Trao nửa tỷ đồng cho 5 công trình, sáng kiến giáo dục xuất sắc
Tối ngày 9/11/2019, tại Hà Nội diễn ra lễ trao giải chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục”.
Chương trình vinh danh các công trình, sáng kiến đóng góp cho sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo gồm: Đổi mới phương pháp dạy học sáng tạo và hiệu quả; Sáng tạo, chế tạo ra các công cụ phục vụ giảng dạy và học tập; Công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục.
5 công trình, sáng kiến giành giải thưởng nửa tỷ đồng của chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục”:
- Sách Sinh học lớp 10 ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường của các tác giả Võ Nguyễn Đình Trí, Nguyễn Quang Đức ở Đà Nẵng
- Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo mô-đun đánh lỗi thiết bị đào tạo điều khiển từ xa của các tác giả Nguyễn Trung Kiên, Trần Hoài Nam ở Vĩnh Phúc.
- Nghiên cứu, thiết kế quy trình công nghệ chế tạo thiết bị dạy học môn toán dành cho học sinh khiếm thị trong môi trường giáo dục hòa nhập của tác giả Nguyễn Sỹ Nam ở Hà Nội.
- ShubClassrom của các tác giả Nguyễn Đăng An, Huỳnh Quốc Tuấn, Lê Văn Tư, Nguyễn Hoàng Kha ở TP.HCM.
- Từ điển Việt – M’nông, M’nông – Việt trên điện thoại Android của tác giả Văn Thành Đạt, Nguyễn Văn Nam ở Đắk Nông.
5 công trình, sáng kiến đoạt giải thưởng “Tri thức trẻ vì giáo dục” trị giá 500 triệu đồng.
Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2019 được phát động vào ngày 02/5/2019, qua 5 tháng triển khai chương trình, Ban Tổ chức đã tiếp nhận 539 công trình, sáng kiến.
Theo đó, về mặt nội dung, 274 công trình, sáng kiến về đổi mới phương pháp dạy học sáng tạo và hiệu quả; 141 công trình, sáng kiến về sáng tạo, chế tạo ra các công cụ phục vụ giảng dạy và học tập; 124 hồ sơ công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục. So với số lượng của năm 2016 với 267 hồ sơ, năm 2017 với 329 hồ sơ, năm 2018 với 401 hồ sơ, kết quả của năm 2019 đã cho thấy sự thu hút hơn, lan tỏa hơn của Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” đối với trí thức trẻ.
Video đang HOT
Phát biểu tại lễ trao thưởng, anh Bùi Quang Huy, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam đánh giá chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục thực sự là một sân chơi trí tuệ, khoa học và có ý nghĩa với sự nghiệp trồng người.
Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” được triển khai trong giai đoạn 2016 – 2020 nhằm cổ vũ, khuyến khích đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là các trí thức trẻ dưới 35 tuổi đóng góp cho sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo thông qua các công trình, sáng kiến thuộc 3 nội dung: Đổi mới phương pháp dạy học sáng tạo và hiệu quả; Sáng tạo, chế tạo ra các công cụ phục vụ giảng dạy và học tập; Công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục.
Vòng chung khảo của Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” đã diễn ra vào ngày 08/11/2019, Ban Giám khảo vòng chung khảo đã phỏng vấn trực tiếp các tác giả, trưởng nhóm tác giả với để lựa chọn ra các công trình, sáng kiến tiêu biểu nhất của năm 2019.
5 công trình, sáng kiến tiêu biểu nhất được nhận giải thưởng 100.000.000 đồng. 8 công trình, sáng kiến còn lại lọt vào chung khảo đoạt giải thưởng 10 triệu đồng/giải.
Trải qua 3 năm tổ chức (từ 2016 đến 2018), chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” đã có 40 công trình, sáng kiến được trao giải thưởng. Nhiều công trình, sáng kiến trong số đó đã được áp dụng hiệu quả trong thực tiễn, bước đầu đã thu hút sự quan tâm của người học, các thầy, cô giáo, của nhà đầu tư, cụ thể như:
“Sự cần thiết của việc xây dựng chương trình và đưa giáo dục giới tính vào trường học” được Ban Tổ chức chương trình tài trợ, xuất bản 1.500 cuốn và phát hành toàn quốc. Sau khi được thị trường đón nhận, Nhà xuất bản Trẻ đã tái bản 2 lần với số lượng 7.500 cuốn.
Điều đó cho thấy tầm quan trọng của bộ sách giáo dục giới tính dành cho học sinh và sự quan tâm của xã hội, trường học, phụ huynh, học sinh đối với việc giáo dục giới tính.
