Trẻ hạnh phúc khi đến trường, cô giáo Huyền cũng thấy vui
Học sinh như con của mình, thấy chúng ngày ngày được đến trường là niềm hạnh phúc. Khi trẻ hạnh phúc thì cô giáo cũng thấy vui.
Đó là những tâm sự chân tình của cô giáo Lương Thị Huyền (giáo viên Trường Tiểu học Tiên Lãng, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh.
Năm 1993, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh, cô Huyền về công tác tại Trường Tiểu học Tiên Lãng.
Đây là ngôi trường có 3 điểm trường lẻ gồm Cống To, Cái Mắt, Thuỷ Cơ và điểm trường chính ở gần trung tâm xã.
Những năm đầu công tác, khó khăn lớn nhất với các thầy cô giáo nơi đây là làm thế nào để vận động được các em người đồng bào dân tộc ít người ra lớp.
Năm nào cũng vậy, những tuần đầu tiên của năm học mới, ngoài công tác giảng dạy, các thầy cô phải đến từng nhà vận động học sinh ra lớp.
Cô giáo Lương Thị Huyền, giáo viên Trường tiểu học Tiên Lãng (huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Có thâm niên 22 năm đứng lớp tại Trường Tiểu học Tiên Lãng, cô Huyền hiểu rõ tâm tư, hoàn cảnh của gia đình em học sinh quanh vùng.
Cứ mỗi lần vào mùa hè, các em theo bố mẹ đi làm thêm kiếm tiền. Việc thuyết phục các em đến lớp chuyên cần là một vấn đề khó khăn.
Cô Huyền kể lại: Trong năm học 2018-2019, cô được Ban giám hiệu phân công giảng dạy và phụ trách tại điểm trường Cống To – một trong những vùng đặc biệt khó khăn của xã Tiên Lãng.
Điểm trường có 5 lớp với 47 học sinh, 100% là dân tộc Dao, trong đó 22 em thuộc hộ nghèo và cận nghèo.
Những ngày mùa đông các em không có đủ quần áo ấm đến trường. Thương các em, cô Huyền bằng những mối quan hệ, vận động nhà may đồng phục cho các em được 30 áo khoác, 40 chiếc áo trắng.
Video đang HOT
Cô còn vận động các thầy cô giáo tại điểm trường mua tặng giày, tất… cho các em trong những ngày trời rét để các em đủ ấm đến trường.
Gia đình em thuộc diện hộ cận nghèo của xã, hoàn cảnh lại éo le. Bố em mắc bệnh hiểm nghèo không có tiền chữa trị. Nhà lại đông anh chị em.Trong số những học sinh ở điểm trường này, cô Huyền đặc biệt nhớ em Tằng Thị Yên.
Dù rất muốn tới trường như bao bạn bè cùng trang lứa, nhưng khi học hết lớp 2, thấy hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, Yên đã có ý định bỏ học để theo mẹ đi biển kiếm tiền, trang trải cuộc sống và chữa bệnh cho bố.
Hiểu được tâm tư của em, cô giáo Lương Thị Huyền đã đến nhà để động viên em đi học.
Tình yêu nghề, sự tận tụy, ánh mắt trìu mến cùng với những cử chỉ gần gũi, chân tình, cô Huyền đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho Yên.
Hàng ngày, Yên đến trường trong vòng tay yêu thương của cô giáo và nhà trường nâng niu, giúp đỡ.
Không chỉ tích cực vận động học sinh ra lớp, cô Huyền còn tình nguyện đưa đón học sinh đến trường.
Những năm trước đây, người dân xã Tiên Lãng quen thuộc với hình ảnh cô giáo đón học sinh đến trường mỗi sáng.
Cô giáo Lương Thị Huyền vận động học sinh ra lớp tại điểm trường Cống To. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Hoàn cảnh gia đình em Trương Văn Thái (ở thôn Cái Mắt, xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên) vô cùng khó khăn.
Nhà em cách trường 10 km, bố mẹ không có điều kiện đưa đón. Sợ học trò không được đến lớp, cô Huyền nói với gia đình sẽ đưa em đến trường.
