Trẻ em Philippines có thể khốn khó cả đời khi trường đóng cửa do dịch
Mất mát chồng chất lên trẻ em nghèo ở Philippines khi trường học đóng cửa triền miên. Các em không có thiết bị để học trực tuyến hoặc chất lượng kiến thức không đảm bảo.
Theo Channel News Asia , Philippines sẽ thí điểm cho học sinh tại 120 trường đi học trở lại vào tháng tới. Nhưng với cậu bé 12 tuổi Jonathan Mapa và khoảng 2,3 triệu trẻ em bỏ học từ tháng 3 năm ngoái, mọi thứ đã quá muộn.
Hồi trường học mới đóng cửa, Jonathan dùng điện thoại của chị gái để học online. Việc học của em chấm dứt khi chị chuyển đến thành phố khác để đi làm. Giữa đại dịch và mối lo gạo, muối, nước sạch, gia đình em không thể mua thêm chiếc điện thoại khác.
“Nhà em còn không có tiền mua đồ ăn. Em từng ghen tỵ với những bạn có điện thoại để học”, cậu bé 12 tuổi bật khóc. Chín tháng trước, em bắt đầu làm việc để phụ giúp gia đình.
Nhưng với những đứa trẻ may mắn có thể tiếp tục việc học, khó khăn vẫn không hề ít. Các cuộc khảo sát cho thấy chất lượng dạy học từ xa rất kém.
Theo các chuyên gia, cái giá cho việc đóng cửa trường học tại Philippines là hàng chục năm tiếp theo sống trong nghèo khó đối với những đứa trẻ như Jonathan Mapa. Và cuộc khủng hoảng học tập có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế nước này trong 40 năm kế tiếp.
Nhiều người bỏ học sẽ trở thành lực cản của xã hội
Trước đại dịch, ông Jonathan Mapa Sr., bố của Jonathan Mapa, làm nghề xe ôm. Thu nhập không lớn nhưng đủ cho gia đình họ mua thức ăn, chi trả hóa đơn, đóng học phí và cho con trai 10 peso (hơn 4.000 đồng) tiền tiêu vặt mỗi ngày. Hiện tại, ông thậm chí không kiếm nổi tiền để trả tiền thuê nhà, điện, nước.
Nhiều đứa trẻ ở Tondo, Manila, bắt đầu nhặt rác kiếm sống khi dịch Covid-19 bùng phát song người đàn ông 47 tuổi không muốn con trai phải làm công việc nguy hiểm đó.
“Ngày nọ, tôi về nhà, hỏi vợ con ở đâu mới biết con đã đi nhặt rác. Thằng bé không xin phép vì biết tôi sẽ không đồng ý. Nó còn quá nhỏ, có thể gặp tai nạn hay bị chính quyền bắt”, ông Mapa Sr. kể.
Trên chiếc xe đạp cũ, dù đói bụng, Jonathan vẫn nỗ lực kiếm tiền mỗi ngày với hy vọng có thể đi học trở lại. Ảnh: CNA.
Trong các đợt phong tỏa, chính phủ hỗ trợ các gia đình nghèo khó khoảng 78 USD/tháng. Con số này chỉ bằng một nửa thu nhập từ công việc chạy xe ôm của ông Mapa.
Chính phủ cũng nỗ lực giúp trẻ em nghèo khi hỗ trợ máy tính bảng. Ông bố 47 tuổi xếp hàng dài chờ đợi nhưng thiết bị đã được phát hết trước khi ông kịp nhận một chiếc cho con trai.
Video đang HOT
Cậu bé 12 tuổi vẫn chưa từ bỏ ước mơ học hành dù em không biết làm thế nào để đi học trở lại. Thực tế, em đã dành dụm một phần tiền kiếm được từ công việc nhặt rác để ngày nào đó có thể tiếp tục đến trường. Mỗi ngày, em ôm bụng đói rong ruổi trên chiếc xe đạp cũ nhưng chỉ kiếm khoảng 0,4 USD.
