Tranh luận về sử dụng từ ‘thấu cảm’ trong đề thi Ngữ văn
Sau ngày thi đầu tiên, nhiều ý kiến tranh luận trên mạng xã hội về câu hỏi trong phần Đọc hiểu của đề thi THPT quốc gia môn Ngữ văn.
Từ “thấu cảm” trong câu Đọc hiểu, trích từ văn bản Thiện, Ác và Smartphone của tác giả Đặng Hoàng Giang (NXB Hội nhà văn, 2017, tr.275).
Tại sao lại bắt học sinh lý giải từ ngữ… lạ?
Thầy Lê Văn, giáo viên Ngữ văn tại Hà Nội, cho rằng hơn 20 năm công tác trong nghề, ông chưa từng nghe thấy từ “thấu cảm” như trong đề thi đã đưa.
Trong câu đọc hiểu, tác giả đưa ra 3 định nghĩa. Thứ nhất, thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ.
Thứ hai, thấu cảm là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được những cảm xúc của họ và tất cả xảy ra mà không có sự phán xét.
Thứ ba, thấu cảm khiến ta hồi hộp khi quan sát một người đang đi trên dây ở trên cao, làm chúng ta cùng vui buồn với một nhân vật trong truyện.
Câu hỏi của đề thi Ngữ văn gây tranh cãi.
“Việc giải thích này khiến người nghe càng đọc càng… khó hiểu. Nếu thấu cảm như tác giả hiểu tường tận đến cùng và trọn vẹn suy nghĩ, cảm xúc của người khác thì hoàn toàn sai lầm vì đó là điều không thể. Vậy thấu cảm chỉ có thể là… nhà ngoại cảm mà thôi”, thầy Lê Văn lý giải.
TS Trịnh Thu Tuyết – giáo viên dạy Ngữ văn tại trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, nêu quan điểm: “Thấu cảm” chỉ là cách ghép từ khá chủ quan thường gặp trong ngôn ngữ giao tiếp. Vì là cách cắt – ghép chủ quan nên cách hiểu nhiều khi phải mặc định, cũng khá chủ quan. Chỉ trở về khởi thuỷ, tạm hiểu theo cách chiết tự với hai yếu tố là hiểu và cảm.
Đoạn văn của tác giả Đặng Hoàng Giang khiến người đọc khó “thấu cảm” được bởi không thể “nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ” được. Mỗi con người hãy cứ là chính mình với những quan sát, thấu hiểu, cảm thông.
Thứ hai, càng không thể “hiểu thấu đáo, trọn vẹn một ai đó”, thậm chí đó là điều không tưởng với chính mình.
Video đang HOT
Thêm nữa, theo TS Trịnh Thu Tuyết, đây là đoạn văn thiếu logic, không chặt chẽ và chủ quan.
Trên Facebook, một nhà thơ có tiếng cũng cho rằng thấu cảm là từ không có trong mọi cuốn từ điển tiếng Việt, càng không phải là từ Hán Việt. Vậy tại sao lại bắt học sinh giải nghĩa từ này?
‘Thấu cảm’ ít được dùng nhưng có trong từ điển
Trao đổi với Zing.vn, PGS.TS Phạm Văn Tình – Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam – cho biết Thiện, Ác và Smartphone của tác giả Đặng Hoàng Giang (NXB Hội nhà văn, 2017, tr.275) là văn bản chấp nhận được.
PGS.TS Phạm Văn Tình – Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam.
Theo TS Tình, một số ý kiến cho rằng văn bản đưa một số từ Hán Việt là “thấu cảm”, “trắc ẩn” ảnh hưởng sự trong sáng của tiếng Việt, khó hiểu, lạ lẫm.
Từ Hán Việt (chiếm một tỷ lệ lớn trong từ vựng tiếng Việt) là một bộ phận của tiếng Việt. Mặc dù có xuất xứ từ nguyên là tiếng Hán, các từ này đã được Việt hóa cả về cách đọc và cách dùng (về ngữ nghĩa, theo cách của người Việt). Giới Việt ngữ học cho từ Hán Việt đã là tài sản của tiếng Việt.
TS Tình giải thích: Trắc là sự thâm sâu có thể đo được, thấy được; ẩn là kín đáo, có nghĩa “thương xót một cách kín đáo trong lòng”.
