Trẻ em Nhật mới học lớp 1 đã tự làm những việc mà rất nhiều cha mẹ không dám cho con làm
Phương pháp giáo dục đặc biệt của người Nhật đã khiến những đứa trẻ trở nên độc lập ngay từ khi còn rất nhỏ. Cha mẹ Nhật có thể để con tự đến trường và tự bắt xe buýt đi học.
Ở Nhật, trẻ em từ lúc 3 tuổi đã tự đi xe buýt đến trường mẫu giáo. Đến 5 hoặc 6 tuổi, các em thường đi phương tiện công cộng hoặc đi bộ đến trường mà không có bố mẹ.
Điều này ở Nhật Bản là rất bình thường, nhưng đối với các nước khác lại là cả một sự kinh ngạc. Tại sao trẻ em Nhật Bản lại có thể tự lập, không mè nheo hay bám gấu áo mẹ khi vẫn còn quá nhỏ tuổi như thế?
Tất cả đều là nhờ những bí kíp dạy con độc lập vô cùng sáng suốt của các ông bố, bà mẹ Nhật.
Học cách buông tay con
Theo nghiên cứu từ Tổ chức An toàn Quốc gia (SRTS) có trụ sở tại Hoa Kỳ, chỉ 1,7% học sinh Nhật Bản đi xe buýt và một số trường cấm việc đưa đón học sinh đi học bằng ô tô. Ở Nhật, đi bộ đến trường là điều cần thiết với mọi trẻ em.
Tuy nhiên, trẻ em Nhật không đơn giản là chỉ ra cửa và cứ thế đi bộ, tìm đường đến trường. Việc các em có thể tự đến trường là kết quả của quá trình rèn luyện tính độc lập cho con của bố mẹ Nhật. Và quá trình này được rèn luyện qua nhiều tuần thực hành.
Đầu tiên, các em được mẹ nắm tay đến trường, gặp gỡ các chủ cửa hàng trên đường đi, rồi ghi nhớ các cột mốc. Những ngày đầu, bố mẹ sẽ lén đi theo đằng sau để kiểm tra xem con đã đi đúng hướng chưa. Khi thấy con có thể nhớ được chính xác đường đến trường, bố mẹ mới bắt đầu buông tay con.
Sự tin tưởng cộng đồng
Điều tuyệt vời nhất ở Nhật là cộng đồng xã hội ở đây rất đoàn kết và luôn giúp đỡ thúc đẩy sự độc lập của trẻ em. Nếu hàng xóm nhìn thấy một đứa trẻ đang đi bộ hoặc chơi một mình, họ sẽ không gọi cảnh sát. Cảnh sát nhìn thấy cũng sẽ không bắt bố mẹ vì tội để con lang thang ngoài đường.
Thay vào đó, tất cả sẽ giúp đỡ đứa trẻ đi đúng đường về nhà. Khi phó giám đốc của SRTS đến Tokyo vào năm 2011 để nghiên cứu về các phương pháp giáo dục của Nhật Bản, ông nhận ra, sự tham gia của cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng trong sự độc lập của trẻ nhỏ.
Nhờ có sự giúp đỡ của cộng đồng mà bố mẹ Nhật cảm thấy tự tin hơn khi cho con cái tự đi học.
Con đường đến trường của một đứa trẻ Nhật Bản thường có nhiều “tình nguyện viên” giúp đỡ rất nhiệt tình. Các em có thể vào các cửa hàng để hỏi đường, chạy vào nhà dân xin trợ giúp trong tình huống khẩn cấp. Thậm chí trong khu phố còn có cả tiếng chuông nhắc nhở trẻ em đang đi chơi ở ngoài đường nhớ về nhà khi trời đã tối.
Tất cả những điều đó khiến trẻ em có thể phát huy tính độc lập trong khuôn khổ an toàn.
Nhà trường và gia đình kết hợp để giáo dục trẻ
Ở Nhật, không chỉ bố mẹ mà nhà trường, giáo viên cũng kết hợp cùng để giáo dục trẻ tính tự lập.
