Trẻ bị “bủa vây” bởi áp lực từ phụ huynh
Ai cũng mong một đời sống học đường thuần khiết, ở đó trẻ sẽ nhận được đầy đủ yêu thương, trẻ biết khiêm cung và nhân ái. Nhưng theo bà Phan Hồ Điệp- mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam, ngoài một số tác động, phụ huynh là một trong những yếu tố làm nên áp lực cho con trẻ.
Chia sẻ tại tọa đàm về áp lực nhà giáo, do Bộ GD&ĐT phối hợp cùng ĐHSP Hà Nội vừa tổ chức, bà Phan Hồ Điệp cho biết: “Nhà gần một số trường tiểu học nên tôi chứng kiến nhiều câu chuyện đau lòng. Sau khi tan trường, bố mẹ hỏi con thi được mấy điểm, và cau mày khi con không được điểm như mong muốn. Có người còn xé bài kiểm tra trước mặt con”.
Cô giáo này cho rằng, nhiều phụ huynh đang dạy con bằng nỗi sợ, độc đoán, uy quyền, khiến học sinh bị sợ hãi. Khi học sinh sợ hãi, chúng cũng áp dụng lên bạn bè như vậy. Mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam cũng chỉ ra những áp lực mà phụ huynh đang gây ra cho con.
Trẻ bị “bủa vây” bởi áp lực của bố mẹ
Áp lực về thành tích và điểm số: Phụ huynh luôn mong muốn con mình phải đạt điểm cao, phải có thành tích trong các cuộc thi nhưng lại chỉ nghĩ: Mình chỉ cần bỏ tiền để cho con tham gia các lớp học thêm là đủ.
Trong khi đó, con trẻ cần sự quan tâm, cần thời gian mà bố mẹ dành cho mình. Chính vì chạy theo điểm số nên trong con mắt của phụ huynh, đời sống học đường chỉ bao gồm việc học, học và học. Tách trẻ khỏi các mối quan hệ thầy cô và bạn bè, phụ huynh khiến trẻ ít chia sẻ những mối quan tâm của tuổi mới lớn và thường không biết cách giải quyết những xung đột của nội tại và các mối quan hệ xung quanh.
Bà Phan Hồ Điệp, giáo viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Phụ huynh coi con là phương tiện để đạt được những kì vọng của mình: Nhiều trường hợp kỳ vọng quá cao so với sức lực và khả năng của con: Rất nhiều trẻ bị biến thành “vật thí nghiệm” và lối giải tỏa cho tham vọng, sợ hãi và mặc cảm của phụ huynh. Với sự bào chữa là mong con không khổ như đời của cha mẹ, giúp cha mẹ làm những điều mà họ chưa thực hiện được, rất nhiều phụ huynh luôn nói với con: Đời bố mong ước làm bác sỹ nhưng chưa có điều kiện thực hiện, giờ con phải đi học bác sỹ.
Hoặc đời mẹ đã khổ vì làm giáo viên, con đừng có thi vào ngành đó… Quả là nỗi khổ cho những đứa trẻ bị kéo căng hay gọt cụt trên chiếc giường của Procustes- trò chơi của tên bạo chúa trong thần thoại Hy Lạp, để thực hiện những ước mộng không thành của cha mẹ. Con cái không phải là căn nhà bên hồ hay chiếc du thuyền để chúng ta khoe khoang trong các buổi gặp mặt bạn bè.
Phụ huynh quên mất một điều đó là trên tất cả những quyền lực, bằng cấp, địa vị hay tài sản, con cái của chúng ta cần sự bình an trong tâm hồn, một tinh thần sáng suốt, trầm tĩnh và trong lành. Khi nào thực hiện được điều đó, các em cũng sẽ đến trường với một tâm trạng vui vẻ và cũng có nghĩa là cha mẹ đã hỗ trợ giáo viên rất nhiều trong quá trình giáo dục tại nhà trường.
Phụ huynh đang giáo dục con bằng nỗi sợ: Những nỗi sợ mà cha mẹ đem đến cho con thường là: Dùng các hành vi xâm phạm đến thể chất và tinh thần khiến con sợ hãi: Cha mẹ áp dụng lối giáo dục độc đoán, không cho phép con được nói, sẵn sàng đánh mắng khi con không vâng lời. Thay vì yêu mà học, vui mà học, thích mà học, trẻ chuyển sang sợ mà học. Nhà trường khi đó đối với trẻ chứa đầy những “hiểm nguy”. Vì hễ bị điểm kém, trẻ có thể bị đánh, bị lăng nhục.
