Trẻ ngô nghê, phụ huynh ngại ngùng với giáo dục giới tính
Trưởng ban giáo dục giới tính của S Project cho rằng do yếu tố về văn hóa, trẻ em biết rất ít kiến thức về giới, trong khi phụ huynh ngại chia sẻ vấn đề này với con.
Chiều 17/3, nhóm tình nguyện trẻ đến từ S Project tới trường Tiểu học Dịch Vọng B (Cầu Giấy, Hà Nội) tổ chức lớp học dạy trẻ cách phòng tránh xâm hại tình dục.
Thông qua những trò chơi như vẽ tranh và phân biệt tình huống, các bạn trẻ chỉ cho các em cách phân biệt những vùng riêng tư, cũng như những người được phép động vào vùng đó. Đa phần học sinh rất hứng thú với buổi học.
Lê Ngọc Khánh Linh, học sinh lớp 5, chia sẻ: “Con thấy buổi học hôm nay rất vui và bổ ích. Qua đó, con học được cách thoát hiểm khi gặp người định hại mình, cũng như nhận biết các hành vi xâm hại”.
Vũ Minh Phương, học sinh lớp 4, cho biết em rất thích các trò chơi của các chị tình nguyện viên, đặc biệt là vẽ.
“Qua buổi học này, con thấy xâm hại tình dục là xấu và hiện tại, con đã biết cách bảo vệ chính mình”, Minh Phương nói.
Trong khi đó, Nguyễn Nhật Linh (lớp 5) muốn học thêm nhiều cách giải quyết tình huống hơn để dạy lại các bạn khác.
Học sinh trường Tiểu học Dịch Vọng B chơi trò tô màu vào những vùng riêng tư của nam và nữ. Ảnh: Kim Ngân.
Video đang HOT
Ngoài ra, Khánh Linh thông tin bố mẹ và thầy cô từng nói qua một số kiến thức được đề cập trong buổi học hôm nay song không sâu sắc và vui bằng.
Thực tế, dù cha mẹ và thầy cô đã đề cập kiến thức về giới, hiểu biết của các em tương đối hạn chế. Hầu hết chưa phân biệt được ai là người đáng tin cậy và vô tư để người khác đụng chạm. Một số không nhận ra hoặc thờ ơ với sự phát triển của bản thân.
“Phần lớn học sinh ở Việt Nam, từ thành phố lớn đến các tỉnh miền quê, nhận biết về xâm hại tình dục cũng như hiểu biết về giới để tránh xâm hại rất ít. Các bạn còn khá thờ ơ. Thậm chí, các bậc phụ huynh và thầy cô vẫn coi các bạn quá bé để có thể giáo dục giới tính”, Nguyễn Thị Song Trà, Trưởng ban giáo dục giới tính của S Project, nói.
Trà cho hay đối với đa số trẻ, bố mẹ chưa hề nói chuyện với các bạn về giới, ít chia sẻ với con vì bản thân họ cũng ngại khi nói vấn đề này.
Tình nguyện viên 21 tuổi nhấn mạnh cha mẹ, nhà trường và xã hội phải xác định rằng trẻ cần được giáo dục giới tính từ rất sớm. Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.
“Chúng ta có thể dạy từ khi trẻ mới học mầm non song phải chọn phương pháp phù hợp”, Trà nhận định.
Theo cô, các trường phải đưa giáo dục giới tính trở thành một môn học hoặc lồng ghép một cách rõ ràng hơn, không chỉ dừng lại ở các lớp học thờ ơ và ngắn ngủi để trẻ có thể phát hiện và tránh những nguy hiểm tiềm tàng.
Cô Đỗ Thị Mai, Hiệu trưởng trường Tiểu học Dịch Vọng B, cho hay nhà trường rất coi trọng giáo dục giới tính cho học sinh. Các tiết về giáo dục giới tính ở trường (không phải tất cả) thường tách riêng học sinh nam và học sinh nữ. Trong đó, nam sinh do thầy giáo dạy và nữ sinh do cô giáo hướng dẫn.
“Các giáo viên đều có kiến thức và kỹ năng tốt. Nhưng sắp tới, để bài bản hơn, chúng tôi dự kiến mời chuyên gia tư vấn cho giáo viên”, cô nói.
