Tranh luận khi phụ huynh cho con bỏ trường tự học ở nhà
Câu chuyện hai anh em Đặng Thái Anh (14 tuổi) và Đặng Nhật Anh (19 tuổi) ở quận Tân Bình (TP.HCM) được bố mẹ cho ở nhà tự học đang gây tranh cãi.
Mới đây, câu chuyện hai anh em ở quận Tân Bình (TP.HCM) được bố mẹ cho nghỉ học ở trường để ở nhà tự học giống mô hình home-schooling đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Hai anh em Đặng Nhật Anh và Đặng Thái Anh tự học ở nhà.
Nhiều người đồng tình cho rằng đây là ý tưởng hay và dẫn chứng mô hình home-schooling khá phổ biến ở các nước trên thế giới như Mỹ, Australia…
Tuy nhiên, so với môi trường giáo dục ở Việt Nam thì việc cho con nghỉ học ở trường để tự học ở nhà là hành động “khác người” và khá tạo bạo. Chính vì vậy, câu chuyện này mới ồn ào đến thế!
Nói về vấn đề này, PGS Văn Như Cương – Chủ tịch HĐQT trường Lương Thế Vinh – khá lo ngại vì mô hình home-schooling không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng dễ làm hỏng các con.
Một thực tế là đa số bố mẹ Việt đều bận đi làm kinh tế và rất hiếm những trường hợp phụ huynh nghỉ làm để ở nhà dạy con.
Hơn nữa, nếu muốn cho con ở nhà học, bố mẹ phải thực sự hiểu về chương trình đào tạo và bản thân bố mẹ cũng phải có trình độ thực sự để thường xuyên kiểm tra năng lực của con.
PGS Văn Như Cương đặt câu hỏi: “Bố mẹ có thực sự đủ năng lực để dạy và kiểm tra con không đó là điều khó nói, việc tạo cho con một hệ thống kiến thức toàn diện không phải phụ huynh nào cũng làm được.
Bởi lẽ, làm gì có ai giỏi tất cả các môn, có thể giỏi môn tự nhiên nhưng còn môn xã hội thì sao?”.
Đó là chưa kể việc áp dụng mô hình home-schooling sẽ hạn chế con việc tiếp xúc với xã hội bên ngoài, rèn cho con tính kỷ luật và chịu trách nhiệm với tập thể.
Cuối cùng, PGS Văn Như Cương khẳng định ông không ủng hộ mô hình học này. “Nếu là tôi, tôi sẽ không cho các con học tại nhà”.
Đồng quan điểm với PGS Văn Như Cương, cô Lê Thị Loan – Phó trưởng khoa Giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) – chỉ rõ các nguyên nhân vì sao chưa thể áp dụng mô hình cho học sinh nghỉ học ở trường để tự học ở nhà.
Video đang HOT
Theo cô Loan, trong hệ thống giáo dục quốc dân mục tiêu đào tạo hay mô hình nhân cách người học tương ứng với từng cấp học được xác định dựa trên điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội và đặc điểm của lứa tuổi học sinh, yêu cầu của thị trường lao động cũng như yêu cầu về sự phát triển hài hòa, toàn diện của các em.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó người cần phải học nhiều môn học và tham gia nhiều hoạt động như vui chơi, hoạt động tập thể với những trải nghiệm và hoạt động cùng nhau để hình thành nhân cách. Điều này rất khó thực hiện ở giáo dục gia đình.
Việc giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống khó thực hiện ở giáo dục gia đình, đặc biệt là những giá trị phổ quát mang tính toàn cầu như hòa bình, hữu nghị, tinh thần quốc tế, kỹ năng hợp tác, hòa nhập, phòng tránh bạo lực học đường, xâm hại tình dục… thường được tổ chức dưới dạng các hoạt động tập thể và đây là thế mạnh của giáo dục nhà trường.
Việc học tập tại gia đình sẽ làm hạn chế các mối quan hệ xã hội, giao tiếp của các em với các bạn cùng trang lứa với sự đa dạng về cá tính, tính cách, hoàn cảnh… điều đó có thể ảnh hưởng đến khả năng hòa nhập và thích nghi với cuộc sống vốn rất sôi nổi, phức tạp.
Hoạt động dạy học, giáo dục trẻ em phải được tiến hành bởi những người được đào tạo, có phương pháp và kỹ năng sư phạm, được tổ chức có hệ thống và phối hợp với các lực lượng giáo dục khác chắc chắn sẽ giúp các em phát triển một cách toàn diện.
Trong một số trường hợp cha mẹ có kiến thức và kỹ năng dạy con mình học tập có thể đạt được kết quả như mong muốn ở một số môn học và một số lĩnh vực, nhưng về tổng thể không thể thay thế giáo dục nhà trường với các thầy cô giáo trong việc giáo dục trẻ em.
Bên cạnh đó, cô Nguyễn Hương Trà – giáo viên bộ môn Giáo dục Công dân một trường THCS (Hà Nội) – cho biết không hoàn toàn ủng hộ cách làm của gia đình anh Đặng Quốc Anh.
