Tranh luận về truyện ‘Cậu bé bút chì’ phản giáo dục
Trong khi nhiều phụ huynh lo ngại cuốn “Shin – Cậu bé bút chì” có nhiều chi tiết bạo lực, dung tục, một số ý kiến khác lại cho rằng truyện có tác dụng… giáo dục giới tính.
Tại phố sách Đinh Lễ (Hà Nội) chiều 18/5, cậu bé Vũ Thế Duy (9 tuổi) hăng say đọc cuốn truyện tranh “Shin – Cậu bé bút chì”. Duy cho biết, mỗi khi đạt điểm tốt ở trường, bố thường dẫn em đến hiệu sách mua truyện như một phần thưởng. “Shin – Cậu bé bút chì” là cuốn em thích nhất, bởi những hình vẽ ngộ nghĩnh và câu chuyện hài hước.
Một số chủ cửa hàng sách ở đây cũng cho hay, những tựa truyện độc giả nhí yêu thích có “Shin – Cậu bé bút chì”.
Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Phương Lan (37 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội), bộ truyện này có khá nhiều chi tiết dung tục, không phù hợp lứa tuổi thiếu nhi. Nhiều ý kiến trên mạng xã hội cũng tranh luận về chủ đề này.
“Tôi thấy choáng”
Theo ý kiến trên cộng đồng mạng, Shin thường xuyên bày trò quậy phá cả ở nhà lẫn những nơi công cộng. Nhân vật nói nhiều câu trống không, gọi người bán sách là “cô bọ ngựa”, bảo mẹ “ngáo ộp khó tính”, nhại lại giọng phụ huynh, tự ý dùng đồ khi người lớn chưa cho phép, tụt đồ bơi của mẹ khi mẹ đang nằm ngủ trên bãi biển…
Video đang HOT
Bên cạnh đó, cậu cũng thường xuyên làm những trò như tự tụt quần, tốc và tụt váy con gái… Ngoài ra, nhiều lời thoại với cách nói ám chỉ chuyện người lớn cũng khiến không ít bậc phụ huynh “lăn tăn”.
Chị Lan cho rằng, yếu tố bạo lực cũng hay xuất hiện dưới nhiều góc độ khác nhau, như mẹ luôn quát mắng và thẳng tay trừng trị Shin với sức mạnh cơ bắp. Một số cảnh đánh nhau trong truyện với những câu quát tháo kiểu: Đồ thối tha; Thằng ranh con; Cút ngay… Thậm chí, mẹ chỉ quấn mỗi chiếc khăn tắm và đuổi theo Shin đang chơi trò biến thái ngoài đường trước mặt phụ nữ.
Một số đoạn hội thoại trong truyện ám chỉ chuyện người lớn khiến không ít phụ huynh lo lắng.
Theo phản ánh của một số phụ huynh, cách đây khoảng 10 năm, NXB Kim Đồng từng phát hành bộ truyện này, nhưng sau đó nhận được nhiều phản hồi gay gắt về nội dung nên đã đình bản. Bộ truyện hiện tại có những sửa đổi và dán nhãn 12 (chỉ dành cho các bé trên 12 tuổi). Tuy nhiên, một số thay đổi được đánh giá chưa phù hợp.
Đặng Tố Quyên (24 tuổi), cho biết, cô rất mê “Cậu bé bút chì” từ khi đọc bộ truyện này năm 2006. “Shin đáng yêu và những lời thoại cũng dễ thương. Nhưng cuốn tái bản này, mình thấy lời lẽ nhân vật khá hỗn hào nên cấm em gái đọc”, Quyên nói.
Chia sẻ quan điểm trên, chị Trần Phương Anh (42 tuổi, Hà Nội), cho biết, con chị cũng có 4 tập truyện. “Tôi khá chủ quan khi nghĩ nó cũng giống như Doraemon. Tuy nhiên, sau khi đọc nội dung, tôi thấy choáng”, nữ phụ huynh nói.
Trong khi đó, chị Đặng Thanh Mai (32 tuổi) lo ngại, trẻ hiếu động và hay bắt chước nên những câu nói, hành động của nhân vật chúng thích sẽ rất dễ “ngấm” và học theo.
“Dù bộ truyện đã được cắt xén và hiệu chỉnh, sau khi xem qua vài tập, tôi vẫn thấy nhiều đoạn dung tục. Tôi thực sự choáng váng và không thể hiểu tại sao lại cho xuất bản những bộ truyện tranh với lời thoại như vậy”, chị Nguyễn Khánh Linh (Định Công, Hà Nội), chia sẻ.
Truyện giáo dục giới tính cho trẻ?
Bên cạnh ý kiến phản đối, một số người cho rằng, đây là bộ truyện phản ánh đúng thực trạng xã hội hiện tại và đọc “Cậu bé bút chì” có thể được… giáo dục giới tính.
Chia sẻ ý kiến trên Facebook, chị Hà Thanh Hoa cho rằng, tác giả đưa vào những tình tiết có thể làm người đọc đỏ mặt nhưng khá vui. Tác giả phải tạo ra mẫu nhân vật đặc biệt để gây cười chứ bình thường sẽ không ấn tượng.
“Mình thấy Shin cũng là cậu nhóc hiếu động và thông minh, đã tạo ra những tình huống dở khóc, cười cho người lớn. Đừng chê cậu bé, hãy để ý và học hỏi, nhất định khi làm cha mẹ, bạn sẽ gặp một trong những tình huống đó”, phụ huynh này nêu quan điểm.
Đồng tình với chị Hoa, chị Phạm Thu Thuỷ, (26 tuổi, Hà Nội) chia sẻ góc nhìn, trong xã hội hiện tại, một cậu nhóc coi tạp chí hoa hậu bãi biển cũng là chuyện bình thường.
Theo chị Thuỷ, “Shin – Cậu bé bút chì” khiến người lớn suy nghĩ về những điều chúng ta thường lảng tránh như vấn đề giáo dục giới tính. Đọc Shin, những vấn đề đó trở nên rất bình thường và có phần hài hước qua con mắt của một cậu nhóc.
“Tôi nghĩ chúng ta không nên khắt khe. Thế giới truyện tranh từ trước đến nay cũng đâu có thực. Chúng ta hãy nhìn ở khía cạnh khác, tốt đẹp hơn”, chị Thủy nói.
Cuối năm 2011, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày bộ truyện ra đời, NXB Kim Đồng đưa “Cậu bé bút chì” trở lại với độc giả nhí sau khi đã chỉnh sửa, loại bỏ nhiều tình huống nhạy cảm và dán nhãn 12 . Bộ truyện gồm 50 tập, dài 120 trang. Hiện tại, “Cậu bé bút chì” đã tái bản ở Việt Nam lần thứ tư.
Nhân vật chính của truyện là Shin, viết tắt của Shinnosuke, cậu bé 5 tuổi trong một gia đình Nhật Bản bình thường: Bố là trưởng phòng một công ty, mẹ ở nhà làm nội trợ.
Tình huống hài hước của truyện chủ yếu khai thác ở khía cạnh nghịch lý giữa hình thức và nội dung một cách triệt để, thậm chí phóng đại. Cậu bé 5 tuổi làm độc giả cười bởi các thói quen, cũng như sở thích rất người lớn như xem tạp chí Hoa hậu bãi biển…
Theo Zing