Tranh cãi vụ cô giáo bắt học sinh quỳ: Cần có những quy tắc ứng xử riêng?
Trong nhà trường nên xây dựng những quy định, quy tắc ứng xử riêng của trường mình. Ở đó quy định rõ việc ứng xử giữa thầy với thầy, giữa giáo viên với học sinh; giáo viên với cha mẹ học sinh và học sinh với học sinh…
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục – Thanh thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục – Thanh thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến cho biết, thời gian qua, rất nhiều câu chuyện buồn xảy ra trong môi trường giáo dục từ bạo lực học đường cho đến bạo lực tình dục… Rất tiếc là những vụ việc này chỉ được phát hiện khi gia đình (người bị hại) tố cáo trong khi cả BGH nhà trường im lặng.
“Đây là rõ ràng là tiếng chuông rung động, cảnh báo đối với môi trường học đường hiện nay. Nó không chỉ còn là những sự vụ việc lẻ tẻ mà xuất hiện khá nhiều, bằng nhiều hình thức khác nhau. Không chỉ là những vụ việc xâm phạm tình dục mà còn cả bạo lực tinh thần, thân thể học sinh”, ông Lê Như Tiến nói.
Vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục- Thanh thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, môi trường học đường lẽ ra phải văn hóa nhất, môi trường bình an, lành mạnh nhất đối với các em ấy vậy mà giờ đây các thầy các cô lại làm việc đó thì không thể nào làm cho học sinh và xã hội yên tâm được.
“Tôi thấy có rất nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, chính môi trường sư phạm, môi trường xã hội đã bị nhuốm màu, đã bị vấy bẩn bởi một số thầy cô không gương mẫu.
Thứ hai, khi các phương tiện Internet, truyền thông đến với thầy cô và các em một cách dễ dàng, điều này ảnh hưởng đến lối sống, hành động của thầy cô và các em.
Thứ ba, công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền không thường xuyên và kịp thời, không phát huy được vai trò.
Video đang HOT
Nguyên nhân thứ tư, có thể là do không phát huy được vai trò của các tổ chức trong nhà trường- ngoài hội đồng trường còn có đoàn thanh niên, công đoàn, phụ nữ, đội thiếu niên tiền phong, hội cha mẹ học sinh…
Qua theo dõi nhiều vụ việc tôi thầy gần như các tổ chức ấy đều im lặng trong khi lẽ ra những tổ chức này phải phát huy vai trò, phát hiện sự việc kịp thời.
Nguyên nhân thứ 5, đó là vai trò gương mẫu của người đứng đầu trong cơ sở giáo dục đó là hiệu trưởng và BGH. Trên thực tế có những hiệu trưởng không gương mẫu, trực tiếp có hành vi trái thuần phong mỹ tục. Đó chính là những tấm gương “xấu” đối với thầy cô và học sinh?”, ông Tiến cho hay.
Nguyên nhân lớn nhất theo, ông Tiến là do công tác thanh tra, kiểm tra của cấp trên có thẩm quyền đối với các nhà trường, giáo viên còn lơi lỏng. Khi xảy ra vụ việc không xử lý một cách nghiêm khắc, thậm chí còn bao che cho nhau, che dấu để giữ ổn định và thành tích của trường mình. Rồi đến vai trò của hội cha mẹ học sinh, nếu có dấu hiệu như vậy thì cha mẹ học sinh phải lên tiếng, thậm chí có quyền giám sát việc học hành của con cái mình trong nhà trường. Khi có những chuyện bất bình thường phải tìm hiểu con cái và liên hệ với các thầy cô chủ nhiệm và BGH nhà trường để xử lý kịp thời thì sẽ không xảy ra những hậu quả đáng tiếng như vừa qua.
