Trẻ gập cổ có thể đột tử
Các bà mẹ thiếu kinh nghiệm chăm sóc có thể dẫn đến các nguyên nhân đột tử cho trẻ như nằm gối quá mềm, nằm gập cổ hoặc bế gập.
Điều này khiến trẻ không thể thở, tim ngừng đập. Những tư vấn dưới đây về tư thế nằm gối của các chuyên gia sẽ giúp bạn tránh được các hiểm họa cho trẻ.
Cổ gập dễ gây nghẹn thở
Theo BS Lê Tố Như, phó trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi TƯ, tình trạng trẻ đột tử hoặc cơ thể tím tái do nằm, bế không đúng cách không phải là nhiều nhưng cũng không hiếm. Hầu hết các trường hợp đều xảy ra do các bà mẹ không có kinh nghiệm chăm sóc con.
Ví dụ, các mẹ dùng gối mềm hoặc cho bé nằm gập cổ xuống quá mức khiến đường thở bị ngắt. Lúc này, trẻ sẽ không thở được dẫn đến tim ngừng đập và tử vong. Ngoài ra, khi bế bé không thẳng cũng có thể diễn ra tình trạng tương tự. “Nhiều bà mẹ cho bé nằm gập cổ khiến trẻ không thở được, mặt mày tím tái. Khi bác sĩ phát hiện ra mới cấp cứu may mắn qua khỏi”, BS Tố Như cho hay.
Bế trẻ sơ sinh cần đỡ gáy, tránh gập cổ.
Video đang HOT
ThS.BS Trương Ngọc Dương, chuyên khoa nhi, Học viện Quân y 103 phân tích, các bé khi cổ chưa nhấc được đồng nghĩa xương cổ, sụn còn mềm nên khi gối không hợp lý làm cổ bé bị gập lại. Tư thế nằm gấp như vậy sẽ gây chẹn vùng hầu họng khiến bé dễ bị sặc. Nắp thanh môn có thể ví như một cái lẫy nhỏ trong cổ họng. Khi ta hít thở nắp thanh môn sẽ mở ra cho không khí đi vào khí quản. Lúc này, nắp thanh môn sẽ đậy sang đường thực quản.
Ngược lại, khi ta ăn, nuốt thức ăn, nắp thanh môn lại mở thực quản và đậy sang khí quản để thức ăn không lọt vào đường thở. Nếu tư thế nằm của bé bị gập lại ở cổ, cản trở hoạt động của nắp thanh môn sẽ có nguy cơ dẫn đến việc trẻ bị sặc, thiếu oxy để thở.
Tư thế nằm gối an toàn
ThS.BS Trương Ngọc Dương nhấn mạnh thêm, để trẻ xảy ra các nguy cơ trên, chiếc gối nằm cũng là một trong các nguyên nhân. Bởi gối dễ ảnh hưởng đến trạng thái tư thế nằm của trẻ. Các bà mẹ cần chú ý lựa chọn gối cho trẻ: Không nên quá cao, quá mềm đến mức khi đặt trẻ nằm lên gối lún hẳn xuống.
Nên chọn gối nhỏ và dài, có độ cứng vừa phải, đặt gối sâu về phía gáy, sát với cổ vai. Cách đặt gối như vậy sẽ cho trẻ tư thế nằm dễ chịu nhất, cổ hơi ưỡn, ngửa ra sau 10 – 15 độ. Tư thế này cũng tương tự như lúc ta bế bé trên tay, vùng cổ gáy của bé được nâng đỡ trên cánh tay hoặc vùng lõm ở khuỷu tay sẽ giúp bé thoải mái và an toàn nhất. Ngoài ra, không nên dùng quá nhiều chăn gối, hay các tấm chắn mềm trong giường bé, bởi nếu bé vô tình quờ tay, vít vào mặt sẽ có nguy cơ gây cho bé khó thở.
Việc đặt vào giường bé những món đồ chơi, gối và chăn có thể sẽ là chướng ngại vật khiến cho hoạt động hô hấp của bé gặp khó khăn. Vì thế, các mẹ chỉ nên đặt những vật dụng thực sự cần thiết trong giường bé, còn không hãy để giường của bé thật thoáng đãng, ít đồ dùng.
“Có thể phát hiện trẻ khó thở bằng biểu hiện trên bề mặt như mặt bé tím tái, chân tay quờ quạng… Lúc này cần cấp cứu trẻ bằng nhiều biện pháp như cho trẻ nằm thẳng, để đường thở thẳng hoặc hơi ngẩng lên. Búng vào gan bàn chân hoặc xoa vào lưng để trẻ dễ thở. Đồng thời cần dùng dụng cụ bóng bóp để kích thích trẻ thở trở lại”, BS Tố Như hướng dẫn.
“Hãy đặt bé luôn nằm ngửa khi ngủ và tư thế này sẽ giữ an toàn cho bé và làm giảm đáng kể hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh khi ngủ. Chiếc đệm của bé phải vững chắc, bằng phẳng và không bị lún. Chăn đắp của bé là chăn ít lông, mềm mại, chỉ nên đắp cao lên đến ngực bé. Nên có tấm chẹn ở xung quanh giường cũi để bé không bị đụng đầu khi trở mình. Tuy nhiên, tấm nệm này cũng phải xử lý sao cho chúng không thể rơi xuống đè lên mặt làm bé ngạt thở”.
TS Benildo Guzman (giám đốc Viện Nghiên cứu giấc ngủ, thuộc Trung tâm Y tế tây Boca, Florida, Hoa Kỳ)
Theo PNO
Hà Nội: Dịch vụ bác sĩ gia đình đắt khách vì dịch bệnh
Mặc dù bệnh tay chân miệng chỉ xuất hiện rải rác ở miền Bắc nhưng nhiều bà mẹ vẫn sợ, không đưa con tới bệnh viện đông đúc khi có bệnh mà bấm bụng đưa con tới phòng khám, gọi bác sĩ gia đình...