Vậy là mỗi sáng, Thái đi bộ khoảng 1 km ra đường lớn, cô Huyền qua chở em đến trường. Chiều tan học lại về cùng cô.
Một năm học kết thúc, Thái cũng bắt đầu chững chạc hơn, em có thể tự đi đến trường, cô Huyền lại tiếp tục trở đưa đón em Trương Trí Huy.
Giờ đây cả 2 em Thái và Huy đều đang theo học Trường Trung học cơ sở và học rất khá.
Cô Huyền tâm sự: “Học sinh như con của mình, thấy chúng ngày ngày được đến trường là niềm hạnh phúc. Khi trẻ hạnh phúc thì cô giáo cũng thấy vui”.
Tâm sự về nghề, cô Huyền chia sẻ, cô học được nhiều ở chính các em thông qua việc khích lệ óc sáng tạo của học sinh.
Cô dạy các em bằng tình yêu trẻ và đưa đến cho các em những khát vọng đầu đời như người đi gieo hạt giống để chờ mong những mùa quả ngọt.
Đối với cô, học sinh tiểu học như những hạt giống quý, nếu biết khơi dậy trong các em khát khao tìm hiểu thì các em sẽ sáng tạo không ngừng.
Khi các em tò mò khám phá, nếu giáo viên luôn biết khơi dậy tinh thần học hỏi của các em thì sẽ phát hiện và nuôi dưỡng được nhiều tài năng hơn cả thực tế.
Bí quyết của cô Huyền không gì khác ngoài phương châm “coi học trò như con em mình”.
Cô không nhớ rõ mình đã bao nhiêu lần đi vận động học sinh bỏ học, chỉ biết rằng những cô cậu học trò nhỏ ấy đã quay lại trường, tiếp tục theo đuổi con chữ, nhiều em tiếp tục học lên cao…
Vậy là cô vui lắm rồi. Đó là niềm vui, là động lực để cô Huyền tiếp tục bền bỉ trên con đường làm cầu nối con chữ cho học sinh.
TUẤN KIỆT
Theo giaoduc.net.vn
Nhà trường phải tạo hạnh phúc cho học sinh
Trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, chủ trương của ngành giáo dục là xây dựng mô hình: 'Trường học hạnh phúc - Thầy cô hạnh phúc - Học sinh hạnh phúc', với hai chỉ số quan trọng nhất trong mục tiêu giáo dục là hạnh phúc và tiến bộ.
Cần tạo một môi trường thân thiện, yêu thương để học sinh cảm thấy hạnh phúc mỗi ngày đến trường - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Trách nhiệm của nhà trường với học sinh (HS), bổn phận HS với nhà trường, thầy trò tôn trọng, dân chủ, văn minh... đã được nhà nước, ngành giáo dục quy định đầy đủ bằng văn bản luật, thông tư, điều lệ trường. Nhưng để những điều này thấm nhuần và thực hành hằng ngày đối với những người làm giáo dục và HS thì không dễ dàng.
Giúp học sinh một cuộc sống có ý nghĩa
Đối với một nhà trường, lý do để nó ra đời, tồn tại và phát triển là ở nhiệm vụ chính trị, xã hội của nó, mà trước hết là trách nhiệm với HS. Điều này đã được quy định ở Điều lệ trường tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Theo đó nhà trường tổ chức giảng dạy, học tập và hoạt động giáo dục đạt chất lượng theo mục tiêu, chương trình giáo dục phổ thông các cấp do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành.
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, mục tiêu này đã được xác định là giúp HS làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.
Nhà trường có trách nhiệm tiếp thu ý kiến HS bằng những hình thức phù hợp; có trách nhiệm trả lời, giải quyết thỏa đáng những vấn đề thuộc phạm vi của mình hoặc trình cấp trên nếu vượt quá phạm vi của trường. Mặt khác, trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, chủ trương của ngành giáo dục là xây dụng mô hình: "Trường học hạnh phúc - Thầy cô hạnh phúc - Học sinh hạnh phúc", với hai chỉ số quan trọng nhất trong mục tiêu giáo dục của trường là Hạnh phúc và Tiến bộ (vươn lên).
