Trẻ em với những bất cập của công nghệ
Dường như trẻ em nói riêng và học sinh thời đại mới nói chung tiếp xúc quá sớm với công nghệ, với phương tiện hiện đại. Chính vì thế nên phần nào các em trở nên thụ động, xem nhẹ truyền thống và thiếu thực tế hơn.
Trẻ đã nghĩ và làm gì với công nghệ?
Buổi tối, như thường lệ, chị Lan (Gia Lâm – Hà nội) nhắc bé Phương (lớp 1, trường tiểu học bên Gia Lâm) con gái của mình ngồi vào bàn tập viết, nhưng bé vẫn nhõng nhẽo, phụng phịu không muốn vào. Một lúc sau, khi đã làm xong công việc của mình mà vẫn chưa thấy con ngồi vào bàn, chị hỏi “tại sao con không nghe lời mẹ thế hả Phương?”. Bé ậm ừ rồi trả lời “mẹ à! Tại sao lại phải tập viết, con thấy bố toàn đánh máy vi tính, chữ vừa đẹp lại vừa rõ ràng hơn nhiều so với chữ con viết đấy thôi.”
Câu trả lời của con gái làm chị không khỏi bất ngờ. Thực ra suy luận của bé Phương để biện hộ cho việc ngại tập viết của mình không sai, nhưng chị đã tận tình giải thích với con rằng “luyện chữ cũng là luyện người, nó giúp con kiên trì hơn, cẩn thận hơn và nét chữ thể hiện nết người con ạ!”
Sau khi nghe mẹ giải thích xong, mặc dù còn bướng bỉnh, song Phương miễn cưỡng ngồi vào bàn học luyện viết.
Không chỉ riêng bé Phương, thực tế hiện nay có rất nhiều em học sinh ngày càng xem nhẹ việc rèn luyện chữ viết cũng như tư duy thực tế. Viết sao cho đúng nét, đúng với quy định của cỡ chữ, kiểu chữ không còn được các em quan tâm nữa. Sỡ dĩ có những suy nghĩ như vậy bởi nhiều em cho rằng, tương lai tất cả phụ thuộc vào máy tính, mọi công việc đều thực hiện, thiết kế trên máy tính vì thế chữ viết truyền thống dường như trở nên hời hợt hơn.
Vân Anh (lớp 2 trường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) khi cô giáo ra đề bài: Em hãy miêu tả cây quất mà em đã nhìn thấy vào dịp tết. Những tưởng đó là đề bài khá dễ đối với Vân Anh, vì tết nào nhà em cũng có một cây quất trang trí trong nhà. Thế nhưng về nhà, Vân Anh loay hoay mãi mà không biết viết gì. Sắp đến hạn nộp bài mà không còn nhớ nhiều về hình ảnh cây quất. Cuối cùng bé nghĩ ra một cách đó là vào Google, rồi seach hình ảnh cây quất ra, vừa ngồi, vừa quan sát bé vừa viết ” …Cây quất cao hơn 1 mét. Quả quất to như quả bóng ten nít màu vàng cam, hoa quất màu trắng tinh và xòe cánh như những ông sao trên nền lá xanh…”. Cây quất của bé giờ không còn là cây quất thiên nhiên bé sờ thấy, cảm thấy mà đó là cây quất hình ảnh được cảm nhận qua mạng.
Là đứa trẻ được nuôi theo kiểu “công nghiệp”, rất ít khi Chi ( học lớp 5) được tiếp xúc với người ngoài hay đi chơi. Bố mẹ bận đi làm cả ngày, còn em ở nhà với ông bà, vì vậy sau khi làm xong bài tập, phần lớn Chi dành thời gian xem ti vi. Không thích xem ti vi nữa thì em lên mạng chơi trò chơi hoặc tìm những món đồ chơi ưa thích qua các trang web mua sắm dành cho trẻ và “đề xuất” với bố mẹ mua cho.
Hậu quả mà công nghệ số có thể mang lại
Có lẽ không chỉ riêng có Phương mà nhiều trẻ em khác cũng xem nhẹ việc luyện chữ, rèn người. Nhưng đó là vì các em chưa hiểu được những giá trị của nó. Chữ viết không đơn thuần chỉ là phương tiện thể hiện văn bản, phương tiện hành chính phục vụ cho quan hệ xã hội… mà chữ viết còn mang cả nền văn hóa của mỗi dân tộc, là dấu hiệu nhận biết của mỗi quốc gia. Nó mang dấu ấn riêng, bản sắc riêng của chính đất nước mà các em đang sống.
Còn Chi hay Vân Anh có thể máy tính, internet sẽ mang lại một số tiện ích trước mắt cho các em, tuy nhiên nếu quá lạm dụng và thiếu sự kiểm soát của người lớn có thể đó cũng trở thành nguyên nhân biến các em mất đi sự sáng tạo, thiếu thực tế và biết đâu các em có thể lạc vào những trang web xấu.
Có thể nhận thấy rằng, cách tư duy của các em hiện nay một phần do sự thay đổi của thời đại, điều này không thể trách trẻ được. nhưng quan trọng hơn là do thiếu sự quan tâm của bố mẹ, và phần nào thiếu sự định hướng tư duy của nhà trường . Vì vậy, hơn ai hết trách nhiệm của những người làm cha, làm mẹ cùng với sự quan tâm của nhà trường cần giúp các em nhận thức được những giá trị của chữ viết, của văn hóa và cảm nhận thực tế. Có vậy thì việc học mới trở nên hiệu quả hơn.
Theo Dân Trí