“Trước đây, những hành động của nhà giáo không ghi thành nguyên tắc nhưng nó thuộc về phạm trù đạo đức rồi. Theo đó, người thầy không bao giờ được phép hành xử thân mật quá với học sinh, đặc biệt đối với học sinh khác giới; người thầy phải tạo sự nghiêm minh, công bằng đối với các học sinh; tiếp học sinh ở phòng hội đồng chứ không phải tại phòng thầy cô rồi đóng cửa lại như thế; khi tiếp nên có một hai học sinh hoặc cô giáo chủ nhiệm cùng có mặt… Nếu làm được những điều này thì không thể nào có chuyện thầy hoặc cô có những hành vi thân mật với các em được.
Hiện chúng ta mới có những quy định chung chung kiểu: đi học đúng giờ, lên lớp làm bài đầy đủ … Các quy tắc ấy mới chỉ nghiêng về kiến thức là chủ yếu còn quy tắc về ứng xử, đạo đức giữa con người với nhau thì còn thiếu. Khi mình không có những quy định chặt chẽ, rõ ràng sẽ tạo nên sự lơi lỏng và tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện những hành vi thiếu chuẩn mực”, ông Tiến cho biết.
Do đó, để hạn chế tình trạng này, theo vị nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Trong nhà trường nên xây dựng những quy định, quy tắc ứng xử riêng của trường mình. Ở đó quy định rõ việc ứng xử giữa thầy với thầy, giữa giáo viên với học sinh; giáo viên với cha mẹ học sinh và học sinh với học sinh…”
“Ví dụ thấy học sinh đánh nhau, thầy cô, bạn bè phải làm gì; thấy thầy cô thân mật với học sinh phải ứng xử ra sao… Toàn bộ những điều ấy đều được cụ thể hóa trong bộ quy tắc ứng xử. Ai vi phạm những quy tắc ấy đều phải chịu trách nhiệm trước cộng đồng, trước tập thể trước các cơ quan hành chính, thậm chí loại ra khỏi ngành, cao hơn truy tố trước pháp luật”, ông Tiến bày tỏ.
Theo infonet
Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục: Điều gì sẽ xảy ra khi học sinh phải im lặng?
Thông tư 06/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục sẽ có hiệu lực từ ngày 28/5. Trong đó quy định, học sinh không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục...
Ảnh minh họa.
Quy định còn chung chung
Theo đó, giáo viên, học sinh, cán bộ quản lý giáo dục không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục. Giáo viên phải có ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng...
Học sinh khi ứng xử với bạn bè, sử dụng ngôn ngữ đúng mực, thân thiện, trung thực, hợp tác, giúp đỡ và tôn trọng sự khác biệt; không nói tục, chửi bậy, miệt thị, xúc phạm, gây mất đoàn kết; không bịa đặt, lôi kéo; không phát tán thông tin để nói xấu, làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm người học khác...
Như vậy, có hai đối tượng chính mà quy định này nhắm đến, đó là giáo viên và học sinh. Nội dung chung mà hai đối tượng này phải thực hiện đó là không được lên mạng thông tin, tuyên truyền, phê phán tất cả những gì mà ngành Giáo dục cho là "làm xấu hình ảnh" của ngành mình.
Theo nhà báo Phan Đăng, ai cũng nói về việc phải tạo ra một môi trường giáo dục lấy người học làm trung tâm, thế nhưng quyền được nói lên sự thật của "đối tượng trung tâm" lại đang bị đe doạ bởi những quy định "kỳ quặc", "không giống ai" của chính ngành Giáo dục.
Nếu như bị cấm, một em học sinh ở Sơn La, Hà Giang hay Hoà Bình không thể lên mạng xã hội viết về những bức xúc thấy trong lớp về trường hợp một bạn học lực yếu, vậy mà điểm thi tốt nghiệp THPT 3 môn là 3 điểm 9. Hơn ai hết, chính các học sinh sẽ phát hiện ra điều bất thường khi bạn mình có học lực kém nhưng đi thi, gặp đề khó lại có điểm cao.
