng nghĩ đến những hành vi xấu chơi với bạn. Điều đó xảy ra nhiều, khi nặng nề trở thành bạo lực học đường. Cũng có khi đơn giản chỉ là lườm nguýt nhau tí chút, nhưng hậu quả mà lũ trẻ phải gánh chịu ở xa hơn thế. Đó chính là sự cô độc.
Trong chúng ta, không ai không biết rằng, thất bại, khổ đau mới là lúc cần sự trợ giúp tinh thần lớn. Nhưng rõ ràng, bệnh thành tích đã khiến cho chúng ta xử nhau nhiều hơn là chia sẻ khi thất bại.
Một câu chuyện thú vị từng được chia sẻ rất nhiều trong cộng đồng Việt là những người đang ở dưới hố. Người Nhật thì chung tay đẩy một người lên để người đó kéo những người khác thoát khỏi hố, còn người Việt thì không để ai lên vì hễ ngoi lên một chút là đám đông hò nhau dìm xuống.
Hình ảnh học sinh Nhật Bản kết thành vòng tròn, động viên bạn lúc thất bại làm cộng đồng mạng cảm động. Ảnh cắt màn hình.
Thói quen thích “dìm hàng” người khác là biểu hiện vô cùng xấu xí mà chúng ta quá quen thuộc. Điều này có thể nói đem lại sự hả hê lớn cho những người chứng kiến cảnh người khác đau khổ. Nhưng nếu chúng ta là người đang gặp thất bại thì sao? Rõ ràng cảm giác cô độc đến mức đau đớn khiến chúng ta đôi khi không dám khóc, không dám thể hiện nỗi đau đớn của mình.
Mới đây, cộng đồng mạng chia sẻ clip một buổi trình diễn thể dục của các em nhỏ người Nhật. Khi một cậu bé không thể vượt qua phần thi nhảy cừu, các bạn nhỏ lập tức chạy xuống và thể hiện thái độ đoàn kết, động viên bạn. Kết quả là nam sinh nhí đã vượt qua chướng ngại vật của sự tự ti và hoàn thành xuất sắc bài thi.
Điều này khiến nhiều bạn đọc tỏ thái độ ngưỡng mộ người Nhật và lập tức lên tiếng chê bai ngành giáo dục. Tuy nhiên, có mấy ai nghĩ rằng, chính cha mẹ cũng đang là những người dạy con hạ bệ người khác, khuyến khích con không trợ giúp bạn bè khi thất bại?
Tại sao tôi dám nói vậy? Xin nêu một vài hiện tượng để các cha mẹ cùng suy nghĩ nhé.
1. Cách đây gần một tuần, một thanh niên đã nhảy xuống sông tự tử ở Đà Nẵng. Thay vì tìm cách cứu thanh niên đó, những nhân chứng đứng trên bờ cười nói, chỉ chỏ và gần như đồng loạt bật điện thoại để quay lại khoảnh khắc cuối cùng của người bị nạn.
Video đang HOT
Thái độ vô cảm đến mức máu lạnh của những nhân vật này sẽ là gương vô cùng xấu cho những đứa trẻ. Chúng có thể học được rằng: Khi nào thấy người gặp nạn, tốt nhất là bỏ mặc họ và… quay clip để còn đăng lên Facebook.
Chúng ta cũng biết rằng, thái độ vô cảm này không chỉ có ở Đà Nẵng mà còn có ở khắp nơi.
2. Các cha mẹ hãy nhớ lại và tự vấn lương tâm xem chúng ta đã bao giờ nói với con phải xếp thứ nhất lớp chưa? Đã bao giờ chúng ta mắng con khi thấy điểm học của bé thấp hơn bạn nào đó? Tôi nhiều lần vô tình nghe thấy những câu mắng dạng: Con phải học giỏi hơn nó chứ, bố mẹ nhà mình đều hơn đứt nhà đó. Con không thể ngu hơn nó được.
Những câu mắng này nghe tưởng chừng rất ổn, đám trẻ sẽ có động lực phấn đấu, nhưng không phải vậy. Tạo áp lực cho trẻ học tập không giúp chúng tìm ra niềm vui và sự đam mê, mà chỉ khiến các bé thấy việc học tập vô cùng mệt mỏi. Chưa kể điều đó còn làm các bé ghét bạn bè và luôn cảm thấy rõ sự cạnh tranh.
Sống với sự cạnh tranh đó, tình bạn của trẻ không bao giờ thực sự thuần khiết. Giữa chúng luôn có sự cạnh tranh và đôi khi sẵn sàng dìm nhau nếu có cơ hội.
Muốn dạy con giúp đỡ bạn lúc khó khăn, cha mẹ hãy làm gương cho chúng. Ảnh: TS Vũ Thu Hương.
