Trẻ học tiếng Anh ra sao để không bị “loạn ngữ”?
Học tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung không đúng cách sẽ khiến trẻ nhiễu tri thức, nhiễu thông tin, dễ “loạn ngữ”. Một số chuyên gia cho rằng, để ngoại ngữ trở thành ngôn ngữ thứ hai, người học cần môi trường, sách vở hoặc máy móc nhưng khi trẻ dưới 2 tuổi, không nên cho trẻ tiếp xúc quá nhiều với công nghệ.
Dưới 2 tuổi: Không nên tiếp xúc nhiều với công nghệ
PGS -TS Phạm Văn Tình – Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng, nếu có nguyện vọng con học ngoại ngữ tốt, đừng vội vã cho trẻ tiếp cận sớm. Tốt nhất để trẻ lớn lên hồn nhiên, hoàn thiện tiếng Việt cơ bản nhất, sau khi hoàn thiện được kỹ năng mới tiếp xúc với ngoại ngữ một cách bài bản, chắc chắn đem lại hiệu quả.
Cũng theo PGS Tình, quan điểm của ông, trẻ nên có khái niệm và nền tảng cơ bản với tiếng mẹ đẻ, sau đó học ngoại ngữ từ mẫu giáo hoặc tốt nhất là từ 5-6 tuổi trở lên.
Câu chuyện mới đây do giáo viên Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý Giáo dục, Hà Nội kể lại đã khiến nhiều người giật mình. Có gia đình nộp 100 triệu đồng/tháng cho con học tiếng Anh tại trung tâm ngoại ngữ nhưng không hiệu quả. Bố mẹ đưa con đến xin tư vấn về ngôn ngữ và được biết con bị “loạn ngữ” vì bị ép học không đúng cách.
“Ép trẻ học tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung không đúng cách sẽ bị nhiễu tri thức, nhiễu thông tin. Khi chưa tiếp cận hệ thống tiếng mẹ đẻ cơ bản, trẻ khó tiếp cận một ngôn ngữ khác. Một khi trẻ định hình tiếng mẹ đẻ mới tiếp cận được một ngôn ngữ nào đó tiếp theo”, ông Tình cho biết.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Lâm – nguyên giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội lại cho rằng, để học sinh giao tiếp tiếng Anh tốt như ngôn ngữ mẹ đẻ thứ 2 (ESL – English as a Second Language), trẻ con phải tiếp xúc và giao tiếp với ngôn ngữ tiếng Anh ngay từ khi mới sinh ra.
“Tiếng Anh không thể học tốt khi tiếng Việt đã quá vững như độ tuổi khoảng từ lớp 5, lớp 6 trở lên”, Th.S Lâm nói.
Thừa nhận cho trẻ em học tiếng Anh càng sớm càng tốt, thậm chí có thể ngay từ trong bụng mẹ, tuy nhiên theo bà Phạm Thị Cúc Hà, Thạc sỹ Giáo dục Úc, người có nhiều năm kinh nghiệm trong giáo dục và đào tạo Tiếng Anh cho trẻ từ các độ tuổi cho hay, để tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai, quan trọng cần phương pháp sao cho phù hợp với từng độ tuổi.
Theo Th.S Cúc Hà, chẳng hạn giai đoạn từ 0- 1 tuổi, cần cho trẻ làm quen với môi trường ngôn ngữ bằng bài hát và trò chơi cho trẻ học từ vựng trong môi trường xung quanh.
Từ 1-2 tuổi, cũng làm quen tự nhiên trong môi trường bài hát, trò chơi nhưng lúc này trẻ xây dựng vốn từ vựng dần dần và bắt đầu nói hai từ với nhau hoặc các cấu trúc đơn giản. Từ 2-3 tuổi, trẻ làm quen với từ vựng qua chủ đề, học ngoại ngữ như ngôn ngữ mẹ đẻ.
Từ 3-4 tuổi: Nên cho trẻ mở rộng vốn từ vựng, cấu trúc câu đơn giản qua các chủ đề.
