Tránh chiến tranh thương mại, Google tính kế phát triển ngoài Trung Quốc
Google đang ráo riết chuyển các nhà máy sản xuất điện thoại thông minh Pixel từ Trung Quốc sang Việt Nam, bởi hãng này đang cố gắng xây dựng một chuỗi cung ứng giá rẻ ở Đông Nam Á, nhằm tạo bàn đạp cho những mục tiêu sản xuất phần cứng sau này.
Các chuyên gia cho rằng, dự án sản xuất điện thoại thông minh Pixel, với quy mô tương đối nhỏ khiến cho Google dễ dàng hơn trong việc chuyển các cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Cụ thể, Google bắt đầu chuyển đổi một nhà máy sản xuất điện thoại Nokia cũ ở Bắc Ninh sang sản xuất điện thoại Pixel vào mùa hè này. Đây cũng là nơi mà Samsung đã phát triển chuỗi cung ứng điện thoại thông minh của hãng này từ một thập kỷ trước, vì lẽ đó, Google sẽ có cơ hội tiếp cận với một lực lượng lao động giàu kinh nghiệm.
Những nỗ lực nhằm phát triển các nhà máy sản xuất tại Việt Nam phản ánh hai áp lực mà Google đang phải đối mặt. Đó là sự gia tăng chi phí lao động tại Trung Quốc và hàng loạt hàng rào thuế quan do Chiến thương mại Mỹ – Trung. Vì lí do này, theo một số nguồn tin, Tập đoàn công nghệ khổng lồ này dự tính chuyển hầu hết các nhà máy sản xuất phần cứng dành cho thị trường Mỹ ra khỏi Trung Quốc, bao gồm điện thoại Pixel và sản phẩm loa thông minh nổi tiếng Google Home.
Chuỗi cung ứng ở Việt Nam sẽ là yếu tố quan trọng trên thị trường điện thoại thông minh. Theo các nguồn tin của Nikkei Asian Review, Google đặt mục tiêu sẽ xuất khẩu khoảng 8-10 triệu điện thoại thông minh trong năm 2019 – gấp đôi năm ngoái. Trong khi đó, theo công ty nghiên cứu công nghệ Counterpoint, điện thoại thông minh Pixel của Google hiện có thị phần rất nhỏ trong thị trường điện thoại thông minh, thậm chí còn không nằm trong top 10 toàn cầu.
Nhưng những chiếc điện thoại trong phân khúc tầm trung của Pixel được công bố vào hồi tháng 4 đã giúp Google trở thành hãng điện thoại có doanh số bán hàng lớn thứ Năm tại Mỹ, trong quý II/2019. Sản phẩm này giúp Google giành được thị phần, mặc cho sự suy giảm của ngành công nghiệp điện thoại.
Video đang HOT
Chiến dịch quyết liệt nhằm vào lĩnh vực sản xuất phần cứng của Google được kỳ vọng sẽ tạo áp lực lên các hãng sản xuất điện thoại nằm ở nhóm dưới, như LG Electronics và Sony – các hãng đang gặp khó khăn trong kinh doanh, bởi ngành công nghiệp điện thoại đang trải qua năm thứ ba liên tiếp sụt giảm doanh số.
Bằng việc đa dạng hóa cơ sở sản xuất sang Việt Nam, Google muốn đảm bảo nguồn cung ổn định cho việc sản xuất điện thoại thông minh Pixel, một biểu tượng cho hệ điều hành Android của hãng. Với việc chiếm lĩnh 80% thị trường điện thoại thông minh toàn cầu, Android đang phải đối mặt với Huawei, nhà sản xuất điện thoại lớn thứ hai thế giới. Họ cũng chính là công ty đã công bố hệ điều hành riêng của họ – Harmony OS vào tháng 8 vừa qua.
Trong năm 2018, theo báo cáo của công ty IDC, Google đã xuất khẩu khoảng 4,7 triệu điện thoại thông minh – chỉ chiếm 0,3% thị phần điện thoại thông minh toàn cầu. Tuy nhiên, theo IDC, trong nửa đầu năm 2019, hãng này đã xuất khẩu 4,1 triệu điện thoại thông minh nhờ vào doanh số bán hàng của mẫu Pixel 3A có giá bán $399.