3. Phụ huynh có so bì con mình với bạn khác? Đây là cách dạy dỗ xúc phạm trẻ nhất. Điều này thể hiện cha mẹ đánh giá con mình theo thành tích, ước vọng cá nhân. Nó sẽ gây cảm giác khó chịu cho trẻ với chính cha mẹ mình và với người được đem ra ca ngợi. Chúng sẽ vô cùng bực bội và đôi khi trút giận lên “tấm gương soi”. Và nếu có cơ hội, trẻ sẽ lập tức lên tiếng chê bai và dìm “tấm gương” đó.
4. Các cha mẹ có nói xấu ai đó trước mặt con không? Đừng nghĩ trẻ con không biết, chúng cảm nhận rất tốt. Đó là chưa kể đôi khi niềm vui đắc thắng trong lòng chúng ta không kìm nén được bộc lộ ra ngoài khi đối phương gặp nạn, sẽ được lũ trẻ tiếp nhận rất nhanh. Từ đó, thái độ vô cảm với đồng loại, tìm cách hạ bệ bạn bè sẽ được đám trẻ học hỏi ngay.
5. Các mẹ đã bao giờ dạy con trợ giúp khi bạn gặp khó khăn chưa? Nếu chưa dạy thì con vô cảm trước người khác cũng là bình thường. Đôi khi, chúng ta đưa tay ra giúp người khác cũng có thể sẽ vướng vào hiểm họa cho chính mình. Điều này cũng có thể gây mâu thuẫn khi chẳng may lại thành dạy con vô cảm.
Vì thế, theo tôi, cách giải quyết chính là dặn con: Nếu thấy ai gặp nạn, con biết mình không thể cứu được hoặc hoàn cảnh đó có thể khiến con gặp nguy hiểm, thì không nên lao vào cứu, nhưng hãy nhấc máy gọi cho cấp cứu hoặc cảnh sát. Đó chính là cách cứu giúp tốt nhất cho người bị nạn.
6. Khi một đứa trẻ gặp khó khăn, thái độ của cha mẹ thế nào? Theo tôi quan sát, 99% là phụ huynh sẽ lao ra làm hộ ngay. Nếu người lớn đứng đó quan sát, cổ vũ, động viên trẻ thực hiện, rồi vỗ tay reo mừng khi chúng thành công, rõ ràng các em sẽ học hỏi được rất nhiều. Thái độ coi thường trẻ, luôn tính cách làm hộ chúng cũng sẽ khiến con trẻ không cảm thấy cần động viên, chia sẻ với ai.
7. Khi con không làm tốt việc gì đó, cha mẹ sẽ làm gì? Hầu hết người lớn tự đánh giá trẻ chưa thể làm được và đôi khi còn nói xúc phạm chúng. Điều trẻ cần là sự động viên kịp thời và nếu cha mẹ làm thế, lần sau bạn bè chưa hoàn thành tốt công việc, lũ trẻ cũng sẽ học theo mà động viên bạn.
Nuôi dạy một đứa trẻ không đơn giản. Việc đó không chỉ đòi hỏi phương pháp dạy dỗ đúng cách, mà cần sự điều chỉnh hành vi và cảm xúc của chính cha mẹ. Nếu thật sự yêu thương và sống vì con, chắc chắn chúng ta phải làm nhiều hơn là nói một câu đơn giản.
Theo Zing
Hãy để con luôn có một điểm mạnh về bản thân
Nắm bắt điểm mạnh của bản thân là một phần quan trọng trong kỹ năng tự nhận thức bản thân của trẻ, đây chính là nền tảng tạo ra sự tự tin, quyết đoán của mỗi cá nhân.
Nhận thức rằng con là một, là riêng, là duy nhất
Cha mẹ nên giúp con hiểu và tự tin từ chính điều đơn giản nhất như tin tưởng vào bản thân mình. Mỗi con người đều có những tài năng và những khiếm khuyết nào đó. Con hãy chấp nhận và nhìn vào điểm mạnh của mình.
Mẹ có thể kể con nghe Theodore Roosevelt bị liệt hai chân mà còn có thể làm tổng thống, vì ông biết điểm mạnh của mình là giao tiếp và lãnh đạo; mẹ lại kể con nghe Susan Boyle dù không có ngoại hình đẹp nhưng đã dám tham dự cuộc thi "Britain Got Talent" và đã thành công, vì cô biết thế mạnh của mình là giọng hát, không phải ngoại hình.
Cha mẹ hãy khơi gợi ở con sự tìm tòi, khám phá bản thân để tạo nên cái tôi riêng biệt. Chắc chắn khi nhận thức được điều này, con sẽ tự tin thể hiện mình và dũng cảm đối đầu với những thử thách mới.