Còn bổn phận của trẻ em đối với nhà trường, đã được quy định tại điều 38, luật Trẻ em. Đó là tôn trọng giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, cơ sở trợ giúp xã hội và cơ sở giáo dục khác; Thương yêu, đoàn kết, chia sẻ khó khăn, tôn trọng, giúp đỡ bạn bè; Rèn luyện đạo đức, ý thức tự học, thực hiện nhiệm vụ học tập, rèn luyện theo chương trình, kế hoạch giáo dục của nhà trường, cơ sở giáo dục khác; Giữ gìn, bảo vệ tài sản và chấp hành đầy đủ nội quy, quy định của nhà trường, cơ sở trợ giúp xã hội và cơ sở giáo dục khác.
Thầy trò tôn trọng nhau và dân chủ, văn minh
Trong những năm gần đây, nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm xảy ra trong trường học như áp lực và tiêu cực thi cử, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại HS xảy ra trong trường học, lạm thu đầu năm,... Tất cả những vấn đề đều xuất phát từ nguyên nhân, nhà trường chưa thực sự tôn trọng, dân chủ và văn minh.
Vì vậy, cha mẹ và thầy cô cần giảng giải cho trẻ biết rằng, với thầy cô giáo ở trường con phải giữ tôn trọng, kính yêu. Bởi vì thầy cô, không chỉ là người dạy mà còn hướng dẫn con, giúp con biết ước mơ và vươn lên trong học tập và rèn luyện để thành người sau này. Tuy nhiên, quan hệ thầy trò ngày nay cần dân chủ hơn, học trò tôn trọng thầy cô và thầy cô tôn trọng học trò. HS có thể phát biểu ý kiến của mình, dù khác thầy nhưng vẫn được tôn trọng và cũng có quyền phản đối thầy cô, nếu cho hành động thầy cô chưa đúng, chưa công bằng. Nhưng HS vẫn giữ được thái độ đúng mực, lễ phép và tôn trọng. Thầy cô và học trò không có gì là bí mật, mọi chuyện phải được công khai rõ ràng. Nếu giữa thầy cô và các HS có chuyện bí mật, hoặc thầy cô làm điều không đúng quy định của nhà trường thì HS có thể cho cha mẹ biết.
Xác định rõ, đầy đủ trách nhiệm của nhà trường với HS, bổn phận của HS đối với nhà trường và xây dựng một môi trường an toàn, lành mạnh, dân chủ, tôn trọng thầy trò trong tình yêu thương là ba vấn đề quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Nói về trách nhiệm của trường bằng... thơ
Mới đây, trong một nghiên cứu về giáo dục phòng chống xâm hại cho HS, nhà giáo Hồ Sỹ Anh, Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), đã chuyển tải những điều này thành những bài thơ ngắn, giúp cho thầy cô, học trò dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng và thực hành hằng ngày. Chẳng hạn: Không chỉ nơi dạy của thầy/Mà nơi học tập ngày ngày học sinh (học là chính) /Giúp trò ứng xử thấu tình (phát triển phẩm chất)/ Hoạt động phát triển thông minh của mình (phát triển năng lực)/ Tiếp thu ý kiến học sinh/Giải quyết thỏa đáng hoặc trình cấp trên/ Giúp trò hạnh phúc, vươn lên/Hiểu mình, xã hội, mới nên con người/Dạy người, dạy chữ, hướng nghề/Trải nghiệm cuộc sống, hướng về tương lai.
Theo Thanh niên
Lai Châu tập trung vận động học sinh ra lớp đầy đủ, đúng độ tuổi Lai Châu là tỉnh miền núi, điều kiện giao thông đi lại khó khăn, địa hình đồi núi chia cắt, cơ sở vật chất giáo dục còn nhiều thiếu thốn, nhận thức người dân về việc đưa con em đến trường còn hạn chế. Vì vậy, việc vận động học sinh các cấp đến trường đầy đủ, đúng độ tuổi luôn là vấn...