Khó khăn chưa dừng lại ở đó. Ngay khi em tiết kiệm được 29,5 USD, mẹ em ngã bệnh và cần đến số tiền này để mua thuốc.
Jonathan Mapa không phải trường hợp duy nhất gặp khốn khó do dịch. Các nhà quan sát cho rằng chính phủ Philippines đã bỏ qua những tác động của đại dịch lên thế hệ trẻ và việc đóng cửa trường học sẽ tổn thương cả một thế hệ.
“Tôi không muốn quá bi quan nhưng tôi nghĩ chúng ta cần nhìn nhận rằng đất nước đang đối mặt không chỉ với cuộc khủng hoảng học tập mà là cả cuộc khủng hoảng thế hệ sẽ ảnh hưởng tới tất cả thành phần xã hội”, TS Edilberto De Jesus, nhà nghiên cứu cao cấp tại Ateneo (trường đào tạo sau đại học về hành chính công), nói.
Tháng 5/2020, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từng tuyên bố sẽ không cho phép học sinh đi học trở lại khi chưa có vaccine, kể cả việc đóng cửa sẽ khiến không ai tốt nghiệp.
Đến nay, nước này ghi nhận hơn 2,7 triệu người mắc Covid-19, 40.000 người chết vì SARS-CoV-2 và mới chỉ tiêm vaccine cho chưa đến 25% dân số. Ngoài Venezuela, Philippines là nước duy nhất chưa mở cửa trường học.
TS De Jesus cảnh báo nếu chính phủ không quan tâm đến 26 triệu học sinh, sinh viên của cả nước, hàng loạt em sẽ bỏ học, thậm chí trở thành “lực cản lớn cho xã hội” trong tương lai.
Vincent Ramos, nghiên cứu sinh ngành Chính sách kinh tế tại trường Hertie (Berlin, Đức), đánh giá đóng cửa trường học trên cả nước không phải cách làm đúng đắn khi không phải địa phương nào cũng có dịch.
Vấn đề sức khỏe tâm thần khi học tập trực tuyến
Với những đứa trẻ đủ điều kiện để học trực tuyến, tình hình cũng không hoàn toàn tốt đẹp.
Cuối tháng 6, đầu tháng 7 năm nay, EQuRe Education Movement thực hiện khảo sát đối với 6.000 giáo viên, học sinh, phụ huynh. Kết quả cho thấy 73% trong số 1.299 học sinh tham gia khảo sát khẳng định các em không vào được lớp học trực tuyến hoặc vào muộn. Phần lớn cho biết kết quả học tập không bằng hồi đến trường.
Judith Damiar vẫn mơ ước trở thành cảnh sát dù việc học từ xa rất khó khăn. Ảnh: CNA.
“Rõ ràng, việc thiếu các nguồn lực dạy học cũng như chương trình giảng dạy trực tuyến được thiết kế không hợp lý đã khiến việc học online không hiệu quả”, nhóm EQuRe Education Movement kết luận.
Judith Damiar, 14 tuổi, chứng kiến điểm số liên tục giảm trong thời gian học trực tuyến. Gia đình em sống ở Wawa thuộc tỉnh Rizal. Tại đây, kết nối Internet rất kém hoặc không có. Hàng tuần, giáo viên phát bài in trên phiếu để học sinh tự học.
Nếu không hiểu bài, Judith không biết hỏi ai. Thầy cô không ở cạnh trong khi bố mẹ lại chưa từng học hành.
“Thỉnh thoảng, bài tập cứ xoay vòng trong não em. Em đau lòng vì điểm số liên tục giảm trong khi bố mẹ em đang nỗ lực để em không phải bỏ học”, nữ sinh chia sẻ.
GS Lizamarie Campoamor-Olegario, nhà nghiên cứu đứng đầu SEQuRE, cho biết những cảm xúc như vậy có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần lên trẻ em, thanh thiếu niên như stress, lo âu thái quá, trầm cảm, hoảng loạn.