Số bệnh nhi đến khám tại bệnh nhi TƯ không tăng đột biến và chủ yếu là ngoại tỉnh, những trẻ có bệnh mãn tính, khám định kỳ (Ảnh: H.Hải)
"Phong tỏa" con trong nhà
Suốt từ đầu hè tới nay, dù miền Bắc trải qua nhiều đợt nắng nóng nhưng tại các bệnh viện, số bệnh nhi tới khám không có sự tăng đột biến. Như tại bệnh viện Nhi TƯ, từ đầu hè tới nay không có thời điểm nào bệnh nhân tăng đột biến, luôn duy trì ở mức trung bình khoảng 2.000-2.500 bệnh nhân/ngày. Theo các bác sĩ, do thời tiết quá nắng nóng, lo con có thể lây nhiễm các bệnh lý khác nên nhiều gia đình đã mời bác sĩ về khám chữa cho con mình ngoài giờ hành chính.
"Mỗi lần gọi bác sĩ đến nhà là một mức phí khác nhau, phụ thuộc vào thời tiết, chủ yếu là 200-300 ngàn đồng/lần. Biết là không rẻ nhưng nếu đưa đi khám thì cũng phải taxi, rồi túi nọ túi kia... tính ra chi phí cũng ngang bằng mà con lại vất vả, rồi nguy cơ lây nhiễm bệnh", chị Loan (nhà CT2A, Xa La, Hà Nội) ngồi tính.
Chị Phương (Ngô Thì Nhậm, Hà Đông, Hà Nội) thì lại tính khác. Chị không mời bác sĩ đến nhà khi thấy con gái 7 tháng tuổi đi ngoài xì xoẹt 5-7 lần/ngày. Sau 3 ngày cho con uống men tiêu hóa không ăn thua, chị gọi dịch vụ xét nghiệm phân, nước tiểu tại nhà. Kết quả xét nghiệm không có gì bất thường khiến chị tin là chỉ cần uống uống men vài ngày nữa là bé khỏi.
"Phí khám bệnh giờ cũng tăng nhiều. Tính ra, tiền xe đi lại, tiền khám còn đắt hơn gọi bác sĩ đến nhà. Chưa kể, bế con đến đây mà lo nơm nớp khi nhìn thấy các bé khác sốt, ho, chỉ sợ con đã bị đi ngoài lại lây bệnh đường hô hấp thì khổ", chị Phương bộc bạch.
Một bác sĩ chuyên nhận khám bệnh tại nhà đang làm ở bệnh viện Xanh pôn chia sẻ, không hôm nào nhận được dưới 10 cuộc gọi nhờ tới nhà khám bệnh trong giờ nghỉ trưa, sau giờ làm. Khi nói qua tình trạng bệnh, tùy trường hợp mà bác sĩ nhận lời tới khám, còn những trường hợp bệnh diễn tiến nặng, hay phải có những xét nghiệm kèm theo thì luôn khuyên gia đình đưa bé tới viện khám, nhưng đa số rất ngại đến viện vì sợ con lây bệnh, nhất là thông tin về bệnh tay chân miệng ầm ĩ ở phía Nam. Vì thế, nhiều gia đình chấp nhận chi thêm tiền cho cả dịch vụ khám và xét nghiệm tại nhà.
Vẫn cần tới bệnh viện
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai, việc nhiều cha mẹ lựa chọn khám phòng khám, gọi bác sĩ tới nhà vì có nhiều thuận lợi hơn khi tới bệnh viện. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, chỉ những trường hợp thông thường mới khám tại phòng khám, còn khi cần có những xét nghiệm, chiếu chụp thì cha mẹ nên đưa bé tới viện.
Cùng quan điểm này, bác sĩ Đ, một bác sĩ chuyên khám tại nhà hiện đang công tác tại đại học Y Hà Nội cho biết, có nhiều trường hợp khi tới nhà khám, em bé sơ sinh khò khè, ho, sổ mũi, nghi ngờ viêm phổi, các bác sĩ cũng khuyên đưa bé tới viện, vì ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, diễn tiến bệnh có thể nhanh lên bất thường, chiều vừa khám bình thường tối đã có thể nặng lên. Những trẻ này cần tới viện khám, chiếu chụp để khẳng định có bị viêm phổi hay không để được chỉ định điều trị nội hay ngoại trú. Hay như xét nghiệm chức năng gan, thận, nhiều bé bị viêm cầu thận cấp, viêm thận nhưng không hề được phát hiện dù vẫn gọi bác sĩ, đi phòng khám khám các bệnh lý hô hấp thông thường vài tháng lần, thậm chí có tháng vài lần.
"Nhiều người có tâm lý ngại đông đúc, chờ đợi, sợ con lây bệnh khi tới viện nên sẵn sàng chi nhiều tiền để gọi bác sĩ gia đình. Đến viện là điều không ai mong muốn, nhưng cũng có thể phòng lây các bệnh hô hấp cho trẻ khi tới viện bằng cách rửa tay xà phòng thường xuyên cho con. Trước khi cho con ăn cũng cần rửa tay. Không để bé dùng tay chùi lên mặt, có thể động viên bé đeo khẩu trang khi ở chỗ đông người...Trong nhiều trường hợp, cha mẹ cần khắc phục những khó khăn này để đưa con tới viện khám với đầy đủ phương tiện máy móc, thiết bị cần thiết bé sẽ được chẩn đoán, điều trị, phát hiện bệnh kịp thời nhất", BS Dũng nói.
Theo Dân Trí