Trẻ mầm non sẽ đi học sau Tết Nguyên đán, nhiều trường tại TPHCM thiếu giáo viên
Với trường hợp thiếu giáo viên mầm non, bảo mẫu, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đã chỉ đạo các cơ sở chuẩn bị điều chỉnh nhân sự, mời các giáo viên, bảo mẫu quay trở lại trường; đồng thời tuyển dụng thêm số lượng giáo viên mầm non đang còn thiếu.
Về kế hoạch cho học sinh đi học trực tiếp tại trường, tại buổi họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM vào chiều ngày 13-1, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, cho biết ngày 12-1, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch tổ chức dạy và học trở lại đối với khối giáo dục mầm non. Từ tháng 2-2021, trẻ em đến trường tham gia hoạt động vui xuân theo tinh thần tự nguyện của cha mẹ, người chăm sóc trẻ.
Về lộ trình đi học trực tiếp của học sinh, Sở Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM vẫn đang trình và tham mưu UBND TPHCM kế hoạch đi học sau Tết Nhâm Dần 2022, trong đó bao gồm lộ trình thời gian đi học của học sinh từ lớp 1 đến lớp 6. Sau khi có thông tin chính thức đơn vị sẽ thông tin sau.
Theo ông Trọng, trên thực tế, hiện có một số cơ sở mầm non đang thiếu giáo viên, bảo mẫu. Tuy nhiên vẫn còn thời gian để chuẩn bị đội ngũ nhân sự. Đối với trường hợp giáo viên về quê, các đơn vị giáo dục sẽ mời các giáo viên và bảo mẫu quay trở lại trường để phục vụ nhu cầu học trực tiếp của học sinh; đồng thời có kế hoạch tuyển bổ sung giáo viên mầm non còn thiếu.
Ngoài ra, điều kiện phục vụ dạy và học của các cơ sở đáp ứng đến đâu, sẽ đón trẻ trở lại trường phù hợp. Việc đi học trực tiếp trở lại sẽ dựa trên sự đồng thuận của phụ huynh, học sinh.
Theo ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, kể từ tháng 2, trẻ em bậc mầm non sẽ đến trường theo tinh thần tự nguyện. Ảnh: T.N.
Thông tin thêm về vấn đề thời điểm mở lại cơ sở bán trú nội trú tại trường, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết ngay từ khi khởi động việc dạy học trực tiếp tại trường cho khối 9 và 12, Sở giáo dục và Sở Y tế TPHCM đã có thống nhất không có quy định cấm các cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động bán trú, nội trú nhưng khi tổ chức phải đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, trong các buổi họp giao ban gần đây, Sở giáo dục đã có yêu cầu, khuyến cáo các cơ sở giáo dục bình thường hóa các quy định đảm bảo dạy và học cho các em, trong đó có việc mạnh dạn mở lại các cơ sở bán trú, nội trú cho học sinh.
Trước đó, ngày 12-1, TPHCM đã ban hành Quyết định Kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 với giáo dục mầm non tại TPHCM. Theo đó, từ tháng 2-2022 đến tháng 7-2022, trẻ em sẽ được đến trường tham gia các hoạt động trực tiếp theo tinh thần tự nguyện của cha mẹ, người chăm sóc trẻ. Thời gian dự kiến kết thúc năm học là 29-7-2022.
Đa phần giáo viên mua giáo án để nộp, ai mua để dạy không xứng làm Thầy!
Giáo án theo khuôn mẫu đang dần trở thành "gánh nặng" trên vai giáo viên, khi phương pháp dạy học đã không còn bó buộc nhưng vẫn phải nộp giáo án đúng quy định.
Chỉ cần vài phút lướt trong các hội nhóm về giáo dục trên mạng xã hội, chúng ta dễ dàng bắt gặp hàng loạt những bài viết rao bán giáo án.
Video đang HOT
Trong khi giáo án vốn là sản phẩm trí tuệ của giáo viên, đáng lẽ phải mang tính cá nhân hóa, thì hiện nay, lại đang được bày bán một cách công khai, thậm chí, cần bao nhiêu cũng có, với "quy mô công nghiệp".
Sử dụng những "bản sao" giáo án giống hệt nhau, liệu có đạt được hiệu quả giáo dục giống nhau?
