Trẻ lớp 1 bị ảnh hưởng, ai chịu trách nhiệm?
Việc nhiều phụ huynh nhận định chương trình quá nặng, quá tải đối với trẻ vào lớp 1 năm nay, không phải không có cơ sở.
Việc áp dụng chương trình mới khi chưa thử nghiệm đã để lại vô vàn hệ lụy khiến cả ngành giáo dục rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”
Mặc dù mới đi được nửa chặng đường của học kỳ 1 nhưng dư luận đã tranh cãi nảy lửa xoay quanh chương trình giáo dục mới lớp 1, đặc biệt nội dung sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt.
Trước nhiều ý kiến cho rằng, “nội dung nhiều bài đọc trong SGK Tiếng Việt lớp 1 chưa phù hợp, không mang tính giáo dục”, là người viết sách tiểu học nhiều năm, tôi khẳng định rằng khi viết 1 câu chuyện liên quan đến trẻ, việc đầu tiên phải đặt mình ở vị trí của trẻ để hiểu được ý nghĩa của câu truyện chứ không đơn giản hiểu câu chữ để đọc câu chữ đó.
Bên cạnh đó, viết sách cho trẻ luôn thực hiện trên nguyên tắc tuyệt đối không sử dụng câu từ bậy; câu phải đủ kính ngữ, đó là quy chuẩn… đặc biệt là SGK.
Việc để lọt hạt sạn trong SGK Tiếng Việt lớp 1 cũng cần xem xét lại công tác thẩm định. Nên chăng cần có những hội đồng thẩm định độc lập gồm hội đồng các chuyên gia thẩm định về lý thuyết; hội đồng các giáo viên đánh giá thực tiễn. Không nên “trộn” tất cả các thành phần vào một hội đồng thẩm định SGK, bởi thực tế các giáo viên “dễ bị thuyết phục, khó nói chính kiến” trước chuyên gia là các bậc thầy.
Việc nhiều phụ huynh nhận định chương trình quá nặng, quá tải đối với trẻ vào lớp 1 năm nay, không phải không có cơ sở. Có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do sự bố trí chương trình không hợp lý, khi số tiết Tiếng Việt quá nhiều so với các môn khác, tăng gấp rưỡi so với chương trình cũ,12 tiết thay vì 8 tiết như trước.
Việc lý giải của Bộ GD&ĐT cho tăng tiết giúp các cô giáo có nhiều thời gian hơn để dạy trẻ, thoạt đầu nghe có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, khi trẻ mới bước vào con đường học vấn, có quá nhiều điều bỡ ngỡ cần làm quen thì với 12 tiết Tiếng Việt tuần, trẻ không thể nhớ hết nổi sau 1 tuần học.
Video đang HOT
Sang đến tuần sau, bài mới, 12 tiết Tiếng Việt mới, trẻ gần như rối loạn khi vần cũ, âm cũ chưa nhớ đã phải học vần mới âm mới. Điều này đã khiến chủ trương giảm tải nhận được hiệu ứng ngược, thành… tăng tải.
Bên cạnh đó, trong 5 bộ SGK lớp 1 để các trường được tự lựa chọn, có cuốn sách được thiết kế để học sinh học quá nặng ngay từ những tuần lễ đầu tiên.
Học sinh vừa học vần xong, đã phải đọc trơn, viết thạo. Thậm chí có cuốn sách đã hướng dẫn giáo viên dạy chính tả cho trẻ ngay khi trẻ còn chưa thẩm thấu xong quy tắc đánh vần. Rõ ràng, với phương pháp giảng dạy thay đổi, áp lực của môn Tiếng Việt khiến trẻ lớp 1 quá tải.
Với chương trình giáo dục mới, không thể phủ nhận những ưu điểm mang lại như đa dạng hóa bộ SGK, tăng thêm các hoạt động trải nghiệm… cho học sinh. Tuy nhiên, việc áp dụng chương trình khi chưa thử nghiệm, rõ ràng đã để lại vô vàn hệ lụy khiến cả ngành giáo dục rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”; thậm chí, có thể ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, vậy ai là người chịu trách nhiệm?
Làm mới thì khó có thể tránh hết những sai sót, tuy nhiên, bất kể một chương trình mới nào cũng cần được thử nghiệm trước để đánh giá tác động về cả kiến thức nhận thức, tâm lý của trẻ trước khi đem ra áp dụng đại trà.
Nên chăng, đã đến lúc Bộ GD&ĐT cần lắng nghe ý kiến đóng góp để có bước cách giải quyết kịp thời. Hoặc dừng toàn bộ việc áp dụng chương trình lại để xem xét, chỉnh sửa, hoặc dừng/thay đổi một số sách chưa ổn về nội dung và điều chỉnh số tiết cho phù hợp.
Các tác giả khi viết SGK đều có sự kế thừa
Góp ý cho sách giáo khoa (SGK) là cần thiết, nhưng phải có trao đổi, làm rõ vì có một số thông tin thiếu chính xác, thậm chí là bịa hoàn toàn.
Giờ học tiếng Việt của học sinh Trường tiểu học Đông La (Đông Hưng, Thái Bình)
Đó là ý kiến của PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên chương trình môn Ngữ văn - Chương trình Giáo dục phổ thông mới trước nhận xét gay gắt về một số bài tập đọc trong SGK tiếng Việt lớp 1 (Bộ sách Cánh Diều như: dạy trẻ con thói lười nhác, thủ đoạn và khôn lỏi...).
