Trao yêu thương từ điều giản dị
Nét chữ còn vụng về, phát âm ngọng nghịu không làm lớp học tiếng Anh cho các bạn nhỏ khó khăn vùng ven biển giảm sôi nổi, hào hứng. Ngược lại, các anh chị tình nguyện viên như thấy được “điểm yếu” của trò, cùng tìm cách giúp chúng phá vỡ vỏ kén của mình để tự tin vươn ra ánh sáng.
Các bạn nhỏ tự tin tham gia vào các tình huống do giáo viên đưa ra. Ảnh: T.G
Tiếng Anh cho trẻ khó khăn vùng biển
Kén – chương trình dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh trong dịp hè do Tổ chức Thúc đẩy sáng kiến và dự án trẻ (PIE) thực hiện. Đinh Tiến Đạt, HS lớp 11 chuyên Anh, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (TP Vinh, Nghệ An), người sáng lập và đồng chủ tịch PIE cho biết: “Được thành lập năm 2018, tổ chức hoạt động trên tinh thần tự nguyện, và triển khai các dự án hướng đến cộng đồng. Hè năm nay, chúng em quyết định thực hiện một chương trình giáo dục”.
Mỗi buổi học, HS sẽ trao đổi, tìm hiểu về một chủ đề khác nhau như: Môi trường, thời trang, phim ảnh và cả những người nổi tiếng… Những chủ đề này được các thầy cô giáo trẻ chuẩn bị từ trước và giảng theo giáo án điện tử để các bạn học sinh “vừa học vừa chơi”, có hình ảnh, ví dụ sinh động và rèn luyện được các kỹ năng nghe nói, đọc, viết. Để tạo tâm lý thoải mái, sự hứng thú cho em, tình nguyện viên còn có những phần quà bất ngờ tặng bạn nào xuất sắc, tích cực, tiến bộ…
Các thành viên của PIE đã khảo sát thực tế tại nhiều trường học thuộc các huyện Hưng Nguyên và Nghi Lộc. Qua những bài kiểm tra ngắn, các thành viên đánh giá trình độ, kỹ năng tiếng Anh của HS và quyết định chọn Trường THCS Phúc Thọ là nơi triển khai dự án. Đây là ngôi trường đóng tại xã ven biển khó khăn thuộc huyện Nghi Lộc. “Nhưng các em học sinh lại rất ham học, thích học tiếng Anh. Vì vậy, các thành viên của PIE thống nhất tổ chức dạy tiếng Anh miễn phí trong thời gian 1 tháng với 15 buổi học. Được sự đồng ý của Ban giám hiệu Trường THCS Phúc Thọ, lớp học gồm 24 em học sinh khối 6, 7 được hình thành”, Đạt cho biết.
Giáo viên đứng lớp chính là thành viên của PIE và các tình nguyện viên đến từ các Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, chuyên Đại học Vinh, THPT Huỳnh Thúc Kháng…
Lần đầu tiên được đứng lớp trong vai trò giáo viên, Phan Hồng Nhung, HS lớp 11 chuyên Anh, Trường THPT chuyên Đại học Vinh cho biết: Khi mới tham gia chương trình, em rất lo lắng không biết các em có chịu nghe mình nói, có hào hứng, tiếp thu được bài giảng không. Nhưng qua các buổi dạy, em thấy rất vui vì các bạn nhỏ chăm chú học, thích môn tiếng Anh hơn và mạnh dạn trao đổi với mình.
Phá vỡ vỏ bọc của chính mình
Hướng dẫn các em trao đổi nhóm với nhau
Mới học xong lớp 10, nhưng Nguyễn Thanh Hiền – HS lớp 10 chuyên Anh, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu tự tin đứng lớp. Hiền chia sẻ: Qua mỗi một buổi học không chỉ các bạn nhỏ mà chúng em cũng cũng trưởng thành rất nhiều. Đây là cơ hội để chúng em học lại kiến thức, tưởng tượng ra các tình huống, chuẩn bị nhiều từ vựng, trau đồi kỹ năng tiếng Anh của bản thân. Giúp đỡ những học sinh khó khăn, cũng là dịp để chúng em có thêm nhiều trải nghiệm, tác phong làm việc nhóm và có ý thức hơn với cộng đồng.