Thứ hai, dọa dẫm con về những điều tiêu cực trong trường học: Cha mẹ nói với con về những vấn nạn trong học đường như một bóng ma u ám. Cha mẹ tin rằng bằng cách đó sẽ khiến con tránh xa được những vấn nạn mà không dạy con cách đối mặt và cách nói lời từ chối với những đề nghị không được phép. Cha mẹ nói về thầy cô với một thái độ không thiện chí, gọi thầy cô bằng những từ không đẹp, cha mẹ than phiền về cách ứng xử của thầy cô. Những điều đó khiến con thấy sợ.
Ngoài ra, cha mẹ không cho phép con được làm sai, được gặp thất bại, cha mẹ coi thất bại, lỗi lầm là kẻ thù của con và con không được phép mắc phải. Nỗi sợ càng cao, chiếc lồng tâm thức càng cứng và càng hẹp.
Trẻ bị bủa vây bằng nỗi sợ sẽ nhìn đời sống học đường một cách méo mó hoặc trẻ sẽ không dám nói ra ý kiến của mình. Nếu truyền thông rồi cha mẹ chỉ tập trung nói về những vấn nạn trong học đường cũng chính là làm cho tâm thức của đứa trẻ trở nên tê liệt.
Video đang HOT
Trong một số nghiên cứu khoa học, người ta còn nhận thấy, những đứa trẻ bị đe dọa đến sợ hãi không chỉ thay đổi các vùng mạng của thần kinh mà còn thu nhỏ lại về kích thước. “Càng bị đe dọa, hành vi và thế giới quan của con người càng trở nên sơ khai”. Do đó, nhiều trẻ bất lực, sợ hãi, trầm buồn vì lo lắng cha mẹ buồn bã, mệt mỏi, bệnh tật, cáu giận; sợ rằng mình là nguyên nhân gây bất hoà giữa cha mẹ, trong gia đình, vì mình cố lắm rồi những không học được như mong muốn của bố mẹ, gia đình.
Phụ huynh đang ít có thời gian cho con trẻ (Ảnh: Minh họa).
Phụ huynh ít có thời gian dành cho con: Hiện nay cha mẹ ít trò chuyện với con vì không biết cách hoặc cho rằng: đầy đủ thế, sướng thế rồi còn cần gì nữa.
Phụ huynh không coi nhà trường là đồng minh trong giáo dục con: Phụ huynh ít cập nhật kiến thức và kinh nghiệm dạy con, phụ huynh nhìn vào đời sống học đường với một lát cắt hẹp, coi nhà trường cũng giống như một cơ sở dịch vụ độc lập phải lo trọn gói cho con mình.
Phụ huynh không chọn cách cư xử cho lịch thiệp, sẵn sàng đi dép lê, mặc quần áo ngủ vào trường, sẵn sàng xưng hô không đẹp với thầy cô. Những tác động đó không có lợi trong sự phát triển các mối quan hệ thầy cô với học trò và giữa học trò với nhà trường.
Phụ huynh cần làm gì?
Theo bà Phan Hồ Điệp, phụ huynh cần có cơ hội hiểu chính mình, mong muốn của mình, sự phù hợp hay áp lực của mình và gia đình đối với chính mình và con; phù hợp thì thúc đẩy, chưa phù hợp thì cùng điều chỉnh
Phụ huynh cần hiểu hơn về đặc trưng tâm sinh lý lứa tuổi và đời sống của con, dành thời gian để trò chuyện, để lắng nghe. Dừng những so sánh con với “con nhà người ta”.
Thay vì giáo dục theo lối độc đoán, áp đặt, quá tự do/thiếu trách nhiệm hoặc nuông chiều/không giới hạn và thiếu hướng dẫn, phụ huynh hãy tự học hỏi, cập nhật kiến thức, kỹ năng để giáo dục theo cách phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của từng cá nhân con học sinh; việc này đòi hỏi PH dành thời gian… không tự nhiên có được (khó thì có chuyên gia tâm lý- giáo dục, có giáo viên … cùng trợ giúp, cùng chia sẻ, trao đổi…).