Trong năm 2018, theo IDC, gần 70% doanh số bán điện thoại thông minh của Google là ở thị trường Mỹ – đồng thời cũng là thị trường lớn nhất của hãng, tiếp sau đó là Vương Quốc Anh và Nhật Bản. Với sản phẩm loa thông minh, doanh số thị trường Mỹ chiếm khoảng 64% tổng doanh số bán hàng của Hãng. Theo một số nguồn tin, dựa trên các kế hoạch hiện tại, cho đến cuối năm nay, Google sẽ chuyển một số nhà máy sản xuất điện thoại Pixel 3A từ Trung Quốc sang Việt Nam. Với sản phẩm loa thông minh, theo một số nguồn tin, một số cơ sở sản xuất có thể sẽ được chuyển sang Thái Lan. Nhưng khâu phát triển sản phẩm mới và các sản phẩm trước đó sẽ được giữ lại tại Trung Quốc.
Dường như Google sẽ giữ lại một số hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Trung Quốc, vì hãng này cũng không thể dễ dàng từ bỏ một thị trường rộng lớn như vậy. Tuy nhiên, Google cũng hiểu rằng, do chi phí ngày càng gia tăng, cũng như chịu ảnh hưởng lớn từ môi trường vĩ mô, Hãng cần có các cơ sở sản xuất nằm ở các quốc gia khác, ngoài Trung Quốc, để hỗ trợ lĩnh vực sản xuất phần cứng trong dài hạn.
Google là công ty cuối cùng tìm kiếm một giải pháp an toàn bằng việc đa dạng hóa việc sản xuất ra ngoài Trung Quốc do cuộc Chiến tranh thương mại ngày càng gia tăng về mức độ. HP và Dell đã di chuyển các cơ sở sản xuất máy chủ của họ khỏi Trung Quốc, nhằm tránh những biện pháp thuế quan từ Washington, trong khi chuyển các cơ sở sản xuẩt máy tính xách tay sang Đài Loan và một số nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan và Philippines. Apple cũng đã bắt đầu công bố các kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng, mặc dù hiện tại tập đoàn này vẫn phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc, với hơn 90% sản phẩm phần cứng được sản xuất tại đây.
Theo chuyên gia phân tích trong lĩnh vực điện thoại thông minh Mia Huan của công ty TrendForce, có trụ sở tại Đài Bắc, dự án sản xuất điện thoại thông minh Pixel, với quy mô tương đối nhỏ khiến cho Google dễ dàng hơn trong việc chuyển các cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Bà cũng cho biết thêm rằng, “bất kì khả năng nào về việc chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc từ phía Google đều có nhiều khả năng xảy ra hơn so với Apple”.
Chuyên gia Joey Yen của IDC thì cho rằng, “Đối với lĩnh vực điện thoại thông minh, có lẽ Google vẫn chưa thể nghĩ đến chuyện bán phần cứng, tuy nhiên tập đoàn này đã sẵn sàng chứng tỏ sức ảnh hưởng của mình thông qua sản phẩm điện thoại và phần mềm”. Bà cũng cho biết thêm, “mục đích chính trong kế hoạch phát triển phần cứng của Google là mở rộng sản phẩm phần mềm, dữ liệu, lĩnh vực quảng cáo cốt lõi, cũng như phát triển hệ sinh thái của mình”.
Chuyên gia Yen cũng cho rằng, doanh số bán điện thoại thông minh Google có thể được hưởng lợi trong trường hợp Huawei không còn được sử dụng hệ điều hành Android, do các lệnh trừng phạt từ Washington.
Với thị trường bên ngoài Trung Quốc, “Hệ điều hành Harmony OS của Huawei vẫn còn gặp nhiều thách thức trong việc phát triển thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh trong thời gian ngắn”. “Một hệ điều hành OS mới đòi hỏi rất nhiều nỗ lực trong thời gian dài từ các nhà phát triển phần mềm. Vì thế, một số hãng sản xuất điện thoại sử dụng hệ điều hành Android như Samsung và Google có thể được hưởng lợi từ lệnh trừng phạt đó trong thời gian tới”. Google vẫn chưa có bình luận nào về các phân tích này.
