Tranh luận chuyện để học sinh phổ thông nghỉ hay học vào thứ Bảy
Nhiều ý kiến tranh luận về thời gian học tập của học sinh phổ thông được đưa ra tại hội nghị góp ý về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 24/8.
Bà Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề xuất học sinh không phải học cuối tuần ở cơ sở giáo dục phổ thông để tránh tạo áp lực cho các em.
Tuy nhiên, bà Tâm Đan cho rằng nên quy định số tiết học của học sinh phổ thông trong một ngày chính xác hơn là buổi, khái niệm “cuối tuần” khá mơ hồ.
“Đề nghị cân nhắc kỹ về việc học 2 buổi/ngày đối với giáo dục phổ thông, chủ yếu xem là có điều kiện về trường lớp không. Hết sức tránh tình trạng vì học 2 buổi mà sĩ số học sinh/lớp tăng lên đến 60-70. Bởi chất lượng giáo dục phụ thuộc khá nhiều vào sĩ số lớp học, xét về thực tế không nên bố trí sĩ số học sinh một lớp quá 40. Với các nước có điều kiện, họ xác định lớp học của các học sinh phổ thông bố trí được 20-25 em là đảm bảo chất lượng. Nếu đã lên đến 40 là chất lượng thấp rồi, nhưng với điều kiện của Việt Nam hiện nay thì đành chấp nhận”.
Do đó bà Đan cho rằng cần xem xét ưu tiên về sĩ số lớp học hay việc tổ chức học được 2 buổi/ngày là quan trọng.
Các đại biểu góp ý về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Ảnh: Thanh Hùng
PGS. TS Trần Ngọc Giao, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục tán thành học sinh phổ thông không học thứ Bảy, Chủ nhật để phù hợp với Luật Lao động. Theo ông Giao, việc chăm sóc, giáo dục học sinh không thể giao phó hoàn toàn cho nhà trường và các thầy cô mà cần phải trách nhiệm từ cả phía phụ huynh, gia đình.
Một đại diện đến từ Hội Cựu giáo chức Việt Nam cho hay cũng thống nhất phương án không bố trí thời gian học cuối tuần (thứ Bảy) cho học sinh phổ thông.
Video đang HOT
Góp ý vào thời gian học của học sinh, PGS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội lại cho rằng, không nên bỏ việc học Thứ Bảy, Chủ nhật mà nên để các trường chủ động bố trí tùy theo chuẩn đầu ra được xác định. Dựa vào các chuẩn đầu ra đó, các trường, các địa phương có thể bố trí lịch học phù hợp với từng trường, từng địa phương.
Ví dụ như các thành phố Hà Nội, TP HCM khó có thể chỉ thực hiện chuẩn đầu ra tối thiểu như các địa phương kém phát triển hơn về kinh tế- xã hội. Tương tự, các trường chất lượng cao có thể đặt ra các chuẩn đầu ra khác các trường đại trà. Vì vậy, không nên quy định không học vào cuối tuần mà nên để các cơ sở giáo dục, địa phương tự sắp xếp thời gian để đảm bảo chuẩn đầu ra.
Tuy nhiên, trước những ý kiến đề nghị sắp xếp lại thời gian học tập để học sinh được nghỉ ngày thứ Bảy, trong báo cáo về việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, Ban phát triển Chương trình Giáo dục phổ thông mới cho hay: Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD năm 2009, ở lứa tuổi từ 7 đến 15 (lớp 1 đến lớp 9), ở các nước trong tổ chức này, tính trung bình mỗi học sinh học 7.390 giờ trong một năm học. Trong khi đó, theo dự thảo của Chương trình giáo dục phổ thông mới của Việt Nam, tổng thời lượng học của học sinh tiểu học và THCS trong một năm học chỉ đạt 5.909 giờ. Sở dĩ có sự chênh lệch khá lớn như vậy là do học sinh ở các nước OECD học cả ngày, còn nước ta, theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày và học sinh THCS vẫn học 1 buổi/ngày.
Nếu học sinh nước ta nghỉ học ngày thứ Bảy thì sẽ dẫn đến 2 khả năng:
Hoặc phải giảm bớt nội dung so với chương trình các nước cho phù hợp với thời gian bị giảm, chương trình sẽ thiếu hụt.
Hoặc phải thực hiện tương đối đủ nội dung so với chương trình các nước trong khi số giờ học bị giảm, chương trình sẽ quá tải.
Trong tình hình cụ thể của nước ta, hầu hết các trường THCS, THPT chỉ có thể tổ chức dạy học 1 buổi/ngày, do đó về phía Ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông đã chọn giải pháp tiếp tục bố trí học sinh học ngày thứ Bảy trong tuần.
Thanh Hùng
Theo vietnamnet
Nhiều đại biểu đề xuất học sinh không nên học thứ 7
Với mục đích giảm tải việc học cho học sinh thì có nên bố trí phải học ngày cuối tuần ở các trường phổ thông hay không?
