Tranh luận về sách Công nghệ giáo dục: Đừng vội vã ‘đập bỏ’ cái hiện hành
Đề cập đến việc sách Công nghệ giáo dục bị loại, TS. Nguyễn Thành Nam, giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự băn khoăn, nếu đập bỏ cái hiện hành còn hữu dụng trong khi cái mới còn chưa hoàn thiện, chưa đi vào thực tiễn và chưa chứng tỏ được tính ưu việt của nó, nếu cái mới gặp vấn đề thì làm thế nào?
TS. Nguyễn Thành Nam. (Ảnh: NVCC)
Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ vật lý ở Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Cộng hòa Pháp (CNRS) năm 2007, TS. Nguyễn Thành Nam đã bỏ ra 4 năm chỉ để học cách dạy học sinh tiểu học. Hai năm tiếp theo, ông trực tiếp vừa biên soạn chương trình vừa dạy khoa học cho học sinh tiểu học. Có điều kiện tiếp xúc, làm việc với trẻ nhỏ, TS. Nam hiểu được cách dạy học sinh tiểu học sẽ có nhiều khác biệt so với các cấp học khác…
Từ câu chuyện sách Công nghệ giáo dục bị loại với những ý kiến trái chiều, để nhận định giá trị của một bộ sách cần theo tiêu chí và cơ sở nào?
Tiêu chí đúng đắn nhất là năng lực của sản phẩm ở đầu ra. Chúng ta cần xây dựng một bộ tiêu chí với những chỉ số có thể đo lường được, để đánh giá năng lực của học sinh ở đầu ra của mỗi chương trình giáo dục mà sách giáo khoa chỉ là một yếu tố của nó.
Đồng thời cần lưu ý, sách giáo khoa (SGK) chỉ là một thành tố của chương trình giáo dục như là giải pháp hoàn chỉnh. Vì SGK mới chưa biết sẽ được sử dụng như thế nào trong thực tế, nhưng theo như chương trình đại trà hiện hành thì SGK là tài liệu dùng chung của cả giáo viên và học sinh, thầy cô giáo dựa vào đó để giải thích cho học sinh hiểu kiến thức, còn học sinh dựa vào đó để ghi nhớ và vận dụng vào việc làm bài tập. Trong khi ở chương trình Công nghệ giáo dục (CNGD), giáo viên sử dụng các bản thiết kế riêng, còn SGK vừa là vở ghi, vở bài tập, vở sáng tạo của học sinh sau giờ học.
Theo quan niệm của CNGD, SGK là những gì thầy và trò cùng làm ra trong lớp học. Quan niệm này hoàn toàn khác với SGK hiện hành, do đó sách của họ làm ra hoàn toàn khác, không thể đem so câu chữ hay cấu trúc với các bộ SGK khác được.
Có ý kiến cho rằng, không nên bắt bộ sách đã hoàn thiện trong 40 năm và thực nghiệm thành công phải sửa gần 300 chỗ, tức là phải làm lại hoàn toàn, chẳng khác nào phải “gọt chân cho vừa giày”. Tiến sĩ có nghĩ như vậy?
Vấn đề không phải là bao nhiêu năm mà quan trọng nó có còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống hay không? Sách có đáp ứng được các đòi hỏi có tính thời đại hay không? Nếu không còn phù hợp thì buộc phải điều chỉnh, thậm chí loại bỏ là điều tất yếu.
Tiến sĩ Nam trong một giờ dạy lớp 1 bằng phương pháp Công nghệ giáo dục. (Ảnh: NVCC)
Tuy nhiên, quá trình thực hiện đổi mới hay cải cách giáo dục cần hết sức thận trọng vì nó liên quan đến tiền đồ của quốc gia, nhất định không nên đập bỏ hoàn toàn cái hiện hành trước khi cái mới được hoàn thiện và được cuộc sống chấp nhận. Tức là, sản phẩm của cái mới phải chứng tỏ có chất lượng cao hơn sản phẩm hiện hành.
Trong một nền giáo dục lành mạnh, bản thân các chương trình giáo dục cũng cần phải được điều chỉnh liên tục trong mối quan hệ biện chứng với thực tiễn. Chương trình CNGD vẫn thường xuyên được điều chỉnh để luôn đi sát với thực tiễn dạy học. Theo tôi biết, bộ SGK CNGD được nộp lên cho hội đồng thẩm định là bản mới nhất.
