Tránh “lợi ích nhóm” trong việc lựa chọn sách giáo khoa
Theo Luật Giáo dục 2019 thì việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) cho chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ giao cho UBND cấp tỉnh quyết định thay vì các cơ sở giáo dục phổ thông như quy định trước đó.
Vậy làm thế nào để việc lựa chọn SGK đảm bảo khách quan, công bằng, hạn chế được thấp nhất tình trạng tiêu cực, “ lợi ích nhóm” đã và đang tiếp tục là vấn đề được dư luận xã hội đặt ra.
Khác với một chương trình, một bộ sách như hiện nay, việc thực hiện một chương trình nhiều SGK được đánh giá là sẽ phát huy được sức mạnh trí tuệ của xã hội, của các nhà khoa học, các nhà giáo tâm huyết đầu tư cho SGK. Tuy nhiên, xung quanh việc chọn bộ SGK nào để dạy trong nhà trường, hiện đang có rất nhiều ý kiến trái chiều.
UBND các tỉnh sẽ được giao chủ trì lựa chọn SGK cho chương trình mới.
Có ý kiến lo ngại tiêu cực, “lợi ích nhóm” có thể xảy ra trong việc chọn sách cũng như việc áp từ cấp Sở xuống trường sẽ làm mất quyền của giáo viên bởi chỉ giáo viên mới biết loại SGK nào là phù hợp nhất. Nguyên lãnh đạo một trường Đại học Sư phạm bày tỏ lo ngại rằng, nếu thẩm quyền chọn sách được giao cho UBND lựa chọn cho toàn tỉnh rất có thể sẽ nảy sinh tình trạng chọn sách do quan hệ, do lợi ích cá nhân, không phù hợp với yêu cầu giáo dục.
“Về nguyên tắc, những cuốn sách đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt đều đạt yêu cầu và đều có thể sử dụng trong nhà trường phố thông. Khi thực hiện một chương trình, một bộ sách thì không có cạnh tranh nhưng khi thực hiện nhiều SGK thì sẽ có cạnh tranh mà đã cạnh tranh thì cũng dễ phát sinh tiêu cực.
Chẳng hạn, các NXB có tiềm lực về tài chính, quan hệ sẽ thuận lợi, chiếm ưu thế hơn trong chiến dịch quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình. Thậm chí, cũng có thể chiết khấu mạnh tay hơn để thu hút các đối tác…
Trong cuộc cạnh tranh này, nếu bộ SGK nào ít được sử dụng hơn thì nhóm tác giả, NXB đó cũng sẽ dễ thua lỗ và sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Câu chuyện độc quyền SGK lại tiếp tục tái diễn trong một hình thức mới” – vị này nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng nhận định, lựa chọn bộ SGK nào là việc rất quan trọng, không phải nhà trường nào cũng đủ khả năng thẩm định. Vì thế, giao UBND các tỉnh, thành phố lựa chọn là phương án phù hợp, đảm bảo an toàn trong bối cảnh hiện nay.
GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, nêu quan điểm: “Nếu để mỗi trường tự lựa chọn bộ SGK cho mình dựa trên ý kiến của giáo viên và phụ huynh học sinh, thoạt nhìn thì có vẻ sẽ rất dân chủ nhưng đặt tình huống SGK được chọn học một thời gian, phụ huynh học sinh kêu không phù hợp, yêu cầu nhà trường chọn lại sẽ thế nào? Đó là chưa kể, mỗi giáo viên sẽ có một ý kiến khác nhau, rất khó để thống nhất. Điều này sẽ rất dễ xảy ra tình trạng loạn, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Video đang HOT
Vì thế, chủ trương để mỗi địa phương chọn sách phù hợp với mình sẽ hợp lý và an toàn hơn trong dạy học, chỉ đạo cũng như kiểm tra, đánh giá”. Tuy vậy, GS Phạm Tất Dong cho rằng, để hạn chế tiêu cực và khả năng cạnh tranh không lành mạnh giữa các NXB, Bộ GD&ĐT phải đưa ra được các tiêu chí cụ thể, rõ ràng quy định việc chọn SGK.