“Đèn học thông minh The Smart Light công nghệ 4.0 (IoT)” nhận được đầu tư của một số nhà đầu tư trong và ngoài nước, hiện đang xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm tại thành phố Hồ Chí Minh.
“Toán tương tác – Flash for Math” được dạy thử nghiệm ở nhiều trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội và có chuyên mục riêng trên báo điện tử Dân trí.
“Bộ tiêu bản phục vụ giảng dạy môn sinh học ở trường Trung Học Phổ Thông (THPT)” được nhiều trường đặt hàng sản xuất đưa vào phục vụ giảng dạy.
Sau khi đạt giải thưởng, nhiều công trình tiếp tục gặt hái được những thành công: Công trình “Thiết kế, chế tạo một số thiết bị thí nghiệm mới phần cảm ứng điện từ để sử dụng trong dạy học Vật lý ở tường phổ thông” được đưa vào Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2017; Công trình “Ứng dụng công nghệ mô phỏng thực tại ảo 3D xây dựng cơ thể người phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong khối ngành khoa học sức khỏe” đã đạt giải Nhất lĩnh vực CNTT Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017…
Mai Châm
Theo Dân trí
Trường học chủ động đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh
Bên cạnh việc đổi mới phương pháp dạy học, thời gian qua, các trường học tại TPHCM mạnh dạn triển khai đổi mới trong kiểm tra, đánh giá học sinh bằng nhiều hình thức.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du tham gia khảo sát định hướng nghề nghiệp online
Hào hứng với bài kiểm tra online...
Kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ trên các thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop... là những cách làm mà một số trường đang thí điểm nhằm từng bước chủ động chuẩn bị cho những đổi mới trong thi cử theo dự kiến của Bộ GD&ĐT. Mới đây, HS Trường THPT Trần Hữu Trang (quận 5) hào hứng với đợt kiểm tra trực tuyến giữa kỳ 1. Theo đó, các em sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối wifi để làm bài thi các môn Toán, Anh văn, Lý, Hóa, Sinh... với thời gian mỗi môn là 45 phút.
Về đề thi, ngoài bộ câu hỏi gợi ý của ứng dụng, giáo viên từng bộ môn của nhà trường đã xây dựng ngân hàng câu hỏi và biên soạn thành các mã đề căn cứ từ ma trận và cấu trúc được tổ bộ môn và ban giám hiệu thông qua và được mã hóa chờ đến giờ thi mới được mở. Theo chia sẻ từ phía HS, các em cảm thấy thú vị, mới mẻ khi làm bài kiểm tra trực tuyến giữa kỳ, việc kiểm tra diễn ra rất nhanh gọn. Các em không phải chép đề vào giấy, mà làm ngay trên máy nên tiết kiệm được thời gian, và không có tình trạng... nhìn bài bạn, hỏi bài nhau, nhưng cũng cần đòi hỏi các thao tác nhanh để kịp thời gian. Đặc biệt, việc có điểm bài thi ngay khiến các em rất hào hứng.
Thầy Võ Thiện Cang, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Việc tổ chức thi theo hình thức trực tuyến là một trong những bước chuẩn bị của nhà trường trong việc đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá, vừa phát huy tính năng động, sáng tạo của người học vừa tiết kiệm thời gian, giảm áp lực cho giáo viên. Điểm của học sinh sẽ có ngay sau khi các em làm bài.
Kết quả này được chuyển thẳng đến Ban giám hiệu nhà trường. Ngay sau bài thi của môn cuối cùng kết thúc, đáp án sẽ được công bố trên ứng dụng hoặc chuyển cho các giáo viên bộ môn để học sinh tham khảo. Bên cạnh đó, kết quả cũng là cơ sở để các giáo viên nắm bắt trình độ học sinh, có kế hoạch bồi dưỡng, ôn tập cho các em".
Tại Trường THPT Nguyễn Du, đến nay là năm học thứ hai nhà trường cho học sinh làm bài kiểm tra trên máy tính. Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường, năm học 2018 - 2019, trường cho học sinh khối 12 kiểm tra giữa kỳ 2 môn Toán với hình thức online. Thấy được tính hiệu quả của hình thức kiểm tra này nên trường tiếp tục triển khai trong năm học 2019 - 2020 ở các môn Toán, Lý, Hóa.
