Tranh luận về đề thi tham khảo môn Địa lý, Hóa học
Theo nhận định của một số giáo viên, đề thi môn Địa lý và Hóa học còn “sạn”. Trước ý kiến tranh luận, tổ ra đề thi thử nghiệm của Bộ GD&ĐT khẳng định đề thi Địa lý không sai.
Chiều 14/5, Bộ GD&ĐT công bố đề thi tham khảo THPT quốc gia 2017 với 5 bài thi là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Bộ GD&ĐT: Đề thi Địa lý không sai
Chia sẻ với báo chí, thầy Nguyễn Văn Thuật, giảng viên ĐH Đồng Nai, cho rằng câu 44, mã đề 003, đề thi Địa lý không có đáp án đúng. Câu 44 hỏi: Quốc lộ 1 bắt đầu từ tỉnh Lạng Sơn và kết thúc ở? A. Cần Thơ; B. Kiên Giang; C. Cà Mau; D. Thành phố Hồ Chí Minh.
“Nước ta không có quốc lộ 1 mà chỉ có quốc lộ 1A; quốc lộ 1B; quốc lộ 1K…”, thầy Thuật khẳng định.
Trả lời Zing.vn sáng 16/5, PGS.TS Nguyễn Đức Vũ thay mặt tổ ra đề môn Địa lý, khẳng định: Tên quốc lộ 1 được theo đúng tên của SGK Địa lý 12, NXB Giáo dục Việt Nam và đúng tên quốc lộ 1 trong Atlat Địa lý Việt Nam do NXB Việt Nam phát hành từ 2009 đến nay.
Tiếp theo, thầy Thuật băn khoăn về câu 52: Trang 10 Atlat Địa lý Việt Nam cho biết hệ thống sông nào sau đây nằm cả ở phần lãnh thổ phía Bắc và phần lãnh thổ phía Nam nước ta? A. Đồng Nai; B. Cả; C. Thu Bồn; D. Mê Công.
“Tôi dạy Địa lý trên 30 năm nhưng không thể trả lời được câu hỏi này. Chẳng lẽ nước ta có hệ thống sông chảy từ miền Bắc xuống tận miền Nam?”, nam giảng viên đặt câu hỏi.
Tổ ra đề Địa lý cho biết: Đề yêu cầu xem Atlat Địa lý Việt Nam trang 10. Trên trang này, hệ thống sông Mê Công nằm ở cả hai phần lãnh thổ phía Bắc và phía Nam của nước ta.
Tiếp ý kiến tranh luận, giảng viên ĐH Đồng Nai cho rằng phương án của câu 42 gây nhiễu… vô duyên: Cụ thể, câu 42 ghi: Khu vực nào sau đây ở nước ta có động đất mạnh nhất? A. Nam Bộ; B. Miền Trung; C. Tây Bắc; D. Đông Bắc.
Theo thầy Thuật, nước ta không có khu miền Trung mà chỉ có khu Bắc Trung bộ; khu Duyên hải Nam Trung bộ. Mặc dù phương án B là sai, đề thi trắc nghiệm quốc gia không nên dùng phương án “nhiễu vô duyên”. Loại phương án nhiễu vô duyên chỉ dành cho chương trình Ai là triệu phú. Kiến thức địa lý lớp 12 rất phổ thông, mọi người dân lớn tuổi đều biết.
Tổ ra đề Địa lý lý giải: Cách dùng từ này theo đúng SGK Địa lý lớp 12 NXB Giáo dục Việt Nam. Xin trích nguyên văn câu trong SGK Địa lý 12 của NXB giáo dục Việt Nam trang 64: “Ở nước ta, Tây Bắc là khu vực có hoạt động, động đất mạnh nhất, rồi đến khu vực Đông Bắc. Khu vực Miền Trung ít động đất hơn, còn ở Nam Bộ động đất biểu hiện rất yếu”.
SGK và tài liệu Atlat Địa lý Việt Nam hiện hành là tài liệu dạy và học môn Địa lý thống nhất với cả nước. Do đó, câu hỏi và đáo án thi về nguyên tắc phải phù hợp tài liệu này.
Ông Vũ cho rằng trong điều kiện kinh tế xã hội của nước ta phát triển nhanh chóng như hiện nay, đương nhiên số liệu thống kê cũng thay đổi liên tục. Đôi khi, SGK chưa cập nhật kịp số liệu thực tế. Đặc biệt, đây chỉ là đề thi tham khảo để học sinh biết định dạng chung những kiến thức có sẵn trong SGK và Atlat để tìm ra đáp án.
