Trẻ lớp 1 ngại học, vì sao?
Lớp 1 là giai đoạn chông gai và thử thách trong cuộc đời học sinh, được nhiều nhà tâm lý coi là “cửa ải phân chia hai cuộc sống khác nhau”. Đứng trước ngưỡng cửa này, trẻ thường gặp nhiều khó khăn tâm lý cản trở sự thích ứng với hoạt động học tập, dẫn đến việc trẻ sợ học và kết quả học tập không cao.
Chơi xong rồi mới học
Nghiên cứu trên 547 học sinh lớp 1 ở Hà Nội, Cà Mau và Trà Vinh của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hà (Viện Tâm lý học – Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) cho thấy, biểu hiện khó khăn rõ nhất mà học sinh đầu lớp 1 gặp phải là tình trạng “buổi tối, chơi xong rồi mới học”.
Hiện nay, nhiều trường tiểu học không giao bài tập về nhà cho học sinh nhưng các cô thường dặn trò, mỗi tối nên dành ra 30 phút để ôn bài và chuẩn bị cho bài học ngày mai. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu trên, vẫn có 4,8% học sinh chưa học bài buổi tối lần nào. Con số này tuy nhỏ nhưng cũng nói lên rằng, có những học sinh chưa thực sự có hứng thú đối với việc học và cha mẹ các em cũng thờ ơ với việc học tập của con mình.
Một hiện tượng trái ngược nhưng cùng mang đến một kết quả học sinh sợ học là một số ông bố, bà mẹ lại quan tâm thái quá. Một phụ huynh ở Hà Nội cho biết: ” Tôi kèm con trai rất chặt, tối nào ăn cơm xong, cho nghỉ 30 phút rồi bắt ngồi vào làm toán và tập viết, tập đọc đến tận 10 giờ đêm. Thế mà học hành chẳng ra gì.
Kết quả học tập của học sinh lớp 1 thường không cao vì trẻ chưa thích ứng được với hoạt động học tập. Ảnh: Trung Kiên
Cô giáo bảo ở lớp nó không tập trung, các bạn viết xong hết rồi nó vẫn còn nửa bài. Làm toán thì nhanh nhưng cô đứng cạnh thì làm, cô không đứng cạnh là nó ngồi chơi ngắm các bạn, nên từ hôm đi học đến giờ không được nổi điểm 7″.
Các nhà tâm lý phân tích, chính việc cha mẹ quan tâm thái quá tới việc học tập của con đã mang lại hiệu quả không như mong muốn, nhiều khi còn ngược lại. Đơn giản như chuyện tập viết, bắt trẻ viết nhiều sẽ làm cho chúng mỏi tay, chán luyện tập và càng viết thì chữ lại càng xấu.
Thái độ đối với học tập của học sinh còn thể hiện qua ý thức tự giác học bài và làm bài tập ở nhà. Hỏi trẻ thì có 61,1% học sinh đến giờ học tự ngồi vào bàn, 31,1% có ngày phải nhắc nhở và 7,9% luôn phải nhắc nhở mới chịu học nhưng hỏi cha mẹ thì kết quả khác xa với đánh giá của con họ.
Theo cha mẹ các em, chỉ có 35,3% là không cần nhắc nhở và có tới 15,2% luôn phải nhắc mới chịu ngồi vào bàn học. Điều này thể hiện khó khăn đặc trưng của học sinh lớp 1 là các em đang trong quá trình hình thành thói quen học bài và làm bài ở nhà. Nếu cha mẹ không đôn đốc, nhắc nhở con thì thói quen học tập sẽ rất khó hình thành và nếu có thì cũng khó được duy trì.
Video đang HOT
Vừa học lại vừa chơi
Qua ý kiến của các bậc phụ huynh, có 43,5% học sinh làm bài xong hết mới đứng lên, 46,4% học sinh thỉnh thoảng vẫn đứng lên ngồi xuống hoặc làm những việc linh tinh và 10,1% học sinh liên tục ở trong trạng thái vừa học vừa chơi. Có những đứa trẻ, bị bố mẹ bắt ngồi vào bàn học, trên bàn chỉ có sách vở, không có gì để chơi, nhưng suốt buổi học, với hai bàn tay dưới ngăn bàn, chúng đã có một trò chơi bắn nhau đầy hứng thú.
Như vậy, chưa đến một nửa số học sinh trong mẫu khảo sát tập trung được khi học bài ở nhà. Đa số ý kiến của phụ huynh khi được phỏng vấn sâu đều cho rằng, không nên bắt học sinh lớp 1 học bài ở nhà với thời gian dài và nhiều bài tập. Nhưng trên thực tế, có người chỉ yêu cầu con ngồi học 30 phút, trong khi đó có cha mẹ bắt trẻ học tới 2 tiếng.
