Tranh cãi về ý tưởng xóa sổ cảnh sát Mỹ
Nhiều người biểu tình Mỹ muốn thay cảnh sát bằng nhân viên xã hội để đảm bảo trị an, nhưng chuyên gia cho rằng ý tưởng này “điên rồ”.
MPD150, tổ chức vận động cộng đồng ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ, từ lâu đã kêu gọi giải tán cảnh sát địa phương và ý kiến của họ đang thu hút sự ủng hộ lớn hơn bao giờ hết sau cái chết của người da màu George Floyd.
Cảnh sát Minneapolis tuần trước bắt một người trong cuộc biểu tình phản đối cái chết của George Floyd. Ảnh: Reuters.
Tổ chức này lập luận rằng hệ thống tư pháp hình sự được xây dựng trên ý tưởng tội phạm là một dạng hành vi sai trái cá nhân và có thể được ngăn chặn bằng cách đưa những kẻ xấu vào tù. Trong khi đó, các nghiên cứu cho thấy hầu hết hành vi phạm tội là do nghèo đói hay bị xã hội bỏ rơi.
“Quan điểm cảnh sát là những người ngăn chặn tội phạm là nhảm nhí. Đến lúc cảnh sát xuất hiện, họ đã phạm tội xong”, Tony Bouza, cựu cảnh sát trưởng Minneapolis, nói.
MPD150 cho rằng cảnh sát hiện nay không chỉ ứng phó với tội phạm bạo lực mà còn tiến hành vô số những cuộc dừng xe kiểm tra giao thông không cần thiết, bắt giữ những người sử dụng ma túy kiểu cò con, giữ gìn trị an theo kiểu “phá cửa sổ” chỉ nhằm một mục đích duy nhất là đưa thêm người vào tù. Nhóm này cũng gọi cảnh sát là “những người lạ được trang bị súng”.
Theo họ, khi cảnh sát bị xóa sổ, việc giữ gìn luật pháp và trật tự có thể được giao lại cho chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần, nhân viên xã hội, lãnh đạo tôn giáo và những người hỗ trợ nạn nhân.
MPD150 cho rằng lúc đó sẽ không có các hành vi phạm tội như trộm cắp vì các nhân viên cộng đồng sẽ giúp đỡ được mọi người nhờ số tiền được tái phân bổ từ sở cảnh sát địa phương. Cần khuyến khích tuân thủ luật pháp thông qua giáo dục, cung cấp việc làm, dịch vụ sức khỏe tâm thần mà các cộng đồng thu nhập thấp thường không được tiếp cận
Các nhà hoạt động khẳng định rằng nếu đầu tư đầy đủ để thay đổi, xã hội có thể trở thành “nơi người dân không cần phải cướp ngân hàng”. Tuy nhiên, họ thừa nhận vẫn cần “một nhóm nhỏ công chức chuyên biệt” để chống một số loại tội phạm nhất định.
Video đang HOT
“Điều chúng tôi kết luận là chúng ta cần thêm nhân viên xã hội”, Opal Tometi, một trong những người khởi xướng phong trào Mạng người da màu cũng quan trọng năm 2013, nói. “Chúng tôi cần các nguồn lực được chuyển đến cho nhân viên xã hội và các nhà giáo dục thay vì cảnh sát. Các trường học cần được rót tiền. Chúng tôi muốn có các chuyên gia sức khỏe tâm thần khi có những khủng hoảng trong cộng đồng”.
Alex Vitale, nhà tội phạm học tại Đại học Brooklyn, cho biết ông thường được hỏi “nếu không có cảnh sát thì xử lý những vụ giết người và hiếp dâm ra sao?”. Ông chỉ rằng ra nhiều tội phạm kiểu đó vẫn không bị bắt, cho thấy hệ thống hiện giờ vẫn yếu kém và phải tìm ra cách tốt hơn.