Cái sai ở chỗ, bắt CNGD phải “đập đi” và “xây lại” toàn bộ cho sát với những quy định mới trong các văn bản hành chính chứ không phải là cho phù hợp với thực tiễn dạy và học. Đây là một sự can thiệp thô bạo và hoàn toàn phản khoa học nên chẳng khác nào “gọt chân cho vừa giày”.
Tại sao chúng ta không chờ đến khi sản phẩm đầu ra của các chương trình giáo dục mới chứng tỏ được sự vượt trội về chất lượng so với các chương trình hiện hành rồi hãy đập bỏ cái hiện hành? Rõ ràng, chưa có gì đảm bảo các chương trình đang xây dựng sẽ thành công như mong muốn. Nếu đập bỏ luôn cái hiện hành còn hữu dụng trong khi cái mới còn chưa hoàn thiện, chưa đi vào thực tiễn và chưa chứng tỏ được tính ưu việt của nó, nếu cái mới gặp vấn đề, chất lượng sản phẩm đầu ra không được như cái cũ thì làm thế nào?
Ông từng khẳng định, phương pháp học tập thông qua hệ thống việc làm của CNGD là phương pháp hiện đại nhất, vì sao vậy?
Video đang HOT
Suy cho cùng, mọi hoạt động dạy và học ở phổ thông đều dựa trên hai yếu tố là giải thích của giáo viên và hoạt động của học sinh. Nền giáo dục cổ truyền của chúng ta chỉ dùng mỗi cách thầy giảng giải, trò ghi nhớ và cách đó đã lỗi thời. Các phương thức học tập mới, hiện đại tập trung nhiều hơn vào hoạt động học tập của học sinh. Vai trò của người thầy chuyển dần từ chỗ là người giải thích, cung cấp thông tin sang vai trò của người hướng dẫn, tổ chức hoạt động học tập của học sinh. Thông qua hoạt động học tập, người học tự tạo ra các năng lực cho bản thân mình.
Trong chương trình CNGD, giáo viên là người thiết kế ra hệ thống hoạt động của học sinh và tổ chức hoạt động học tập đó, do vậy mới gọi là “thầy thiết kế, trò thi công”. Qua đó, học sinh sẽ “tự học, tự giáo dục, tự làm ra chính mình”, vậy nên tôi mới nói là hiện đại nhất.
TS. Nguyễn Thành Nam trong một giờ học. (Ảnh: NVCC)
Nhưng hình như nhiều người chưa hiểu cặn kẽ về cách dạy theo Công nghệ giáo dục?
Thực tế cho thấy, việc dạy theo CNGD đòi hỏi cao hơn ở người thầy, SGK cũng khác. Do đó, nhiều người nhìn vào có cảm giác rất khó hiểu với cái tư duy giảng giải của họ, chứ thực ra không khó đối với học sinh vì các em học tập thông qua việc làm chứ không học qua lời giải thích của người lớn.
Phải chăng chúng ta rất dễ theo lối “tư duy đồng phục”, triệt tiêu mọi sáng tạo nếu đòi hỏi tất cả bộ sách giáo khoa đều phải biên soạn giống nhau?
Đúng vậy! Nếu yêu cầu tất cả các bộ sách giáo khoa đều phải biên soạn giống hệt nhau về cấu trúc, về phân phối nội dung, cuối cùng cái khác nhau duy nhất chỉ có thể là vật liệu – điều giáo viên hoàn toàn có thể tự điều chỉnh trong quá trình dạy học. Với cách làm như vậy không khác gì chúng ta chỉ có một bộ sách giáo khoa.
Ở nước ngoài, họ sử dụng sách giáo khoa như thế nào và chúng ta có thể học được gì, thưa Tiến sĩ?
Còn tùy ở mỗi quốc gia, có nước cho phép sử dụng song song nhiều bộ sách giáo khoa và việc sử dụng bộ sách nào là do hiệu trưởng quyết định. Nhiều nước thậm chí cho phép giáo viên tự biên soạn bài giảng và dạy theo cách của riêng mình chứ không nhất thiết phải theo một cuốn sách nào, miễn là năng lực của học sinh phải đáp ứng được các yêu cầu chuẩn đầu ra. Người ta xây dựng các kỳ thi sát hạch quốc gia và kiểm soát chất lượng thông qua các kỳ thi sát hạch đó.
Để tiệm cận với phương pháp giáo dục của các nước phát triển, chúng ta cần phải thay đổi như thế nào, theo ông?
