Tranh cãi quyết liệt giao quyền cho trường THPT tự công nhận tốt nghiệp
Xung quanh những bất cập và hệ lụy của kỳ thi THPT quốc gia thời gian qua, tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Góp ý Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)” do Trường ĐH Luật TP.HCM vừa tổ chức, vấn đề có nên duy trì kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay hay giao quyền về cho các trường THPT tự công nhận tốt nghiệp cho HS đã thu hút nhiều luận điểm tranh cãi.
Thí sinh thi THPT quốc gia 2018
Báo cáo việc xây dựng Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), TS Nguyễn Đức Cường, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ GD&ĐT cho biết, cấu trúc dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) về cơ bản kế thừa cấu trúc còn phù hợp của Luật Giáo dục hiện hành, có sự sắp xếp các chương, mục, điều phù hợp hơn với tính chất và nội dung của Dự thảo Luật.
Chỉnh sửa nhiều bất cập trong quy định hiện hành
Theo TS Nguyễn Đức Cường, về chính sách học phí sư phạm hiện nay có nhiều bất cập cần được thay đổi. Quy định hiện nay không thu học phí sư phạm là không phù hợp và hiệu quả, nhiều sinh viên sư phạm ra trường làm không đúng ngành sư phạm, không thể kiểm soát, gây lãng phí. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo giáo viên gặp khó khăn về kinh phí chi thường xuyên, trong khi việc cấp bù của ngân sách nhà nước còn hạn hẹp.
Do đó, hướng chỉnh sửa bổ sung trong Dự thảo là thay bằng chế độ tín dụng sư phạm: Học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học. Bổ sung quy định về việc chi trả đối với những trường hợp người học không có nhu cầu sử dụng tín dụng sư phạm nhưng ra trường vẫn làm trong ngành giáo dục vào khoản 3 Điều 83 Dự thảo Luật.
Dự thảo mới tiếp tục nghiên cứu để đề xuất các chính sách nhằm thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm. Về phân công công tác sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp cũng có hạn chế. Hiện nay không có quy định về phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp, mà phải thông qua quy trình tuyển dụng. Quy định hiện nay không thu hút được sinh viên giỏi học ngành sư phạm vì khó tìm được việc làm đúng ngành đào tạo do pháp luật chưa có cơ chế tuyển dụng đặc thù riêng. Theo đó, cơ quan chức năng khi xác định chỉ tiêu biên chế, giao biên chế, giảm biên chế và quy trình tuyển dụng vẫn chưa tính đến đặc thù của ngành giáo dục; tình trạng nơi thừa – nơi thiếu giáo viên diễn ra ở nhiều nơi mà Bộ GD&ĐT không có chức năng thẩm quyền giải quyết.
Video đang HOT
Hướng chỉnh sửa bổ sung là cần có quy định đặc thù về xác định biên chế và cơ chế tuyển dụng giáo viên cho sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm vào các cơ sở giáo dục công lập… “Tuy nhiên, vấn đề này cần phải sửa Luật Viên chức, sửa đổi các quy định về lương và phụ cấp của giáo viên”, TS Cường cho hay.
“ Nóng” chuyện thi tốt nghiệp THPT
Tại hội thảo lần này, câu chuyện xung quanh việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT được các đại biểu quan tâm bàn luận sôi nổi nhất. Theo đó, có một số ý kiến cho rằng nên chuyển kỳ thi về cho các địa phương, thậm chí giao quyền về cho các trường tự tổ chức thi và công nhận tốt nghiệp.
TS Phạm Thị Ly, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đánh giá giáo dục ĐH, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho rằng: “Nếu đánh giá người học chỉ bằng một kỳ thi thì tôi nghĩ chúng ta đang đánh giá thấp những yếu tố khác trong quá trình học sinh học tập và rèn luyện ở giáo dục phổ thông. Bởi vì giáo dục là cả một quá trình gồm nhiều yếu tố, không nên đánh giá người học chỉ qua một kỳ thi chỉ với vài môn học”. TS Ly cho rằng hệ quả của vấn đề này là học sinh học chỉ để thi mà không quan tâm những thứ khác, giáo viên cũng dạy như vậy”.
Theo TS Ly, hiện nay nhiều nước trên thế giới đã trao cho các trường quyền tự đánh giá học sinh. PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH sư phạm TP.HCM cũng cùng quan điểm, ông cho rằng nên giao quyền đánh giá về các trường. Việc tổ chức các kỳ thi có tính chất quốc gia có vai trò quan trọng trong việc giúp các cơ quan quản lý nhà nước có dữ liệu đánh giá, so sánh các cơ sở giáo dục phổ thông khi ra cac quyêt sach, chính sách. Việc giao quyền cấp bằng cho giám đốc Sở là không phù hợp. Các cơ sở giáo dục phổ thông – chủ thể của giáo dục phải là người được cấp bằng cho học sinh của mình.
