Trẻ em học hành kiệt sức, thể thao Hàn khó có ‘Son Heung Min’ thứ hai?
Quan niệm kỳ thi đại học quyết định tương lai và sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp bạc bẽo, nhiều rủi ro khiến nhiều cha mẹ Hàn Quốc ngăn cấm con cái theo đuổi đam mê chơi thể thao.
Zing.vn trích dịch bài đăng trên South China Morning Post, đề cập đến câu chuyện nền thể thao tại đất nước Hàn Quốc đối mặt với nguy cơ thiếu vắng các tài năng trẻ. Học sinh nước này dành phần lớn thời gian “vùi đầu” vào hàng tá sách vở, bài kiểm tra, làm mọi cách để đỗ đại học và coi thời gian chơi bóng đá là xa xỉ, lãng phí.
Tại thành phố Paju, cách Seoul một tiếng lái xe, một nhóm trẻ em mặc áo số đang miệt mài chạy quanh sân bóng, luyện tập các kỹ năng chuyền bóng, rê bóng và sút bóng.
Những đứa trẻ là một trong số hơn 250 thành viên của Paju FC Friends, chương trình bóng đá dành cho các cầu thủ trẻ do huấn luyện viên Jo Ki Jung và 5 người khác điều hành. Ông Jo từng là một cầu thủ chuyên nghiệp.
Người đàn ông 36 tuổi cho hay sự hứng thú với môn thể thao vua có xu hướng tăng lên khi người Hàn chứng kiến Son Heung Min và đồng đội đánh bại “cỗ xe tăng” Đức tại vòng chung kết World Cup vào năm ngoái.
Còn đội trẻ quốc gia cũng giành chức á quân tại giải World Cup cho lứa tuổi dưới 20.
Hàn Quốc là đất nước nhiều lần ghi danh bảng vàng tại các đấu trường thể thao quốc tế. Từ Thế vận hội Olympic mùa hè 2004, Hàn Quốc chưa bao giờ trượt khỏi top 10 các quốc gia đạt nhiều huy chương nhất.
Thời gian chơi thể thao là xa xỉ, lãng phí
Nhiều tên tuổi của làng thể thao xứ kim chi vang danh thế giới ở các bộ môn bóng đá, bóng chày.
Năm 2015, Son Heung Min trở thành cầu thủ châu Á có giá trị chuyển nhượng cao nhất trong lịch sử khi đặt bút ký hợp đồng với câu lạc bộ Tottenham Hotspur với số tiền 22 triệu bảng Anh.
Tháng 6 vừa qua, ngôi sao bóng chày Ryu Hyun Jin là người Hàn Quốc đầu tiên góp mặt tại giải đấu nổi tiếng Major League Baseball All-star Game của Mỹ.
Tuy nhiên, trên thực tế, Hàn Quốc không phải là nơi người dân có hứng thú quá nhiều với thể thao.
Hàn Quốc nắm giữ vị trí thành tích cao tại các kỳ Thế vận hội, song người dân nước này không coi sự nghiệp thi đấu thể thao là điều đáng theo đuổi. Ảnh: Yonhap News.
Chỉ có số ít những vận động viên nổi bật được nhận nguồn tài trợ dồi dào từ các nhãn hàng và chính phủ với kỳ vọng mang thành tích về cho đất nước.
Video đang HOT
Số lượng các cầu thủ trẻ may mắn được tuyển trạch viên phát hiện ra tài năng từ sớm và đưa ra nước ngoài để tập luyện chuyên nghiệp vẫn ở mức hạn chế.
Theo Lee Ki Kwang, giáo sư Giáo dục Thể chất tại Đại học Kookmin (Seoul), khoảng cách giữa thành tích thể thao Hàn Quốc trên đấu trường thế giới và sự thiếu quan tâm đến thể thao ở quê nhà đều bắt nguồn từ hệ thống giáo dục nhồi nhét tại xứ sở kim chi.
Chỉ có 3% người Hàn chơi golf, tỷ lệ với các môn thể thao phổ biến như bóng đá và bóng chày cũng dừng ở mức ít ỏi, với lần lượt 2,4% và 2%, theo báo cáo của tờ Daily Sports Hankook.
“Chơi thể thao dường như là hoạt động dành cho tầng lớp có điều kiện hơn là thói quen hàng ngày của số đông”, vị giáo sư giải thích.
“Khi nào hệ thống giáo dục vẫn theo định hướng kỳ thi đại học quyết định tất cả và học sinh bằng mọi giá cần đạt điểm số cao, văn hóa thể thao của đất nước vẫn sẽ dậm chân tại chỗ”, ông nói thêm.
