Trẻ mới đi học chắc chắn sẽ nhiễm bệnh!
“Trẻ mới đi học chắc chắn sẽ nhiễm bệnh, phụ huynh đừng mong bé của mình không mắc bất kỳ bệnh gì bởi điều đó là không thể. Chủ động giải quyết các bệnh vặt, hạn chế nguy cơ bệnh nặng cho trẻ là điều cần làm”, BS Trương Hữu Khanh cho hay.
Cha mẹ bất an vì con nhiễm bệnh khi đi học
Con đi học được vài ngày thì đổ bệnh, sốt, ho, sổ mũi, mệt nhiều nên chị Kiều Ngân quyết định để bé ở nhà chăm sóc. Người mẹ trẻ lo lắng và bối rối vì thời gian tới con sẽ phải đi học trở lại, chị không biết phải làm cách nào để bảo vệ con trước nguy cơ bệnh liên tục tấn công.
Tương tự chị Ngân là trường hợp của chị Huyền Trang, do công việc cả 2 vợ chồng đều bận nhưng không có người chăm sóc con nên khi bé mới được 8 tháng tuổi, chị Huyền Trang phải cho đi nhà trẻ. Tuy nhiên, từ khi đi học, bé thường xuyên bị bệnh, gần như tháng nào cũng đi bác sĩ vài lần.
Chị tâm sự: “Mỗi khi trong lớp có 1 trẻ bị bệnh là bé nhà em nhiễm theo. Bệnh của bé hay kéo dài, các bé khác khỏi từ lâu, riêng con em thường phải mất một tuần sức khỏe mới bình phục. Vợ chồng em đi làm nhưng lúc nào cũng lo con đau bệnh trên lớp”.
Tâm trạng của 2 người mẹ ở trên là nỗi lo chung của hầu hết các bậc phụ huynh khi con em họ bước vào tuổi đi học.
Trẻ nhiễm bệnh khi đến trường khiến hầu hết phụ huynh lo lắng
Video đang HOT
Đề cập đến những loại bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ trong mùa tựu trường, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho rằng: “Trẻ mới đi học chắc chắn sẽ nhiễm bệnh, phụ huynh đừng mong bé của mình không mắc bất kỳ bệnh gì bởi điều đó là không thể. Tuy nhiên, cần chủ động giải quyết các bệnh vặt và hạn chế nguy cơ mắc bệnh nặng cho trẻ”.
BS Hữu Khanh chỉ ra ở nhóm trẻ mầm non, các bệnh khiến trẻ rất dễ bị lây nhiễm gồm: hô hấp, tay chân miệng, cúm, bệnh sởi… Lý giải nguyên nhân trẻ dễ nhiễm bệnh, BS Hữu Khanh cho rằng: “Đối tượng dễ bị bệnh tấn công là những trẻ chưa có đủ miễn dịch trước khi đến trường. Tiếp xúc trong môi trường đông người sẽ có các tác nhân gây bệnh giao lưu với nhau, trẻ sẽ nhiễm bệnh bắt đầu với các biểu hiện, nóng, ho, sổ mũi, rối loạn tiêu hóa, đi cầu…”
Vào mùa bệnh, do tác nhân vi rút nếu không có giải pháp kiểm soát kịp thời thì vi rút sẽ lây lan dễ dàng với tốc độ nhanh hơn. Bệnh do vi rút thường gặp ở trẻ trong mùa tựu trường là tay chân miệng, hoặc cúm. Chỉ cần trong lớp có 1 trẻ mắc bệnh thì có thể lây cho cả lớp.
Đáng lưu ý, gần đây nhiều ca bệnh sởi đã xuất hiện, đang lưu hành ở một số khu vực, những trẻ trong vùng bệnh lưu hành nếu chưa được chủng ngừa đầy đủ thì chỉ cần 1 bé mắc bệnh có thể lây cho nhiều bé khác.
Cần chủ động phòng bệnh cho trẻ
Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh ở trẻ, BS Hữu Khanh cho rằng, trước khi đưa trẻ đến trường, phụ huynh phải chuẩn bị cho bé cả về tâm lý và bệnh lý. Cụ thể, phụ huynh cần đưa trẻ đi chích ngừa đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh; tập cho bé thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân.
Chủng ngừa là một trong những giải pháp tăng cường miễn dịch cho trẻ
Người chăm sóc trẻ cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ, giữ nhà cửa thông thoáng, rửa tay dưới vòi nước sạch bằng xà bông trước khi tiếp xúc với trẻ.
Khi trẻ từ trường về nhà nếu có biểu hiện nhảy mũi, chảy nước mũi cần phải rửa mũi bằng nước muối sinh lý, thay quần áo, rửa tay chân, tắm cho trẻ bằng nước ấm, giữ ấm cơ thể bằng khăn khô ngay sau khi tắm để tránh trẻ bị nhiễm lạnh, đồ chơi và khu vực vui chơi của trẻ cần được khử khuẩn thường xuyên.