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống viện dẫn, chẳng hạn bài học "Chữ số 4" với ví dụ về "Bốn cái làn" được lan truyền trên mạng xã hội những ngày qua là sai hoàn toàn bởi thực chất không cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 nào có nội dung như vậy.
Trước ý kiến về việc sách đưa nhiều ngữ liệu là truyện ngụ ngôn được dịch từ nước ngoàicó nội dung phản giáo dục; PGS Đỗ Ngọc Thống cho rằng, truyện nếu lấy từ tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng nước ngoài thì sao có thể bảo là phản giáo dục được?
Chẳng qua là truyện ngụ ngôn thường có nhiều ý nghĩa và có thể suy luận theo nhiều cách hiểu khác nhau. Và nếu cứ suy luận kiểu như thế thì tất cả các câu chuyện cổ đều sẽ bị phê phán.
Chẳng hạn, cũng đã có người cho rằng dạy truyện "Em bé thông minh" là dạy cho HS thói khôn vặt, láu cá; rằng ông lão trong truyện của Puskin (Ông lão đánh cá và con cá vàng) sao ngu thế, để mụ vợ sai khiến mãi.
Sao cô Tấm có thể làm những điều ác như thế ? Sao Thạch Sanh khờ dại thế, để Lý Thông lừa hết lần này đến lần khác?... Ngay cả truyện 2 con dê đi qua cầu không nhường đường nhau để phải rơi tõm xuống suối trong sách cũ mà nhiều người khen, vẫn có thể suy luận sao lại dạy cho trẻ con cái thói ương bướng, ích kỉ và liều lĩnh; không biết nhường nhịn nhau để dẫn đến hậu quả nghiêm trọng...
"Tôi nghĩ, việc đưa 1 câu chuyện vào dạy cho trẻ thế nào còn phụ thuộc vào câu hỏi hướng dẫn đọc và cách dạy của thầy cô giáo. Cũng truyện ấy nhưng giáo viên hướng học sinh hiểu thế nào cho đúng, cho nhân hậu, có ý nghĩa giáo dục cao là do tấm lòng, từ nhận thức, hiểu biết của người thầy...
Trong chuyện này, nếu có hạn chế thì chỉ là các tác giả khi phỏng theo, biên tập lại cần chau chuốt hơn để câu văn hay, tránh thô thiển dễ gây hiểu nhầm" - PGS.TS Đỗ Ngọc Thống trao đổi.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, truyện ngụ ngôn được các tác giả đưa vào SGK, trước hết là phục vụ mục đích học âm, vần, học tiếng Việt... Tất nhiên, khi dẫn vào SGK phải có lựa chọn, cân nhắc nội dung.
Cần giáo dục cái đẹp, cái tích cực; nhưng nêu lên cái tiêu cực cũng là để nhận biết cái xấu và hướng tới cái đẹp, cái tích cực. Khi đưa vào sách, thì nhiệm vụ của giáo viên là giáo dục cho học sinh hướng đến cái tốt, cái đẹp, tránh những thói hư, tật xấu.
Nhiều người nói sao không lấy ca dao, tục ngữ mà dạy. Thứ nhất trong sách cũng đã có ca dao tục ngữ; thứ hai chọn ngữ liệu nào trước hết phải phục vụ nhiệm vụ và yêu cầu là rèn luyện các âm, vần đang học...
Vì thế, không phải ca dao, tục ngữ nào cũng đáp ứng được tất cả các yêu cầu nêu trên. Vả lại ca dao, tục ngữ cũng đâu phải luôn dễ hiểu, các câu chuyện về loài vật thường phù hợp hơn với trẻ đầu cấp tiểu học" - PGS Đỗ Ngọc Thống trao đổi.
Cũng theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, thực ra các tác giả khi viết SGK đều có sự kế thừa các bài đọc hay, hấp dẫn có tính giáo dục của những quyển sách truyền thống.
Một số người nêu lên các bài văn trong sách cũ, tôi thấy trong sách mới cũng có những bài như thế. Ngoài ra các tác giả còn đưa thêm một số bài khác để cập nhật với ngôn ngữ nói và viết của hiện nay.
Trước đây, do điều kiện chiến tranh, trường lớp khó khăn, lớp 1 cũng chỉ học 1 buổi/ngày; mỗi tuần chỉ học 7-8 tiết tiếng Việt, có khi ít hơn. Ngày nay xã hội phát triển, có điều kiện, học sinh học 2 buổi/ngày, số tiết dành cho học tiếng Việt tăng lên, các bài học do vậy cũng phong phú hơn và vì thế cần huy động thêm một số ngữ liệu khác.
Bên cạnh các bài kế thừa còn có thêm một số bài đọc mới nên nhiều người thấy khác với sách thời mình đi học, thấy hình như các bài hay trong sách cũ bị bỏ hết.
"Mỗi cuốn sách đều có những ưu điểm và hạn chế. Không nên chỉ nhìn thấy một vài thiếu sót rồi vội vã khái quát, phủ nhận sạch trơn toàn bộ cuốn sách"- PGS. Đỗ Ngọc Thống nhận xét.
Trẻ chật vật theo chương trình mới Nhiều trẻ vùng sâu, khó khăn, người dân tộc thiểu số Tây Nguyên chưa biết mặt chữ nhưng phải học từ, ghép vần, đọc cả cụm từ... trong 1 tiết học. Cô, trò và cả phụ huynh chật vật chạy cho kịp chương trình sách giáo khoa lớp 1 mới. Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Lê Lợi ở tỉnh Đắk Lắk...