Kỳ thi đại học lấn át tất cả
Tại vòng chung kết World Cup dành cho lứa tuổi U20, cái tên tạo nên sự đột phá trong thế hệ cầu thủ trẻ là Lee Kang In, người dành danh hiệu người chơi hay nhất giải đấu.
Chàng trai 18 tuổi chơi ở vị trí tiền vệ tấn công cho một đội bóng tại Tây Ban Nha. Tháng 10 năm ngoái, anh trở thành cầu thủ Hàn Quốc trẻ tuổi nhất ra mắt và thi đấu chuyên nghiệp tại châu Âu.
Huấn luyện viên Jo Ki Jung cho biết những người như Lee Kang In có sức ảnh hưởng rất lớn đến những đứa trẻ mà anh đào tạo. Không hiếm các cậu bé nuôi mơ ước trở thành ngôi sao bóng đá.
Nhưng ngay cả khi có những anh hùng sân cỏ truyền cảm hứng mạnh mẽ, nhiều học sinh Hàn Quốc đơn giản là không có nổi thời gian rảnh để chơi thể thao.
Hơn 80% số học sinh nước này vùi đầu đêm ngày trong các trung tâm học thêm hagwon, miệt mài ôn tập cho kỳ thi đại học được ví như “đấu trường sinh tử”.
“Hầu hết lũ trẻ chỉ có thể tham dự các buổi học từ 1-2 lần mỗi tuần. Chỉ có 30 học sinh đăng ký tham gia lớp học ở trình độ khó, cường độ tập luyện thường xuyên hơn. Cha mẹ cũng hiếm khi cho con cái dành quá nhiều thời giờ cho các lớp học thể thao”, vị huấn luyện viên cho biết.
“Nếu cảm thấy việc rèn luyện thể chất không đem lại tương lai xán lạn, các bậc phụ huynh cũng không đầu tư thêm.Thay vào đó, họ sẽ đưa con vào các trung tâm học thêm, nơi chúng được dạy dỗ các môn học thuật”, ông Jo nói thêm.
Kể cả có các ngôi sao như Son Heung Min truyền cảm hứng, những đứa trẻ yêu thích bóng đá tại Hàn vẫn đặt chuyện học hành lên hàng đầu và làm mọi cách để đỗ đại học. Ảnh: Fox Sport.
Kể từ năm 1995, giáo dục thể chất được loại bỏ khỏi các môn bắt buộc trong chương trình dạy cho học sinh phổ thông.
“Mọi mục tiêu học tập đều chỉ tập trung việc chuẩn bị thi đại học, nhiều đứa trẻ coi thời gian chơi thể thao là xa xỉ, lãng phí. Tại nhiều trường học, các giờ học giáo dục thể chất buộc phải nhường chỗ cho các bài kiểm tra”, giáo sư Lee phân tích.
Theo số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nước này, khoảng 500.000 người Hàn Quốc tham gia chơi bóng đá.
Đối với Ryu Jung-gyu, điều này có thể được coi là tín hiệu tích cực. Chàng trai 22 tuổi từng tập luyện cùng huấn luyện viên Jo và là thành viên của đội trẻ quốc gia khi còn học phổ thông.
Hiện tại, Ryu đang chơi năm thứ tư cho đội bóng của Đại học Quốc gia Incheon.
Ngày nay, trẻ em Hàn Quốc có thể dễ dàng tìm thấy nhiều video chia sẻ lời khuyên của các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp trên YouTube.
“Có rất nhiều các câu lạc bộ cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư mang đến hy vọng cho sự nghiệp chơi bóng đá của những người khát khao theo đuổi môn thể thao vua”, Ryu cho hay.
Tuy nhiên, việc thiếu thốn cơ sở hạ tầng cũng như sự vắng bóng của các học viện đào tạo trẻ khiến cho Hàn Quốc khó nuôi hy vọng vào thế hệ vận động viên kế tiếp.
“Số lượng tài năng trẻ và có triển vọng, những người được gọi là Son Heung Min hay Lee Kang In tiếp theo, không hề ít ỏi. Song, họ không được huấn luyện bài bản và nhận sự đầu tư cần thiết”, Ryu đánh giá.
“Quần đùi áo số” khó thành công
Tuy nhiên, đối với Ryu, vấn đề gây trở ngại lớn nhất là rất nhiều phụ huynh Hàn Quốc tự đưa ra quyết định về tương lai của con cái khi chúng mới chỉ là các cô bé, cậu bé.