Thấu là xuyên qua; cảm là cảm nhận, cảm thụ, cảm thấy, có nghĩa “thấu hiểu và cảm thông một cách sâu sắc”. Đây là hai từ thể hiện chủ đề và góp phần làm nên thần thái đoạn trích này.
Hơn nữa, các từ thấu cảm, trắc ẩn đã có trong Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng 2015, 2017).
Riêng từ thấu cảm (thấu hiểu và cảm thông sâu sắc) có thể còn hơi lạ. Nhưng đó là cái mới cần lưu ý, học sinh hoàn toàn có thể suy luận và hiểu (vì các em đều hiểu 2 từ thấu hiểu và cảm thông để từ đó suy luận ra từ ghép thấu cảm). Nếu học sinh nào có cảm quan ngôn ngữ tốt, đây chính là cơ hội để các em “ghi điểm” bằng sự thể hiện riêng mình (sẽ giúp cho việc phân loại).
Theo TS Phạm Văn Tình, việc sử dụng những từ mượn này vào văn bản không ảnh hưởng nhiều tới thông điệp trong đoạn văn. Cái quan trọng là cách viết câu, cách diễn giải trong văn bản rõ ràng, mạch lạc và có lý lẽ. Văn bản được chọn cho đề thi trên cơ bản đáp ứng được điều đó.
Về đề thi THPT quốc gia, TS Phạm Văn Tình góp ý: Nội dung của câu 4 của bài Đọc hiểu: “Anh/chị có đồng tình với ý kiến ‘Lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm’ không? Vì sao?” khá trùng với nội dung của câu 1, phần Làm văn: “Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống.
Đề thi nên hỏi ý khác thì hay hơn.
Theo Zing
Thi THPT quốc gia 2017: Lo ngại sự chủ quan của giám thị
Theo Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga, trong quá trình diễn ra kỳ thi THPT quốc gia, lo ngại nhất là sự chủ quan của cán bộ coi thi.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga lo ngại tình trạng giám thị không đọc kỹ quy chế, không chú ý nghe tập huấn, đến khi gặp tình huống trong quá trình làm nhiệm vụ thì xử lý lúng túng, gây sự cố đáng tiếc.
PV có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bùi Văn Ga liên quan kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
- Kỳ thi THPT quốc gia 2017 đã đến rất gần. Các đoàn công tác của Bộ GD&ĐT cũng đã kiểm tra tại một số địa phương. Đến nay, đánh giá của ông về chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia như thế nào?
Ban chỉ đạo thi/tuyển sinh của bộ đã đi kiểm tra tình hình tổ chức thi ở một số địa phương. Nhận định chung là các địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo thi gồm đầy đủ đại diện của các ban ngành và lãnh đạo các huyện, trường ĐH tham gia phối hợp.
Các địa phương cũng đã quan tâm đặc biệt đến công tác in sao đề thi, chuẩn bị chu đáo nhân lực và phương tiện kỹ thuật để đảm bảo in sao đúng kế hoạch và an toàn tuyệt đối.
Việc tập huấn cán bộ tham gia công tác thi năm nay cũng được thực hiện rất chu đáo. Các Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn nhiều lần, quán triệt những điểm mới, những điểm cần lưu ý khi tác nghiệp.
Qua kiểm tra, bộ cũng đã nhắc các địa phương tập huấn thêm một lần nữa ngay tại điểm thi ngày 21/6 tới để tránh những sai sót. Lo ngại nhất là sự chủ quan của cán bộ coi thi, không đọc kỹ qui chế, không chú ý nghe tập huấn, đến khi gặp tình huống trong quá trình làm nhiệm vụ thì xử lý lúng túng gây sự cố đáng tiếc...
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga kiểm tra thi tại tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Tiền Phong.
- Qua thực tế tại một số tỉnh, thành có thể thấy vẫn còn một số vấn đề chưa yên tâm liên quan bảo mật đề thi và tổ chức coi thi; một số điểm thi khá biệt lập như điểm thi trên đảo Quan Lạn, đảo Cô Tô của Quảng Ninh... Chỉ đạo của bộ cũng như khắc phục của địa phương về vấn đề này như thế nào?
Công tác in sao, vận chuyển, bảo quản đề thi được thực hiện theo qui trình nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đề thi. Tất cả người được giao nhiệm vụ liên quan đề thi đều biết rằng đề thi của kỳ thi THPT quốc gia khi chưa sử dụng là tài liệu mật nên khi thực hiện nhiệm vụ phải hết sức cẩn trọng. Những điểm thi xa nơi in sao phải nhận cùng lúc tất cả đề thi để tập kết về điểm thi.