Trước đó, để dự án đi vào hoạt động đúng quy định, các bạn trong nhóm đã chủ động liên hệ với tỉnh Đoàn Nghệ An, các cơ quan chức năng. Đồng thời kêu gọi sự tài trợ của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp để có kinh phí cho dự án. Đinh Tiến Đạt cho hay: Sau khi kết thúc khóa học, các bạn nhỏ có hứng thú với môn tiếng Anh hơn, các kỹ năng nghe nói, giao tiếp tiến bộ rõ rệt. Tuy nhiên, muốn học tốt môn học này, cần phải có thời gian dài tích lũy. Vì thế từ chương trình, chúng em hướng dẫn các bạn thành lập CLB Tiếng Anh trong trường vào năm học tới. 24 HS của lớp Kén sẽ là thành viên nòng cốt duy trì phát triển hoạt động CLB trong toàn trường, tự tạo ra môi trường tiếng Anh cho các bạn khác tham gia.
Video đang HOT
Nói về hoạt động của dự án, cô giáo Nguyễn Thị Khánh Thu – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phúc Thọ xúc động: Học sinh của trường ở xa trung tâm, bố mẹ các em chủ yếu làm nông nghiệp vất vả, không có điều kiện đầu tư nhiều cho con cái học thêm ngoại ngữ, kỹ năng sống. Chính vì thế, khi được học chương trình này, các em say mê, thích thú. Tôi cũng tin trong năm học tới, các học sinh của mình sẽ thành lập CLB Tiếng Anh. Nhà trường sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện về cơ sở vật chất và giáo viên để CLB hoạt động hiệu quả.
Hy vọng sau khóa học này, các em sẽ tự tin, vượt qua những trở ngại của bản thân như con sâu tự phá vỡ cái kén của mình để tiến bộ. Đó cũng là ý nghĩa của tên dự án – Kén.
Hồ Lài
Theo GDTĐ
Chuyện giành Huy chương Bạc Olympic Toán học Quốc tế ở 'xứ người'
Năm 2019, thêm một lần "mang chuông đi đánh xứ người", thầy giáo Hồ Sỹ Hùng cùng với học trò của mình đã đem về tấm Huy chương Bạc danh giá tại Kỳ thi Olympic Toán học Quốc tế tổ chức ở Vương quốc Anh.
Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với thầy Hồ Sỹ Hùng - giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu về những "chuyến đi" đặc biệt ấy.
Luôn tin ở "chiến thắng"
- Chào thầy giáo Hồ Sỹ Hùng! Chúc mừng anh và học trò với thành tích đáng tự hào tại Kỳ thi Olimpic Toán Quốc tế - IMO 2019. Kỳ thi năm nay đã diễn ra như thế nào, đặc biệt là đối với thầy và trò đoàn Việt Nam?
- Đây là lần đầu tiên chúng tôi được đến Vương quốc Anh và thực sự là rất thích thú với thời tiết mùa hè của nước Anh khi mặt trời thường kéo dài đến 10 giờ đêm. Trong sự thay đổi môi trường thời tiết như vậy nhưng thầy trò chúng tôi đã sớm thích nghi và hòa nhập với nhịp độ của kỳ thi. Nói chung tâm lý của cả thầy và trò rất nhẹ nhàng, không áp lực, nhưng cũng xác định cố gắng "chiến đấu" hết sức mình.
Kỳ thi năm nay, theo chúng tôi, là đề thi dễ hơn kỳ thi 2017. Tuy nhiên, cấu trúc của kỳ thi lại không phải là lợi thế của đoàn Việt Nam. Lâu nay, đoàn chúng ta thường mạnh về phần đại số nhưng năm 2019, các câu hỏi về đại số khá "nhẹ" nên các đoàn đều làm khá tốt. Vì thế, điểm của đoàn của Việt Nam khá cao nhưng chúng ta không giành được Huy chương Vàng một cách tuyệt đối.