Đây là việc lớn và cần một hệ thống các giải pháp phức tạp và đồng bộ. Ở đây, tôi chỉ xin nếu ý kiến cá nhân về việc xây dựng chương trình giáo dục mới. Tôi cho rằng, các chương trình giáo dục hiện hành nên được tiếp tục duy trì trong quá trình xây dựng và triển khai chương trình giáo dục mới. Việc xây dựng các chương trình giáo dục mới bao gồm biên soạn sách giáo khoa cứ tiến hành như cách đang làm.
Đồng thời, Nhà nước nên tập trung xây dựng một bộ tiêu chuẩn chất lượng đầu ra cùng với hệ thống đánh giá chất lượng đi kèm. Bộ tiêu chuẩn này bao gồm các năng lực tối thiểu mà học sinh cần phải có được sau khi hoàn thành chương trình học. Trong trường hợp cần loại bỏ một chương trình giáo dục nào đó thì nên dựa vào việc so sánh chất lượng sản phẩm đầu ra, tức là năng lực của học sinh để quyết định nên giữ chương trình nào, nên loại bỏ chương trình nào, chương trình nào cần phải điều chỉnh mới có thể tiếp tục được sử dụng. Tóm lại, theo tôi nên tìm câu trả lời cuối cùng từ thực tiễn cuộc sống.
Xin cảm ơn ông!
Trước đó, ngày 23/9, PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào đã đại diện cho cán bộ trung tâm CNGD viết kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thể hiện sự bức xúc về việc sách CNGD bị loại với các lý do không thuyết phục.
Ngày 25/9, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã có văn bản trả lời về việc Bộ GD&ĐT thực hiện quy trình thẩm định sách giáo khoa theo quy định pháp luật và thông báo nếu nhóm tác giả sách CNGD tiếp tục sửa chữa thì có thể sẽ đăng ký thẩm định lại ở các đợt sau.
Ngày 7/10, PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào tiếp tục gửi thư lên Phó thủ tướng Vũ Đức Đam để trao đổi về những bức xúc xung quanh bộ sách công nghệ giáo dục không qua “cửa thẩm định”.
Theo baoquocte
Khoảng trống khi sách công nghệ giáo dục biến mất từ năm học 2020 - 2021
Với việc chính thức bị hội đồng thẩm định sách giáo khoa quốc gia loại ngay từ vòng 1, sách công nghệ giáo dục sẽ chính thức bị loại khỏi trường học bắt đầu từ năm học 2020-2021, trong sự luyến tiếc của rất nhiều giáo viên, học sinh.
Rớt ngay từ vòng loại
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản trả lời văn bản kiến nghị của cán bộ Trung tâm Công nghệ Giáo dục, thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, do PGS Nguyễn Kế Hào đại diện đứng tên. Theo đó, Bộ tiếp tục khẳng định: sách công nghệ giáo dục không đạt thẩm định và tác giả có thể sửa chữa để đăng ký thẩm định lại từ đầu.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại - "Cha đẻ" của sách Công nghệ Giáo dục.
Theo ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, hội đồng thẩm định sách giáo khoa đã làm việc rất khách quan, công tâm. Hội đồng nghi nhận những điểm tích cực của bộ sách, tâm huyết của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, nhưng hội đồng làm việc theo Thông tư 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về chương trình giáo dục phổ thông mới và Thông tư 33 về hướng dẫn thẩm định sách giáo khoa. Theo đó, sách Tiếng Việt lớp 1 và Toán lớp 1 của Giáo sư Hồ Ngọc Đại phải chỉnh sửa 300 nội dung.
"Tôi xin nhấn mạnh 300 nội dung này không phải là những nhược điểm mà là những điểm cần sửa chữa để phù hợp với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới theo Thông tư 32 và Thông tư 33", ông Tài nói.
Cũng theo ông Tài, sách công nghệ giáo dục bị xếp loại "không đạt" chứ không phải "đạt nhưng cần sửa chữa" vì sách không đáp ứng được những yêu cầu tiên quyết của sách giáo khoa mới theo Thông tư 33.
Giờ học tiếng Việt công nghệ của học sinh trường Tiểu học Quán hành, huyện Nghi Lộc. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)
Theo hội đồng thẩm định, một bộ sách nếu bị xếp không đạt thì việc sửa chữa sẽ phải mang tính hệ thống và vì thế, sẽ không thể hoàn thành sửa chữa chỉ trong một vài tháng mà phải tính bằng năm. Vì thế, sách công nghệ giáo dục nếu có sửa chữa để trình hội đồng thẩm định lại cũng không thể kịp để đưa vào trường học trong năm học 2020-2021. Trong khi đó, Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã lên tiếng khẳng định sẽ không sửa chữa bản thảo. "Tôi đã chỉnh sửa nhiều lần chứ không phải không chỉnh sửa. Tôi không sửa chỉ để đạt thẩm định. Đó là bản in cuối cùng của tôi", Giáo sư Hồ Ngọc Đại nhấn mạnh.