Trong mỗi con người đều ẩn giấu những năng lực nhất định
Giống như việc giúp con nhận ra mình là duy nhất, cha mẹ cần giúp con nhận ra mình cũng có những năng lực đáng được ghi nhận. Hiện nay, nhiều cha mẹ khá cứng nhắc khi cho rằng: trẻ em khi đến trường chỉ có hai dạng học sinh giỏi: giỏi tư duy logic (thường là các môn tự nhiên) và giỏi ngôn ngữ (thường là môn văn).
Ngoài hai tiêu chí ấy, những bạn còn lại thuộc nhóm "không giỏi gì". Theo thói quen đó, cả phụ huynh và học sinh bắt đầu nghi ngờ vào năng lực bản thân và không hiểu đâu là điểm mạnh của mình.
Tình trạng này kéo dài sẽ khiến phụ huynh thất vọng về con, còn trẻ thấy xấu hổ, tự ti về bản thân mình. Người lớn (trong đó có cả phụ huynh và giáo viên) cần giúp trẻ hiểu rằng con người không chỉ thành công khi có trí thông minh logic hay ngôn ngữ mà còn rất thành công vì sở hữu những loại trí thông minh khác.
Ở đây, chúng ta có thể kể đến các loại hình trí thông minh như: Trí thông minh hình ảnh, không gian; trí thông minh vận động; trí thông minh hướng ngoại; trí thông minh tự nhiên, thiên nhiên; trí thông minh âm nhạc; trí thông minh hướng nội;...
Trẻ cần hiểu được mình sở hữu loại trí thông minh nào để phát huy và tỏa sáng. Điều đó phụ thuộc rất lớn vào sự hỗ trợ từ gia đình và thầy cô.
Hãy để mỗi trải nghiệm là một niềm vui
Trẻ từ 3 tuổi bắt đầu bộc lộ những sở thích và năng khiếu của mình. Tuy nhiên, cũng có trường hợp có trẻ không bộc lộ năng khiếu gì. Tuy nhiên, chính cha mẹ cũng cần hiểu rõ sở thích và năng khiếu là hai khái niệm khác nhau.
Sở thích thường nói về tính cách, bộc lộ ra bên ngoài như ăn món gì và chơi cái gì. Một trẻ có thể 3, 4 tuổi thích vẽ những 8,9 tuổi lại thích ca hát. Năng khiếu cần kèm theo một vài kỹ năng nổi trội cùng niềm yêu thích đặc biệt, lâu dài.
Điều đáng quan tâm là các phụ huynh hiện nay khi thấy con yêu thích một hoạt động nào đó thường cho rằng con có năng khiếu về lĩnh vực đó và đầu tư cho con đi học, tham gia vào những cuộc thi.
Điều này đôi khi là động lực, nhưng đôi khi lại tạo áp lực cho con. Bởi lẽ, đó chỉ là sở thích nhất thời, hoàn toàn không phải năng khiếu của con. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến con sợ sệt, mất tự tin và lâu dần, không dám thể hiện sở thích nữa.
Do vậy, bố mẹ trước tiên chỉ nên để con trải nghiệm những sở thích một cách tự nhiên. Sau khi đã có quan sát tốt về năng khiếu của con, bố mẹ nên động viên con tiếp tục rèn luyện. Từ đó, trẻ sẽ thấy tự tin hơn vào năng lực bản thân.
Đối với những trẻ không bộc lộ năng khiếu, cha mẹ có thể cho trẻ tham gia các khóa học kỹ năng để rèn luyện những kỹ năng xã hội quan trọng như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề. Đây đều là những kỹ năng cần thiết để trẻ có thể bắt nhịp được với xã hội ngày nay.
Lòng tự tin và sự dũng cảm giống như đôi cánh của một con chim, đưa con người bay cao, bay xa trong cuộc sống. Đối với trẻ, tự tin chính là chiếc áo giáp vững chắc bảo vệ trẻ trước những thử thách của cuộc sống, tạo nên phong cách, tinh thần và sự thành công của trẻ.
Muốn vậy, trẻ phải nắm bắt điểm mạnh bản thân và vận dụng nó. Và hơn ai hết, cha mẹ chính là người đầu tiên giúp trẻ nhận ra Trẻ là ai? Trẻ có thể làm được gì?
Theo Khám phá
Hai bộ sách dạy tiếng Việt cho kiều bào Đã hơn 5 năm kể từ khi tập sách cuối cùng của hai bộ sách Tiếng Việt vui và Quê Việt được xuất bản và dạy thử nghiệm ở nhiều nước. Hiện Bộ GD&ĐT giao cho NXB Giáo Dục Việt Nam tái bản hai bộ sách này. Ở thời điểm này, đây là hai bộ giáo trình đầu tiên do các chuyên gia...