Theo cô giáo Nguyễn Hương Trà, việc để các em nghỉ học ở nhà khi còn nhỏ có thể ảnh hưởng đến việc hình thành tính cách cũng như những nhận thức xã hội sau này.
“Đến lớp, học sinh sẽ còn được học cách cư xử qua những mối giao tiếp xã hội, với thầy cô và bạn bè. Việc tách HS ra khỏi chương trình học chung, mà học bằng chương trình riêng là hoàn toàn không ổn, do phụ huynh không phải chuyên gia ở tất cả các lĩnh vực…” – cô Trà nói.
Theo Zing
Học trò kiệt sức vì học: Lỗi tại phụ huynh hay do hệ thống?
Cấm dạy thêm, học thêm, vị "tư lệnh" đứng đầu thành phố đã kiên quyết chỉ đạo nhưng ngay lập tức đụng phải "tổ kiến lửa" vì chạm đến vấn đề nhạy cảm.
Gần đây, khi người lớn còn mải tranh cãi đúng - sai chuyện một cô giáo dạy thêm tiếng Anh bị xử lý, cắt hết thi đua cả năm, thì những người lớn - thầy cô, phụ huynh, các nhà quản lý giáo dục - lại "giật mình" khi một bức tâm thư của học sinh lớp 10 được đăng tải trên phương tiện truyền thông.
Nội dung trong đó chỉ xoay quanh một điều em muốn nói, đó là học hành đã và đang vắt kiệt sức của "các con", còn "người lớn" cứ mải vô tư, kỳ vọng. Câu chuyện giảm tải trong giáo dục lại được bàn đến một cách... nghiêm trọng ngay đầu năm học.
Áp lực học hành - lỗi tại cơ chế?
Trước chỉ đạo kiên quyết của Bí thư Thành ủy, một bộ phận rất lớn từ phía dư luận đã lên tiếng ủng hộ về mệnh lệnh có tính chất hành chính này.
Song cái khó của việc thực thi, đó là với một mệnh lệnh hành chính liệu có thể giải quyết được cho một vấn đề thuộc về lỗi của cả một quá trình, hay còn gọi là lỗi hệ thống?
Trước hết, đó là vấn đề chương trình học quá nặng nề, áp lực đè nặng lên những đôi vai nhỏ-tương lai của đất nước ngay từ những năm tiểu học. Cái cặp nặng trịch 6-7 kg toàn sách vở bài tập thầy cô giao. Trên lớp, học sinh học đến không có giờ chơi, học thêm tràn lan.
Đã có ý kiến cho rằng giảm tải cho học sinh thì trước tiên cần giảm tải ngay trong tư duy của phụ huynh. Nói thì dễ nhưng người Việt Nam với truyền thống hiếu học nên tâm lý, ai cũng muốn con học thành tài. Nên cứ trường chuyên, lớp chọn, là những việc mà phụ huynh "cỡ nào" cũng cố gắng, để con vào bằng được.
Phía giáo viên, cũng rất sợ truyền tải không hết nội dung nên cho học sinh học thêm vào buổi thứ 2, rồi cả buổi tối nữa là thành ca 3 của ngày học. Đáp ứng yêu cầu của phụ huynh, do muốn con giỏi ngoại ngữ nên cho con tới học thêm ngoại ngữ vào buổi tối, không cần biết con có năng khiếu ngoại ngữ hay không.
Áp lực từ nhà trường, giáo viên, phụ huynh, nên hầu như thức dậy khỏi giường là học sinh lao đầu tới trường, học hết hai ca, 5h chiều, cha mẹ đã đón sẵn ở cổng trường dúi vào tay cái bánh bao, bánh mì ăn trên xe, cha mẹ chở thẳng tới lớp học thêm tới tận 10h đêm mới về nhà.
Sau giờ học chính khóa, học sinh lại hối hả ăn lót dạ chuẩn bị vào lớp học thêm buổi tối.
Trong khi chương trình SGK nhiều năm nói giảm tải nhưng ngành giáo dục vẫn "loay hoay" với việc giảm tải. Chỉ đề cập riêng môn toán của trường phổ thông, có rất nhiều kiến thức cao cấp ở ĐH đã được đưa vào.
Ở một trường THPT của TP.HCM, có em học sinh cho biết khi thầy giáo vừa đưa ra đề, không chỉ Toán mà cả môn Lý, bên dưới tới 2/3 lớp đã nhao nhao giơ tay.
Thế nhưng đó là những em đã được học thêm, quá quen thuộc với nhiều dạng đề nâng cao, còn những học sinh không có điều kiện học thêm thì đành "chạy" theo bạn hụt hơi. Có khi hết cả học kỳ vẫn ở diện học lực trung bình.
Đó là chỉ riêng môn Toán thôi cũng đủ làm học sinh khổ sở lắm rồi chứ chưa nói đến hàng loạt môn khác!
Liên quan tới cái cặp của học sinh tại sao ngày càng nặng khi tới lớp, một giáo viên lớp 11 tại trường THPT N.K (quận Tân Bình) chia sẻ: Đó là do giáo viên nào cũng thấy môn học của mình là quan trọng nhất, trong nhà trường thiếu "trọng tài" phân bổ các tiết học và môn học trong một ngày.