Đặc biệt, trước khi đưa về tỉnh và các địa phương, các nhóm tác giả, NXB phải công khai toàn bộ sách để các Hội đồng chuyên môn do các địa phương thành lập và đông đảo giáo viên, học sinh có điều kiện tham khảo, tìm hiểu kỹ. Việc công khai các SGK đã được phê duyệt cũng là một cách để thể hiện sự minh bạch, tạo sự yên tâm hơn cho toàn xã hội.
Bên cạnh đó, trong Hội đồng chuyên môn do UBND các tỉnh thành lập để chọn sách phải quy đủ thành phần là các chuyên gia đầu ngành, các nhà sư phạm và thầy cô giáo có kinh nghiệm. Đơn cử như đối với SGK môn Toán hoặc Tiếng Việt, phải có ít nhất 2 người là các chuyên gia, GS đầu ngành trong lĩnh vực này; có các nhà sư phạm và các thầy cô giáo giỏi có kinh nghiệm… để việc lựa chọn đảm bảo chính xác, khách quan, công bằng và kín kẽ.
“Dù tất cả SGK đã được phê duyệt đều đảm bảo chất lượng và bám sát vào khung chương trình. Song trên thực tế, chất lượng giữa các cuốn SGK này chắc chắn sẽ không đồng đều, mỗi bộ sách sẽ có những điểm mạnh, yếu khác nhau. Do đó, mỗi địa phương lựa chọn bộ SGK nào cũng phải có sự cân nhắc các yếu tố phù hợp văn hóa, địa lý, lịch sử vùng miền” – GS Phạm Tất Dong chia sẻ.
Đồng quan điểm trên, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Việc giao UBND các tỉnh lựa chọn SGK trong bối cảnh hiện nay là phù hợp. Tuy nhiên, ông Khuyến cũng cho rằng, về lâu dài, cần nghiên cứu để tiến tới có thể giao việc lựa chọn SGK cho Hội đồng chuyên môn của các nhà trường thực hiện khi thấy đủ điều kiện.
Dưới góc độ khác, TS Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng: Về nguyên tắc, các địa phương phải thực hiện đúng Thông tư hướng dẫn chọn SGK và cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm giám sát quá trình tổ chức chọn sách, tập huấn sử dụng sách. Những vấn đề tiêu cực, nếu có bằng chứng rõ ràng sẽ phải xử lý theo quy định của pháp luật.
“Khi suy nghĩ SGK được xem như “pháp lệnh” chưa thay đổi thì việc chọn SGK trong bối cảnh “nhiều SGK” sẽ vẫn chịu những áp lực. Do đó, việc cần quan tâm làm trong lúc này là tuyên truyền về việc thay đổi bản chất trong sử dụng SGK. Khi việc này được hiểu đúng thì việc chọn SGK sẽ giảm bớt căng thẳng” – TS Phạm Tất Thắng nêu ý kiến.
Huyền Thanh
Theo cand
Băn khoăn "hậu" phê duyệt sách giáo khoa
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố danh mục 32 sách giáo khoa của 8 môn học và hoạt động giáo dục lớp 1 để áp dụng giảng dạy từ năm học 2020 - 2021 theo lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Theo đó, chủ trương "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa" đang từng bước đi vào thực tiễn với nhiều cơ hội và cả thách thức. Đã có nhiều băn khoăn được đặt ra xoay quanh những lo ngại về tính độc quyền, lợi ích nhóm khi giao cho địa phương lựa chọn sách, giá thành sách giáo khoa mới, việc kiểm tra thi cử liệu có ảnh hưởng khi có nhiều bộ sách...
Quy trình thẩm định chặt chẽ
Ông Thái Văn Tài (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT) cho biết: Thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Luật số 43/2019/QH14 về Luật Giáo dục (Luật Giáo dục năm 2019), Bộ GD&ĐT đã tổ chức thẩm định các sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 mới của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam được giới thiệu ngày 8/11/2019.