Theo kinh nghiệm của các giáo viên đang trực tiếp dạy lớp 1, thời gian học ở nhà của trẻ lớp 1 khoảng 30-40 phút, trong đó có nghỉ giải lao 5 phút, là phù hợp. Việc bắt con tập viết hoặc làm toán trong cả tiếng đồng hồ hoặc hơn thế nữa sẽ khiến trẻ mệt mỏi, hậu quả là trẻ chán, ngại học. Các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên, cha mẹ nên căn cứ vào thái độ thích ứng của mỗi trẻ để sắp xếp giờ học cho con một cách hợp lý.
Khó khăn tâm lý của học sinh lớp 1 có ảnh hưởng tới kết quả học tập cũng như tới sự phát triển toàn diện của chúng sau này. TS Vũ Ngọc Hà cho rằng, để giúp các em vượt qua khó khăn này, bên cạnh việc cung cấp những hiểu biết về tâm sinh lý lứa tuổi cho phụ huynh để họ biết cách hỗ trợ con học bài ở nhà một cách khoa học, một giải pháp quan trọng là nên cho trẻ tiếp cận làm quen với môi trường giáo dục trước tuổi đến trường. Có nghĩa là học sinh trước tuổi đến trường bắt buộc phải qua lớp mẫu giáo lớn để trẻ có thể thích nghi và hòa nhập nhanh với môi trường tiểu học.
Theo Hà nội mới
Cần chuẩn bị gì trước khi trẻ vào lớp 1?
Vì "chạy đua" để con biết trước kiến thức, nhiều phụ huynh quên mất rằng vào lớp 1, trẻ cần sự chuẩn bị về sức khỏe, tâm lý một cách kỹ càng vì ở môi trường mới có rất nhiều lý do, tình huống dẫn đến việc sợ đi học ở trẻ.
Rành chữ vẫn hoảng loạn khi đi học
Đến bây giờ, chị N.M.Giang, có con đang theo tại một trường tiểu học ở Q. Gò Vấp (TPHCM) vẫn day dứt vì quyết định cho con nghỉ học lớp lá để đầu tư luyện chữ mà theo chị đó là bước đệm để vào lớp 1.
Được học tại một trung tâm luyện chữ có tiếng trong thời gian dài nên người mẹ này vô cùng tự hào khi con đã đọc và viết chữ vanh vách khi các trẻ khác mới bắt đầu "a, o, b, c...". Chị dồn hết thời gian cho con luyện chữ, làm toán của với lời động viên: "Con mẹ biết hết thế này, đảm bảo khi đi học nhất lớp".
Học sinh lớp 1 trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4, TPHCM) trong giờ ăn trưa.
Nhưng điều đó đã không xảy ra vì chỉ vài tuần vào lớp 1, chưa kịp thể hiện "tài nghệ" về chữ viết, ở cháu đã xuất hiện tình trạng sợ trường lớp, sợ bạn bè... nhất quyết không chịu đến trường. Vào lớp cháu liên tục nôn ói, tè dầm... Sau đó, gia đình mới phát hiện ra cháu sợ một cậu bạn cao to nhất trong lớp thường hay bắt nạt bạn bè cũng như không biết xử lý khi đi vệ sinh ở trường nên lâu nay vẫn nhịn.
Lúc này chị Giang mới nhận ra con mình chỉ chữ mà thiếu đi các kỹ năng như giao tiếp với bạn bè, tự chăm sóc bản thân cũng chia sẻ với bố mẹ về trường lớp. Được kỳ vọng nhưng sau việc học không như mong muốn, cháu càng bị hoảng loạn, chị buộc phải đưa con đến bác sĩ tâm lý.
Ngược lại, chị N.T.M.N., có con đang học tại Trường tiểu học Cao Bá Quát (Phú Nhuận, TPHCM) cho hay, con mình không hề học chữ trước khi vào lớp 1. Mới đầu cháu có chậm hơn bạn bè, thậm chí cô giáo cũng nhắc cháu phải luyện chữ thêm nhưng chị vẫn không tạo cho con áp lực, về nhà kèm thêm cho con rất nhẹ nhàng.
"Năm đầu tiên cháu kém hơn các bạn, nói thật mình cũng lo nhưng cố gạt đi, miễn sao con thích đi học, không gặp những khó khăn khi ở trường. Bây giờ cháu học lớp 3, đã phát triển bình thường như bao bạn bè. Vợ chồng tôi luôn cố gắng không đặt nặng điểm số của con vì thế cháu cũng không đi học thêm mà không phải lo ngại cô giáo này nọ", chị N. nói.