“Các em gặp vấn đề như vậy do quá tải trong việc học cũng như công việc gia đình, sự thiếu hụt hoặc mất hẳn tương tác xã hội, không thể hiểu bài khi học trực tuyến. Hoặc các em gặp khó khăn trong việc tự học”, bà cho hay.
Những mất mát cho 40 năm kế tiếp
Hồi tháng 9, Cơ quan Kinh tế và Phát triển Quốc gia Philippines ước tính thiệt hại từ việc học sinh bỏ học hay phụ huynh bị giảm lương khi gác lại công việc để kèm cặp con học online sẽ lên tới 11 nghìn tỷ peso (gần 5 triệu tỷ đồng) trong 40 năm tiếp theo.
Trong vòng 40 năm đó, thiệt hại do tử vong, ốm đau, không thể điều trị các bệnh liên quan đến Covid-19 tại Philippines ước tính lên đến 4,5 nghìn tỷ peso.
Hậu quả của dịch cho tương lai được nhìn thấy từ những học sinh, sinh viên bỏ học.
Juriel Natividad phải bỏ học khi mẹ mất việc. Ảnh: CNA.
Trước dịch, gia đình Juriel Natividad (ở tỉnh Rizal) hoàn toàn đủ khả năng để con trai theo học trường tư thục. Chàng trai 19 tuổi lẽ ra là sinh viên năm hai ngành Điện ảnh chứ không phải bỏ học giữa chừng khi mẹ, nhân viên massage tại UAE, thất nghiệp.
Hiện tại, Juriel chăm lo cửa hàng nhỏ của gia đình và chỉ kiếm đủ để chi tiêu cho các nhu cầu cần thiết. Cậu muốn kiếm việc khác nhưng rất khó.
Dù không tức giận khi con trai bỏ học, mẹ cậu rất thất vọng. “Sau tất cả những năm mẹ hy sinh, nỗ lực hết sức để tôi học hành tử tế, trong khoảnh khắc, mọi chuyện kết thúc như vậy”, Juriel tâm sự.
Chàng trai trẻ hy vọng chính phủ sẽ giúp trẻ em đến trường trở lại và cho những người như cậu cơ hội tìm kiếm việc làm. Thế hệ của Juriel đang gánh chịu những bất ổn tồi tệ nhất, không thể tránh khỏi cảm giác lo lắng, chán nản khi nghĩ về những khó khăn hiện tại.
Trong khi đó, việc cho học sinh đi học trực tiếp không suôn sẻ. Trang tin Rappler của Philippines cho hay 59 trường công lập có đủ điều kiện để thí điểm mở cửa trở lại nhưng sau đó, 29 trường rút khỏi kế hoạch do chính quyền địa phương và phụ huynh không ủng hộ việc cho trẻ đến trường. Các trường cần có sự đồng ý bằng văn bản từ phụ huynh, học sinh để mở cửa.
100 trường công lập, 20 trường tư thục khác có thể tham gia chương trình thí điểm dự kiến kéo dài đến ngày 31/1/2022. Bộ trưởng Giáo dục Leonor Briones cho hay nếu mọi thứ thuận lợi, nhiều trường khác sẽ mở cửa.
Đứng trước những khó khăn mà thế hệ tương lai đã, đang, sẽ gặp phải, TS De Jesus cho rằng chỉ có giáo dục mới mang lại hy vọng để trẻ em nghèo cải thiện vị thế.
Ông Mapa Sr. cũng ước con trai có thể kiếm một tấm bằng sư phạm, trở thành giáo viên hoặc ít nhất có thể học hành tử tế. Đó là thứ duy nhất ông có thể làm cho con.
Trường học đóng cửa 2 năm, Philippines lún sâu trong khủng hoảng giáo dục
Các lớp học ở Philippines hôm 13/9 vẫn vắng lặng khi hàng triệu học sinh tiếp tục ở nhà và học trực tuyến.
