Tranh cãi về trường học phát livestream để phụ huynh giám sát học sinh
Nhiều ý kiến cho rằng một số trường ở Trung Quốc phát trực tiếp hình ảnh học sinh trong lớp để phụ huynh giám sát là xâm phạm quyền riêng tư của trẻ nhỏ.
Nhằm giải quyết nỗi lo của các bậc phụ huynh về việc con mình ở trường có học hành chăm chỉ hay bị bắt nạt, một số trường ở Trung Quốc đã sử dụng dịch vụ phát trực tiếp (livestream) hình ảnh học sinh trong phòng học để phụ huynh giám sát, theo Daily Mail.
Phụ huynh đăng nhập vào trang web là có thể xem hình ảnh phát trực tiếp của con mình từ camera được lắp trong trường.
Dịch vụ này do công ty Shuidi Zhibo cung cấp, dấy lên những quan điểm trái chiều khi tất cả người tải phần mềm này đều có thể xem trực tiếp video và điều này đang xâm phạm quyền riêng tư của học sinh.
Ban đầu, livestream chỉ áp dụng cho nhà trẻ và các trường mầm non để cha mẹ yên tâm và biết con mình được chăm sóc tốt. Hiện nay, nó đã được áp dụng đến cả trường tiểu học, thậm chí trung học.
Dịch vụ này được áp dụng ở một số trường học tại Bắc Kinh và các tỉnh Sơn Đông, Hà Nam và An Huy của Trung Quốc. Không những phát livestream trong phòng học, trường còn phát ở hành lang, nhà ăn và một số ít trường còn phát ở phòng ngủ ký túc xá.
Phần mềm này cho phép phụ huynh giám sát con mình mọi lúc mọi nơi, thậm chí cả khi đi ngủ. Ảnh: Daily Mail.
Một số người ủng hộ cho rằng đây là cách tốt giúp cha mẹ yên tâm, nhất là sau hàng loạt vụ giáo viên ngược đãi học sinh nổi lên trong thời gian gần đây ở Trung Quốc.
Video đang HOT
Tuy nhiên, Zhou Ming, luật sư ở Thượng Hải, nói rằng những hình ảnh phát trực tiếp sẽ mang lại một số nguy cơ khi nó được truy cập và xem trên nền tảng mở như Internet.
Ông Ming cho rằng: “Có những việc xảy ra ở lớp không nên xuất hiện trên mạng. Hành động đó là sự xâm phạm quyền riêng tư, an ninh dữ liệu và an toàn cá nhân của mọi học sinh”.
Một phụ huynh có con học mẫu giáo ở tỉnh Hà Nam cho biết bà ủng hộ ý tưởng theo dõi trực tuyến. Tuy nhiên, người mẹ này thấy không thoải mái vì người khác cũng có thể giám sát con mình mọi lúc mọi nơi, kể cả khi đi ngủ.
Nhiều cư dân mạng cũng tranh luận về việc có nên cho phép phát livestream ở lớp học. Họ bình luận rằng: “Một học sinh nếu bị giám sát bởi nhiều người như vậy sẽ phát sinh những vấn đề về tâm lý”.
Theo Zing
Ngôi trường 400 m2 chỉ có một học sinh ở Trung Quốc
Ngôi trường rộng 400 m2 ở Trung Quốc chỉ có một học sinh. Em được giáo viên chăm lo tận tình, có thể học thể thao trên sân băng rộng 500 m2.
Tu Jiaqi đứng đầu lớp. Chính xác hơn, cô bé là học sinh duy nhất của lớp. Jiaqi cũng là người duy nhất theo học tại trường Tiểu học làng Liye gần thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, từ tháng 9/2015 tới nay.
Theo China Daily, vào khoảng thời gian này, trường Liye hoạt động trở lại sau khi tu sửa, có diện tích khoảng 400 m2. Hiệu trưởng Tao Fengju cho biết việc tu sửa bắt đầu từ tháng 10/2014. Trong quá trình này, tất cả 36 học sinh của trường chuyển đến trường Tiểu học Thái Bình gần đó.
Hiệu trưởng Tao Fengju dạy Ngữ văn cho học trò duy nhất. Ảnh: China Daily.