Chế độ ăn ngủ của trẻ là khâu đặc biệt quan trọng để duy trì nền tảng sức khỏe của trẻ. Phụ huynh và nhà trường cần đảm bảo cho trẻ ăn đủ chất, ngủ đủ giấc, thay đổi món ăn theo bữa, tăng cường hàm lượng rau củ quả, đa dạng thức ăn sẽ tăng cảm giác ngon miệng giúp trẻ ăn được lượng nhiều hơn.
Trường hợp trẻ không may mắc phải những bệnh truyền nhiễm do vi rút như tay chân miệng, sởi… phụ huynh cần cho trẻ nghỉ học ở nhà điều trị đến khi có xác nhận trẻ đã khỏi bệnh hoàn toàn của bác sĩ mới cho trẻ trở lại trường.
Khi phát hiện trẻ bị bệnh, phụ huynh cần thông báo cho nhà trường để có giải pháp vệ sinh khử trùng, phòng tránh nguy cơ lây nhiễm cho các bé khác.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Trẻ bị táo bón kéo dài vì "sợ" đi cầu ở trường
Liên tục nhịn đi cầu ở trường khiến trẻ bị táo bón kéo dài khiến phụ huynh lo lắng. Bác sĩ cảnh báo, nhịn tiêu tiểu sẽ hưởng tiêu cực đến sức khỏe của trẻ, người lớn cần chủ động tìm giải pháp xử lý sớm.
Đó là trường hợp của bé T.P. (5 tuổi) con chị Ni Na Phan. Thông tin từ người mẹ cho hay, từ khi 18 tháng tuổi, bé được gửi đi nhà trẻ. Đến nay, bé đã 5 tuổi thường xuyên nhịn đi tiêu ở trường nên rơi vào tình trạng bón kéo dài, việc đi cầu trở nên rất khó khăn.
Để giúp con đi cầu được, gia đình phải dùng dụng cụ bơm hậu môn hỗ trợ mỗi lần bé bị bón mới đẩy được phân ra ngoài.
Cần phát hiện sớm tình trạng nhịn tiêu tiểu ở trẻ để có giải pháp hỗ trợ cho trẻ (ảnh: minh họa)
Trước tình trạng bệnh nhi gặp phải, BS Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1) cho rằng: "Việc trẻ nhịn đi cầu ở trường phụ huynh và người trông giữ trẻ cần phải lưu tâm, phát hiện sớm để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Trẻ nhịn đi cầu sẽ dẫn tới tình trạng bón kéo dài, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như những sinh hoạt thường ngày".
Để giúp trẻ có thói quen đi cầu theo quy luật tự nhiên của cơ thể, bác sĩ khuyến cáo trước khi cho trẻ đến trường phụ huynh cần tập cho bé kéo quần lên, thả quần xuống khi muốn tiêu tiểu, giúp bé hình thành thói quen. Khi đi nhà trẻ, bé thường có tâm lý lo lắng, sợ cô giáo, đây có thể là nguyên nhân mỗi lần mắc cầu trẻ không dám lên tiếng xin cô, lâu dần hình thành thói quen nhịn đi cầu. Do đó phụ huynh và giáo viên cần chủ động làm công tác tư tưởng, khuyến khích trẻ tự tin thực hiện thói quen tiêu tiểu, giải thích cho trẻ biết rằng cô giáo sẵn sàng hỗ trợ và cho bé đi cầu như cha mẹ ở nhà.
Quan trọng hơn, phụ huynh cần tìm hiểu thông tin từ trẻ để biết trẻ có tâm lý sợ nhà cầu ở trường hay không. Có thể nhà cầu ở trường không giống ở nhà hoặc nhà cầu ở trường quá bẩn, hôi thối... từ đó phụ huynh cần bàn bạc với nhà trường để cải thiện nhà cầu cho con em mình nếu thấy chưa đảm bảo vệ sinh.
Trường hợp, trẻ nhịn đi cầu do những yếu tố bên ngoài tác động, phụ huynh và giáo viên cần tác động về mặt tâm lý để tập lại thói quen cho trẻ. Tuy nhiên, khi những vấn đề trên đã được loại trừ nhưng trẻ vẫn bón kéo dài, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám, hỗ trợ điều trị, tránh nguy cơ bón kéo dài ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa của trẻ.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Năm loại vi khuẩn kháng kháng sinh đặc biệt nguy hiểm Các vi khuẩn Salmonella, lao và bệnh lậu vô hiệu kháng sinh thông thường, khiến gần một triệu người tử vong mỗi năm. Kháng kháng sinh diễn ra khi các loại vi khuẩn tự biến đổi nhằm vô hiệu hóa tác dụng của thuốc. Cơ chế kháng này gồm nhiều dạng, có thể lan rộng từ vi khuẩn này sang vi khuẩn khác...