Tranh cãi về “Trường quốc tế” sau vụ học sinh trường Gateway gặp nạn
Sau vụ một học sinh lớp 1 của Trường phổ thông Gateway tử vong vì bị để quên trên xe ô tô, một loạt vấn đề liên quan đến quản lý giáo dục đã được đặt ra.
Trong đó, tiêu chí về “trường quốc tế” là vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất khi danh xưng này đang được sử dụng khá phổ biến
Điểm nhấn của sự việc này xuất phát từ ý kiến của Trưởng phòng Giáo dục quận Cầu Giấy cho rằng, trên địa bàn quận này không có “trường quốc tế” mà chỉ có Trường tiểu học Gateway, gián tiếp khẳng định trường Gateway không phải là trường quốc tế. Phát ngôn của một quan chức quản lý giáo dục ngay lập tức nhận được quan tâm của dư luận trong bối cảnh trên địa bàn thành phố có rất nhiều cơ sở giáo dục có tên là trường quốc tế. Quan điểm không rõ ràng của vị quan chức giáo dục này đã thổi lên cuộc tranh luận về “trường quốc tế”.
“Trường quốc tế” đã xuất hiện ở Hà Nội từ khá lâu, gắn liền với việc dạy học cho các con em cán bộ ngoại giao của các nước đến làm việc tại Việt Nam, điển hình là Trường quốc tế liên hiệp quốc Hà Nội (UNIS). Trường UNIS là trường được thành lập bởi sự hỗ trợ của Tổ chức phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Chính phủ Việt Nam, ưu tiên cho những học sinh có người thân làm việc cho UNDP, làm việc trong ngành ngoại giao và các gia đình người nước ngoài.
Trong bối cảnh kinh tế phát triển, có rất nhiều gia đình có điều kiện khá giả đã gửi con em ra nước ngoài để học tập phổ thông nhằm thụ hưởng nền giáo dục tiên tiến của các nước phát triển. Điều này không chỉ tốn kém về tài chính mà còn khó khăn cho việc chăm sóc học sinh. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư đã thành lập và xây dựng các cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn nước ngoài để phục vụ học sinh là con em của các gia đình có điều kiện. Từ đó, nhiều ngôi trường có danh xưng “quốc tế” đã ra đời.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội, ngoài Trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway, có rất nhiều các cơ sở giáo dục khác có gắn tên “trường quốc tế”, có thể kể đến là Trường quốc tế Nhật Bản (JIS) tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông; Trường phổ thông quốc tế Việt Nam (VIS) tại phường Dương Nội, quận Hà Đông; Trường quốc tế Hà Nội (HIS) tại quận Ba Đình; Trường song ngữ quốc tế Hà Nội Acadamy (quận Tây Hồ), Trường phổ thông liên cấp quốc tế Việt Úc Hà Nội (quận Nam Từ Liêm), Trường quốc tế Global, Trường quốc tế ParkCty (ISPH)… Thậm chí, các trường cao đẳng, dạy nghề cũng gắn chữ “quốc tế” như Trường cao đẳng quốc tế TP Hồ Chí Minh.
Buổi học thể thao của học sinh Trường quốc tế Global (ảnh từ website của Trường)
Sau sự việc một học sinh của Trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway tử vong do bị để quên trên xe đưa đón học sinh, không chỉ Trường Gateway đã bị “ném đá” vì danh xưng “quốc tế”. Nhiều ý kiến cho rằng, không ai công nhận hay cấp phép cho các trường sử dụng danh xưng “trường quốc tế”. Cũng vì điều này nên sau sự cố tại Trường Gateway, nhiều cơ sở giáo dục khác cũng bị vạ lây bởi dư luận xã hội, đặc biệt là dư luận được tạo ra bởi “cộng đồng mạng”.
Câu hỏi đặt ra là, việc đặt tên “trường quốc tế” cho một cơ sở giáo dục phổ thông dựa trên tiêu chí nào và có phải xin phép hay không? Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Công ty Luật TNHH Bross và Cộng sự, đồng thời cũng là phụ huynh đang có con theo học tai một “trường quốc tế” trên địa bàn TP Hà Nội.
Thưa Luật sư Nguyễn Hồng Bách, “trường quốc tế” là danh từ được nhiều cơ sở giáo dục phổ thông sử dụng. Trước hết xin được hỏi ông, trong hệ thống pháp luật Việt Nam, “trường quốc tế” được quy định như thế nào?