“Cơ hội đặt chân vào cánh cổng đại học vốn đã phải tốn rất nhiều công sức để giành giật, tranh đấu. Nhưng khả năng thành công với thể thao chuyên nghiệp thậm chí còn mong manh hơn. Vì lẽ đó mà nhiều bậc phụ huynh buộc con ngừng chơi bóng đá”, Ryu nói.
Sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp nhiều rủi ro khiến cha mẹ Hàn Quốc ưu tiên và ép buộc con cái đi theo các công việc tri thức. Ảnh: SCMP.
Giáo sư ngành Giáo dục Thể chất Kim Young Gwan tại Đại học Quốc gia Chonnam, cho biết sự thiếu quan tâm đến thể thao của người Hàn Quốc cũng giải thích lý do các thương hiệu thể thao nội địa không thể cạnh tranh với các nhãn hàng như Nike của Mỹ hay Adidas của Đức.
“Muốn bán chạy các mặt hàng thể thao, điều quan trọng là người mua thấy được sự kết nối giữa sản phẩm và các màn thi đấu trên sân. Tuy nhiên, người tiêu dùng Hàn Quốc ít quan tâm đến việc mua những đôi giày hay thiết bị tập luyện mới nhất”, ông đánh giá.
Trong khi các nước láng giềng là Nhật Bản và Trung Quốc có các thương hiệu nội địa như Asics và Li-Ning chuyên cung cấp thiết bị cần thiết cho các vận động viên và đội tuyển quốc gia, Hàn Quốc thậm chí không có những nhãn hàng thể thao phổ biến trong nước.
Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng có suy nghĩ các công việc tri thức sẽ đem lại tương lai thành công hơn sự nghiệp “quần đùi áo số”.
Baek Eun, một bà mẹ 43 tuổi đã cho phép hai người con được thoải mái theo đuổi sở thích chơi bóng. Người con trai lớn còn theo học khóa học chơi bóng chuyên nghiệp tại Paju FC Friends.
“Quyết định của tôi xuất phát từ việc tôi muốn cho con mình thấy cuộc sống có nhiều thứ thú vị và đáng để làm hơn là chuyện học hành. Nhiều đứa trẻ đã quá chán nản với việc giải quyết hàng chồng bài tập mỗi ngày, chúng cần thứ gì đó để giải khuây khi gặp căng thẳng”, bà Baek nói.
“Con trai tôi có khả năng trở thành cầu thủ thi đấu chuyên nghiệp hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ, không ai nói trước được. Song, tôi muốn con mình được trải nghiệm nhiều nhất có thể và biết rằng cha mẹ luôn đứng sau ủng hộ quyết định của con cái”, người mẹ tự hào nói.
Theo Zing
Tổng công ty Ba Son: Trao học bổng cho con người lao động
Tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, TP HCM, sáng 3-8, Công đoàn (CĐ) Tổng Công ty Ba Son đã tổ chức trao học bổng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ 28 năm 2019 cho con người lao động (NLĐ) có thành tích học tập xuất sắc trong năm học 2018-2019.
Ngoài 161 suất học bổng Nguyễn Đức Cảnh, mỗi suất trị giá từ 400.000 đồng đến 700.000 đồng, cho con NLĐ vượt khó, học giỏi, CĐ tổng công ty còn tuyên dương 13 em đạt danh hiệu "Tài năng trẻ", đạt thành tích xuất sắc ở các kỳ thi toán, vật lý, ngữ văn, tin học cấp quận và TP (mỗi em được thưởng từ 800.000 đồng đến 900.000 đồng); khen thưởng 13 gia đình NLĐ điển hình trong phong trào nuôi dạy con ngoan, học giỏi.
Công đoàn Tổng Công ty Ba Son trao học bổng cho con người lao động
Từ đầu năm đến nay, CĐ Tổng Công ty Ba Son đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho con NLĐ như tổ chức ngày Quốc tế thiếu nhi, thăm hỏi gia đình NLĐ nhân Tháng hành động vì trẻ em, Ngày gia đình Việt Nam, xét trao học bổng Tôn Đức Thắng... với tổng kinh phí hơn 650 triệu đồng.
Tin-ảnh: H.Đào
Theo nguoilaodong
Lo 9 điểm/3 môn vẫn đỗ đại học: Vì đâu? Việc mở trường đại học, cao đẳng chạy theo số lượng nên đến mỗi kỳ tuyển sinh, trường lại tìm đủ mọi cách để có người học. Bước vào mùa tuyển sinh, nhiều trường đại học, phân hiệu trường đại học trên cả nước công bố mức sàn thấp, dưới 14 điểm. Trường Đại học Nội vụ Hà Nội công bố điểm sàn...