Theo đó, tháng 7/2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã ký quyết định thành lập 9 Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa các môn học và hoạt động giáo dục lớp 1 biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Hội đồng). Hội đồng gồm: Nhà giáo; cán bộ quản lý giáo dục; nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục; đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan và có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng.
Hết thời hạn thông báo, Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận sách giáo khoa từ 3 đơn vị đề nghị thẩm định là: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Tổng số có 49 bản mẫu sách giáo khoa đối với 9 môn học ở lớp 1. Cụ thể: Môn Tiếng Việt có 6 bản mẫu, môn Toán có 6 bản mẫu, môn Đạo Đức có 6 bản mẫu, môn Tự nhiên - Xã hội có 5 bản mẫu, môn Giáo dục thể chất có 4 bản mẫu, môn Nghệ thuật (Âm nhạc) có 5 bản mẫu, môn Nghệ thuật (Mĩ thuật) có 5 bản mẫu, môn Tiếng Anh có 6 bản mẫu và Hoạt động trải nghiệm có 6 bản mẫu.
Dựa vào các tiêu chí, tiêu chuẩn và các yêu cầu cần đạt của từng bản mẫu sách giáo khoa theo quy định, Hội đồng tiến hành thẩm định từng bản mẫu sách giáo khoa và kết luận theo ba mức: "Đạt", "Đạt nhưng cần sửa chữa", "Không đạt". Kết quả, sau 2 vòng thẩm định có 38/49 bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 ở tất cả 9 môn học/hoạt động giáo dục (77,7%) được đánh giá mức "Đạt", 11/49 bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 ở 6 môn học/hoạt động giáo dục (22,3%) được đánh giá ở mức "Không đạt".
Sau khi tiếp nhận các bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 được Hội đồng thẩm định đánh giá mức "Đạt", Bộ GD&ĐT tiến hành các bước rà soát, kiểm tra cuối cùng về các nội dung liên quan đến tính pháp lí đối với sách giáo khoa để trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Theo ông Thái Văn Tài, đợt này, Bộ GD&ĐT chỉ công bố bản mẫu sách giáo khoa cho 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc. Môn Tiếng Anh là môn học tự chọn, bản mẫu sách giáo khoa môn học này sẽ được công bố cùng với việc công bố kết quả thẩm định sách giáo khoa bổ sung (dự kiến trong tháng 12/2019). Còn 11 bản mẫu sách giáo khoa xếp loại "Không đạt", hầu hết các tác giả đều có nguyện vọng và gửi đơn (thông qua Nhà xuất bản) đề nghị về Bộ GD&ĐT để được tiếp tục chỉnh sửa, biên soạn lại theo góp ý của các Hội đồng và tiếp tục trình thẩm định lại theo quy định. Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức thẩm định các bản mẫu này như thẩm định lần đầu vào tháng 12/2019.
Được biết, theo Quyết định số 4507/QĐ-BGDĐT ngày 21/11/2019 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phê duyệt "Danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông", có 32 bản sách sẽ được sử dụng từ năm học 2020 - 2021. Trong số này có 24 bản sách giáo khoa của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, như vậy thị phần của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn chiếm rất lớn, trong khi mục tiêu đặt ra là đa dạng sách, chống độc quyền. Giải đáp những thắc mắc này, ông Thái Văn Tài cho biết: "Tính độc quyền chỉ khi có một bộ, nhưng hiện tại có nhiều bộ từ nhiều nhóm tác giả khác nhau. Trong quá trình lựa chọn tại địa phương phải dựa trên tính phù hợp của từng địa phương. Do vậy không nên quá băn khoăn về tính độc quyền. Tính độc quyền sẽ được hạn chế tối đa trong thời gian tới".
Giáo viên là lực lượng nòng cốt chọn sách giáo khoa
Chủ trương "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa" cũng làm dấy lên ý kiến về vấn đề lựa chọn bộ sách nào? Việc học sinh khi chuyển nơi ở, tới địa phương mới không sử dụng cùng bộ sách giáo khoa thì các em có khó khăn để theo kịp chương trình hay không?... Đây là những thắc mắc, lo ngại của nhiều bậc phụ huynh khi có con học theo chương trình phổ thông mới.
