Trẻ lớp 1 toát mồ hôi… vẽ chữ
Sau khi hàng loạt cha mẹ có con đang học lớp 1 phản đối về ngôn từ dùng trong sách Tiếng Việt 1, nhiều bậc cha mẹ tiếp tục đưa ra cảnh báo: đến học kỳ 2, các cháu lớp 1 sẽ gặp một thách thức không kém, đó là nhìn chữ in để viết chính tả.
Chị Thảo (Q10), một phụ huynh có con đang học lớp 2 chia sẻ: Năm ngoái, tôi khốn khổ về chuyện viết chính tả của cu Tun. Đang mướt mồ hôi với món tập đọc rồi toán, thì học kỳ hai vấp phải môn “chính tả”. Vì cháu phải viết theo mẫu chữ in trong sách giáo khoa nên chữ viết xấu tệ hại, gia đình phải gửi cháu tới lớp luyện chữ đẹp.
Một chuyên gia giáo dục tiểu học cho biết, mục đích của dạy chính tả ở cấp tiểu học là làm rõ đặc điểm ngữ âm và chữ viết tiếng Việt. Ở lớp 1 mới dừng lại ở việc nhìn và tập chép (chứ không nghe giáo viên đọc để chép).
Thế nhưng, do khoảng trống trên mặt bàn của từng HS chỉ vừa đủ để đặt quyển vở và hộp bút nên khi HS đặt SGK trước mặt để nhìn- chép bài chính tả thì khoảng không gian để tỳ hai tay trên bàn bị vướng. Khó khăn này khiến cho nhiều giáo viên chuyển từ yêu cầu của bài là nhìn nội dung -chép bài vào vở thành việc GV đọc nội dung HS nghe -viết. Điều này không đúng theo Chuẩn kiến thức kĩ năng.
Nhiều bậc cha mẹ thấy rõ ràng chữ con mình viết xấu từ học kỳ 2, ngay sau bài 103 của sách Tiếng Việt 1 (tập 2), các em đã phải nhìn đoạn văn bằng chữ in rồi viết vào vở theo chữ viết tay (bài Trường em, dài 47 từ, trong khi trước đó, các em thường chỉ phải viết 4 đến 6 từ mỗi ngày). Điều này theo chuyên gia giáo dục, rất dễ làm biến thể mẫu chữ viết tay theo mẫu chữ chuẩn bởi HS không được nhìn thấy chữ viết tay theo mẫu chuẩn.
Phụ huynh Cẩm Quỳnh, Q12 than thở: không thể tưởng tượng, trẻ mới 6 tuổi mà đã phải làm một công việc phức tạp đến thế. Đứa trẻ phải tư duy 2 lần mới viết được (nhận mặt chữ và chuyển từ hình thái chữ in sang chữ viết tay).
Phần điền vần vào chỗ trống: trộn lẫn chữ in và chữ viết tay của HS trong sách Tiếng Việt 1 (tập 2).
Phụ huynh Mạnh Hà bức xúc: Tôi nghĩ những vị soạn sách cho trẻ học lớp 1 hiện nay không làm công tác giảng dạy thì phải, các vị ngồi phòng máy lạnh nhiều quá nên việc soạn sách xa rời thực tế. Chẳng biết các nhà giáo dục đang soạn sách cho thần đồng hay cho trẻ mới học xong mẫu giáo và mới chập chững đi học chữ đây? Các vị phải nắm được tiêu chí cao nhất khi soạn sách cho HS lớp 1 là cho người học chưa cần biết nhiều và còn ham chơi hơn ham học.
Trong phần điền vần, các nhà soạn sách còn oái oăm hơn: viết sẵn chữ in và học sinh điền vần vào chỗ trống bằng chữ viết tay. Điều này dẫn đến sự không đồng nhất về chữ viết.
Một giáo viên tiểu học cho biết: Mục đích của chính tả là rèn luyện khả năng “đọc thông, viết thạo”, chủ yếu là viết đúng chuẩn mực chữ viết và dạng thức viết của ngôn ngữ.
Để viết đúng chính tả, cần viết đủ các nét chữ cơ bản (nét khu biệt) cũng như các nét liên kết trong mỗi chữ cái và giữa các chữ cái với nhau. Như vậy, chữ in không đảm bảo các điều này thì làm sao trẻ bắt chước được. Nên nhớ, trẻ lớp 1 đang dừng ở việc bắt chước còn khó khăn nữa là tư duy từ chữ in sang chữ viết tay!
Có giáo viên lớp 1 hiểu được điều này, tận tâm với học sinh nên đã “thuê” các em viết đẹp ở lớp 3, lớp 4 viết lại bài trong sách giáo khoa rồi pho-to cho mỗi em một bản để nhìn vào, tập chép. Như vậy, các em sẽ làm công việc đơn giản hơn là nhìn chữ viết tay và chép lại dễ dàng. Tuy nhiên, đâu phải giáo viên lớp 1 nào cũng có thời gian để làm việc này, và kết quả là, khi các em viết chữ xấu, cha mẹ lại tốn thêm một khoản tiền cho các em đi luyện chữ.
Theo VNN