Trong bài thi chính thức, thí sinh có thể sử dụng phương pháp tương tự để trả lời những câu hỏi khác nhưng tất nhiên với những vấn đề mà số liệu SGK phù hợp với thực tiễn.
Video đang HOT
Câu trắc nghiệm đề Hóa học có 2 đáp án đúng?
Theo Hoàng Đình Quang, á khoa ĐH Ngoại thương Hà Nội, giáo viên dạy online, câu 74 của đề Hóa học có 2 đáp án đúng.
Đề bài và đáp án của câu 74 như sau:
TS Sái Công Hồng – Cục phó Cục khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục, Bộ GD&Đ, cho Zing.vn biết: Bộ GD&ĐT đã nhận được những phản hồi của giáo viên về đề thi Địa lý và Hóa học. Ban ra đề thi sẽ tiếp thu các ý kiến này để chuẩn bị tốt hơn ở đề thi thật.
TS Sái Công Hồng thông tin theo kế hoạch của kỳ thi THPT quốc gia 2017, Bộ GD&ĐT đã công bố lần lượt các đề minh họa, thử nghiệm và tham khảo. Mục đích của đề tham khảo là giúp học sinh (tại thời điểm đã hoàn thành chương trình lớp 12) có bức tranh chung về đề thi để ôn tập, định hình và biết được cấu trúc của đề thi, tránh bỡ ngỡ.
Như vậy, đề thi lần này mang tính chất tham khảo. Đề thi thật sẽ được thực hiện chặt chẽ từ khâu thành lập ban ra đề, tuyển chọn đề, theo tính chất kỳ thi cấp quốc gia.
Theo Zing
Đề thi tham khảo THPT quốc gia 2017: Khó đạt điểm cao
Theo nhận định của một số giáo viên, đề thi tham khảo THPT quốc gia 2017 tương đối dễ so với các năm trước. Tuy nhiên, áp lực thời gian làm bài khiến thí sinh khó đạt điểm cao.
Chiều 14/5, Bộ GD&ĐT công bố đề thi tham khảo THPT quốc gia 2017 với 5 bài thi là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Toán: Nên có những câu thật dễ
Theo thầy Lại Tiến Minh - giảng viên ĐH Kiến trúc Hà Nội - đề thi có nhiều câu hay, phân hóa tốt, các câu được sắp xếp từ dễ đến khó giúp học sinh không bị mất tinh thần khi làm bài.
Nhìn chung, với đề thi tham khảo lần này, học sinh trung bình có thể làm được 15-20 câu đầu tiên. Các câu phân loại học sinh khá giỏi tập trung ở khoảng cuối, từ câu 44-50. Học sinh khá giỏi nếu biết căn chỉnh thời gian có thể làm hết đề thi trong 90 phút.
Giảng viên Lại Tiến Minh. Ảnh: NVCC.
So với hai đề thi minh họa trước đó của Bộ GD&ĐT, đề thi lần này có sự phân loại học sinh tốt hơn, đồng thời hạn chế việc sử dụng máy tính của học sinh.
Thầy Tiến Minh đề xuất do đề thi có hai mục đích là xét tốt nghiệp và tuyển sinh vào đại học nên cần có nhiều hơn những câu thật dễ (khoảng 15-20 câu) để thuận lợi cho việc xét tốt nghiệp. Điều này cũng giúp giáo viên có định hướng tốt hơn trong việc ôn thi giai đoạn nước rút.
Theo giảng viên này, học sinh cũng gặp khó khăn khi phần lớn quen với cách làm Toán theo hình thức tự luận. Nhiều em chưa có kỹ năng tính toán nhanh. Tuy nhiên, hình thức thi trắc nghiệm giúp thí sinh tránh nguy cơ bị điểm liệt.
Hóa học: Giảm số lượng câu khó
Hoàng Đình Quang - á khoa ĐH Ngoại thương, giáo viên dạy Hóa học online, nhận định: Đề thi được sắp xếp từ dễ đến khó với thời gian làm bài hợp lý, không có nhiều câu đánh đố học sinh. Đề bám sát chương trình trong SGK.
Với đề thi này, học sinh có năng lực trung bình sẽ đạt 5 điểm, nắm chắc kiến thức đạt 8 điểm và năng lực xuất sắc đạt trên 9 điểm.
Theo Quang, đề thi đạt được kỳ vọng khi không quá nặng nề về mặt tính toán như trong 2 đề minh họa mà Bộ GD&ĐT công bố trước đó. Đề thi tham khảo vừa sức hơn, khai thác tốt mức độ hiểu kiến thức của học sinh.
Với môn Hóa học, mức độ câu khó giảm xuống nhưng đồng thời sức ép khi làm bài thi cũng tăng lên. Vì vậy, đề yêu cầu học sinh phải hiểu sâu vấn đề mới làm được chính xác, nếu làm ẩu sẽ dẫn đến kết quả thấp.
