Tranh cãi quy định ‘ưu tiên’ xét tuyển viên chức, Sở Giáo dục Nghệ An nói gì?
Trước nhiều ý kiến tranh cãi về quy định “ưu tiên” nhóm đối tượng Cử nhân sư phạm chính quy so với các nhóm hệ đào tạo khác trong xét tuyển viên chức của ngành giáo dục tỉnh Nghệ An, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh khẳng định xét tuyển “khách quan, không có tiêu cực”.
Ông Nguyễn Văn Khóa, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An trả lời tại họp báo.
Gần đây, nhiều ý kiến tranh cãi về quy định “ưu tiên” nhóm đối tượng Cử nhân sư phạm chính quy so với các nhóm hệ đào tạo khác trong xét tuyển viên chức của ngành giáo dục tỉnh Nghệ An. Vấn đề tiếp tục được báo chí nêu tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế xã hội tỉnh Nghệ An tổ chức vào đầu tháng 4/2019.
Sự việc bắt nguồn từ trường hợp anh Hồ Đình Thắng (SN 1989), trú tại Bản Kim Khê, xã Châu Kim, huyện Quế Phong (Nghệ An) làm đơn gửi cơ quan chức năng vì đạt điểm cao nhất nhưng vẫn bị loại trong đợt xét tuyển viên chức năm học 2016 – 2017. Anh Thắng là giáo viên hợp đồng môn Thể dục ở Trường Dân tộc nội trú THCS Quế Phong từ năm 2012 đến năm 2016. Tháng 11/2016, anh tham gia dự tuyển viên chức vào vị trí giáo viên môn Thể dục tại trường. Có 1 chỉ tiêu tuyển dụng nhưng có 8 ứng viên dự tuyển.
Kết quả, anh Thắng đạt điểm cao nhất, 315,87 điểm, nhưng bị loại. Thí sinh Kha Văn Tuấn chỉ đạt 281,3 điểm, xếp thứ 2, lại trúng tuyển. Anh Thắng cho rằng cách làm trên là trái luật nên làm đơn “kêu cứu”. Sở GD&ĐT Nghệ An có văn bản trả lời, cho rằng làm đúng quy định. Anh Thắng không đồng ý, tiếp tục kêu tới các cơ quan báo chí.
Sự việc được phản ánh nhanh chóng thu hút dư luận quan tâm, đặc biệt ở một tỉnh có truyền thống giáo dục và có số lượng giáo viên đông như Nghệ An.
Trả lời câu hỏi của báo chí về các vấn đề trên tại cuộc họp báo đầu tháng 4/2019, ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết:
Về quy định tuyển dụng viên chức, liên quan đến việc của anh Hồ Đình Thắng, Sở GD&ĐT Nghệ An khẳng định quá trình xét tuyển diễn ra nghiêm túc, khách quan, không có tiêu cực. Cụ thể:
Tại trường PT DTNT THCS Quế Phong thời điểm xét tuyển có 01 chỉ tiêu tuyển dụng vị trí giáo viên thể dục. Tham gia dự tuyển có 08 người (vắng 1). Trong đó 04 người có trình độ Đại học sư phạm hệ chính quy, 03 người có trình độ Cử nhân hệ chính quy có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm (CC NVSP) và 1 người có trình độ Đại học sư phạm hệ vừa học vừa làm.
Theo quy định tại Kế hoạch số 2826/KH-SGD&ĐT ngày 3/11/2016 của Giám đốc Sở GD&ĐT tổ chức tuyển dụng viên chức làm việc tại các đơn vị công lập trực thuộc Sở năm học 2016 – 2017 thì cả 8 người đều đủ điều kiện dự xét tuyển.
Căn cứ các quy định hiện hành có liên quan, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên cũng như để đảm bảo có cơ sở xét tuyển do thực tế trong một cấp học có nhiều hệ đào tạo giáo viên, tại Kế hoạch số 2826 nói trên có quy định: Đối với vị trí giáo viên THCS, xét theo thứ tự nhóm đối tượng: đầu tiên là đại học sư phạm chính quy, sau đó mới đến các nhóm khác.
Người trúng tuyển là người có kết quả xét tuyển cao hơn xét trong từng nhóm đối tượng, xét hết nhóm đối tượng Đại học sư phạm chính quy mới đến nhóm khác…
Theo ông Khoa, thực tế trước đây khi chưa phân cấp, Sở Nội vụ đã có hướng dẫn các quy định nhóm thứ tự ưu tiên về trình độ đào tạo trong tuyển dụng giáo viên. Sau khi phân cấp, Sở và các đơn vị đã thực hiện hơn 10 năm nay và đều nhận được sự đồng thuận của người dự tuyển và của xã hội.