Thực trạng mua bán giáo án online vẫn sôi động trên mạng xã hội. (Ảnh: chụp màn hình).
Thầy Nguyễn Văn Khánh (Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đã có cuộc trao đổi thẳng thắn về vấn đề này.
Phóng viên: Thưa thầy, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã tạo điều kiện cho giáo viên được sáng tạo trong dạy học. Tuy nhiên, vẫn tồn tại giáo án theo hình thức "khuôn mẫu", trở thành "gánh nặng" cho giáo viên. Thầy có thể chia sẻ gì về điều này?
Thầy Nguyễn Văn Khánh: Theo nghĩa đen, giáo án là phương án dạy học của giáo viên. Mà nguyên tắc đầu tiên của dạy học là phải đúng đối tượng. Có nghĩa là, để đạt được cùng yêu cầu dạy học thì giáo viên ở các địa phương, các trường lớp khác nhau phải có cách dạy học khác nhau. Vì sao như vậy? Vì học sinh của họ khác nhau, điều kiện để dạy học khác nhau.
Chính vì thế mà giáo án là bài soạn của cá nhân. Soạn thế nào để dạy học đạt được yêu cầu mà chương trình giáo dục phổ thông mới đã quy định là được. Cùng một kiến thức khoa học cốt lõi, nhưng việc tổ chức dạy học khác nhau sẽ góp phần phát triển phẩm chất và năng lực một cách khác nhau
Chẳng hạn, với một bài học về hệ tuần hoàn. Cô giáo thứ nhất sẽ thuyết trình bằng miệng, cách dạy này giống như "nhét chữ vào mồm học trò, rồi bắt nuốt", học trò nào trí nhớ tốt thì có thể nhớ và nhắc lại.
Cô giáo thứ hai có thể mang một con ếch lên lớp, mổ cho học trò xem (có thể đặt camera để chiếu lên máy chiếu cho cả lớp cùng quan sát), cách này sẽ khiến học sinh nhận thức tốt hơn.
Cô giáo thứ ba có thể tổ chức cho học sinh thực hiện mổ theo cá nhân, học sinh nhận thức kiến thức tốt hơn, đồng thời còn rèn được kỹ năng thực hành.
Cô giáo thứ tư có thể tổ chức thực hành theo nhóm, giống như một kíp mổ, các học sinh sẽ vừa có kỹ năng, vừa có sự phối hợp nhịp nhàng, phát triển được năng lực giao tiếp, hợp tác...
Có thể góp phần giúp học sinh phát triển năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo qua việc tổ chức hoạt động mổ ếch với mức độ hướng dẫn đầy đủ hay không. Như vậy, với mỗi cách dạy của từng giáo viên, ứng với một giáo án khác nhau.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chỉ quy định về yêu cầu cần đạt, không quy định "cứng" nội dung, thời lượng trong mỗi bài dạy. Thời lượng mỗi bài dạy như thế nào thì giáo viên phải căn cứ vào mức độ nhận thức của học sinh và điều kiện dạy học cụ thể mà phân bổ cho thích hợp.
Vậy, giáo án giống nhau là điều không tưởng!
Thầy Nguyễn Văn Khánh luôn trăn trở: "Chúng ta làm giáo dục để khơi dậy sự sáng tạo của trẻ hay chúng ta chủ trương giáo dục để tạo ra lớp người robot?". (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Phóng viên: Trước nay, vẫn có tình trạng mua bán giáo án, thậm chí, các "chợ giáo án" online vẫn hoạt động rất sôi động. Thầy có thể phân tích nguyên nhân chủ yếu do đâu?
Thầy Nguyễn Văn Khánh: Tại sao câu chuyện về giáo án lại "kinh khủng" đến thế? Một phần là do áp lực phải hoàn thành nhiều loại giấy tờ, sổ sách, biểu mẫu nên một bộ phận giáo viên thường không tự soạn giáo án theo khuôn mẫu mà tìm mua giáo án về nộp cho xong, còn dạy thì có thể theo cách riêng của mình.
Đa phần giáo viên mua giáo án về chỉ để nộp. Còn đối với những người mua giáo án về để dạy theo thì không xứng đáng làm thầy, họ chỉ là những "thợ dạy" thôi... Bởi, giáo viên nào dạy theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà lấy giáo án của người khác dạy thì khó có thể thực hiện được các yêu cầu của chương trình.