Và từ 4-5 tuổi: Trẻ có thể sử dụng các cấu trúc câu để thể hiện ý tưởng.
Từ 5-6 tuổi: Giai đoạn này, trẻ đã có nền tảng ngôn ngữ toàn diện và tập trung vào kĩ năng đọc – viết để diễn đạt ngôn ngữ…
Quan trọng khi cho trẻ học ngoại ngữ là cần phương pháp sao cho phù hợp với từng độ tuổi. (Ảnh: Minh họa).
“Điều cốt lõi để học sinh giao tiếp tiếng Anh tốt như ngôn ngữ mẹ đẻ thứ hai là môi trường. Trẻ em có thể giao tiếp giữa người với người, với ti vi, sách báo và các ứng dụng công nghệ…
Tuy nhiên, khi trẻ dưới 2 tuổi thì không nên cho trẻ sử dụng bất cứ công nghệ nào mà nên cho các con nghe nhạc. Nếu quá lạm dụng các thiết bị điện tử, trẻ sẽ bị hạn chế sự phát triển ngôn ngữ”, bà Cúc Hà chia sẻ.
“Không nên tập trung mỗi từ vựng và cấu trúc”
Để trẻ không bị “loạn ngữ”, theo Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Lâm, trẻ em phải có môi trường tiếng Anh chuẩn tắc ngay từ khi mới sinh ra.
“Khi đã nghe quen phát âm chuẩn tiếng Anh, cho trẻ tiếp xúc mở rộng sang các giọng vùng miền như Anh Ấn, Anh Singapore, Anh Philippine, Anh Mỹ, Anh Úc… trẻ sẽ càng dễ nhận ra sự chênh về màu sắc giọng nói và sẽ có khả năng hiểu được hầu hết các cách nói tiếng Anh từ các nơi khác nhau trên thế giới.
Dấu hiệu nhận biết trẻ “loạn ngữ”
Có nhiều cách kiểm chứng. Trước hết phải kiểm tra 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, mới có chỉ số đánh giá đầy đủ.
Thứ hai, có thể cho trẻ vào tình huống cụ thể, đặt câu hỏi để trẻ trả lời xem phản xạ đúng không, có lệch lạc không trong phản ứng và giao tiếp.
(PGS -TS Phạm Văn Tình – Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam).
Nếu chỉ đơn giản học tiếng Anh ở trường hay một trung tâm nào đó mà đòi hỏi sau này hiểu hết tất cả các lối nói tiếng Anh từ khắp nơi trên thế giới thì không thể, bởi ở môi trường nhà trường và hầu hết các trung tâm, trẻ không có cơ hội giao tiếp với đa dạng các lối nói đó để có thể thích nghi và kinh nghiệm”, Th.s Lâm nói.
Cũng theo thầy Lâm, khi các giáo viên chỉ dạy một phần tiếng Anh trên lớp còn xen lẫn vẫn dùng tiếng Việt trong khi dạy thì không thể đạt được về môi trường và phản xạ nói. Chưa nói đến các giáo cụ trực quan dùng giảng dạy tiếng Anh cũng không đồng bộ.
Lý giải thêm với chúng tôi về cách thức để trẻ không bị “loạn ngữ”, trong khi các em học tiếng Anh nhưng môi trường tiếp xúc hoàn toàn người Việt, Thạc sĩ Cúc Hà cho hay, quan trọng cần có hệ thống ngôn ngữ rõ ràng.
“Chẳng hạn, hãy nói với trẻ một câu thoại tiếng Anh hoàn toàn hoặc câu thoại tiếng Việt. Hoặc hết ngữ cảnh nói tiếng Anh xong mới đến tiếng Việt”, bà Hà nói.
Ngoài ra, theo Thạc sĩ Hà, yêu cầu quan trọng nhất đối với giáo viên khi dạy ngoại ngữ là phải có phương pháp phù hợp từng độ tuổi.