Hãy nhìn về đời sống học đường của con trong cái nhìn toàn vẹn. Nơi đó có các mối quan hệ giữa con với bạn bè, với thầy cô. Mọi sự can thiệp quá đà đều phản tác dụng. Phụ huynh cần bình tĩnh để nhìn sự việc trong cái nhìn đa chiều. Hãy coi nhà trường là một xã hội thu nhỏ, với nhiều thành viên & hoạt động đa dạng; ở đó chính học sinh và mọi thành viên cần được hiểu, được tôn trọng, được an toàn và được có giá trị… chứ không chỉ riêng học sinh cần như vậy…Và chính sự tôn trọng đó sẽ khiến thầy cô hiểu thêm về trọng trách của mình.
Hãy luôn nhớ đến “Nuôi dạy một đứa trẻ là nhiệm vụ của một ngôi làng”, một cộng đồng tốt, một môi trường gia đình lành lẽ chính là những điều kiện tốt để con có thể phát triển. Đừng chỉ: “trăm sự nhờ thầy”, hãy lặng lẽ quan sát và chia sẻ cùng với con. Vì trẻ con có những nỗi khổ riêng của chúng. Và chúng cần sự hiểu biết, chia sẻ, cần sự nối kết trong tình thương yêu của thầy cô, bạn bè và cha mẹ.
Mỹ Hà (ghi)
Theo Dân trí
Chỉ tiêu thi đua, thành tích làm "tê liệt" người thầy
Người thầy làm việc chạy theo chỉ tiêu thi đua, mất quyền tự chủ... dẫn đến hệ quả tai hại giáo viên phải chấp hành, đối phó không tập trung vào chất lượng dạy học.
Đó là một trong những vấn đề được nhấn mạnh tại buổi tọa đàm ra mắt cuốn sách nghiên cứu "Từ phụ huynh đến nhà giáo: Những vấn đề kinh tế - xã hội trong nền giáo dục phổ thông" của PGS. TS Trần Hữu Quang cùng nhóm nghiên cứu.
PGS.TS Trần Hữu Quang chia sẻ áp lực thi đua, thành tích của người thầy kéo dài từ lâu đến tận bây giờ
Nghiên cứu được thực hiện từ năm 2007 ở 5 tỉnh thành TPHCM, Đăk Lăk, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang đưa những vấn đề nhức nhối trong giáo dục nhưng vẫn "nóng sốt" cho đến nay như miễn học phí cho học sinh, lương bổng, đời sống và áp lực thi đua của người thầy...
Giáo viên như những học sinh cấp 4
Có đến 79% giáo viên (GV) cảm thấy bị áp lực chỉ tiêu thành tích trong hoạt động giảng dạy, trong đó mức độ 6% cảm thấy rất thường xuyên, 19% cảm thấy thường xuyên. Có 28,6% GV cho rằng áp lực chỉ tiêu thi đua làm giảm sút chất lượng dạy học. 31,8% GV cho rằng cần loại bỏ chỉ tiêu thi đua trong nhà trường.
Về áp lực của GV, một GV dạy ngoại ngữ ở TPHCM đã trả lời nhà nghiên cứu nói như sau:
"GV Việt Nam như những học sinh cấp 4. Đầu năm phải nộp kế hoạch giảng dạy cho dù năm nào cũng kế hoạch ấy chỉ khác năm và lớp. Rồi đến kiểm tra giáo án, sổ báo giảng... trong khi dạy học là một nghệ thuật, tùy theo trình độ học sinh, sao có thể dùng chung một giáo án?
Rồi đến dự giờ, thao giảng là những màn kịch cho cả thầy và trò diễn. Thử hỏi bao nhiêu "viên phấn vàng" dạy các bước, kỹ thuật như lúc dự giờ, thao giảng?".
Một GV khác cũng nêu ý kiến rằng áp lực chỉ tiêu thi đua nhiều GV không mạnh dạn để HS kém ở lại lớp, không dám dạy thật học thật nên HS "ngồi nhầm chỗ". Rồi nghịch lý GV dạy thật học thật thì có thể cuối năm không được xét thi đua, thậm chí bị cắt đứng lớp, còn ngược lại... thì lại được khen thưởng.