Video đang HOT
Đối chiếu với trường hợp của anh Hồ Đình Thắng: anh Thắng có trình độ đào tạo Cử nhân giáo dục thể chất – bóng chuyền, hệ chính quy (Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cấp), có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm (do Trường ĐH KHXH&NV-ĐHQG TP Hồ Chí Minh cấp). Anh Thắng có kết quả dự tuyển 315,87 điểm (điểm hồ sơ 141,2 điểm; điểm phỏng vấn 174,67 điểm), là người có số điểm cao nhất trong nhóm thí sinh Cử nhân hệ chính quy có CC NVSP.
Còn anh Kha Văn Tuấn có trình độ đào tạo Cử nhân sư phạm thể dục thể thao hệ chính quy, có kết quả dự tuyển 281,3 điểm (điểm hồ sơ 144; điểm phỏng vấn 137,3) là người có số điểm dự tuyển cao nhất trong nhóm thí sinh Cử nhân sư phạm hệ chính quy (thuộc nhóm đối tượng ưu tiên tuyển trước).
Sau khi xem xét, hội đồng tuyển dụng đã công nhận anh Kha Văn Tuấn trúng tuyển.
Các nhóm thí sinh theo các hệ đào tạo đủ điều kiện dự tuyển đều được tham gia phỏng vấn là để đảm bảo quyền lợi của người dự tuyển, trong trường hợp nhóm thí sinh có trình độ Đại học sư phạm hệ chính quy không nhận nhiệm vụ sau khi trúng tuyển, hoặc không có ai đạt điểm phỏng vấn đủ tiêu chuẩn trở lên thì sẽ xét đến người có số điểm cao nhất trong nhóm cử nhân hệ chính quy có CC NVSP.
Đại diện Sở GD&ĐT Nghệ An lưu ý thêm, kỳ tuyển dụng được thực hiện theo hình thức xét tuyển (từ điểm xét hồ sơ và kiểm tra, sát hạch bằng hình thức phỏng vấn) chứ không phải thi tuyển. Việc xét tuyển của Hội đồng là hoàn toàn khách quan, căn cứ các quy định hiện hành và theo hướng dẫn đã ban hành, đảm bảo tiêu chuẩn vị trí làm việc và yêu cầu của cơ quan sử dụng lao động (thực tế tuyển sinh của các trường Đại học sư phạm, thi điểm đầu vào hệ cử nhân sư phạm cao hơn hệ cử nhân, mặt khác do đặc thù của ngành giáo dục đã có hệ thống trường sư phạm đào tạo giáo viên để đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ của ngành).
Cá nhân người trúng tuyển là anh Kha Văn Tuấn là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, cũng đã góp phần thực hiện Quyết định số 402/QĐ-TTg về đề án phát triển đội ngũ, cán bộ công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới.
Về việc anh Hồ Đình Thắng gửi đơn “kêu cứu” đến các cơ quan chức năng và báo chí, đại diện Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Khi đăng ký xét tuyển, anh Thắng cũng đã được thông báo về quy định và chấp nhận nộp hồ sơ. Sau khi có thông báo dự kiến kết quả tuyển dụng, anh Thắng đã đến gặp Phòng Tổ chức cán bộ Sở để hỏi. Phòng đã trực tiếp trả lời và giải thích các quy định.
Tuy nhiên, đến giữa tháng 12/2016, Sở tiếp tục nhận được đơn của anh Thắng kiến nghị xem xét kết quả tuyển dụng trên, đồng thời gửi đơn đến UBND tỉnh và HĐND tỉnh qua đường dây điện thoại trực tuyến. Sở đã có báo cáo gửi các đơn vị liên quan về nội dung này. Gần đây, anh Thắng tiếp tục gửi đơn đến báo chí.
Mặc dù Sở GD&ĐT Nghệ An khẳng định việc xét tuyển “nghiêm túc, khách quan, không tiêu cực”, nhưng hiện vẫn còn những tranh cãi về quy định “ưu tiên” như trên.
Vấn đề này vẫn đang được dư luận quan tâm.
Tuyết Lan – Kim Long
Theo Báo Pháp Luật
Quy định xét tuyển của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An chưa phù hợp!