Do đó, nếu tình huống như vậy tiếp tục xảy ra trong tương lai, liệu những em học sinh trên có bị quy kết là "phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục" như nội dung Thông tư 06 hay không? Phạt vì dám nói lên mạng xã hội những điều mà theo người lớn là "nói xấu"!
Phạt vì dám nói ra những bức xúc có thật mà theo ngành Giáo dục là dễ làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục! Vậy thì từ nay về sau học sinh còn dám nói ra tất cả những suy nghĩ thật của mình nữa không? Dù từ lâu, ngành Giáo dục vẫn khuyến khích việc xây dựng một nền giáo dục khai phóng, nơi học trò được tự do tư duy, suy nghĩ theo cách của mình dưới sự dìu dắt, hướng dẫn của thầy cô.
Và nếu tiếp tục như vậy, những "ung nhọt" như "thầy giáo" dâm ô, gạ tình, học sinh đánh bạn như thời trung cổ... có thể sẽ không bao giờ bị phát hiện. Hoặc nếu có, sẽ là "trong nhà bảo nhau" bởi nếu không sẽ ảnh hưởng tới uy tín, thành tích của nhà trường. Đồng thời, nhiều người cũng cho rằng, nói như thế nào được coi là "nói xấu"? Bởi quy định này vẫn chung chung, không rõ ràng.
Không quản được là cấm?
Cộng đồng xã hội đã phản ứng như thế nào với quy định trên? Anh Minh Đức (Hà Nội) bày tỏ: "Chúng tôi lớn lên trong thời bao cấp, cái thời mà mọi thông tin đều được nghe từ loa xã, loa thôn. Nhiều khẩu hiệu được treo ở những chỗ đông người qua lại... thế mà nhớ và thấm trong lòng. Theo tôi, các trường cũng nên thử dùng phương pháp này.
Ví dụ hãy treo các khẩu hiệu "Hãy sống và làm việc để xứng đáng mình là một nhà giáo", "Hãy rèn luyện trở thành những học trò ngoan, để được nhiều thầy cô và bạn bè quý mến", "Các bạn học sinh nam hãy thể hiện sự lịch thiệp trong giao tiếp, để mình được các bạn nữ nể trọng, quý mến hoặc các bạn nữ hãy thể hiện mình là một nữ sinh duyên dáng, để khi qua tuổi học trò gặp lại nhau nghe các bạn nhắc về mình nhiều điều thật dễ thương"...
Một quan điểm khác cho rằng nền giáo dục bản lĩnh là giúp người học nhận thức được đâu là tốt, đâu là xấu, đâu là vùng tự do, đâu là vùng cấm kỵ. Ngược lại, một nền giáo dục yếu đuối là một nền giáo dục có xu hướng tìm cách bảo vệ sự an toàn của mình bằng hàng loạt các mệnh lệnh kiểu... "không quản được là cấm". Chưa kể tới những điều cấm này có thật cần thiết nữa không khi đã có Luật An ninh mạng với những quy định tương tự?
Có thể nói, không phải cứ hô hào rằng học trò phải tôn trọng thầy cô, nói xấu thầy cô là cấm kị, là các em sẽ tăm tắp nghe theo. Bởi điều quan trọng, thầy cô với ý nghĩa cao đẹp của đạo làm thầy, không chỉ truyền thụ kiến thức, mà còn dạy trò chính bởi sự tận tâm, lòng trung thực và thẳng thắn của người thầy. Chứ không phải những trí trá, "đánh tráo khái niệm" trước những đau lòng triền miên của ngành Giáo dục, của không ít người thầy đã lạc lối...
Nguyễn Mỹ
Theo baophapluat
Giáo viên ứng xử với học sinh: Được làm và không được làm gì? Bộ Giáo dục và Đào tạo lần đầu tiên ban hành thông tư quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên. Mục đích xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử này nhằm điều chỉnh cách ứng xử của các thành viên trong cơ sở giáo dục...