Giáo viên không chỉ dạy ngôn ngữ mà phải phát triển cho trẻ toàn diện, đặc biệt chú trọng tư duy phản biện và sáng tạo của học sinh để các em không chỉ tập trung học thuộc từ vựng, cấu trúc mà phải sử dụng ngôn ngữ để thể hiện ý tưởng.
Hiện có rất nhiều giáo trình tốt nhưng tốt nhất, nhưng theo Th.s Hà, nên chọn giáo trình phát triển toàn diện ngôn ngữ và tư duy cho học sinh chứ không chỉ tập trung vào từ vựng và cấu trúc. Trong khi dạy, giáo viên phải phổ cập kiến thức ngôn ngữ kèm với kiến thức khoa học, xã hội để học sinh mở rộng vốn sống và kiến thức xã hội.
Trẻ rối loạn ngôn ngữ vì học ngoại ngữ sai cách
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Học ngoại ngữ sai cách: Trẻ dễ bị loạn ngữ
"Trẻ học ngoại ngữ phải có sự tương tác. Nếu trẻ tiếp xúc một mình với các thiết bị điện tử trong thời gian dài, sẽ gây loạn và việc dẫn truyền các thông tin bị đứt đoạn", trên đây là nhận xét của PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người, về việc cho trẻ học ngoại ngữ sai cách.
Loạn ngữ vì phụ thuộc thiết bị điện tử
Câu chuyện mới đây do giáo viên Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý Giáo dục, Hà Nội kể lại đã khiến nhiều người giật mình.
Theo đó, có gia đình nộp 100 triệu đồng/tháng cho con học tiếng Anh tại trung tâm ngoại ngữ. Thấy không hiệu quả, bố mẹ liền đưa con đến xin tư vấn về ngôn ngữ.
Qua thăm khám, các chuyên viên cho biết bé cần trị liệu bởi chậm nhận thức cả tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ. Do không biết, trước đó, phụ huynh kỳ vọng quá lớn, ép trẻ học tiếng Anh từ sớm và không đúng cách. Ngoài ra, nhiều cha mẹ quá vô tâm, để con cả ngày sử dụng smartphone, iPad...
Trẻ rối loạn ngôn ngữ vì học ngoại ngữ sai cách
Đây không phải trường hợp duy nhất bởi theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý Giáo dục, trong hai năm vừa qua, mỗi tháng trung tâm nhận khoảng 50 trẻ đến trị liệu. Và mất khoảng 2-3 năm, việc trị liệu này mới có kết quả.
Chia sẻ với PV Dân trí, cô Nguyễn Lam Giang, Trưởng đại diện khu vực Đông Nam Á của Trường ĐH Waikato (New Zealand) cho hay: "Tôi đã chứng kiến rất nhiều gia đình chỉ nói mỗi tiếng Anh với con. Khi vào lớp 1, bé đã gặp khó khăn về giao tiếp.
Tôi đã biết nhiều gia đình, có những người rất có học thức, rất hiểu biết và có tiền, cho con học trường quốc tế. Tuy nhiên, khi vào học, con bị rối loạn ngôn ngữ và không học được.
Sau đó người mẹ phải tìm đến bác sĩ tâm lý, cho con đi lại từ đầu của tiếng Việt với các chữ A, B, C và giúp con hòa nhập với các bạn ở trường".
Cũng theo cô Giang, việc học tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung từ sớm không phải là xấu, thậm chí rất tốt.
Một trẻ em đang được tư vấn ngôn ngữ tại Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý Giáo dục. (Ảnh: VTV)
"Bản thân tôi cũng cho con học tiếng Anh từ 4 tuổi nhưng tôi nghĩ nên học đúng cách. Tôi cho rằng, tiếng Việt vẫn là đầu tiên, là bước đệm rất tốt cho con học các ngôn ngữ thứ hai, thứ ba", cô Giang nói.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người cho hay, hiện nay các gia đình cho trẻ tiếp cận với các phương tiện máy móc sớm và quá phụ thuộc vào những phương tiện này, khiến trẻ bị loạn ngôn ngữ và các chức năng khác như: nghe, nói, đọc, viết.