Việc thí sinh đạt điểm cao nhất trong đợt xét tuyển viên chức nhưng vẫn bị loại vì quy định ưu tiên "lạ" đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận, cán bộ viên chức, luật sư xung quanh vấn đề này.
Trong đó, Luật sư Phan Thanh Hoài - Công ty TNHH Luật Thành Đồng (Hà Tĩnh) nhận định, quy định xét tuyển của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Cần xem xét lại trường hợp của thí sinh Hồ Đình Thắng
Sở Giáo dục & Đào tạo Nghệ An, cơ quan tham mưu trong kỳ tuyển dụng viên chức giáo viên của tỉnh này. Ảnh PV
Sau khi nhận được phản ánh, Báo Nhà báo & Công luận đã đăng tải thông tin xung quanh việc thí sinh Hồ Đình Thắng đạt điểm cao nhất trong đợt tuyển dụng viên chức làm việc tại trường PTDTNT THCS Quế Phong năm học 2016 - 2017 nhưng vẫn bị trượt một cách oan ức bởi quy định xét tuyển oái ăm. Trường hợp của anh Thắng đã gây xôn xao dư luận và thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, viên chức trong cũng như ngoài ngành giáo dục.
PV đã có cuộc trao đổi với ông Chu Văn Long- Trưởng phòng tổ chức cán bộ, Sở GDĐT Nghệ An. Ông Long cho rằng, nguyên nhân anh Hồ Đình Thắng đạt điểm cao nhất nhưng vẫn bị loại là vì chúng tôi lấy thứ tự ưu tiên đối với thí sinh hệ Cử nhân sư phạm. Thí sinh Hồ Đình Thắng tốt nghiệp cử nhân giáo dục thể chất- bóng chuyền hệ chính quy và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, còn thí sinh Kha Văn Tuấn mặc dù có số điểm thấp hơn nhưng tốt nghiệp cử nhân sư phạm thể dục thể thao hệ chính quy.
"Xét tuyển theo thứ tự ưu tiên nhóm đối tượng đại học sư phạm chính quy rồi mới đến đại học chính quy có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Đây là quy định của ngành", ông Long nói.
Cũng theo ông Long lý giải, vì chỉ có 1 chỉ tiêu tuyển dụng, những thí sinh tốt nghiệp hệ cử nhân sư phạm có điểm phỏng vấn từ 50 điểm trở lên sẽ cạnh tranh với nhau, điểm cao là đậu; còn thí sinh Hồ Đình Thắng tốt nghiệp hệ cử nhân chính quy có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm thì cho dù anh Thắng có đạt 500 điểm đi chăng nữa vẫn trượt vì chưa đến lượt nhóm đối tượng này được xét ưu tiên. Nếu trong nhóm thí sinh có trình độ ĐH sư phạm chính quy không ai đạt điểm phỏng vấn từ 50 điểm trở lên, hoặc nếu nhóm thí sinh có trình độ ĐH sư phạm hệ chính quy trúng tuyển nhưng không nhận nhiệm vụ thì nhóm cử nhân chính quy có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mới có cơ hội để được xét tuyển đến!
Khi PV đặt câu hỏi, Sở đề ra quy định xét tuyển căn cứ vào đâu? Ông Long cho biết, thực tế trước đây, kể cả Sở Nội vụ và nhiều đơn vị khác, họ cũng nhận đại học sư phạm chính quy, bởi vì học sư phạm bao gồm kiến tập, thực tập; còn học đại học chính quy có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm thì cũng có thể thực tập hoặc không nhưng vẫn có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm nên chưa đáp ứng yêu cầu.
Trả lời câu hỏi của PV về việc Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An cho rằng "Nếu Sở Giáo dục & Đào tạo làm như vậy là sai. Ưu tiên là phải ưu tiên ngay từ đầu, khi 2 thí sinh bằng điểm nhau thì mới xét ưu tiên thí sinh hệ cử nhân sư phạm trúng tuyển, còn thí sinh hệ cử nhân chính quy có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm không trúng tuyển. Còn đây là 2 thí sinh có điểm số chênh lệch nhau mà xét ưu tiên như vậy là không được", ông Chu Văn Long, Trưởng phòng tổ chức cán bộ Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: "Ở đây là xét tuyển, không phải thi tuyển".
"Xét tuyển thì theo điểm hồ sơ và phần phỏng vấn. Còn thi tuyển thì không phân biệt bằng cấp, điểm ai cao hơn thì lấy, cũng có thể quy định chọn đối tượng trước và được phê duyệt", ông Long giải thích qua loa.