Như vậy, sách công nghệ giáo dục sẽ chỉ được triển khai ở các trường tiểu học hết năm học 2019-2020 và chính thức bị loại khỏi trường học bắt đầu từ năm học 2020-2021 tới. Trung tâm Công nghệ giáo dục đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét việc sách công nghệ giáo dục bị loại, tuy nhiên hy vọng khá mong manh.
Nỗi niềm mang tên... hụt hẫng
Thông tin sách công nghệ giáo dục bị loại ngay từ vòng một thẩm định và sẽ không còn được sử dụng trong các nhà trường từ năm học tới khiến nhiều người tỏ ra nuối tiếc, đặc biệt là những người đã từng trải nghiệm phương pháp giáo dục này.
Chị Trần Lan Hương, học sinh khóa một của Trường Thực nghiệm, một trong những học sinh đầu tiên học công nghệ giáo dục không khỏi bất ngờ.
Hướng dẫn học sinh cách phân biệt tiếng theo chương trình công nghệ tại trường Tiểu học Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. (Ảnh: Bích Huệ /TTXVN)
"Chúng tôi đã trải nghiệm sách công nghệ giáo dục, giống như chúng ta đã sử dụng một sản phẩm, và đến 40 năm rồi chúng tôi vẫn thấy tốt. Không chỉ tôi mà rất nhiều người, cả bố bố mẹ chúng tôi cũng thấy như vậy, con cái chúng tôi cũng trải nghiệm và đánh giá tốt. Vậy tại sao lại không mang những thông tin đó đến mọi người, không mang sách công nghệ đến để cho mọi người để có thêm sự lựa chọn?" chị Hương chia sẻ.
"Sách công nghệ giáo dục đã hai lần cứu nguy cho ngành giáo dục. Tôi tin ngành giáo dục Việt Nam sẽ không thể không sử dụng sách công nghệ giáo dục của tôi. Để rồi xem!"
Giáo sư Hồ Ngọc Đại
Từ trường Thực nghiệm, sách công nghệ giáo dục đã được nhân rộng ra 48 tỉnh thành trên cả nước, áp dụng trên cả triệu học sinh trong nhiều thế hệ và hiện có 931.000 học sinh tiểu học đang học theo sách này. Điều đáng nói là trong suốt hơn 40 năm qua, sách công nghệ giáo dục chưa khi nào là chương trình bắt buộc mà là sự lựa chọn tự nguyện của các nhà trường, học sinh, nhằm mang đến hiệu quả giáo dục tốt hơn cho học trò. Vì thế, việc có 48 địa phương trên tổng số 63 tỉnh thành, trong đó nhiều địa phương có tới 100% trương học triển khai công nghệ giáo dục thay thế cho sách Toán và Tiếng Việt lớp 1 hiện hành đủ cho thấy hiệu quả của phương pháp giáo dục này.
Toàn tỉnh Nghệ An có 559 trường tiểu học thì có đến 558 trường dạy công nghệ giáo dục, chiếm 99,9%. Từ góc bao quát về thực tế triển khai công nghệ giáo dục tại huyện miền núi Kỳ Sơn, Nghệ An, ông Phan Văn Thiết, Phó trưởng Phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn, Nghệ An chia sẻ: "Chúng tôi thấy Tiếng Việt công nghệ 1 rất hiệu quả, đặc biệt là với học sinh dân tộc thiểu số. Học Tiếng Việt công nghệ giáo dục giúp học sinh nhớ lâu, khắc sâu. Đó là điểm nổi bật của sách công nghệ giáo dục đem lại cho học sinh".
Là một giáo viên trực tiếp đứng lớp dạy học sinh theo sách công nghệ giáo dục trong suốt 6 năm qua, cô giáo Trần Thị Thu, trường Tiểu học Quán Hành (Kỳ Sơn, Nghệ An) cho biết với tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, các bài học theo thứ tự sẽ từ bài tiếng chuyển qua bài âm, bài vần, bài nguyên âm đôi. Quy trình tưởng phức tạp nhưng sau mỗi bài học, học sinh sẽ nắm chắc ngữ pháp, hiểu được cách ghép phần âm, phần vần và phân biệt dấu thanh chính xác. Đặc biệt, với phương pháp khoa học, thay vì học chữ theo lối thuộc lòng trước đây, nay các em sẽ có tư duy khá rõ ràng và đọc thông viết thạo khá sớm.
