“Trào lưu” mở ngành Y, Dược
ANTĐ – Đào tạo bác sĩ, dược sĩ vốn là một lĩnh vực yêu cầu cao khiến cho nhiều người không thể yên tâm với việc các cơ sở tư thục cũng muốn tham gia đào tạo các ngành này. Tuy nhiên, với thực trạng hơn 90 triệu dân trên cả nước nhưng lại chỉ có hơn 20 trường đào tạo bác sĩ, các nhà quản lý đang lo ngại về sự chênh lệch giữa nhu cầu và khả năng chăm sóc sức khỏe của người dân.
Nhu cầu mở ngành đào tạo Y – Dược đang gia tăng
Khối tư thục được “bật đèn xanh”?
Sự việc trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được phép mở ngành đào tạo Y, Dược khiến dư luận đặc biệt quan tâm do ngành này từ trước tới nay gần như là “độc quyền” của số ít trường công lập. Đây là ngành đào tạo cao giá nhất với mức điểm đầu vào cao ngất ngưởng. Việc tham gia đào tạo ngành Y, Dược cũng được cho là đem lại doanh thu cao vì nhu cầu lớn, học phí cũng ở mức cao nhất trong tất cả các khối ngành.
Sau kết luận ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chưa đủ điều kiện tuyển sinh ngành Y, Dược, nhiều ý kiến lo ngại về năng lực đào tạo của những trường mới mở ngành này. Sự việc lại càng đáng nói hơn khi mới đây, Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm cũng tuyên bố lập dự án đầu tư thành lập trường ĐH Y dược quốc tế Hoa Lâm tại Khu y tế kỹ thuật cao ở quận Bình Tân TP.HCM. Công ty này cho biết, họ có đủ điều kiện về đất đai, nhân sự và nguồn vốn đầu tư xây dựng nên đã gửi công văn tới Bộ GD-ĐT đề xuất thành lập trường.
Khi được hỏi quan điểm của Bộ GD-ĐT về việc liệu có cấp phép cho việc thành lập trường này hay không, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, việc thành lập trường Y dược phải dựa trên các quy định chung và không phân biệt là trường công lập hay tư thục. Trước đề xuất của TP.HCM, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét về hạn mức quy hoạch và quy hoạch đào tạo nhân lực y tế, đồng thời trường cũng phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chí hiện hành đối với đào tạo ngành Y, Dược. Tuy nhiên, không ít người lo ngại về “trào lưu” mở ngành Y, Dược có đảm bảo chất lượng đầu ra hay không khi mà chính Bộ GD-ĐT đã từng phải tạm dừng mở mới ngành này để chấn chỉnh chất lượng đào tạo.
Đặt “ngưỡng” đảm bảo chất lượng đầu ra
Video đang HOT
Trước băn khoăn về việc có nên “thả” cho các trường đa ngành, trường ngoài công lập đào tạo nghề mang tính đặc thù cao như bác sĩ, dược sĩ, PGS.TS Nguyễn Đức Hinh – Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội đưa ra so sánh: “Trên thế giới thì cứ 2-3 triệu dân là có 1 trường Y. Nước Pháp 60 triệu dân có 32 trường, nước Mỹ có tới 151 trường Y. Đất nước chúng ta hiện nay 90 triệu dân, nhưng chỉ có khoảng 20 trường đào tạo bác sĩ. Với ngân sách có hạn thì việc mở thêm một trường Y rất khó khăn. Vậy làm sao để mở thêm trường mà vẫn đảm bảo chất lượng là một bài toán”.
Một trong những định hướng để mở rộng đào tạo ngành Y, Dược mà ông Nguyễn Đức Hinh gợi mở là việc thành lập các phân hiệu tại nhiều tỉnh. Trên cơ sở hoạt động có sự đảm bảo về chuyên môn cao, các phân hiệu này sẽ dần dần trở thành trường Y, Dược. Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội dẫn chứng, nhà trường được thành lập năm 1902, sau đó ĐH Y Thái Bình, ĐH Y Dược – ĐH Thái Nguyên, ĐH Y Hải Phòng đều là phân hiệu của ĐH Y Hà Nội. Bên cạnh đó, việc đảm bảo chất lượng đầu vào và chuẩn đầu ra của ngành Y, Dược cũng đang được các nhà quản lý đề xuất nhiều phương án.
“Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học Y, Dược đã họp và đưa ra đề xuất kỳ tuyển sinh năm 2016, các trường đại học Y, Dược sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, phải áp dụng điểm ngưỡng cho ngành Dược học (học 5 năm) và Y đa khoa (6 năm). Mặc dù Luật Giáo dục Đại học cho phép các trường tự chủ tuyển sinh nhưng Y, Dược là ngành đặc biệt, cần có sự quản lý của Nhà nước. Ý kiến đề xuất này được 100% sự ủng hộ của Hội đồng” – ông Nguyễn Đức Hinh cho biết.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục KHCN và Đào tạo – Bộ Y tế cho biết, Bộ đã ban hành chuẩn năng lực cơ bản cho các ngành: Bác sĩ đa khoa, hộ sinh, điều dưỡng. Đặc biệt, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 33 làm căn cứ cho chuẩn đầu ra của các cơ sở đào tạo Y, Dược. “Trong tương lai, chứng chỉ hành nghề y khoa được cấp không phân biệt đào tạo trường công hay tư. Người đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề phải thi ở quốc gia, tái cấp trong 5 năm làm việc tại cơ sở hành nghề. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có chứng chỉ hành nghề sẽ là căn cứ để đánh giá chất lượng đào tạo của trường” – ông Nguyễn Minh Lợi khẳng định.