Theo Thế Giới Và Việt Nam
Google sẽ sản xuất điện thoại Pixel tại Việt Nam
Để xây dựng chuỗi cung ứng giá rẻ ở khu vực Đông Nam Á phục vụ cho tham vọng phát triển phần cứng, Google sẽ dịch chuyển việc sản xuất smartphone từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Theo Nikkei Asian Review, Google đã bắt đầu chuyển đổi một số nhà máy sản xuất điện thoại Nokia cũ ở tỉnh Bắc Ninh thành nhà máy sản xuất điện thoại Pixel từ mùa hè năm nay, nguồn tin thân cận Google cho biết.
Bắc Ninh cũng là nơi Samsung đang phát triển chuỗi cung ứng smartphone của hãng từ một thập kỷ trước. Vì thế, Google sẽ tiếp cận được với nguồn lao động dày dặn kinh nghiệm. Việc đẩy mạnh cơ sở sản xuất tại Việt Nam cho thấy áp lực mà Google đang phải đối mặt với chi phí lao động tăng cao ở Trung Quốc, cùng với thuế quan do thương chiến Mỹ - Trung.
Giới thạo tin cho hay, gã khổng lồ internet của Mỹ dự định sẽ chuyển hầu hết các nhà máy sản xuất phần cứng ra khỏi Trung Quốc bao gồm cả điện thoại Pixel và loa thông minh Google Home. Các dây chuyền sản xuất tại Việt Nam sẽ là một phần quan trọng trong nỗ lực tăng trưởng của Google trên thị trường smartphone. Google đặt mục tiêu xuất xưởng khoảng 8 triệu đến 10 triệu smartphone trong năm nay, gấp đôi so với năm ngoái, nguồn tin tiết lộ với Nikkei Asian Review.
Bằng cách đa dạng hóa sản xuất tại Việt Nam, Google hy vọng sẽ đảm bảo việc sản xuất bền vũng dành cho Pixel, smartphone giúp Google giới thiệu những ưu việt của hệ điều hành Android. Hệ điều hành này hiện đang đối mặt với thách thức đến từ Huawei của Trung Quốc, dù Android vẫn đang được 80% smartphone trên thế giới tin dùng. Huawei, nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới, sau Samsung, đã tiết lộ hệ điều hành của riêng mình mang tên Harmony OS hồi tháng 8 vừa qua. Theo kế hoạch hiện tại, Google sẽ chuyển một số dây chuyền sản xuất điện thoại Pixel 3A từ Trung Quốc sang Việt Nam trước cuối năm nay.
Được biết, không chỉ có Apple, nhiều hãng công nghệ khác cũng đang tìm đường rút lui việc vận hành các nhà máy sản xuất của mình tại Trung Quốc. Trước đó, HP và Dell đã chuyển sản xuất máy chủ của họ ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế quan của Washington, đồng thời chuyển một số dây chuyền sản xuất máy tính xách tay sang Đài Loan và các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan và Philippines.
Mới đây, nhằm tránh thương chiến Mỹ - Trung, Sharp cho biết họ đã loại bỏ các kế hoạch sản xuất màn hình cho thị trường Mỹ ở Trung Quốc. Thay vào đó, Sharp sẽ xây dựng một nhà máy mới tại Việt Nam để tránh thuế quan mới được áp đặt trong tranh chấp thương mại kéo dài giữa Washington và Bắc Kinh. Nhà máy mới của Sharp tại Việt Nam sẽ lắp ráp màn hình tinh thể lỏng (LCD) ô tô cho thị trường Mỹ. Ngoài ra, một số dây chuyền sản xuất máy tính cá nhân của công ty con Dynabook cũng có thể chuyển sang cơ sở mới.
Sharp, công ty cung ứng các thành phần cho iPhone của Apple, đã phải chịu sự sụt giảm doanh số bán hàng với mặt hàng điện thoại thông minh tại thị trường Mỹ, cũng như giảm doanh số TV tại các thị trường như Trung Quốc. Nhưng hoạt động kinh doanh của công ty này với Apple dường như đang có xu hướng phục hồi và doanh số thiết bị gia dụng cũng có vẻ tăng trưởng trở lại.
Theo VNMedia
Google sẽ sản xuất tất cả phần cứng bằng vật liệu tái chế vào năm 2022 Google vừa đưa ra thông báo cam kết sẽ sử dụng vật liệu tái chế để sản xuất tất cả các mặt hàng phần cứng của hãng này, trong đó có điện thoại Pixel, Google Home,... Hôm nay, Google đã đưa ra thông báo cam kết sẽ sử dụng vật liệu tái chế để sản xuất tất cả các sản phẩm "Made by...