Trong khi các chuyên gia giáo dục ĐH có quan điểm này thì bản thân các trường THPT lại không đồng tình. Theo ông Trịnh Duy Trọng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, nên duy trì kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay chứ không nên giao về cho các trường THPT. “Tôi cho rằng cần phải tiếp tục duy trì kỳ thi THPT quốc gia nhưng cần có điều chỉnh quy mô và cách thức phù hợp hơn theo hướng nhẹ nhàng, không gây áp lực, không mang tính đối phó, không vì thành tích để phát sinh tiêu cực như vừa qua”. Hiệu trưởng này cũng nói rằng nếu bỏ kỳ thi THPT quốc gia sẽ phát sinh nhiều hệ lụy như không đảm bảo chất lượng chuẩn đầu ra cho học sinh, không đảm bảo tính thống nhất giữa trường này với trường kia, vùng này với vùng kia.
Trong Luật Giáo dục hiện hành đang có những vướng mắc và bất cập xung quanh quy định này. Theo đó, Luật Giáo dục chưa phân biệt giữa công nhận hoàn thành chương trình THPT và bằng tốt nghiệp THPT. Luật Giáo dục cũng không có quy định việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH; việc tuyển sinh ĐH thuộc về quyền tự chủ của các trường. Hướng chỉnh sửa bổ sung của Dự thảo theo hai phương án. Phương án 1 là bổ sung quy định, học sinh học hết chương trình THPT mà không dự thi tốt nghiệp THPT hoặc không đỗ tốt nghiệp THPT thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông; trong khi phương án 2 là giữ nguyên như Luật Giáo dục hiện hành.
PGS.TS Bùi Xuân Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM cho hay, từ cuối năm 2017, Nhà trường được Bộ GD&ĐT giao làm đơn vị chủ trì thực hiện đề án khoa học công nghệ cấp quốc gia nghiên cứu về “Luận cứ khoa học sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục”. Những ý kiến góp ý sẽ được ghi nhận gửi đến Ban soạn thảo Luật, đến Bộ GD&ĐT và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
THÙY TRANG
Theo baovanhoa
Nên công nhận kết quả của học sinh tự học tại nhà?
Đây là một trong những vấn đề được các đại biểu đề cập tại hội thảo khoa học cấp quốc gia về góp ý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), diễn ra sáng 28-12 tại Trường ĐH Luật TP.HCM.
Tại hội thảo có nhiều ý kiến tranh luận về việc nên bỏ hay tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia hiện nay.
TS Phạm Thị Ly, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đánh giá giáo dục đại học, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng giáo dục là cả một quá trình, gồm nhiều yếu tố đánh giá. Nếu lấy kết quả thi chỉ vài môn học để đánh giá năng lực học sinh (HS) của cả 12 năm thì đã vô tình đánh giá thấp những yếu tố khác của giáo dục, tạo cơ hội cho tâm lý học chỉ để thi trong HS.
TS Nguyễn Kim Dung phát biểu tại buổi hội thảo.
"Chúng ta có nhất thiết phải tổ chức thi tốt nghiệp THPT, trong khi hiện nay nhiều nước không thi tốt nghiệp mà giao cho các trường đánh giá và công nhận. Thêm nữa, kỳ thi nên được tổ chức nhiều lần trong năm để đánh giá quá trình học của HS ở từng cấp học đó" - bà Ly đề xuất.
Ông Trịnh Duy Trọng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (TP.HCM), thì lại cho rằng nên duy trì kỳ thi THPT quốc gia, tuy nhiên cần điều chỉnh lại theo hướng nhẹ nhàng, không gây áp lực cho HS, trong đó quan trọng nhất là thay đổi quy mô và cách thức tổ chức.
"Một phương án sửa đổi của luật này là trường THPT cấp giấy xác nhận hoàn thành chương trình cho những em thi rớt tốt nghiệp hoặc không muốn thi thì chẳng khác nào công khai xác nhận việc thi rớt cho các em. Nên chăng vẫn giữ kỳ thi nhưng Bộ GD&ĐT nên có những rà soát, đánh giá lại tỉ lệ HS học hết lớp 12 mà không có nhu cầu học tiếp lên CĐ-ĐH để có chính sách tổ chức phù hợp" - ông Trọng góp ý.
Ủng hộ việc giữ nguyên kỳ thi THPT quốc gia nhưng luật gia Dương Minh Kiều, Phó Chủ tịch Hội Luật gia quận Gò Vấp (TP.HCM), cho rằng nên chú ý nhiều đến những người tự học, cần phải giải quyết nhu cầu của người tự học ở nhà, vì có những người tự học rất nghiêm túc thì kết quả của họ cũng nên có cách để công nhận.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Kim Dung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng cho rằng phong trào tự học (homeschooling) hiện nay đang rất phổ biến ở Việt Nam. Việc đánh giá HS tiểu học cũng đã thay đổi, các em không có bằng tốt nghiệp tiểu học nữa mà chỉ có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình.
"Nếu HS có khả năng tự học ở nhà một cách đàng hoàng và có hướng dẫn cần được xem xét công nhận và được vào học chương trình THCS. Nếu không, việc này sẽ ngược với quy định HS có quyền tự học nêu trong dự thảo luật, chưa thực sự khuyến khích việc tự học" - bà Dung nói.
PHẠM ANH
Theo plo.vn
Đề xuất giáo viên THPT phải có trình độ thạc sĩ Sáng 28.12, Trường ĐH Luật TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia góp ý dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi) với sự tham dự của nhiều chuyên gia giáo dục. Ông Trịnh Duy Trọng phát biểu tại hội thảo - HÀ ÁNH Phát biểu tại hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Kim Dung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo...