Tránh kẹt xe, học sinh TP HCM tiếp tục học lệch giờ
Sở Giáo dục TP HCM cho rằng, sau 10 năm thực hiện đề án lệch giờ học, các trường không còn ùn tắc giao thông trước cổng trường.
Ngày 5/10, tại buổi tổng kết việc thực hiện đề án lệch ca, lệch giờ của ngành giáo dục TP HCM, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo – ông Nguyễn Văn Gia Thụy (Phó trưởng phòng Chính trị tư tưởng) cho biết phương án này được áp dụng từ năm 2006-2007.
Trước đó, bậc mầm non vào học lúc 7h30, về 16h; bậc tiểu học vào học lúc 7h và chiều 13h. Theo điều chỉnh của đề án, bậc mầm non giữ nguyên khung giờ, trong khi bậc tiểu học vào buổi sáng giữ nguyên, buổi chiều sẽ học trễ hơn 15 phút. Các bậc học THCS, THPT đều được điều chỉnh vào học trễ hơn 15 phút.
Ùn xe thường xảy ra trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1). Ảnh: Mạnh Tùng.
Báo cáo của các phòng giáo dục gửi về Sở cho thấy, sau thời gian thực hiện đề án tình trạng lấn chiếm lòng lề đường giảm rất nhiều. Việc điều chỉnh lệch giờ học và giờ đi về giữa các trường cùng một tuyến đường trọng điểm được các trường tham gia khá tốt, làm giảm ùn tắc giờ cao điểm.
“Cổng trường chỉ còn ùn ứ. Chính quyền, công an các địa phương hỗ trợ tích cực trong việc giữ gìn an ninh, trật tự trước cổng trường”, ông Thụy nói.
Các trường có bãi sân rộng mở cổng cho phụ huynh vào đón con em mỗi giờ tan học như: Tiểu học Lương Định Của (quận 3), Tiểu học Minh Đạo, Tiểu học Chánh Nghĩa (quận 5), THCS Lê Quý Đôn (quận 11)… Nơi nào không có bãi xe rộng thì trường và địa phương tìm nơi lân cận để phụ huynh có chỗ đưa đón con em.
Sắp tới Sở Giáo dục duy trì giờ học và giờ về như đề án, khuyến khích học sinh đi phương tiện công cộng.
Đánh giá phương án bố trí lệch ca, lệch giờ đã mang lại những hiệu quả nhất định, song báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM cho rằng, nhiều trường phổ thông vẫn còn hiện tượng ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Nguyên nhân được cho là ý thức chưa tốt của phụ huynh khi đón con, sự phát triển của phương tiện cá nhân quá nhanh, hệ thống giao thông công cộng kém và học sinh chưa hình thành thói quen đi bộ đến trường.
Video đang HOT
Ngoài ra, Viện chỉ ra rằng, khi kinh tế ngày càng phát triển các gia đình có điều kiện nên thường đón con bằng ôtô. Nhiều người không chấp hành quy định đậu cách cổng trường 50 m nên dễ gây ùn tắc.
Một số trường gần các nút giao thông, gần chợ, mặt đường chật hẹp nên cũng dễ xảy ra ùn tắc. Đồng thời, các giải pháp hiện nay chỉ chủ yếu là nhắc nhở nhưng không có chế tài, xử lý vi phạm nên gây ra hiện tượng nhiều bậc cha mẹ “lờn” quy định.
Phụ huynh chờ đón con trước trường THPT Trưng Vương (quận 1, TP HCM). Ảnh: Mạnh Tùng
Ông Lê Hoài Trung (Phó giám đốc Sở Nội vụ TP HCM) lại cho rằng, phương án bố trí lệch ca, lệch giờ trong ngành giáo dục phải có sự đồng bộ phương án với các ngành khác. Bởi học sinh vào học sớm hoặc học trễ hơn 15 phút so với trước đây nhưng giờ làm của cha mẹ là cố định, nên phương án này không thay đổi được thời gian đưa con họ đi học.