9 trong 12 thành viên của Hội đồng thành phố Minneapolis hôm 7/6 tuyên bố họ có ý định giải tán sở cảnh sát. Tuy nhiên, họ chưa có kế hoạch công bố hệ thống đảm bảo an ninh công cộng mới cho thành phố sẽ như thế nào. Họ hứa sẽ phát triển các kế hoạch bằng cách làm việc với cộng đồng, dựa vào các nghiên cứu, kinh nghiệm cải cách toàn quốc và trên thế giới.
Lisa Bender, chủ tịch Hội đồng thành phố Minneapolis, thừa nhận sở cảnh sát vẫn sẽ được duy trì trong thời gian ngắn. Bà cho biết hầu hết cuộc gọi 911 xin trợ giúp trong các trường hợp y tế khẩn cấp và các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Vì vậy, thành phố có thể chuyển nguồn tài chính vốn được cung cấp cho cảnh sát sang các dịch vụ như tư vấn sức khỏe tâm thần và cai nghiện ma túy. Trong khi một lực lượng cảnh sát nhỏ hơn có thể vẫn duy trì, họ sẽ không phải là cơ quan mặc định để tương tác với cộng đồng vào thời điểm khủng hoảng.
Joe Martin, ký giả tạp chí Rolling Stone, nêu ý tưởng phi hình sự hóa những hành vi phạm tội không bạo lực. Khoảng 10 triệu vụ bắt người được thực hiện ở Mỹ mỗi năm, người da màu có nguy cơ đối mặt bạo lực trong các vụ bắt bớ cao hơn so với người da trắng. Các hành vi phạm tội bạo lực chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, phần lớn là vi phạm tương đối nhỏ như tiêu tiền giả – cáo buộc nhằm vào Floyd khiến cảnh sát được gọi đến để xử lý.
“Tôi nghĩ rằng việc các chính trị gia liên bang và địa phương luôn để cảnh sát xử lý mọi vấn đề là không ổn”, Vitale nói. “Khi chúng ta gặp khó khăn, chúng ta cứ cho cảnh sát thêm thiết bị và tự do pháp lý, làm vậy là dung túng họ hành động theo cách hung hăng và đối đầu”.
Martin cho rằng có thể thiết lập các nhóm hòa giải và can thiệp gồm những người không được trang bị vũ khí nhưng được đào tạo để hạn chế bạo lực “từ trong trứng nước”. Ý tưởng này đã được triển khai ở các thành phố như Detroit hay Los Angeles.
Cure Violence, được thành lập bởi nhà dịch tễ học Gary Slutkin, là một ví dụ. Đây là chương trình ngăn bạo lực trong cộng đồng bằng cách sử dụng các phương pháp và chiến lược giống như kiểm soát dịch bệnh. Cách tiếp cận của Cure Violence là phát hiện và can thiệp hoạt động bạo lực đã được lên kế hoạch, thay đổi hành vi của những người có nguy cơ phạm tội cao và thay đổi các quy tắc cộng đồng.
Cure Violence đào tạo và triển khai các nhân viên tiếp cận cộng đồng và những người can thiệp bạo lực nhằm giảm thiểu mâu thuẫn trên đường phố trước khi nó biến thành bạo lực. Những người hòa giải này cần là những người đã có uy tín trong cộng đồng và họ sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để chỉ dẫn cho thành viên cộng đồng cách giao tiếp với nhau tốt hơn, cách giải quyết mâu thuẫn một cách hòa bình.
Tại Brooklyn cũng có những nhóm phụ nữ địa phương tổ chức tuần tra để giảm các hành vi từ quấy rối phụ nữ trên đường phố, bị chồng hoặc bạn trai bạo hành cho đến các vụ thanh toán băng đảng.
Thành lập lực lượng tình nguyện viên để tuần tra cộng đồng là phương án nên triển khai ở những nơi chính cảnh sát có hành vi phạm tội. Ở Mexico, nơi cảnh sát bị cho là tham nhũng nhất thế giới, các nhóm vũ trang Policia Comunitaria và Autodefensas được người dân địa phương tổ chức để bảo vệ mình trước ma túy, dịch bệnh và cảnh sát.
Tuy nhiên, một số chuyên gia đánh giá ý tưởng xóa bỏ các sở cảnh sát là điên rồ. “Dù một xã hội có văn minh đến đâu, dù là Thụy Điển, Australia hay Mỹ, tội ác nghiêm trọng vẫn luôn xảy ra”, Maria Haberfeld, giáo sư tại Đại học John Jay ở Manhattan, nói.
Haberfeld cho rằng cảnh sát không nên là người đầu tiên đối phó với mọi thứ, mọi người và mọi vấn đề trong xã hội, nhưng “có những người đánh đập vợ chồng hoặc giết trẻ em. Họ định điều ai đi xử lý một vụ cướp ngân hàng – nhân viên xã hội chắc?”, bà nói.
Các nghị sĩ đảng Dân chủ, những người ủng hộ mạnh mẽ việc cải cách hệ thống cảnh sát sau vụ Floyd, cũng tỏ ra thận trọng với ý tưởng “xóa sổ cảnh sát” này. Karen Bass, chủ tịch nhóm các nghị sĩ da màu ở quốc hội Mỹ, bày tỏ lo ngại rằng khẩu hiệu “xóa sổ cảnh sát” có thể bị lợi dụng để làm chệch hướng cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng của người da màu, dù bà ủng hộ ý tưởng các cộng đồng dân cư cần được đầu tư hơn nữa.
“Bạn không thể xóa sổ cảnh sát, đó là ý tưởng điên rồ, ngu ngốc và bất cứ ai đòi làm việc đó đều không biết suy nghĩ”, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Joe Manchin thì thẳng thừng hơn. “Bạn cần phải có cảnh sát”.
Biểu tình chống phân biệt chủng tộc: Chưa thể hạ nhiệt
Nhiều động thái "tích cực" từ giới chức Mỹ đã được đưa ra để hạ nhiệt "cơn tức giận" của người dân.
Gần 2 tuần đã trôi qua, song các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc sau cái chết của người đàn ông da màu Gioóc-giơ Phloi ở Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí còn gia tăng và tiếp tục lan sang các quốc gia khác, đôi khi đã biến thành bạo động. Nhiều động thái "tích cực" từ giới chức Mỹ đã được đưa ra để hạ nhiệt "cơn tức giận" của người dân.
Ngày 7/6 (theo giờ Mỹ), Hội đồng thành phố Minneapolis, bang Minnesota của Mỹ - nơi người đàn ông da màu George Floyd bị cảnh sát ghì cổ dẫn tới tử vong, đã tiến hành bỏ phiếu thông qua quyết định giải thể và xây dựng lại sở cảnh sát thành phố này.
Quyết định này được đưa ra sau khi Chủ tịch Hội đồng thành phố Minneapolis Lisa Bender cam kết giải thể sở cảnh sát hiện tại và xây dựng lại đơn vị này áp dụng mô hình mới về trật tự công cộng thực sự mang lại an toàn cho cộng đồng.
"Cam kết của chúng tôi là làm những gì cần thiết để đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người trong cộng đồng của chúng ta. Phải thành thật mà nói cảnh sát thành phố Minneapolis đã không làm điều đó. Cam kết của chúng tôi là giải thể Sở Cảnh sát Minneapolis, chấm dứt những chính sách cũ và xây dựng lại 1 tổ chức công cộng an toàn, giúp bảo vệ người dân", bà Bender nói.
Còn ở Bắc Carolina, một số sĩ quan cảnh sát và các thành viên cộng đồng đã có hành động rửa chân cho nhà lãnh đạo tôn giáo da màu - những người đứng đầu của các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc tại đây, để thể hiện sự hàn gắn chủng tộc và thông điệp hòa giải.