Ngoài sự chủ động về đổi mới hình thức thi, kiểm tra đánh giá học sinh, tận dụng tối đa ứng dụng CNTT vào các hoạt động của nhà trường, thầy Huỳnh Thanh Phú đánh giá, làm bài thi trực tuyến vừa nhanh, gọn, vừa tiết kiệm được thời gian, công sức chấm bài của thầy cô. Kết quả rất chính xác, minh bạch, công khai. Ngoài kiểm tra trực tuyến giữa kỳ, nhằm tận dụng tối đa của CNTT, Trường THPT Nguyễn Du cũng triển khai cho học sinh các khối làm bài khảo sát định hướng nghề nghiệp online, thay vì khảo sát qua giấy như nhiều năm trước.
Ảnh minh họa/ INT
Cần chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt
Làm bài kiểm tra trực tuyến nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của nhiều giáo viên, học sinh và cả phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình cần có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng và có lộ trình cụ thể. Theo thầy Võ Thiện Cang, để chuẩn bị cho đổi mới về hình thức thi trực tuyến, từ năm học trước, trường đã tổ chức các buổi tập huấn cho giáo viên về hình thức khảo thí thông qua ứng dụng công nghệ. Từ kỹ năng tin học đến cách chuẩn bị các bộ câu hỏi của đề thi phù hợp với chương trình, với hình thức trắc nghiệm. Các giáo viên đều ủng hộ cách làm này.
Đặc biệt, thông qua khảo sát, hầu hết HS trường đều có điện thoại thông minh nên mạnh dạn triển khai thí điểm. Với trường hợp học sinh quên mang điện thoại thông minh, có thể lên phòng máy tính của trường để làm bài kiểm tra, hoặc các em có thể dùng máy tính xách tay kết nối Internet để làm bài. Để tập dượt cho bài kiểm tra giữa kỳ, trường đã cho học sinh toàn trường cùng truy cập làm thử một bài kiểm tra, nhưng do số lượng học sinh đông nên mạng bị nghẽn. Từ đó, trường rút kinh nghiệm, sẽ bố trí lịch kiểm tra chéo nhau để tránh tình trạng quá đông HS truy cập cùng thời điểm.
Là năm đầu tiên tổ chức hình thức kiểm tra này, nên lãnh đạo Trường THPT Trần Hữu Trang rất cẩn thận, chuẩn bị sẵn đề kiểm tra trên giấy, để tránh trường hợp gặp sự cố về đường truyền. Bên cạnh tổ chức kiểm tra trực tuyến, việc sử dụng phần mềm của đơn vị phối hợp còn có nhiều bộ câu hỏi ôn tập theo các môn, phục vụ cho việc ôn tập, giao bài tập về nhà trực tuyến cho học sinh. Chia sẻ về quá trình chuẩn bị để triển khai thi, kiểm tra trực tuyến có hiệu quả, thầy Huỳnh Thanh Phú cho rằng, mỗi nhà trường cần được đầu tư về trang thiết bị, cụ thể là phòng máy tính đảm bảo về số lượng, chất lượng, đường truyền
Internet mạnh, ổn định. Đặc biệt, sự đồng thuận của giáo viên, HS và phụ huynh ủng hộ những đối mới trong các hoạt động giáo dục của nhà trường đóng vai trò quan trọng.
Liên quan đến việc nhân rộng hình thức kiểm tra này, một số nhà quản lý giáo dục cho rằng, cần phải có lộ trình, đòi hỏi cấp quản lý thực hiện nhiều giải pháp như xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật; Ban hành hệ thống quy chế, hướng dẫn công tác coi thi. Nhiều giáo viên cho rằng, có thể trao đổi ngân hàng đề thi giữa các trường để nguồn đề thi phong phú hơn.
Năm học 2019 - 2020, Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu các trường cần thực hiện đa dạng hoá hình thức các bài kiểm tra. Thực hiện đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh bằng các hình thức khác nhau; Đánh giá qua việc quan sát các hoạt động trên lớp, qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập; Đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kĩ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm, tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường; Đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập. Giáo viên có thể sử dụng các hình thức đánh giá nói trên thay cho các bài kiểm tra hiện hành.
Nga Phan
Theo GDTĐ
Học sinh mê toán từ 'bài ca định lý' do thầy phổ nhạc Một số định lý quan trọng trong môn hình học được thầy Lê Hùng Việt, giáo viên Trường THCS Dương Đông 1 (H.Phú Quốc, Kiên Giang) phổ nhạc thành những 'bài ca định lý', giúp học sinh khắc sâu kiến thức và hứng thú hơn trong giờ học. Thầy Lê Hùng Việt hướng dẫn học sinh hát bài định lý "Tỷ số không...