Đây là năm thứ hai các trường học ở Philippines đóng cửa và học sinh phải học từ xa. Các chuyên gia lo ngại rằng, điều này sẽ khiến cuộc khủng hoảng giáo dục tại đây thêm trầm trọng.
Theo trang CNA, trong khi gần như mọi quốc gia trên thế giới đã mở cửa một phần hoặc toàn bộ trường học để học trực tiếp, Philippines vẫn đóng cửa. Liên Hợp Quốc cho biết, Philippines đóng cửa các trường học từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho tới giờ vẫn bác bỏ các đề xuất về việc mở cửa thí điểm trường tiểu học và phổ thông cơ sở, vì sợ trẻ em có thể mắc Covid-19 rồi lây nhiễm cho những người cao tuổi trong gia đình.
"Cháu muốn tới trường", Kylie Larrobis nói. Cô bé cho biết vẫn chưa biết đọc sau một năm học trực tuyến tại một căn hộ nhỏ ở thủ đô Manila. "Cháu không biết lớp học như thế nào, cháu chưa nhìn thấy lớp học bao giờ".
Mẹ của Larrobis cho biết, con gái cô đã khóc khi không thể hiểu các bài giảng trực tuyến mà bé học qua điện thoại. Nỗi khổ của bé gái này còn tăng thêm bởi lệnh cấm trẻ em vui chơi ngoài trời.
Tháng 10/2020, chương trình học kết hợp, gồm các lớp học trực tuyến, tài liệu in và bài giảng phát trên truyền hình, mạng xã hội đã được khởi động tại Philippines. Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề đã xảy ra: hầu hết học sinh Philippines không có máy tính hay internet tại nhà.
Viện dẫn một cuộc khảo sát gần đây, quan chức phụ trách giáo dục của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Philippines là Isy Faingold cho biết, hơn 80% bậc phụ huynh ở Philippines lo lắng con cái họ không tiếp thu được nhiều.
Khoảng 2/3 số phụ huynh học sinh ủng hộ mở cửa lại các lớp học ở những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm thấp. "Học từ xa không thể thay thế học trực tiếp. Trước Covid-19, đã có một cuộc khủng hoảng giáo dục... Mọi việc sẽ tồi tệ hơn", Faingold cho biết.
Theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), khả năng đọc, làm toán và học khoa học của lớp học sinh 15 tuổi tại Philippines là gần chạm đáy. Hầu hết học sinh Philippines học ở trường công, nơi các lớp học lớn, phương pháp giảng dạy lỗi thời, thiếu đầu tư hạ tầng cơ bản như nhà vệ sinh. Tình trạng đói nghèo cũng khiến học sinh ở nước này bị tụt sau các quốc gia khác.
Theo các số liệu thống kê chính thức, số học sinh nhập học vào tháng 9/2020 giảm xuống còn 26,9 triệu em, và kể từ đó đã giảm thêm 5 triệu em nữa.
Việc học từ xa cũng ảnh hưởng tới sức khoẻ tâm thần và sự phát triển của trẻ em. "Việc bị cách ly xã hội lâu dài có liên quan chặt chẽ với các bệnh về tâm lý và cô đơn ở trẻ", Rohdora Concepcion thuộc Hiệp hội Tâm thần trẻ em và thanh thiếu niên Philippines cho biết.
Trẻ em Philippines đối mặt "cuộc khủng hoảng học tập" trong đại dịch Covid-19 Một năm vật lộn với đại dịch, các trường học trên khắp Philippines vẫn đang đóng cửa khiến quốc gia này phải đối mặt với cuộc "khủng hoảng học tập". Cuộc khủng hoảng học tập Lo sợ những người trẻ tuổi có thể nhiễm virus và trở thành nguồn lây bệnh cho người thân, Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte đã từ chối...