Hiện một số cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc diễn ra ở các thành phố như Washington, New York, Winter Park và trên toàn bang Florida đã bắt đầu chuyển hướng sang kêu gọi cải tổ lực lượng cảnh sát và đòi công bằng xã hội.
Tại thủ đô Washington, người biểu tình đã tụ tập kín các tuyến phố gần Nhà Trắng, hô vang các khẩu hiểu như "Tôi không thể thở" và "Dân chủ là như vậy đấy". Trong khi đó, một hàng rào dựng xung quanh Nhà Trắng được gắn các biểu ngữ đòi "Quyền sống cho người da màu" và bày tỏ quan điểm "Không công lý, không hòa bình".
Thành phố Los Angeles là một trong những nơi chứng kiến các cuộc biểu tình quy mô lớn tại Mỹ, với khoảng 20.000 người tham gia. Còn tại New York, ít nhất 6 nhóm biểu tình đã tổ chức các cuộc tuần hành qua khu trung tâm Manhattan mang theo các biểu ngữ kêu gọi ngừng cấp ngân sách cho cảnh sát.
Các cuộc biểu tình ở New York diễn ra ôn hòa hơn so với cảnh tượng bạo loạn thường thấy ở thành phố đông dân nhất nước Mỹ trong những ngày vừa qua. Thị trưởng New York Bill de Blasio ngày 7/6 cũng đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm áp đặt ở thành phố này trong những ngày qua để ngăn chặn bạo loạn.
Cùng với làn sóng biểu tình tại Mỹ, người dân tại nhiều thành phố khắp châu Âu đã xuống đường tuần hành những ngày qua, nhằm kêu gọi sự đối xử công bằng giữa các sắc tộc.
Tại thủ đô Rome của Italy, thủ đô Budapest của Hungary, Madrid của Tây Ban Nha, đã có hàng nghìn người tham gia cuộc biểu tình ủng hộ phong trào "Black Lives Matter" (Quyền sống cho người da đen).
Đụng độ đã xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình tại thủ đô các nước Bỉ và Anh. Tại Brussels, cảnh sát tiến hành 150 vụ bắt giữ sau cuộc biểu tình có khoảng 10.000 người tham gia ở khu vực trung tâm thủ đô. Thị trưởng Brussels Philippe Close cho biết, nhiều đối tượng gây rối đã cố tình khiêu khích cảnh sát và đập phá các cửa hàng trên đường phố. Cảnh sát đã sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông và bắt giữ những kẻ phá hoại.
Tại London, đụng độ cũng nổ ra tại trung tâm thủ đô của Anh sau khi hàng chục nghìn người đổ ra đường tham gia cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc trong ngày thứ hai liên tiếp. Một nhóm người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát bên ngoài khuôn viên Bộ Ngoại giao, sau khi một người đàn ông bị cảnh sát bắt tại đây. Trong khi, một nhóm người biểu tình tại thành phố Bristol, Anh vẫn đang bị cảnh sát truy tìm khi lật đổ tượng nhà buôn nô lệ thế kỷ 17 Edward Colston rồi ném xuống sông.
Biểu tình cũng diễn tại tỉnh Quebec của Canada với quy mô khoảng 10.000 tại trung tâm thành phố Montreal.
Các cuộc biểu tình tương tự đã diễn ra ở 1 số quốc gia châu Á và châu Phi, song với quy mô nhỏ hơn.
Thị trưởng Mỹ quỳ khóc bên quan tài George Floyd Thị trưởng Minneapolis Jacob Frey khóc nức nở khi quỳ bên cạnh quan tài của George Floyd trong tang lễ ở thành phố này. Thị trưởng Minneapolis Jacob Frey hôm 4/6 cùng nhiều quan chức tới dự tang lễ của George Floyd, người đàn ông da màu chết sau khi bị cảnh sát khống chế, tại nhà nguyện Đại học North Central, bang...