“Chưa kể là trẻ về sớm hơn 15 phút thì cha mẹ lại bỏ việc để đón con sớm hơn, ảnh hưởng chung đến việc cơ quan. Như vậy, người chịu ảnh hưởng đề án lệch ca trong giáo dục là phụ huynh, các cơ quan thực hiện cần tham khảo ý kiến, nguyện vọng của họ”, ông Trung nói.
Chủ trương học lệch giờ được chính quyền TP HCM nghiên cứu từ năm 2001. Tháng 10/2007, thành phố đưa ra kế hoạch 6650 với 8 giải pháp cấp bách nhằm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông. Trong đó, giải pháp đầu tiên và được xem là trọng tâm là bố trí lại giờ làm việc và học tập.
Cuối năm ngoái, ông Lê Văn Khoa (Phó chủ tịch UBND thành phố) giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp Sở Giáo dục – Đào tạo và các đơn vị liên quan nghiên cứu đề án đi làm lệch ca, lệch giờ để kéo giảm tình trạng kẹt xe.
Phân bố lệch giờ của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM từ năm 2007 đến nay.
Theo VNN
10 năm ám ảnh vì bị bắt nạt ở trường tiểu học
Lớp 3, Hà My bị một bạn học cùng lớp bắt nạt, bắt cống nạp đồ, dọa đánh. Em sau đó sợ đến trường, mất niềm tin vào tình bạn.
Bảo lưu việc học ở Anh, đầu tháng 10 Hà My (19 tuổi, Hà Nội) trở về Việt Nam điều trị tâm lý. Em gặp áp lực trong học tập, nỗi ám ảnh bị bắt nạt thời tiểu học đeo bám suốt 10 năm qua.
Khi là học sinh lớp 3, Hà My vốn nhút nhát, không biết cách hòa mình vào tập thể nên bị bạn bè cô lập. Em sau đó được một bạn gái chơi cùng kèm điều kiện "phải đối tốt" và "không được chơi với ai khác". Từ đó mỗi ngày Hà My phải "tặng" cho cô bạn kia một món đồ, khi là bộ bút màu, lúc là kẹp tóc.
Ban đầu em nghĩ đó là chuyện bình thường, bạn bè phải chia sẻ với nhau như thế. Nhưng càng lúc người bạn đòi hỏi càng nhiều, cả những món đồ đắt tiền và gia đình bắt đầu ngăn cấm em không được cho bạn đồ nữa.
Kể với chuyên gia tư vấn, Hà My cho biết không dám phản kháng vì quá sợ, nhất là khi chứng kiến bạn tát, chửi mắng một bạn gái khác vì không nghe lời. Hà My còn bị bạn dọa đánh, giết nếu phản kháng hoặc mách bố mẹ. Sợ hãi, em tiếp tục nói dối gia đình bị mất đồ để nộp quà cho bạn.
"Ám ảnh nhất là một lần ngủ trưa, em bị nữ sinh kia yêu cầu nhắm mắt lại rồi nói thật điều em nghĩ về bạn ấy. Em sợ, không dám nói sự thật nên trả lời rằng bạn là người tốt vì đã làm bạn với em. Bạn kia đanh mặt lại, bảo em dối trá rồi lôi em xuống nhà bếp của trường dọa lấy dao giết. May mắn lúc đó có nhiều người lớn nên em được trở lại lớp", Hà My kể với chuyên gia, mặt tái đi.
Nhiều học sinh bị bạn bắt nạt ở trường học.
Sau lần ấy, nữ sinh sợ đến trường, có những đợt nghỉ học vài tuần. Thi thoảng Hà My bị những cơn rùng mình, rúm người trốn vào một góc. Em không dám nói sự thật với bố mẹ vì sợ bị trách móc, sợ bạn trả thù và tìm đủ lý do để được chuyển trường.
Học ở môi trường mới, Hà My hạnh phúc khi có nhiều bạn thân thiện. Tuy nhiên, chơi với ai đó một thời gian, em lại chủ động giãn ra vì sợ bị lợi dụng, bắt nạt như người bạn lớp 3 cũ. Mất niềm tin vào tình bạn, nữ sinh không dám chơi thân hay yêu ai. Suốt những năm cấp 2 cho đến cấp 3, chỉ cần nghe thấy tên người bạn cũ, Hà My lại "đông cứng người", ký ức đáng sợ ùa về.