Về vấn đề này, tôi cho rằng danh từ “trường quốc tế” không phải một thuật ngữ pháp lý, mà danh từ này được sử dụng để chỉ dẫn về thương hiệu của cơ sở giáo dục, khẳng định chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục. Vì, trong văn bản quy phạm pháp luật có giá trị cao nhất về giáo dục là Luật Giáo dục đều không có quy định về “trường quốc tế” như là một loại hình cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục phổ thông; cũng không có quy định nào xác định tiêu chí thế nào là trường quốc tế.
Do vậy, tên “trường quốc tế” là cách đặt tên của một cơ sở giáo dục dựa trên những yếu tố cơ bản liên quan đến cơ sở giáo dục đó, như: người học, người dạy, chương trình học, tiêu chuẩn và chất lượng dạy học cũng như tiêu chuẩn quản lý giáo dục của cơ sở đó.
Do pháp luật chưa có quy định hay tiêu chí về trường quốc tế, theo ông thì hiểu thế nào là “trường quốc tế”?
Ở Việt Nam hiện nay đang tồn tại hai mô hình “trường quốc tế”.
Video đang HOT
Mô hình thứ nhất là các trường học theo chương trình học áp dụng cho nhiều quốc gia của một hệ thống giáo dục, được thành lập để dạy học cho người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam. Mô hình trường này đáp ứng nhu cầu học tập của con em các nhà ngoại giao phải di chuyển và cư trú trên nhiều quốc gia khác nhau.
Mô hình thứ hai là các trường phổ thông trong hệ thống giáo dục quốc gia áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong dạy và học, với các đặc trưng sau: thứ nhất là về người học thì học sinh có thể có nhiều quốc tịch khác nhau; thứ hai là về giáo viên, trường có giáo viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau; thứ ba là về chương trình học, học sinh được học môn học đạt chuẩn do các trường quốc tế công nhận, theo chương trình hợp tác, liên kết giữa các cơ sở giáo dục trong nước và nước ngoài; và thứ tư là đáp ứng các tiêu chuẩn, chuẩn mực về quản lý giáo dục, chăm sóc học sinh theo tiêu chuẩn của các trường quốc tế trong và đang thực hiện.
Trường phổ thông liên cấp quốc tế Việt Úc Hà Nội nhận chứng nhận đối tác của Hội đồng khảo thí Đại học Cambridge, Vương quốc Anh
Hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có một số cơ sở giáo dục có các tiêu chí này. Chẳng hạn như trường hợp của Trường phổ thông quốc tế liên cấp Việt Úc Hà Nội, là cơ sở giáo dục được Hội đồng khảo thí Đại học Cambridge công nhận là Trường đối tác của Hội đồng khảo thí tiếng Anh, Đại học Cambridge và cấp mã số riêng. Cơ sở giáo dục này dạy tiếng Anh cho học sinh với tính chất là ngôn ngữ thứ nhất; dạy một số môn học phổ biến ở nước ngoài và có đến gần 30 giáo viên đến từ các nước trong khối Liên hiệp Anh.
Như vậy, như tôi đã nói ở trên, danh từ “trường quốc tế” đang được sử dụng để mô tả những tiêu chuẩn giáo dục căn bản của mình và việc sử dụng danh từ này là phù hợp với thực tế.
Sau sự cố xảy ra tại Trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway, một số ý kiến cho rằng, việc đặt tên trường có gắn với chữ “quốc tế” khi không được cơ quan nhà nước công nhận là không đúng pháp luật. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào, thưa Luật sư?
Tên trường cũng giống như tên doanh nghiệp phải được đặt tên không trái với thuần phong mỹ tục và không vi phạm điều cấm của pháp luật.
Theo hướng dẫn của Bộ giáo dục và Đào tạo, trước tên trường phải có yếu tố gắn liền với cấp học như “tiểu học”, “trung học cơ sở” “trung học phổ thông”. Ngoài ra, các thành phần khác trong tên trường là tùy nghi. Do đó, các cơ sở giáo dục có sử dụng danh từ “quốc tế” trong tên trường không phải xin phép riêng, nên không thể coi việc sử dụng tên trường như thế là trái pháp luật.