Giáo viên ôm đồm quá nhiều việc
Ngoài công việc chuyên môn áp lực như chương trình nặng, SGK quá tải, áp lực hoàn thành các chỉ tiêu... nghiên cứu cũng chỉ ra, ngoài giảng dạy, GV phải đảm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ như thu tiền, làm vệ sinh trường lớp, công tác đoàn thể, hồ sơ sổ sách... nặng nề nhất là ở bậc tiểu học.
Ngoài áp lực chuyên môn giảng dạy, giáo viên phải ôm đồm rất nhiều việc
Tham dự buổi ra tọa đàm, anh Trần Anh Khôi, phụ huynh ở Gò Vấp, TPHCM kể trường hợp hài hước, con anh về xin tiền bố mẹ để đóng cho phong trào kế hoạch nhỏ. Cô giáo dặn, nếu em không đóng là sẽ ảnh hưởng đến thành tích của lớp, lớp bị trừ thi đua.
"Chỉ một câu chuyện đó thôi đã vỡ lẽ bao nhiêu vấn đề nhức nhối trong giáo dục. Thứ nhất là kế hoạch nhỏ để giáo dục học trò lại thành về nhà xin tiền cha mẹ để đóng. Rồi cái hoạt động đó không phải là chuyên môn nhưng cũng lại có thể đánh vào thi đua của GV", ông bố nói.
Trả quyền tự chủ cho người thầy
Dẫn ra nhiều bài báo về áp lực thành tích, thi đua của GV, PGS. TS Trần Hữu Quang cho hay từ năm ông thực hiện nghiên cứu đến nay vẫn đề này vẫn làm khổ GV. Chạy theo chỉ tiêu, thành tích, dẫn đến hệ lụy là dạy học nhồi nhét, thi thố chiếm mất năng lực sư phạm và sáng tạo của người thầy mà ông Quang đánh giá đây cũng là tình trạng lãng phí chất xám trong giáo dục.
Thành tích, thi đua là rào cản và cũng là nỗi ám ảnh với nhiều nhà giáo (Ảnh mang tính minh họa)
Và lo ngại hơn trong không ít trường hợp, lương tâm đạo đức nghề nghiệp của người thầy bị bào mòn như ép HS học thêm, bài làm đáng điểm 2 thì cho điểm 5...
PGS. TS Trần Hữu Quang cũng phản bác quan điểm thi đua tạo "động lực" trong giáo dục. Động lực này không thực chất, đó là động lực ngoại lai, người ta làm vì phần thưởng, khen ngợi, hay khỏi bị chê trách.. Nó không phát huy được động lực nội tại, làm vì quan tâm đến công việc, vì đạo đức, lương tâm, vì khát vọng...
Theo TS Quang, áp lực thi đua hình thức làm người ta quan tâm đến những cái bên ngoài hơn là cái bên trong, cái cốt lõi dẫn đến đảo lộn những bậc thang giá trị như dạy chay, học vẹt, mua điểm, chạy trường, chạy bằng...
"Xu hướng chạy theo thành tích là một hiện tượng bệnh hoạn làm tê liệt cả thầy lẫn trò", PGS.TS Trần Hữu Quang nói và đề xuất một trong những việc cần làm bãi bỏ các chỉ tiêu thi đua và khôi phục quyền tự chủ sư phạm cho nhà giáo nhất tự chủ trong việc phân phối chương trình, lựa chọn SGK miễn sao đảm bảo chương trình của Bộ GD-ĐT.
4 kiến nghị đối với giáo dục phổ thông của cuộc khảo sát:
1, Miễn học phí và tất cả các khoản thu vô lý trong trường công lập đối với cấp tiểu học và THCS.
2, Cải tổ chế độ lương bổng cho nhà giáo
3, Bãi bỏ các chỉ tiêu thi đua và khôi phục quyền tự chủ sư phạm cho nhà giáo
4, Cải tổ phương thức quản trị nhà trường và quản lý giáo dục
Hoài Nam
Theo Dân trí
Cảm động phụ huynh thay giáo viên thử áp lực nghề giáo "Để chuẩn bị cho một tiết dạy, tôi đã mất cả tuần nay. Quả thực, đây là nghề rất nhiều áp lực, nếu không đủ nhiệt tình, niềm say mê và cả sức khỏe, tôi nghĩ các thầy cô không bám trụ với nghề được". Trên đây là chia sẻ của một phụ huynh sau một giờ trải nghiệm đứng lớp như một...