Trước Hà My, hàng trăm học sinh đã tìm đến Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục (PPRAC) để điều trị vì gặp vấn đề tâm lý, học tập. Một nguyên nhân thường gặp là bị bắt nạt tại trường học mà không dám nói ra và nhiều bố mẹ không hay biết.
Có em gái học lớp 7 bị bạn bè gán ghép với một nam sinh khác rồi bịa chuyện vào nhà nghỉ, đăng lên mạng xã hội. Nữ sinh phẫn uất, không biết cách giải tỏa, nhiều lần dùng dao rạch tay.
Một nam sinh thể trạng yếu đuối hay bị nhóm bạn trai cùng lớp đặt cho biệt danh xấu, bắt nói câu bậy bạ, bắt ném đồ vào bạn nữ. Có lần nam sinh này còn bị nhốt vào nhà vệ sinh nữ nên rất sợ đến trường, hay kêu ốm để được nghỉ học. Một năm sau, chính nam sinh này lại thích bắt nạt bạn khác và luôn có sẵn vài chiếc compa để phòng thân.
Theo Ths Lã Linh Nga, Giám đốc Trung tâm PPRAC, bắt nạt là vấn đề phổ biến trong trường học ở Việt Nam, là một phần của bạo lực học đường. Học sinh cấp 1, cấp 2, đặc biệt các em yếu đuối về thể chất, nhút nhát, khó thích ứng thường hứng chịu nhiều nhất.
Bắt nạt gây nhiều hậu quả cho nạn nhân và thủ phạm. Ngoài ảnh hưởng xấu đến học tập, vấn đề này còn gây hại lớn đến sự phát triển của trẻ về mặt xã hội, cảm xúc. Các em dễ bị trầm cảm, luôn có cảm giác thấp kém và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống ngay cả lúc đã trưởng thành...
Nữ sinh Hà My ám ảnh 10 năm vì bị bắt nạt ở trường học là điển hình. Em bị rối loạn stress sau sang chấn - một dạng tổn thương tinh thần nghiêm trọng, kéo dài rất lâu. Những trường hợp này thường sẽ thay đổi tính cách, gặp các vấn đề về tâm lý như trầm cảm, hay hoảng sợ. Một số có thể copy hành vi xấu người khác làm với mình để áp dụng cho người khác.
Khảo sát của Tổ chức phát triển cộng đồng tập trung vào trẻ em (Plan International) năm 2014 trên 9.000 học sinh của 5 quốc gia châu Á cho thấy, cứ 10 học sinh thì 7 em từng bị bạo lực học đường (gồm cả bắt nạt).
Nghiên cứu của tổ chức này với 3.000 học sinh của 30 trường THCS, THPT ở Hà Nội (3-9/2014) cũng cho thấy, 80% học sinh bị bạo lực giới trong trường học ít nhất một lần, 71% bị bạo lực trong 6 tháng khi khảo sát diễn ra. Bạo lực tinh thần (mắng chửi, đe dọa, bắt phạt, đặt điều, sỉ nhục...) chiếm tỷ lệ cao nhất 73%, bạo lực thể chất (tát, đá, xô đẩy, kéo tóc, bạt tai, đánh đập...) là 41%.
Bắt nạt học đường là một cá nhân hoặc nhóm người (phổ biến là học sinh) cố tình sử dụng lời nói hoặc hành vi nào đó lặp đi lặp lại nhằm gây tổn thương đến cơ thể, tâm lý của học sinh khác. Người bị bắt nạt thường không có sự kháng cự hoặc phản kháng yếu ớt.
*Tên nhân vật đã thay đổi.
Theo VNN
Những lớp học tạm bợ trên thế giới Ở nhiều nơi trên thế giới, giáo viên và học sinh phải tự sáng tạo cơ hội học tập. Họ học trong hang động, trên đồi, bãi đất trống hay chiếc xe buýt bỏ hoang. Tại khu ổ chuột Cite-Soleil thuộc thủ đô Port-au-Prince của Haiti, hàng chục trẻ nghèo học tập trên bãi đất trống. Trường học chỉ có bàn ghế, giáo...