Còn việc sử dụng danh từ “trường quốc tế” nhưng không đáp ứng được các tiêu chuẩn, chất lượng về chương trình học, giáo viên, tiêu chuẩn quản trị trường ở chuẩn mực cao, được công nhận bởi hệ thống giáo dục có uy tín trên thế giới thì cũng không bị coi là “vi phạm pháp luật” mà đó là vấn đề uy tín với khách hàng, với người học; sẽ bị đánh giá tiêu cực dưới góc độ uy tín, đạo đức và trách nhiệm dân sự với khách hàng.
Thầy và trò Trường phổ thông liên cấp quốc tế Việt Úc Hà Nội trong một buổi sinh hoạt chung
Theo Luật sư, việc đặt tên “trường quốc tế” của một số cơ sở giáo dục phổ thông ở Việt Nam hiện nay có phù hợp với thực tế phát triển của các cơ sở giáo dục phổ thông hay không?
Như tôi đã nói ở trên, tên một cơ sở giáo dục là một danh từ định danh mà chủ cơ sở giáo dục đó muốn gửi thông điệp để cho công chúng hiểu rõ hơn về các vấn đề như mục tiêu giáo dục, chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục đó. Ở góc độ này có thể hiểu, tên trường mang bản chất thương hiệu dịch vụ chứ không mang bản chất pháp lý về loại hình giáo dục trong hệ thống giáo dục phổ thông.
Trước đây, ở Hà Nội có ít, thậm chí chỉ có 1 trường quốc tế gắn liền với việc chăm sóc và dạy học cho con em các nhà ngoại giao và người nước ngoài ở Thủ đô. Do vậy, trường quốc tế được hiểu là trường dành cho học sinh đến từ nhiều quốc gia; dạy học theo chương trình quốc tế và sử dụng tiếng nước ngoài.
Ngày nay, khái niệm trường quốc tế đã mở rộng hơn rất nhiều, do quá trình xã hội hóa giáo dục và dựa trên nền tảng hợp tác giáo dục giữa các nhà đầu tư trong nước với các cơ sở giáo dục nước ngoài.
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp khối tư nhân đã đầu tư phát triển hệ thống các trường phổ thông tư thục có hợp tác với nước ngoài về mọi mặt, từ vốn đầu tư đến chương trình học và giáo viên để đưa chất lượng dạy học lên một chuẩn mực mới, được các cơ sở giáo dục tầm quốc tế công nhận.
Do sự mở rộng trong hợp tác giáo dục nên khái niệm trường quốc tế cũng phải được hiểu rộng ra, phù hợp với thực tiễn phát triển của nền giáo dục nước ta hiện nay và tương lai.
Do đó, các cơ sở giáo dục có hợp tác quốc tế trong việc dạy học và áp dụng tiêu chuẩn, chất lượng dạy học theo tiêu chuẩn giáo dục nước ngoài hoặc tiêu chuẩn quốc tế thì họ có sử dụng tên “trường quốc tế” cũng là phù hợp với xu thế phát triển giáo dục.
Xin cảm ơn Luật sư.
Bình Minh
Theo baophapluat
Bộ Giáo dục lên tiếng sau vụ học sinh lớp 1 tử vong: Không có khái niệm trường quốc tế và tên gọi nhà trường chưa nói lên tất cả!
Do đó, phụ huynh khi lựa chọn trường cho con em, cần xem xét đầy đủ các thông tin như chương trình giáo dục và ngôn ngữ giảng dạy, giáo viên, cơ sở vật chất, học sinh, vốn đầu tư, mô hình quản trị... về nhà trường thông qua nhiều kênh khác nhau
Liên quan đến vụ học sinh lớp 1 trường Gateway tử vong trên xe đưa đón, ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã trả lời liên quan đến quản lý nhà nước đối với các trường quốc tế ở Việt Nam hiện nay.
- Thưa Cục trưởng, hiện nay tại Việt Nam có khái niệm hay quy định nào về trường quốc tế không?
Khoản 1 Điều 48 Luật giáo dục 2005 quy định hệ thống Giáo dục quốc dân có 3 loại hình nhà trường gồm: Trường công lập, trường tư thục và dân lập (trong Luật giáo dục 2019, loại hình dân lập chỉ áp dụng cho cơ sở giáo dục mầm non). Như vậy, theo quy định hiện hành, pháp luật chỉ quy định 3 loại hình trường nêu trên.