Thông tin về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành (Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT) cho biết: Điểm khác biệt của việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 so với trước là việc dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh sẽ căn cứ vào yêu cầu cần đạt của chương trình. Việc kiểm tra, đánh giá quá trình cũng như trong các kỳ thi cuối cấp sau này sẽ căn cứ vào chương trình. Đề thi cũng sẽ được xây dựng theo hướng đổi mới này và không lệ thuộc vào một ngữ liệu nào để học sinh học sách giáo khoa nào cũng vẫn đáp ứng được yêu cầu của đề.
Học sinh sẽ phát triển toàn diện hơn khi sách giáo khoa lớp 1 mới được sử dụng trong các nhà trường.
Theo ông Nghiêm Xuân Thành, việc lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông được quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 32 Luật Giáo dục 2019. Theo đó, Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Về nguyên tắc, các sách giáo khoa được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt đều được phép sử dụng trong nhà trường. Vấn đề chọn sách của đơn vị/tác giả nào làm tài liệu dạy học chính lệ thuộc vào tính phù hợp với điều kiện thực tế.
Hiện, Bộ GD&ĐT đang xây dựng Thông tư để hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định của Luật Giáo dục. Thông tư này hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học và không quy định cứng là các UBND tỉnh phải chọn tất cả sách giáo khoa của các môn học trong cùng một bộ hay chỉ được chọn 1 bộ sách giáo khoa cho địa phương. Căn cứ vào điều kiện của địa phương, UBND tỉnh xây dựng các tiêu chí để lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với nhu cầu và điều kiện tổ chức dạy học tại địa phương.
Về những băn khoăn liên quan đến giá sách giáo khoa, ông Ngô Văn Thịnh (Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD&ĐT) khẳng định: Hiện nay, sách giáo khoa ảnh hưởng ở phạm vi rất rộng đến từng gia đình. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu để báo cáo Chính phủ có cơ chế về giá sách giáo khoa cho phù hợp, đảm bảo công bằng, tránh sự tăng giá đột biến và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh.
Trong Thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa, Bộ GD&ĐT sẽ quy định cụ thể thành phần của Hội đồng lựa chọn bộ sách giáo khoa để căn cứ vào đó, UBND tỉnh, thành phố thực hiện. Thành phần lựa chọn sách giáo khoa sẽ bao gồm các nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học, đặc biệt là chiếm tỷ lệ đa số là các giáo viên trực trực tiếp giảng dạy môn học đó ở cấp học. Dự thảo Thông tư về lựa chọn sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT sẽ không cứng nhắc mà linh hoạt để việc lựa chọn sách giáo khoa đảm bảo tính phù hợp với điều kiện của từng vùng miền, địa phương.
Hiện nay, dự thảo Thông tư lựa chọn sách giáo khoa đang được Bộ GD&ĐT xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi theo quy định biên soạn, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sau khi tiếp thu tất cả ý kiến của các bên liên quan, Thông tư sẽ được hoàn thiện để sớm trình Bộ trưởng phê duyệt ban hành, kịp thời gian để các địa phương tổ chức lựa chọn sách giáo khoa đáp ứng yêu cầu năm học mới.
Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ triển khai công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các địa phương, các nhà xuất bản thực hiện tốt các khâu lựa chọn sách giáo khoa lớp 1, tổ chức tập huấn sử dụng sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thực hiện việc in và phát hành sách giáo khoa đảm bảo đủ số lượng, kịp thời về tiến độ thời gian cho năm học 2020 - 2021 và các năm học tiếp theo.
Phạm Thảo
Theo laodongthudo
Từ việc góp ý chương trình VNEN băn khoăn cho việc chọn sách giáo khoa sắp tới Sẽ vô cùng khó nêu quan điểm của mình khi lãnh đạo đã có ý chọn bộ sách này mà giáo viên lại thấy bộ sách kia mới thật sự phù hợp. Sách giáo khoa lớp 1 cho năm học 2020-2021 đã được công bố, tất thảy có 5 bộ của 3 Nhà xuất bản để các địa phương chọn lựa. Đây là...