Vì nếu không, 5 môn là 5 thầy. Mỗi thầy lại yêu cầu mang sách học, vở bài tập, sách học nâng cao... cho môn của mình nên hậu quả là với 25 bài vở/ngày khiến học trò trẹo cả hông vì cái cặp.
Giảm tải học tập: Thầy tận tâm, trò phải có động cơ, mục đích
Một giáo viên THPT tại TP.HCM cho ý kiến: Ở lớp bán trú trong buổi 2 đã học hết nội dung. Theo tôi là đã quá đủ trong việc nhồi nhét kiến thức một ngày cho học sinh nhưng kỳ vọng con mình phải giỏi toàn diện mà khiến nhiều phụ huynh học sinh lại tiếp tục nhồi cho con cái bánh bao, hối hả chở con tới lớp học vào buổi tối.
Phần vì sợ cô giáo "để ý", phần vì muốn con mình thành "ông Trạng" hết! Nếu thầy cô nghiêm túc với nghề nghiệp, phát hiện, có HS chưa hiểu bài thì buộc phải có phương pháp với riêng học sinh đó để nâng chất lượng học của lớp lên cho đồng đều. Sẽ tổ chức phụ đạo thêm cho HS đó. Tránh việc cả lớp ùn ùn cùng đi học ca 3.
Tại một diễn đàn bàn về giáo dục đầu năm 2016, Ông Huỳnh Hữu Nhật - đại biểu của UBMTTQ VN - đã có câu chất vấn với lãnh đạo ngành giáo dục thành phố rằng, xu thế hiện nay của thế giới hiện ít quan tâm tới việc điểm số, giáo dục theo đó cần phát huy tính sáng tạo của học sinh, tính tự học và nghiên cứu.
Nhưng học sinh của ta sao phải học nhiều quá tới mức còi cả người vì học. Trên 70-80% số học sinh trong mỗi lớp phải đi học thêm thế thì thời gian dạy chính thức, giờ giáo viên lên lớp cho HS có thực chất, có chất lượng không?
Hiệu trưởng của một trường THPT thuộc quận Tân Bình vốn có nhiều năm liền có tỷ lệ học sinh thi đậu đại học cao chia sẻ xung quanh kinh nghiệm học tốt, dạy tốt, rằng, điều quan trọng nhất của chất lượng dạy và học trong phổ thông nằm ở chính người học sinh.
Nếu bản thân học sinh đó có lòng ham thích, say mê, động cơ thực sự thì bản thân em đó sẽ có kế hoạch cho riêng mình trong học tập. Nếu không thì thầy, cô có nhồi đến mấy các em cũng sẽ không có kết quả học tốt.
Thứ nữa, không có học sinh nào yếu, kém. Chỉ do thầy không phát hiện ra sở trường, khả năng của các em mà thôi! Nhưng do việc phân ban lâu nay của ta không rõ ràng.
Học sinh được chọn môn chính theo khả năng nhưng sau vẫn yêu cầu các em phải học đồng đều hết các môn. Điều này khác xa với nước ngoài.
Nếu thấy với Toán, học sinh này không giỏi thì thử với môn xã hội hay môn khoa học tự nhiên như Lý, Hoá... các em sẽ bộc lộ cho biết khả năng, tố chất của từng em. Việc của người thầy là hướng học sinh, phát triển theo khả năng đó. Định hướng cho học sinh phát huy.
Ngược lại, với người thầy, phải hội tụ hai điều kiện tối quan trọng đó là năng lực và sự tận tâm với nghề. Thương yêu học trò nhưng không có năng lực cũng không được.
Nhà trường cũng không nên lấy tỷ lệ học sinh giỏi trong lớp cao hay thấp hay tỷ lệ học sinh lên lớp hàng năm để đánh giá với người thầy. Vì nếu đặt tiêu chí như vậy sẽ áp lực cho cả trò và thầy.
Việc đánh giá giáo viên chính là các em học sinh, đồng nghiệp và phụ huynh học sinh. Nếu được cả ba lực lượng trên ủng hộ cũng đồng nghĩa uy tín của người thầy đảm bảo.
Sau thời gian dạy dỗ của thầy, các em học hành kết quả tốt, đó chính là thành tích đánh giá chính xác nhất về chất lượng giảng dạy, mà cả thầy - trò đều thoát ra khỏi áp lực của việc học tập. Như vậy, với học sinh, mỗi ngày đến trường mới là một ngày vui.
Theo Huyền Nga/Công An Nhân Dân
Trộm dọa đốt nhà để đòi lấy... mật khẩu Iphone Do hai Iphone 6 trộm cắp được đã bị khóa mật khẩu Icloud không mở máy lên được nên bán mất giá, Dũng đã gọi điện thoại yêu cầu nạn nhân cho mình mật khẩu để mở máy nếu không sẽ... đốt nhà. ảnh minh họa Cơ quan CSĐT Công an TP Biên Hòa (Đồng Nai) ngày 24-8 đã chuyển hồ sơ đến...