Sau buổi học đầu tiên tại một trường mẫu giáo ở Nhật Bản, rất nhiều em học sinh đã gặp khó khăn trong việc dọn dẹp đồ chơi. Khi được giáo viên hỏi tại sao không tự dọn thì nhiều em hồn nhiên trả lời: “Ở nhà toàn mẹ em dọn”. Khi nghe câu nói đó, cả học sinh và giáo viên đều bật cười.
Kể từ đó, để đảm bảo các em có trách nhiệm dọn dẹp ở nhà, trường học và giáo viên sẽ hướng dẫn, dạy dỗ bằng cách tập cho các em việc dọn dẹp ở trường. Dần dần, các em học được tính tự lập, và không còn trông chờ vào mẹ giúp đỡ mình dọn dẹp nữa.
Độc lập là một bài học suốt đời
Độc lập là một hành trình dài và thấm nhuần các kỹ năng này sớm sẽ mang đến cho trẻ sự tự tin cần thiết để làm chủ không chỉ nhiệm vụ đơn giản như đi bộ đến trường mà còn cả các thử thách khó khăn sau này.
Ở Nhật Bản, bố mẹ sẽ giúp con thành thạo từng bước trong quá trình tự lập bằng việc cho chúng cơ hội và động lực để hoàn thành các nhiệm vụ trong suốt cuộc đời. Có một chương trình truyền hình rất nổi tiếng ở Nhật tên là “Hajmete No Otsukai” (Nhiệm vụ đầu tiên của tôi).
Trong chương trình này, trẻ em 4 tuổi sẽ được giao hoàn thành các nhiệm vụ cho gia đình như mua đồ tạp hóa…Tự làm công việc lặt vặt một mình sẽ giúp trẻ thúc đẩy tốt các kỹ năng tự lập.
Theo Helino
Giáo dục đạo đức cho HS-SV: "Khoảng trống" trong sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường
Tại hội thảo "Nhà trường, gia đình và xã hội với giáo dục đạo đức công dân cho học sinh, sinh viên trong bối cảnh hiện nay" vừa diễn ra tại tỉnh Bạc Liêu, PGS.TS Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) đã nêu ra một số "khoảng trống" trong sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng, trước khi đến với nhà trường, trẻ em đều ảnh hưởng bởi giá trị truyền thống đạo đức hình thành trong gia đình. Khi đến trường, các em sẽ được đặt trong môi trường giáo dục có hệ thống, có mục tiêu,...
"Rất nhiều gia đình khi cho con em đến học tập ở trường, nhưng lại chưa chuẩn bị sẵn sàng sự phối hợp để hòa nhập mục tiêu giáo dục của trường. Hay nói cách khác, có tồn tại mục tiêu giáo dục gia đình đang không đồng nhất với mục tiêu của nhà trường, một bộ phận gia đình chưa lĩnh hội được mục tiêu, phương pháp giáo dục của nhà trường đối với con em mình", bà Thơ nói.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng, có nhiều "khoảng trống" trong sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong giáo dục các em học sinh.
Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, qua nghiên cứu hơn 8.000 mẫu (phiếu thăm dò, đánh giá-PV) tại 10 trường ở Hà Nội và Hải Phòng cho thấy, trong khi mục tiêu nhà trường giáo dục con người trọng tâm vào kiến thức, kỹ năng, thái độ thì một bộ phận không nhỏ gia đình đang "chấp chới" giữa 2 mục tiêu, một là thành tích học tập và hai là không có mục tiêu gì cả.
"Nhiều phụ huynh đang không hiểu rõ việc giáo dục của gia đình quan trọng như thế nào. Khi được hỏi thì hầu hết đều trả lời "trăm sự nhờ các thầy các cô". Tuy nhiên, có trường hợp cho rằng nhà trường dạy người trước khi dạy chữ, nhưng khi chúng tôi đặt câu hỏi ngược lại là dạy người được đo lường như thế nào thì hầu hết phụ huynh không trả lời được", PGS.TS Chu Cẩm Thơ nêu thực trạng.