Vật lý: 'Bẫy' ở câu dễ
Theo thầy Chu Văn Biên, giảng viên ĐH Hồng Đức, Thanh Hóa, đề thi Vật lý đạt được mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học.
Các câu hỏi được sắp xếp từ dễ đến khó, giúp học sinh tiết kiệm thời gian làm bài và lượng được sức mình. Tuy nhiên, học sinh nên chú ý bởi một số câu dễ được cài "bẫy" một cách khéo léo (ví dụ câu 11, 18 và 34...). Vì vậy, các em phải học kỹ SGK và làm nhiều bài thi thử mới có thể tránh được.
Thầy Biên cho rằng các câu phân loại trong đề thi khá quen thuộc nên học sinh nắm chắc kiến thức có thể đạt điểm tối đa. Đề thi phù hợp thời lượng 50 phút cho 40 câu.
Ngữ văn: Thất vọng vì câu nghị luận văn học
Theo TS Phạm Hữu Cường, đề thi tham khảo môn Ngữ văn chủ yếu nằm trong SGK, phần ngữ liệu đọc hiểu và câu viết đoạn văn nghị luận văn học nằm ngoài chương trình học.
Nhìn chung, đề đảm bảo được yêu cầu xét tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học. Tuy nhiên, mức độ phân hóa của đề thi chưa cao. Các câu hỏi nghiêng về các vấn đề truyền thống, hầu như không đề cập vấn đề mang tính thời sự.
Cụ thể, ở phần Đọc hiểu, so với các đề trước, đề thi tham khảo không còn đề cập việc nhận biết phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, thao tác lập luận... mà yêu cầu nhận biết cách trình bày ý trong đoạn văn.
TS Phạm Hữu Cường. Ảnh: NVCC.
Câu 1, câu 2 của phần Đọc hiểu khá đơn giản. Câu 3 và câu 4 ít nhiều đòi hỏi học sinh phải có suy nghĩ riêng nên có khả năng phân hóa trình độ thí sinh.
Phần Làm văn và câu viết đoạn văn nghị luận xã hội khá hay, có thể coi là câu hay nhất trong đề, đòi hỏi học sinh phải suy nghĩ thực sự. Câu hỏi này cũng có ý nghĩa thiết thực với tuổi trẻ, vì nhiều bạn trẻ hiện nay không tìm thấy niềm đam mê thực sự của chính mình.
Câu nghị luận văn học gây thất vọng nhất trong đề này. Hai ý kiến cần bình luận trong đề khá đơn giản, chưa khái quát được nét đặc sắc của nhân vật. Cách dùng từ "đầy khao khát" để nói về Tràng chưa thực cụ thể và chính xác.
Theo TS Phạm Hữu Cường, để làm tốt đề thi THPT quốc gia trong thời gian tới, học sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản của chương trình Ngữ văn 12, làm tốt các kiểu bài đọc hiểu và viết đoạn nghị luận xã hội, cũng như 4 kiểu bài nghị luận văn học: Phân tích/cảm nhận văn học, chứng minh văn học, bình luận văn học và so sánh văn học.
Tiếng Anh: Thất vọng vì... dễ
Cô Vũ Mai Phương, giáo viên dạy tiếng Anh online, cho rằng đề thi tham khảo THPT quốc gia không quá khó với học sinh. Các câu hỏi dàn trải theo các mức nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Để đạt được 5 điểm học sinh chỉ cần học chắc trong SGK.
Nội dung vận dụng cao nằm ở dạng bài đọc hiểu, số câu hỏi vận dụng, vận dụng cao khoảng 15 câu, chiếm 30% câu hỏi trong đề. Vì thế, đề thi đảm bảo yếu tố phân loại học sinh để tuyển sinh đại học.
Là giáo viên chuyên luyện đề thi khối D, cô Mai Phương cho rằng đề thi tham khảo môn tiếng Anh với mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học dễ hơn so với các kỳ thi tách biệt trước đó. Xã hội ngày càng yêu cầu cao hơn với môn ngoại ngữ, nên đề thi dễ lại làm cô Mai Phương khá thất vọng.
Theo Zing
Đề thi minh họa 2017: Khó lấy điểm 8 Theo đánh giá của nhiều giáo viên THPT, số câu hỏi khó trong đề thi minh họa 2017 giảm nhưng áp lực về thời gian làm bài tăng khiến các em khó đạt điểm cao. Chiều 5/10, Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa THPT quốc gia 2017 với 14 môn. Trừ Ngữ văn, các môn khác sẽ thi theo hình thức...