Tại sao hàng triệu giáo viên phải "cúi đầu" chạy theo một mẫu giáo án? Để rồi mọc ra vô số chợ giáo án bán buôn nhộn nhịp? Giáo dục đang đi về đâu? Các cấp quản lý giáo dục có nhận thức được sự nguy hại của thực trạng này không?
Chúng ta làm giáo dục để khơi dậy sự sáng tạo của trẻ hay chúng ta chủ trương giáo dục để tạo ra lớp người "robot"?
Phóng viên: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhấn mạnh, đối với môn Ngữ văn cần chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu để hướng tới tinh thần học thật, thi thật. Có thể liên tưởng thế nào đến câu chuyện giáo án "mẫu" của giáo viên, thưa thầy?
Thầy Nguyễn Văn Khánh: Bài văn mẫu không có tội, tội là do chúng ta quá lạm dụng chúng.
Có những áng văn rất hay, chúng ta có thể đọc để chiêm ngưỡng, để thấy được cái hay mà học hỏi, chứ không phải cuối cùng lại lấy bài đó để "mô-li-phê" đi, mang về làm của mình.
Lạm dụng như vậy lâu dần thành thói quen tiêu cực. Nếu giáo viên là những "thợ dạy" theo giáo án "mẫu", không dám cho điểm những bài văn sáng tạo; thi cử theo kiểu tái hiện kiến thức, văn thầy lại trả lại cho thầy thì đừng nghĩ đến chấm dứt văn mẫu.
Phóng viên: Vậy, thưa thầy, có giải pháp nào để loại bỏ những giáo án theo khuôn mẫu và những hệ lụy từ chúng?
Thầy Nguyễn Văn Khánh: Chất lượng dạy học được quản lý bởi Hiệu trưởng nhà trường, các cấp quản lý. Nhiều khi chúng ta quản lý chất lượng nhà trường còn mang nặng tính hình thức. Tại sao lại có thể quản lý như vậy? Đó một phần là do thói quen hình thức cứng nhắc đã tồn tại nhiều năm.
Muốn dẹp bỏ những tiêu cực này, phải trả quyền cho giáo viên được tổ chức dạy học cho phù hợp với mức độ nhận thức của học sinh và điều kiện thực tiễn. Căn cứ vào yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông mới, Hiệu trưởng/các cấp quản lý giáo dục có thể kết hợp kiểm tra thường xuyên hay kiểm tra đột xuất để giám sát chất lượng dạy học. Đừng cứng nhắc "đóng đinh" quản lý qua mấy trang giáo án.
Muốn thay đổi, phải thay đổi đồng bộ từ tư duy của người quản lý, phải quản lý bằng khối lượng, chất lượng hoàn thành công việc, yêu cầu cần đạt đối với học sinh, chứ không phải đi kiểm tra những trang giáo án.
Tưởng tượng, một người mẹ nuôi hai đứa con, có thể cho khẩu phần ăn giống nhau cũng không thể phát triển giống hệt nhau. Mà khi đi khám sức khỏe, bác sĩ sẽ không căn cứ vào khối lượng thức mà căn cứ vào các tiêu chí về sức khỏe để đánh giá sự phát triển... Tương tự như vậy, đối với quản lý giáo viên, cũng cần quản lý chất lượng đầu ra.
Nếu được có tiếng nói lên Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi đề nghị Bộ cần chỉ đạo các cấp quản lý thực hiện đúng tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Chương trình đã rất "mở", cho phép giáo viên dùng nhiều phương pháp để học trò tiếp cận với nội dung kiến thức, không nên áp giáo viên vào những trang giáo án "khuôn mẫu".
Hãy thực hiện đúng tinh thần khai phóng của chương trình giáo dục phổ thông 2018, không quản lý một cách hình thức, máy móc.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn thầy!
Thủ tướng Chính phủ chỉ thị kiên quyết chống bệnh thành tích trong giáo dục Có giải pháp nâng cao chất lượng dạy học môn lịch sử, truyền thống đoàn kết, văn hóa, các giá trị tốt đẹp của dân tộc, của cha ông ta; tăng cường việc dạy và học ngoại ngữ, tin học gắn với việc đổi mới và sáng tạo, hội nhập quốc tế. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GDĐT "Có giải pháp...