Theo ANTĐ
Bộ Giáo dục trần tình việc tiền hậu bất nhất vụ mở ngành y, dược
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng chủ trì buổi họp báo chiều 28/12. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam )
Trong kết luận của đoàn kiểm tra liên ngành giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế đối với điều kiện mở ngành Y đa khoa và Dược học của Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vừa được đoàn kiểm tra công bố chiều ngày 29/12, trường này vẫn chưa đủ điều kiện để mở hai ngành trên.
Theo đó, trường phải bổ sung các yêu cầu còn thiếu về nhân lực, cơ sở vật chất mới được phép tuyển sinh.
Tuy nhiên, trước đó, ngày 19/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký quyết định cho trường này được mở ngành Y đa khoa và Dược học. Trả lời phỏng vấn báo chí, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định trường đã đủ điều kiện để đào tạo hai ngành này.
Lý giải mâu thuẫn trên, tại buổi họp báo chiều 29/12, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết: "Do có sự chỉ đạo khác nhau, văn bản khác nhau ở các thời điểm khác nhau."
["Treo" quyết định tuyển sinh ngành y, dược của Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội]
Cụ thể, theo bà Phụng, trong biên bản ngày 5/10, kết luận của đoàn thẩm định là trường đã cơ bản đảm bảo điều kiện mở ngành, các điều kiện còn thiếu sẽ bổ sung theo lộ trình các năm học.
Với kết luận này, đoàn thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo lãnh đạo Bộ: về cơ bản, trường đã đủ điều kiện mở ngành và sẽ hoàn thiện theo lộ trình. Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quyết định đồng ý cho trường mở ngành theo hướng vừa tuyển sinh, vừa hoàn thiện.
"Đó cũng là quan điểm chúng tôi áp dụng với một số trường trong thời gian gần đây. Nếu về cơ bản giai đoạn đầu đã đủ rồi thì sẽ cho mở ngành."
"Tuy nhiên, sau đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo bao giờ trường đáp ứng đủ các điều kiện mới được tuyển sinh. Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng quán triệt tinh thần này, bên cạnh đó là dư luận xã hội, yêu cầu về chất lượng đào tạo. Đây là yêu cầu mới của việc mở ngành," bà Phụng nói.
[Bộ Giáo dục: Bộ cấp phép khi trường đã bổ sung đủ điều kiện mở ngành]
Theo kết luận mới nhất của đoàn thẩm tra liên ngành ngày 23/12, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vẫn còn thiếu về nhân lực, cơ sở vật chất.
Cụ thể, với ngành Y đa khoa, trường còn thiếu một tiến sỹ sản khoa và 6 môn học chưa có giảng viên cơ hữu đúng chuyên ngành. Đó là các môn Chẩn đoán hình ảnh, Truyền nhiễm, Tâm thần, Ký sinh trùng, Sinh lý bệnh miễn dịch, Mô phôi. Về cơ sở vật chất, trường phải bổ sung danh mục thiết bị theo hợp đồng mua bán trị giá 11 tỷ đồng và giao hàng tháng 1/2016.
Với ngành Dược học, trường thiếu giảng viên chuyên ngành dạy môn Phân tích kiểm nghiệm, cần bổ sung danh mục thiết bị theo hợp đồng mua bán trị giá 23 tỷ đồng và giao hàng vào tháng 2/2016.
"Vì chưa đáp ứng đủ các yêu cầu nên yêu cầu mới đối với việc mở ngành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị trường phải hoàn thiện mới đồng ý cho trường tuyển sinh," bà Phụng cho biết.
Cũng theo bà Phụng, tuy trước đó Bộ đã cho phép trường tuyển sinh nhưng do thời gian xét tuyển đại học năm 2015 đã kết thúc nên Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chưa thực hiện xét tuyển năm nay.
Bà Phụng cũng khẳng định, việc mở ngành y chỉ phụ thuộc vào việc trường có đáp ứng đủ các yêu cầu của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra hay không. "Pháp luật và cơ quan quản lý nhà nước không phân biệt đó là trường công hay trường tư, là trường đa ngành hay chuyên ngành. Không nhất thiết ngành y phải để trường y đào tạo," bà Phụng nói.
Cũng theo bà Phụng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ kiểm soát chất lượng lúc mở ngành, thanh kiểm tra trong quá trình đào tạo và rà soát tổng thể theo từng thời kỳ.
"Đầu năm 2016, hai Bộ [Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế - PV] sẽ đi kiểm tra việc đào tạo ngành y, dược của các trường, có thể kiểm tra tổng thể hoặc sát xuất, tuỳ theo nhân lực. Những trường không đảm bảo điều kiện sẽ không được tiếp tục đào tạo," bà Phụng nói./.
Theo vietnamplus
Giáo sư đầu ngành thẩm định việc đào tạo Y, Dược PGS.TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội; thạc sĩ Nguyễn Minh Lợi, Phó cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế tham gia thẩm định việc mở ngành Y, Dược. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và đề nghị của Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế đã cử...