Thầy Nguyễn Văn Quyết, giáo viên tổng phụ trách trường Tiểu học Dịch Vọng B, cho hay nhà trường sẽ duy trì những hoạt động tương tự, tổ chức các buổi tập huấn, cũng như trang bị kiến thức và kỹ năng cho học sinh.
Ngoài ra, đoàn trường dự kiến mở câu lạc bộ để tuyên truyền kiến thức về xâm hại trẻ em, dành cho các em từ lớp 1 đến lớp 5.
Theo Zing
Dạy trẻ tự bảo vệ trước nguy cơ bị xâm hại
Nhiều người cho rằng giáo dục giới tính cho trẻ mầm non là quá sớm và ngại nhắc đến chuyện tế nhị. Thực ra, đây là việc cần thiết giúp bảo vệ các bé trước nguy cơ bị xâm hại.
An Ninh TV dẫn số liệu chương trình mục tiêu quốc gia bảo vệ trẻ em cho biết từ năm 2001 đến 2015, cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân.
Số vụ bị xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ. Không chỉ bé gái, các bé trai cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân của những kẻ biến thái.
Điều đáng nói là 93% nạn nhân quen kẻ xâm hại mình và 47% kẻ xâm hại là họ hàng, gia đình.
TS tâm lý Vũ Thu Hương, Đại học Sư phạm Hà Nội, nhận định rất nhiều trường hợp người thân xâm hại trẻ em và các bé không biết phải làm gì.
Bố mẹ thường dạy con đề phòng người lạ nên trẻ chủ quan với người quen. Con số các vụ xâm hại trẻ em gây ra bởi người thân nói lên thực trạng đáng lo ngại.
Công tác giáo dục giới tính, phòng tránh xâm hại trẻ em được đề cập trong thời gian dài. Song thực tế đáng báo động hiện nay buộc chúng ta phải hành động sớm hơn nữa. Trẻ lên 3 đã có thể bắt đầu những bài học đầu tiên từ việc chăm sóc và bảo vệ vùng kín của mình.
Phụ huynh không thể luôn tìm cách bao bọc, giám sát, quản lý con. Thay vào đó, người lớn nên dạy con cách tự vệ, trang bị cho con những kiến thức để có thể tự bảo vệ bản thân, ngay cả khi không có bố mẹ bên cạnh.
Giờ học kỹ năng sống với chủ đề hướng dẫn cách phòng tránh xâm hại cho trẻ tại trường Mầm non Kitten, Hà Nội. Ảnh cắt từ clip.
Nhằm hỗ trợ phụ huynh trong công tác giáo dục giới tính cho trẻ, trường Mầm non Kitten ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội, đã tổ chức giờ học kỹ năng sống với chủ đề hướng dẫn cách phòng tránh xâm hại cho trẻ.
Tại đây, các em được dạy phải tránh xa, về mách bố mẹ khi gặp người lạ có ý đồ xấu và hét to, gọi cảnh sát trong trường hợp người lạ ngăn không cho đi.
Cô Nguyễn Thị Nhậm, giáo viên dạy kỹ năng sống, cho biết trên lớp, các em khá hiểu bài. Nhiều phụ huynh phản hồi rằng con họ nhớ kỹ và hiểu rõ nội dung bài học.
Cô Nhậm kể nhiều bạn về nhà nói luôn với bố mẹ là "bây giờ con còn nhỏ thì bố mẹ có thể tắm cho con, còn khi nào lớn con có thể tự tắm". Cô thấy rất vui trước kết quả này.
Theo Zing
Tranh cãi về cấm phát bao cao su tại trường ở Philippines Sau khi Bộ Y tế Philippines có kế hoạch phát bao cao su miễn phí tại các trường công lập nhằm chống HIV/AIDS, chính quyền thành phố Quezon hạ lệnh cấm thực hiện việc này. Trong cuộc họp báo cuối năm 2016, Bộ trưởng Y tế Paulyn Jean Rosell-Ubial cho biết từ năm 2017, bộ sẽ phát bao cao su tại các trường...