Tranh cãi xung quanh quy định thí sinh không được nộp hồ sơ trực tiếp tại trường
Để tránh tình trạng rối loạn trong xét tuyển đại học (ĐH) như đã từng xảy ra trong năm 2015 do hầu hết các thí sinh từ các tỉnh, thành, vùng sâu vùng xa đều ùn ùn chạy về thành phố để nộp hồ sơ trực tiếp, dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH năm 2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã điều chỉnh quy định này.
Từ chỗ thí sinh có 3 hình thức để nộp phiếu đăng ký xét tuyển, Bộ GD&ĐT đã bỏ bớt đi hình thức nộp hồ sơ trực tiếp, thí sinh chỉ còn 2 lựa chọn, đó là hoặc nộp qua bưu điện hoặc đăng ký trực tuyến qua mạng internet. Điều chỉnh này đã và đang gây ra nhiều tranh cãi với những ý kiến trái chiều.
Theo dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH năm 2016, thí sinh nộp Phiếu đăng ký xét tuyển (ĐKXT) và lệ phí ĐKXT cho trường qua đường bưu điện theo hình thức thư chuyển phát nhanh hoặc đăng kí trực tuyến. Lý giải về sự điều chỉnh này, Bộ GD&ĐT cho rằng: Bộ dự kiến đưa ra quy định này là rút kinh nghiệm từ công tác tuyển sinh năm 2015.
Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 dự kiến sẽ loại bỏ hình thức nộp hồ sơ trực tiếp tại trường.
Năm ngoái, ngoài đăng ký trực tuyến và qua bưu điện, thí sinh được trực tiếp đăng ký tại trường. Do chưa xét đến yếu tố tâm lý phụ huynh và TS đều muốn đến nộp trực tiếp tại trường thì mới an tâm nên đã xảy ra một số rắc rối phát sinh ngoài ý muốn mà Bộ không thể khống chế được.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, quy định thí sinh chỉ nộp hồ sơ qua bưu điện đã có từ thời kỳ “3 chung”, giờ chỉ bổ sung thêm hình thức đăng ký trực tuyến. Với sự thay đổi này, sẽ có người thắc mắc, đối với những thí sinh nhà ở gần trường nên nộp hồ sơ trực tiếp tại trường sẽ tiện hơn việc phải gửi qua bưu điện? Vấn đề đặt ra ở đây là, vậy tại sao thí sinh đó không ngồi tại nhà đăng ký luôn qua mạng internet, còn tiện hơn cả việc tới trường.
Từ những phân tích trên, Bộ GD&ĐT cho rằng: Quy định như thế là phù hợp, tránh tình trạng tập trung thí sinh tới trường không cần thiết, các trường cũng thuận lợi vì không còn phải bố trí bàn đăng ký để tiếp nhận hồ sơ nữa.
Liên quan đến điều chỉnh này, nhiều ý kiến cho rằng, việc Bộ GD&ĐT quy định thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển qua 2 hình thức trực tuyến và bưu điện là phù hợp, hạn chế được tối đa tình trạng thí sinh ở xa ùn ùn kéo về tận trường nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển một cách không cần thiết, gây tốn kém cho thí sinh và gia đình.
Vấn đề đặt ra ở đây chỉ là Bộ GD&ĐT cần đưa ra những quy định và hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn nữa đối với hai hình thức này. Đơn cử như việc làm thế nào để thí sinh biết chắc chắn hồ sơ của mình đã đến nơi và đã được chấp nhận trên hệ thống? Điều này đòi hỏi việc chuyển hồ sơ qua bưu điện cần phải có chế độ hồi báo đã nhận được thư chuyển phát nhanh, còn đối với việc đăng ký trực tuyến, nhà trường cũng phải cập nhật danh sách lên website của trường để thí sinh cảm thấy an tâm.
Tuy vậy, cũng có nhiều ý kiến đề xuất Bộ GD&ĐT cần khôi phục thêm cả hình thức đăng ký trực tiếp tại trường để tạo điều kiện cho các thí sinh.
Một cán bộ trường Đại học Mỏ địa chất Hà Nội cũng cho rằng: Dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH 2016 quy định thí sinh chỉ được nộp hồ sơ qua bưu điện hoặc đăng ký trực tuyến cần được Bộ GD&ĐT xem xét và nghiên cứu thêm một cách kỹ lưỡng hơn. Thực tế cho thấy, hình thức đăng ký trực tuyến chỉ trở nên thuận lợi khi đã có đồng bộ hệ thống thanh toán lệ phí ĐKXT qua tài khoản. Còn nếu thí sinh sau khi đăng ký trực tuyến xong lại phải ra bưu điện hoặc ngân hàng để chuyển tiền lệ phí ĐKXT thì sẽ làm giảm ý nghĩa và sự tiện lợi của hình thức đăng ký trực tuyến.
Theo CAND