Thầy giáo Hồ Sỹ Hùng. Ảnh: Đức Anh
Bước vào kỳ thi 2 ngày, mỗi một ngày các em có 4,5 tiếng làm bài và các em sẽ thứ tự giải 3 bài toán theo mức độ tăng dần với 4 phân môn là đại số, hình học và tổ hợp.
Sự thú vị ở Kỳ thi này là các đề thi đều có tính "mới", không có sự trùng lặp và học sinh buộc phải phát huy tư duy, sáng tạo của mình để phân tích và giải quyết bài toán. Điều này cũng dẫn đến hiện tượng nhiều đoàn thi, thí sinh không làm được bài nào bởi đề mỗi năm một khác và thí sinh không thể học tủ.
- Đây là lần thứ hai anh và học trò giành chiến thắng tại Kỳ thi Olympic Toán học Quốc tế và cũng là một "kỳ tích" của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Cảm xúc của anh trước mỗi lần học trò nhận được vinh quang?
Tiết dạy bồi dưỡng của thầy giáo Hồ Sỹ Hùng tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Ảnh: Đức Anh
- Thật xúc động và cũng hết sức vui mừng vì qua các kỳ thi Olympic chúng tôi đã tạo được những dấu ấn nhất định trong sự phát triển của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Chiến thắng ở các kỳ thi, cũng đã từng bước khẳng định được hình ảnh của Toán học tỉnh nhà, tạo cho chúng tôi một "sức bật" để có thể tự tin khi bước ra các diễn đàn toàn quốc và các cuộc thi lớn.
Đây cũng là thành quả của một tập thể sau một quá trình dài hơi tích lũy, bền bỉ, đam mê và cả sự hi sinh.
Trong quá trình dạy, chúng tôi - những người thầy giáo - phải tự thay đổi mình đầu tiên. Đó là, phải mạnh dạn nâng cấp hệ thống bài, mời thêm các chuyên gia về để tập huấn, nâng cao trình độ. May mắn là trong quá trình này, chúng tôi nhận được sự ủng hộ của nhà trường đã tạo các điều kiện tốt nhất để chúng tôi có cơ hội phát triển.
Thầy giáo Hồ Sỹ Hùng cùng với học trò tại lễ đón được tổ chức tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Ảnh: Mỹ Hà
- Anh có thể chia sẻ thêm về Nguyễn Cảnh Hoàng, Vũ Đức Vinh - hai học trò đã đem về tấm Huy chương Vàng và Huy chương Bạc Olympic Toán học Quốc tế cho Nghệ An?
- Vũ Đức Vinh là một học trò có ý chí bền bỉ trong học tập, nếu gặp một bài toán khó Vinh có thể làm 4,5 tiếng đồng hồ. Em cũng là một học trò thông minh, tất cả những chuyên đề mà thầy đặt ra em đều xử lý tốt. Một may mắn khác cho thầy và trò đó là khi vào Phan, nền tảng kiến thức ban đầu của em chưa nhiều.
Vì thế, em sẽ là một tờ giấy trắng để thầy giáo có thể định hướng một cách toàn diện và nếu nỗ lực, sức bật của em sẽ tốt hơn so với những học sinh đã học nhiều nhưng lại "lum nhum", mỗi thứ một tý.
Hoàng cũng vậy. Tuy nhiên, Hoàng thiệt thòi hơn bởi khi ấy bản thân tôi chưa thực sự tự tin để Hoàng vào đội tuyển sớm. Vì vậy, khi lớp 11 tham dự kỳ thi Hoàng chỉ xác định là thử nghiệm, khó được thành tích.
Là giáo viên, khi có học trò học tốt là điều rất vui mừng. Nhưng, để có được kết quả thì chúng tôi phải định hướng, vạch đường hướng cho các em. Thầy và trò không chỉ trao đổi vài tiết học trong tuần mà phải tương tác với nhau hàng ngày.