Đây là ý kiến được nhiều đại biểu đưa ra thảo luận tại Hội nghị Góp ý kiến về Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi và Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tại TP.HCM vào ngày 21-8.
Đặt vấn đề thảo luận tại hội nghị, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho biết các đại biểu nên để ý đến quy định các trường phổ thông không dạy vào thứ Bảy.
Quang cảnh hội nghị. ẢNH: TT
Đề cập đến vấn đề trên, bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban, cho biết với mục đích giảm tải việc học cho các em vậy chúng ta có nên bố trí phải học ngày cuối tuần ở các trường phổ thông hay không.
Liên quan đến vấn đề này, bà Phan Thị Thu Hà, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp, khẳng định: "Tôi nghĩ không nên để học sinh học vào ngày thứ Bảy".
Theo bà Hà, bậc mầm non và bậc tiểu học đã nghỉ ngày thứ Bảy trong khi đó bậc THCS và THPT vẫn học. Bởi nhiều trường do kế hoạch học tập nhiều nên không dám nghỉ thứ Bảy. Thế nhưng sắp tới khi Luật Giáo dục được sửa đổi và áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, thiết nghỉ nên để học sinh nghỉ vào ngày thứ Bảy.
"Hiện nay kinh tế phát triển, các dịch vụ khác cũng phát triển, chương trình cũng đã được tinh giản, nên nghỉ thứ Bảy để học sinh có thời gian vui chơi bên gia đình từ đó tạo điều kiện kích thích dịch vụ phát triển. Bên cạnh đó, có điều bất hợp lý đang xảy ra, trong khi các sở, ban ngành đều nghỉ thì trường lại làm việc. Nếu có chuyện gì đó xảy ra rất khó giải quyết. Mặt khác, việc nghỉ thứ Bảy là cơ hội để giáo viên sẽ có trọn một ngày làm công tác đảng, đoàn thể, sinh hoạt chuyên môn" - bà Hà nhấn mạnh.
Liên quan đến chính sách đối với nhà giáo, bà Hà cho biết đang có sự bất hợp lý giữa cán bộ cấp sở, phòng và giáo viên cũng như vấn đề điều động giáo viên tốt về làm ở phòng, sở. Cụ thể, giáo viên có năng lực khi dạy ở trường được hưởng đầy đủ chính sách, đãi ngộ. Thế nhưng khi được điều động về các phòng, các sở bị thiệt thòi nhiều, kể cả phụ cấp thâm niên cũng không có. "Cho nên tôi đề nghị Luật Giáo dục sửa đổi lần này nên tính toán lại làm sao trong hệ thống pháp luật đồng bộ để tạo điều kiện những người tốt được hưởng chế độ đãi ngộ đầy đủ khi tham gia công tác quản lý" - bà Hà nói.
Liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, bà Hà cũng cho biết không nên vì những chuyện gian lận thi cử diễn ra trong kỳ thi năm nay mà quyết định bỏ. "Kỳ thi THPT quốc gia là lần đánh giá nghiêm túc nhất. Tôi nghĩ nên duy trì nhưng cần phải có sự quản lý nghiêm túc, chặt chẽ tất cả các khâu".
Đồng ý với ý kiến trên, PGS-TS Bùi Xuân Hải, Hiệu phó ĐH Luật TP.HCM, khẳng định: "Chúng ta nên duy trì kỳ thi THPT quốc gia. Vì nó đạt được hai mục đích. Thứ nhất có thể xét tốt nghiệp THPT, thứ hai là cơ sở để các trường xét tuyển đại học. Cũng có những quan điểm phản biện cho rằng với tỉ lệ tốt nghiệp cao lên đến 99% thì kỳ thi phải chăng lãng phí. Nhưng theo tôi đã học phải thi".
Theo ông Hải, nếu thi hiện nay với quy trình chung, đề thi chung, mọi thứ chuẩn chung thì rất dễ dàng trong quá trình đánh giá trình độ cao thấp học lực ở các địa bàn, khu vực. Bên cạnh đó, kỳ thi này còn tiết kiệm chi phí trong việc đi lại, tổ chức kỳ thi đại học như những năm trước.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng nên giao cho các trường tự chủ trong việc tuyển sinh. "Tôi tin trong bối cảnh giáo dục của Việt Nam hiện nay, trả việc tổ chức thi tuyển cho các trường đại học, chưa chắc tình hình khá hơn. Mấy trăm trường đại học, trường nào cũng ra đề, tổ chức theo cách riêng có khi tiêu cực còn khủng khiếp hơn" - ông Hải nhấn mạnh,.
THỤC ĐOAN
Theo Trí Thức Trẻ
Kiến nghị không nên học ngày thứ 7 Đó là một số ý kiến góp ý của các đại biểu trong Hội nghị Góp ý kiến về Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi và Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức vào...