Ông giải thích thêm, trẻ học ngoại ngữ phải có sự tương tác. Khi tiếp xúc nhiều và lâu với các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính... trẻ sẽ bị ức chế, gây nên stress làm đứt đoạn các tế bào thần kinh. Vì vậy, việc dẫn truyền các thông tin sẽ bị đứt đoạn.
"Chỉ chăm chăm học tiếng Anh: Đấy là sai lầm!"
Chia sẻ về việc học ngoại ngữ thế nào là phù hợp, cô Giang cho rằng, có rất nhiều nghiên cứu, các trường đại học đã chứng minh, nếu một người giỏi ngôn ngữ thứ hai thì trước hết phải giỏi tiếng mẹ đẻ.
"Các phụ huynh muốn cho con học tiếng Anh từ rất sớm là điều tốt nhưng trước hết phải tập trung vào tiếng mẹ đẻ. Điều này đã được khẳng định bởi rất nhiều nghiên cứu mang tính quốc tế từ các chuyên gia, các nhà sư phạm", cô Giang nói.
Cũng theo cô Giang, nhiều nơi trên thế giới, chẳng hạn như New Zealand, tiếng Maori chiếm 15% và họ bảo tồn tiếng Maori rất tốt và họ đưa vào tất cả các chương trình từ mầm non đến đại học để tất cả các học sinh đều được tiếp cận - kể cả những em không phải thuộc dân tộc Maori.
Có thể có tình trạng trẻ bị sang chấn tâm lý nếu ép buộc trẻ học ngoại ngữ không đúng cách. (Ảnh: vtv).
"Không những giới thiệu ngôn ngữ này, họ còn giới thiệu cả phong tục, tập quán để học sinh tiếp cận. Họ quan niệm, để giỏi được ngôn ngữ thứ hai, thứ 3, ngôn ngữ mẹ đẻ phải là hàng đầu và ưu tiên ngôn ngữ mẹ đẻ hàng đầu.
Ở Việt Nam, Bộ GD&ĐT luôn đưa chương trình tiếng mẹ đẻ vào nhà trường, để đứa trẻ trước hết phải giỏi tiếng mẹ đẻ đã, khi đó các em học tiếng Việt trên một nền tảng tốt", cô Giang nói.
Ngoài ra theo cô Giang, có thể để trẻ nói song song hai ngôn ngữ nhưng tốt nhất, không nên để trẻ chỉ chăm chăm nói mỗi tiếng Anh ở nhà, đấy là một sai lầm.
Còn PGS. TS Kỳ Anh cho rằng, sau một tuổi trở lên, trẻ có thể tiếp cận các ngôn ngữ rất tốt với điều kiện người chăm sóc trẻ phải tương tác chứ không phải dùng các phương tiện thay thế như điện thoại, máy tính...
"Có thể có tình trạng trẻ bị sang chấn tâm lý nếu ép buộc trẻ học ngoại ngữ không đúng cách. Cho dù học một tiết hay 2 tiết ngoại ngữ, nhưng phải bằng cách kết hợp giữa ngôn ngữ tiếng và ngôn ngữ cơ thể, trẻ sẽ "chụp hình" lại để "xử lý".
Nếu bố nói tiếng Việt, mẹ bé nói tiếng Anh thì trẻ vẫn có thể học được 2 ngôn ngữ này rất tốt. Nhưng trong một câu nói mà vừa nói tiếng Việt và tiếng nước ngoài thì không được, trẻ sẽ bị kích thích căng thẳng, gây "loạn", PGS Kỳ Anh cho biết.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Lùm xùm 'Tiếng Anh liên kết': Tiền chiết khấu được chi như thế nào? Theo đề án liên kết dạy học ngoại ngữ, liệt kê khá cụ thể mức chi 80% trên tổng tiền thu của học sinh, trong khi khoản 20% chiết khấu cho nhà trường lại chỉ ghi một cách chung chung. Trong khi đó việc phối hợp triển khai giữa nhà trường và các trung tâm ngoại ngữ vẫn còn nhiều bất cập cả...