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.3, TPHCM cho hay, thực tế nhiều phụ huynh (PH) cho con nghỉ lớp lá đi luyện chữ để vào lớp 1. Họ coi nhẹ việc hình thành các phẩm chất về sức khỏe, trí tuệ, ngôn ngữ, tình cảm và quan hệ xã hội ở mẫu giáo mà không biết rằng đó chính là tiền đề quan trọng nhất cho trẻ vào lớp 1. GV hai bậc học này không thể làm thay công việc cho nhau.
Về điều này, GV lớp 1 tại trường tiểu học ở Q. Gò Vấp bày tỏ, về kiến thức, GV là người có trách nhiệm giúp HS học đảm bảo chương trình nhưng về việc chuẩn bị tâm lý, các kỹ năng chăm sóc bản thân như đi vệ sinh, ăn uống... nằm ngoài khả năng của họ.
"Các em biết chữ nhưng các em không thích nghi được với đồ ăn ở trường, không biết thay quần áo, không tự đi vệ sinh... Chuyện tưởng rất nhỏ nhưng nhiều em sợ đi học, không có hứng thú với việc học là vì những lý do đó chứ không phải vì không biết chữ. Điều này các em phải được chuẩn bị từ gia đình và trường mầm non", GV này nhấn mạnh.
Quan trọng nhất là hứng thú đến trường
Với kinh nghiệm nhiều năm dạy lớp 1, cô Nguyễn Thị Thu Vân, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TPHCM) cho hay, không ít trẻ biết chữ trước khi đến trường nhưng không thích nghi được với trường lớp, thậm chí tâm lý các em bị khủng hoảng.
"Điều quan trọng nhất khi trẻ vào lớp 1 là các em được chuẩn bị về tâm lý, làm quen với môi trường học tập mới để các em có sự hứng thú với việc học không phải là sự chuẩn bị về chữ viết", cô Vân khẳng định.
Vào lớp 1, các em cần được trang bị các kỹ năng chăm sóc bản thân.
Cô Vân cho biết, tại các trường tiểu học, các em sẽ có thời gian làm quen trước khi vào học chính thức. Trong một lớp có trẻ biết chữ trước và trẻ chưa biết chữ, GV sẽ dạy theo phương pháp cá thể hóa để làm sao cho trẻ đã biết chữ không bị nhàm chán, còn trẻ chưa biết chữ không có tâm lý sợ hãi. Vì thế PH đừng nặng nề chuyện con mình phải biết chữ trước mà bỏ qua các khâu chuẩn bị cần thiết về sức khỏe, tâm lý cho các em.
Ở góc độ nhà tâm lý, chuyên gia Võ Thị Minh Huệ (Công ty Tâm lý Trẻ) cho hay, trẻ không cần phải học chữ trước khi khi vào lớp 1 vì kiến thức các nhà khoa học đã sắp xếp phù hợp với độ tuổi. Trẻ học trước nhưng vẫn thua kém bạn bè cũng là điều dễ hiểu vì các em lo "nhồi nhét" học chữ, bỏ qua chuẩn bị sức khỏe, tâm lý sẵn sàng cho việc học.
Sức khỏe đảm bảo và tâm lý vững vàng sẽ giúp trẻ tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng.
Ngày đầu đến trường trẻ phải đối diện với rất nhiều khó khăn trong quan hệ bạn bè, thầy cô, giờ giấc, tự chăm sóc bản thân, ăn uống... Tất cả mọi thứ trẻ cần được chuẩn bị trước. Nhưng nhiều PH chỉ chăm chăm sao cho con mình bằng bạn bằng bè, thậm chí phải hơn con người khác nên ép trẻ "chín non" dù biết rằng tâm lý của sẽ chưa sẵn sàng. Trong khi chỉ cần có sức khỏe đảm bảo, tâm lý vững vàng thì những kiến thức ở lớp 1 không hề nặng nề với đứa trẻ 6 tuổi.
"Bị ép học trước tuổi sẽ sẽ rất dễ bị stress, dẫn đến sợ hãi. Mà tâm lý con người, khi sợ điều gì người ta sẽ né tránh", bà Huệ cho hay.
Theo bà Huệ, PH nên hiểu rằng, thật ra kiến thức trẻ được học ngay từ nhỏ qua những bài hát, những câu chuyện, hiện tượng xung quanh... những hình thức tiếp nhận phù hợp với độ tuổi chứ không chỉ duy nhất bộ sách giáo khoa mới là công cụ để con học kiến thức.
Hoài Nam
Theo dân trí
Làm toán bằng cách 'múa' ngón tay Chỉ với chiếc bàn tính hạt gỗ treo trên bảng, các bé ngồi dưới lớp học thực hiện động tác "múa" ngón tay, tưởng tượng sắp xếp các hạt gỗ để tính được những phép toán trong thời gian ngắn. Đó là những hình ảnh trong lớp học làm toán trí tuệ vừa được mở ra nhân dịp hè tại Nhà Thiếu nhi...