"Trước đây thường với chương trình lớp 1, phải đến ngoài tuần 20 học sinh mới tập viết. Nhưng với chương trình công nghệ giáo dục, các em học đến đâu, tập viết đến đó và sang học kỳ hai thì đã có thể cô đọc, trò viết những bài tập đọc khá dài", cô Thu chia sẻ.
Hơn 40 năm thăng trầm và 4 lần thẩm định
Sách công nghệ giáo dục có lẽ là bộ sách có tuổi đời dài nhất và trải qua nhiều sóng gió nhất trong các sách giáo khoa ở Việt Nam với hơn 40 năm thăng trầm.
Được biên soạn bởi Giáo sư Hồ Ngọc Đại từ năm 1978, khi Hồ Ngọc Đại còn là một TS trẻ mới du học từ Liên Xô trở về, mang theo rất nhiều tư tưởng giáo dục mới. Khi ông viết sách công nghệ giáo dục với chủ trương "đến trường là hạnh phúc", "mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui", mọi người đều cho rằng Hồ Ngọc Đại ảo tưởng, còn Giáo sư người Nga của ông thì nhận định phải mất 40, 50 năm nữa những tư tưởng giáo dục của Hồ Ngọc Đại mới được chấp nhận ở Việt Nam. Sách công nghệ giáo dục khi đó chỉ được dạy trong Trường thực nghiệm Hà Nội.
Năm 1981, Việt Nam thực hiện cải cách thay sách giáo khoa nhưng thất bại. Hậu quả là đến năm 1985 có đến 650.000 học sinh lớp 1 lưu ban, bỏ học. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đó là bà Nguyễn Thị Bình đã quyết định đưa sách công nghệ giáo dục vượt ra khỏi phạm vi trường thực nghiệm, sử dụng trong các nhà trường. Sách công nghệ giáo dục đã góp phần cứu nguy cho ngành giáo dục, giúp Việt Nam đạt thành tựu xóa mù chữ vào năm 2.000.
Năm 1990, lần đầu tiên sách công nghệ giáo dục được hội đồng cấp nhà nước nghiệm thu, đánh giá tốt và cho triển khai dự án chuyển giao công nghệ ở bậc tiểu học. Năm 1994, dự án được đánh giá tốt và cho tiếp tục thực hiện.
Năm 2.000, khi Việt Nam thực hiện cải cách giáo dục lần thứ 2, với quy định cả nước thống nhất một bộ sách giáo khoa, sách công nghệ giáo dục lại trở về vị trí xuất phát, chỉ dạy trong trường Thực nghiệm.
Năm 2006, hàng loạt vụ việc học sinh ngồi nhầm lớp bị phanh phui, khi các em học xong lại quên, không biết đọc, biết viết. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đó là ông Nguyễn Thiện Nhân đã đến gặp Giáo sư Hồ Ngọc Đại, đề nghị thí điểm đưa sách công nghệ giáo dục triển khai tại hai tỉnh biên giới khó khăn là Kiên Giang và Lào Cai.
Sách công nghệ giáo dục một lần nữa cứu nguy cho ngành giáo dục khi học sinh học tới đâu chắc tới đó, không còn tái mù chữ. Bộ trưởng kế nhiệm là ông Phạm Vũ Luận đã quyết định bỏ chữ thí điểm, nhân rộng triển khai công nghệ giáo dục trên cả nước với tinh thần tự nguyện. Tính đến năm học 2019-2020, cả nước có 48 tỉnh, thành sử dụng sách công nghệ giáo dục thay sách lớp 1 hiện hành với 931.000 học sinh theo học, chiếm trên 50% tổng số học sinh lớp 1.
"Sách công nghệ giáo dục đã hai lần cứu nguy cho ngành giáo dục. Tôi tin ngành giáo dục Việt Nam sẽ không thể không sử dụng sách công nghệ giáo dục của tôi. Để rồi xem!", Giáo sư Hồ Ngọc Đại nói.
Tuyết Mai
Theo ngaynay
"Không nên đánh giá sách của GS Hồ Ngọc Đại theo thông tư" Trong bản kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ngày 23/9/2019, PGS. TSKH Nguyễn Kế Hào, đại diện Trung tâm Công nghệ Giáo dục cho rằng, sách Tiếng Việt và Toán Công nghệ giáo dục đã được đánh giá thẩm định nhiều lần, được cuộc sống lựa chọn sử dụng. Do đó, không nên chỉ đánh giá bộ sách này theo thông tư...