Quá trình đồng hành cùng các em, tôi rất thương học trò của mình vì so với các bạn, các em phải nỗ lực nhiều hơn, phải cố gắng nhiều hơn, dù rằng tôi chưa bao giờ gò ép các em phải cày xới khá nhiều. Tuy nhiên, để bám được với đội tuyển, các em phải có sức khỏe, có thể lực tốt và đây là tiêu chí đầu tiên.
Thầy giáo Hồ Sỹ Hùng cùng với học sinh Vũ Đức Vinh - Huy chương Bạc Olympic Toán học quốc tế năm 2019 tại Vương quốc Anh. Ảnh: NVCC
Không thể cứ dạy một cuốn giáo án cũ
- Trong những năm gần đây, học sinh vào trường chuyên thường có hai xu hướng hoặc là thi đại học, hoặc là theo đội tuyển. Là giáo viên, các anh đã có những định hướng như thế nào để các em có được những lựa chọn chính xác và phù hợp với năng lực của các em?
- Điều này là hoàn toàn đúng. Thực tế, khi mới vào, học sinh chưa định hướng được mình sẽ đi con đường nào mà phải có một thời gian thử thách thông qua các bài kiểm tra, đánh giá.
Về phía giáo viên, qua quan sát về tinh thần, thái độ cũng mới có thể định hướng chính xác cho học sinh. Điều này, cũng giống như đi bừa ruộng, sau khi bừa một lượt, gốc rạ nào trỗi được dậy thì tiếp tục phát triển. Ngược lại, nếu gốc rạ nào nằm rạp xuống, không có lực thì sẽ tự động rút lui. Thực tế, mỗi một khóa chỉ có 10 - 12 em vào đội tuyển và chúng tôi ưu tiên cho những em có tư duy đột phá.
Thầy giáo Hồ Sỹ Hùng cùng với học sinh Nguyễn Cảnh Hoàng - Huy chương Vàng Olympic Toán học quốc tế năm 2017 tại Brasil. Ảnh: NVCC
- Đã có kinh nghiệm tham gia các kỳ thi quốc gia và quốc tế. Vậy, anh đánh giá thế nào về năng lực của học sinh xứ Nghệ so với học trò cả nước?
- Về mặt chất xám thì mọi vùng miền đều có chỉ số ngang nhau. Nhưng, nếu ở đâu có sự đầu tư sớm hơn, bài bản hơn thì ở đó sẽ thành công hơn. Hiện nay, so với các tỉnh lẻ, mình đang ở tốp đầu. Tuy nhiên, nếu so với các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh các em ở đó được đầu tư sớm hơn.
Ví dụ như, học sinh lớp 10 ở Hà Nội đã có thể đi thi học sinh giỏi quốc gia vì ở đây các em có điều kiện, lớp 7, lớp 8 đã đi học chuyên. Còn chúng ta, thường lên lớp 10 các em mới bắt đầu được bồi dưỡng nên đến lớp 11 đi thi quốc gia vẫn còn khó khăn.
Ở đấu trường lớn hơn như Kỳ thi Olympic Toán học Quốc tế, vị trí học sinh Việt Nam được đánh giá khá cao và luôn nằm trong tốp 10. Nhưng, có một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ họ rất giỏi và luôn dẫn đầu trong nhiều năm. Đây cũng là một cuộc thi không dễ dàng, nước mạnh thì đầu tư lớn, quá trình ôn tập có chọn lọc, bài bản, kéo dài.
Ngược lại, sau những thành công của giáo dục nước nhà trên trường quốc tế, có nhiều nước khác sẵn sàng mời chuyên gia của Việt Nam và các nước lớn sang để tập huấn, bồi dưỡng.
- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!.
Mỹ Hà
Theo baonghean
Viết sai chính tả trên Facebook cho vui? Ăn cơm hem? Hok đùa nà. No nắng chớt mất. Mỗi ngày mở Facebook, chúng ta không khó khăn để thấy rất nhiều bài viết, bình luận của bạn trẻ đang viết sai chính tả. Cố tình viết sai chính tả là hiện tượng thường thấy trên Facebook - Ảnh chụp màn hình Một số người bị nhầm lẫn thật sự, giống như...