- Những trường đặt tên là trường quốc tế có đúng các quy định hiện hành hay không?
Việc đặt tên các trường đã được quy định rõ trong Điều lệ trường của các cấp học và NĐ 86/2018/NĐ-CP. Cụ thể, việc đặt tên trường được thực hiện theo quy định sau: Tên trường phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: "Trường", "Cấp học hoặc trình độ đào tạo" và "tên riêng" và không vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Khi xem xét hồ sơ thành lập trường, tùy theo cấp học, UBND cấp có thẩm quyền (theo phân cấp quản lý tương ứng), căn cứ hồ sơ và đề nghị của cơ sở giáo dục để ra quyết định theo quy định. Nếu tên trường trong quyết định cho phép thành lập không có chữ "quốc tế" mà trường tự thêm vào là trường đã thực hiện sai quy định.
Ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế
Tôi chọn cách cho con tự do. Không học thêm trước khi vào lớp Một. Và trộm vía, đến giờ cô nhóc ấy lên lớp 3 rồi, vẫn tưng tửng học hành nhàn nhã. Mà con cái chúng ta nhàn nhã thì chúng ta cũng thế, phải không?
- Hiện nay, nhiều trường ở Việt Nam tự gắn mác quốc tế để thu hút học sinh trong khi chương trình dạy học vẫn Việt Nam. Vậy trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động thuộc về ai?
Nghị định 127/2018/NĐ-CP về trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục đã quy định việc phân cấp quản lý nhà nước trong giáo dục từ trung ương đến địa phương. Tùy từng trường hợp cụ thể, căn cứ vào từng cấp học hoặc trình độ đào tạo, căn cứ Quyết định cho phép thành lập, để xác định thẩm quyền kiểm tra, giám sát và trách nhiệm quản lý nhà nước của địa phương hoặc cơ quan quản lý cấp trên.
Ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế. (Bộ Giáo dục & Đào tạo)
- Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có giải pháp gì chấn chỉnh tình trạng trên?
Trong những năm gần đây, với chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục của Chính phủ, sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào hoạt động giáo dục đã có nhiều đóng góp trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu hội nhập, giảm bớt gánh nặng đối với ngân sách nhà nước, đáp ứng một phần nhu cầu khác nhau của xã hội.
Tuy nhiên, trong thực tế, đã có một số hiện tượng vi phạm các quy định pháp luật. Để giải quyết hiện tượng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo gần đây đã đẩy mạnh, tăng cường đôn đốc, chỉ đạo, phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm (nếu có). Từ kết quả rà soát, Bộ sẽ xem xét để hoàn thiện hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan.
Mới đây, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức kiểm tra các trường mang danh quốc tế trên địa bàn Thành phố. Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở giáo dục.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng mong nhận được sự phối hợp người dân trong việc cung cấp các thông tin về những hiện tượng vi phạm của các cơ sở giáo dục để kịp thời xác minh, chấn chỉnh và xử lý vi phạm (nếu có).
Nghị định 127/2018/NĐ-CP Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục.
Điều 4 quy định: Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về các vấn đề như chiến lược, quy hoạch, chương trình giáo dục, các quy chế, tiêu chuẩn trong lĩnh vực giáo dục.
Điều 7: Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập, thu hồi quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể, đổi tên, chuyển đổi loại hình trường đối với các cơ sở giáo dục công lập, tư thục theo quy định, bao gồm: trường trung cấp sư phạm, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ thông, trường bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục tỉnh, trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh và cấp huyện, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh và các cơ sở giáo dục khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước theo quy định.
Điều 9: Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập, thu hồi quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể, đổi tên, chuyển đổi loại hình đối với các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục theo quy định, bao gồm: Nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở, trường phổ thông dân tộc bán trú, trung tâm học tập cộng đồng và các cơ sở giáo dục khác thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Theo Helino
Điểm mặt các trường quốc tế mạo danh trên địa bàn Hà Nội Hiện nay, trên toàn TP. Hà Nội có rất nhiều trường quốc tế nhưng chỉ 1 trường được công nhận là quốc tế vì được thành lập bởi Liên Hợp Quốc và Chính phủ Việt Nam. Như vậy, không chỉ Gateway mà rất nhiều trường khác dù không được công nhận nhưng vẫn gắn thêm chữ quốc tế, nhằm thu hút tuyển sinh...