Nhưng khi trường Liye hoạt động trở lại, gia đình của 35 em lựa chọn tiếp tục học tại Thái Bình vì điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn.
"Sau một năm, học sinh cũ của Liye đã quen với trường mới. Phụ huynh cũng bày tỏ nguyện vọng để con học tiếp. Họ nói các con thích học ở đây vì có nhiều bạn và giáo viên hơn", Yang Shiyen, Hiệu trưởng trường Thái Bình, cho biết.
Tuy nhiên, Jiaqi là trường hợp ngoại lệ.
"Bà không cho cháu học trường Thái Bình. Bà bảo sang học kỳ mới, cháu cũng sẽ có bạn học", bé gái 10 tuổi chia sẻ.
Thực tế, hoàn cảnh sống không cho phép Jiaqi và bà em lựa chọn. Mẹ cô bé bỏ nhà đi khi con gái mới 3 tuổi. Ba em lại bệnh tật liên miên. Jiaqi được ông bà già, đau ốm nuôi nấng.
"Không ai trong gia đình có thể dẫn Jiaqi đến trường. Việc để em tự đi học quá nguy hiểm dù trường Thái Bình chỉ cách nhà khoảng 2 km", Hiệu trưởng Tao cho biết.
Vì thế, gần hai năm qua, Tu Jiaqi vẫn học ở trường làng, nhận sự dạy dỗ của cô Tao cùng một giáo viên khác - Liu Wengguo.
Khả năng tiếp thu của Jiaqi cũng không tốt lắm. Theo lời kể của nữ hiệu trưởng, cô bé gần như không thể học thuộc một bài thơ hay làm vài phép tính đơn giản. Giáo viên phải thực sự kiên nhẫn, dạy đi dạy lại để em có thể ghi nhớ một số nội dung bài học.
Ngoài ra, họ cũng đảm nhận việc chăm lo cuộc sống hàng ngày cho học sinh duy nhất của trường.
"Jiaqi mắc chứng tăng động nên thường khiến tóc tai rối tung, quần áo bẩn thỉu. Tôi phải thay em ấy giữ gìn vệ sinh cá nhân", cô Tao giải thích.
Hàng ngày, Jiaqi ăn trưa cùng giáo viên vì không ai mang cơm cho em. Bà em, Wang Shurong (64 tuổi), kể hiệu trưởng trường Liye đề nghị Jiaqi ăn trưa cùng sau khi phát hiện em chỉ có một chiếc bánh mỳ khô quắt lấp bụng. Bà đã đề nghị trả tiền ăn nhưng nữ giáo viên tốt bụng từ chối vì việc nấu thêm cơm cho em không hề vất vả.
Thỉnh thoảng, Tu Jiaqi chạy nhảy lung tung trên đường đi học khiến bà em không thể theo kịp. Nếu không thấy học trò đến trường đúng giờ, cô Tao lại chủ động đi quanh làng tìm kiếm em và dẫn về lớp.
Bà em cũng thường xuyên quên đến trường đón cháu. Khi đó, ông Ai Xinguo (52 tuổi), bảo vệ của trường sẽ đưa em về nhà.
"Chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo mỗi đứa trẻ đều ngang hàng nhau trong tiếp nhận giáo dục. Tôi tin bất cứ ai ở trường hợp này cũng làm điều tương tự", cô Tao tâm sự.
Cô Yang cho biết thêm dù là học sinh duy nhất tại trường, Tu Jiaqi vẫn được dạy theo chương trình chung. Vào mùa đông, cô bé học thể thao trên sân băng rộng 500 m2. Hàng tuần, trường mời thêm giáo viên tiếng Anh đến dạy ngoại ngữ cho em.
"Các giáo viên tận tình giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Gia đình luôn cảm thấy yên tâm khi để cháu học ở trường", bà Wang nhấn mạnh.
Theo Zing
Đưa trò chơi dân gian vào trường học Nền gạch trong sân trường được kẻ ô theo những trò chơi như nhảy lò cò, chơi đá cầu. Sân trước lớp học được kẻ thành các bàn cờ tướng, cờ vua, ô ăn quan. Giờ ra chơi, lũ trẻ ở trường tiểu học Ngôi sao Hà Nội (phố Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) được thỏa sức chơi. Cười thỏa sức, đấu...