Trong khi đó, mặc dù các trường học rất quan tâm đến giáo dục đạo đức cho học sinh, tuy nhiên trong đánh giá đo lường cũng như biện pháp thì lại xem nhẹ được thể hiện ở nhiều tiêu chí.
"Trong việc lượng hóa kết quả học tập của học sinh, chỉ quan tâm thành tích học tập, một luật bất thành văn đó là rất nhiều giáo viên dựa vào kết quả học tập của học sinh mà đánh giá sang hạnh kiểm của học sinh. Nói đơn giản là nếu học sinh có học lực giỏi thì các em sẽ được hạnh kiểm khá trở lên, nhưng nhiều em có học lực giỏi thì chưa chắc là người tu dưỡng, có hạnh kiểm tốt", PGS.TS Chu Cẩm Thơ nêu một tiêu chí.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ phát biểu về giáo dục đạo đức HS-SV
PGS.TS Chu Cẩm Thơ viện dẫn, như ở Nhật Bản việc giáo dục đạo đức được cụ thể hóa 3 vấn đề mà chúng ta có thể thực hiện được trong bối cảnh hiện nay. Đó là các tài liệu hướng dẫn cha mẹ học sinh nhận biết được chuẩn mực đạo đức, cũng như thể hiện bên ngoài hành vi của các em như thế nào.
Họ thực hiện giờ giáo dục mở với sự tham gia của gia đình, tổ chức xã hội, địa phương, tạo ra hệ sinh thái rất tốt. Khi các tổ chức xã hội và gia đình hiểu được ở lớp các em đang học thế nào, ở nhà cần phải làm gì để tạo môi trường giáo dục tốt nhất.
"Cái nữa là họ có chế tài rất khắt khe đối với vai trò của cha cha mẹ trong giáo dục các con. Việc này ở Việt Nam có quy định trong luật trẻ em, tuy nhiên chúng ta chỉ thực hiện việc chế tài này khi xảy ra vấn đề phạm tội, chứ chưa dự phòng được dấu hiệu chuẩn bị như thế nào", bà Thơ nêu ý kiến.
Trước những "khoảng trống" trong giáo dục đạo đức công dân cho HS-SV được nêu ra, PGS.TS Chu Cẩm Thơ đề xuất, trong thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, cần cụ thể hóa mục tiêu giáo dục của gia đình trong giáo dục của trường; hướng phụ huynh trong việc giáo dục HS-SV, trong đó Tiểu học tập trung giáo dục nề nếp và kỷ luật, còn Trung học cơ sở tập trung hành vi thích ứng và chịu trách nhiệm xã hội.
"Nhà trường cần tổ chức các hoạt động mở để tất cả phụ huynh và các tổ chức xã hội được tham gia học những bài học mẫu, được phản biện và xây dựng mục tiêu giáo dục của họ", PGS.TS Chu Cẩm Thơ nói.
Còn TS. Trần Thanh Pôn (nguyên cán bộ Viện khoa học giáo dục Việt Nam) cho rằng, có một tiêu chí trước đây gọi là "điển hình tiên tiến" để giáo dục đạo đức có thể đã xa xưa, nhưng vẫn còn đúng bất kỳ ở thời gian nào, đó là làm gương.
"Cha mẹ, thầy cô giáo, xã hội phải làm gương và lấy cái gương đó để dẫn dắt các em nhỏ cho đến lớn sống theo phẩm chất, lẽ phải của con người. Còn nếu gia đình, xã hội, thầy cô giáo sai thì rõ ràng không giáo dục được đạo đức cho các em", TS. Pôn nhấn mạnh.
Huỳnh Hải
Theo Dân trí
Bà mẹ để 4 con tự quyết định mọi thứ từ ăn uống đến cả việc có thích đi học hay không, kết quả ngoài sức tưởng tượng Bà mẹ người Mỹ đã dạy con theo cách "1 không 2" khi cô tự cho con quyết định từ việc ăn gì, mấy giờ ngủ, học ở trường hay ở nhà. Nhưng nếu tìm hiểu kỹ, cách giáo dục của cô lại có rất nhiều điểm hay và đáng học hỏi. Cho con tự quyết định việc ăn, học, chơi Dayna Martin,...