Tại đây, đề thi được những người có trách nhiệm gìn giữ cả ngày lẫn đêm. Qua các đợt kiểm tra, ban chỉ đạo thi/tuyển sinh của bộ cũng lưu ý các địa phương tổ chức điểm thi thuận lợi nhất cho thí sinh ở những vùng khó khăn, vùng biên giới, hải đảo, cù lao...
Các địa phương cũng đã dự phòng phương án xử lý những tình huống khi có thiên tai, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đề thi cũng như việc đi lại của thí sinh, cán bộ coi thi tại những điểm thi này.
- Đến thời điểm này, Ban chỉ đạo thi của Bộ GD&ĐT cũng như của các tỉnh thành còn điều gì chưa thực sự yên tâm, đặc biệt trong việc coi thi ở các bài thi tổ hợp?
Sự khác biệt chủ yếu liên quan quy định coi thi các bài thi tổ hợp. Đây là điểm mới năm nay mà bộ yêu cầu các sở GD&ĐT, trường ĐH, CĐSP tập huấn kỹ cán bộ làm nhiệm vụ coi thi. Những lưu ý quan trọng liên quan cách thức phát đề thi các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, kiểm tra mã đề thi của thí sinh, thu đề thi, giấy nháp các môn thi thành phần (trừ môn thi cuối của bài thi tổ hợp).
Theo quy chế, khoảng thời gian từ khi kết thúc môn thi thành phần thứ nhất đến khi bắt đầu làm bài thi môn thành phần thứ hai là 20 phút. Khoảng thời gian này khá dài để giám thị và thí sinh thực hiện các công việc chuẩn bị môn thi tiếp theo.
Thí sinh tự do có thể không thi hết các môn thành phần của bài thi tổ hợp nên quy chế qui định các điểm thi bố trí phòng thi riêng cho những thí sinh này.
- Trước đây, địa phương đã chủ trì kỳ thi tốt nghiệp THPT đã có nhiều ý kiến nghi ngờ độ tin cậy của kỳ thi. Năm nay khi giao cho địa phương chịu trách nhiệm chính tổ chức kỳ thi liệu kết quả của kỳ thi có đảm bảo tin cậy, khách quan để các trường ĐH sử dụng trong tuyển sinh?
So với kỳ thi tốt nghiệp THPT mà địa phương chủ trì những năm trước, phương thức tổ chức, điều kiện kỹ thuật thực hiện kỳ thi THPT quốc gia năm nay khác rất nhiều. Trừ môn văn, các môn còn lại đều thi dưới hình thức trắc nghiệm khách quan, mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi riêng; chấm thi được thực hiện bằng máy quét; hội đồng thi, công tác coi thi có sự phối hợp giữa giáo viên phổ thông và giảng viên đại học.
Mỗi phòng thi năm nay chỉ có 24 thí sinh, ít hơn những năm trước (30-40 thí sinh/phòng thi) nên các cán bộ coi thi có thể quán xuyến phòng thi tốt hơn.
Ngoài ra, chính thí sinh cũng tham gia giám sát tính nghiêm túc của kỳ thi. Cũng như những năm trước, qui chế năm nay qui định thí sinh có thể mang vào phòng thi các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.
Thí sinh có thể sử dụng phương tiện kỹ thuật được phép mang vào phòng thi này để ghi nhận chứng cứ và chuyển cho những người có trách nhiệm xử lý.
Tất cả điều kiện đó đảm bảo cho kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn, kết quả khách quan, trung thực để các trường ĐH có thể yên tâm sử dụng kết quả để xét tuyển.
Theo Nghiêm Huê / Tiền Phong
Phụ huynh thức khuya dậy sớm cùng con trước kỳ thi THPT quốc gia 2017 Nhằm giúp con chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi sắp tới, không ít cha mẹ cùng thức khuya dậy sớm, cẩn thận chăm lo việc ăn, ngủ, nghỉ, đưa đón con mỗi ngày. Ba ngày trong tuần, chị Hồng Diệp (Hà Nội) phải dậy từ 5h sáng để chuẩn bị đưa đón con gái đi học thêm môn Ngữ văn. Chị chỉ...