Ông Chu Văn Long- Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GDĐT Nghệ An trao đổi với phóng viên. Ảnh PV
Liên quan đến vụ việc này, Luật sư Phan Thanh Hoài - Công ty TNHH Luật Thành Đồng (Hà Tĩnh) cho rằng, quy định của Sở GD&ĐT Nghệ An như trên là chưa phù hợp.
Điều 77, Luật Giáo dục 2005 quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo:
"Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với GV THCS". Các văn bản dưới luật cũng không có hướng dẫn là bằng cấp nào được ưu tiên, việc đặt ra quy định ưu tiên như ở Nghệ An là chưa phù hợp", luật sư Hoài nói.
Về ưu tiên trong xét tuyển, theo Luật sư Hoài, quy định cũng không hướng dẫn như ở Nghệ An.
Theo quy định hiện hành ưu tiên nghĩa là cùng ngang điểm mới xét, chứ không có chuyện ưu tiên tuyệt đối theo từng nhóm đối tượng (thứ tự ưu tiên xét tuyển) như ở Nghệ An. Cụ thể:
Khoản 2, Điều 13-Nghị định 29/2012 quy định về xác định người trúng tuyển trong kỳ xét tuyển viên chức:
"Trường hợp có từ 02 người trở lên có kết quả xét tuyển bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng cần tuyển dụng thì người có điểm phỏng vấn hoặc điểm thực hành cao hơn là người trúng tuyển; nếu điểm phỏng vấn hoặc điểm thực hành bằng nhau thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức quyết định người trúng tuyển theo thứ tự ưu tiên".
Mặt khác, đối tượng ưu tiên tuyển dụng theo quy định hiện hành gồm: Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động; Thương binh; Con liệt sĩ; Con thương binh..., không có trường hợp nào như anh Thắng và anh Tuấn ở Nghệ An.
Mong muốn được cống hiến trong ngành giáo dục
Dư luận mong các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An xem xét lại trường hợp xét tuyển cho thí sinh Hồ Đình Thắng. Ảnh PV
Trao đổi với phóng viên, anh Hồ Đình Thắng vẫn không ngừng hy vọng được quay lại gắn bó với nghề, gắn bó với trường lớp, học sinh để được cống hiến trong ngành giáo dục. Sau khi xem bảng điểm kết quả, mặc dù đạt điểm cao nhất trong đợt xét tuyển dụng viên chức nhưng vẫn bị loại. Tôi đã mang đơn, cũng như nhờ người quen biết đi hỏi lại kết quả, họ bảo tôi chờ đợi để được bố trí công việc sau. Tôi cứ ngồi hy vọng chờ đợi tháng này qua năm khác, nhưng vẫn "bặt vô âm tín".
"Hiện tại, tôi vẫn chưa có việc làm ổn định, có vợ và 2 con nhỏ, gia đình còn gặp nhiều khó khăn. Tôi chỉ mong muốn các cấp, các ngành xem xét lại giúp, cho tôi cơ hội để quay trở lại công tác giảng dạy, được cống hiến lâu dài trong ngành giáo dục, bởi đó là niềm đam mê của tôi và sự kỳ vọng lớn của gia đình", anh Thắng mong muốn.
Phóng viên Báo Nhà báo & Công luận tiếp tục nhận được nhiều phản ánh, kiến nghị của các cán bộ hưu trí và cán bộ, công nhân viên chức. Họ cho rằng, thí sinh Hồ Đình Thắng đạt điểm cao nhất trong đợt tuyển dụng viên chức làm việc tại trường PTDTNT THCS Quế Phong nhưng vẫn trượt bởi quy định xét tuyển chưa phù hợp là chưa công bằng, thỏa đáng.
Dư luận mong các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An xem xét lại trường hợp xét tuyển cho thí sinh Hồ Đình Thắng sao cho công bằng, đúng quy định, đảm bảo quyền lợi cho anh Thắng, nhằm tạo niềm tin trong quần chúng nhân dân và ngành giáo dục ở Nghệ An.
Báo điện tử Congluan.vn sẽ tiếp tục thông tin.
Trần Phong - Anh Tuấn
Theo congluan.vn
[Inforaphics] Chân dung Giáo sư tân Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An Trước khi được bổ nhiệm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, đồng chí Thái Văn Thành có gần 29 năm công tác tại Trường Đại học Vinh. Đồng chí cũng là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đầu tiên có học hàm Giáo sư. Hữu Quân - Mỹ Hà Theo baonghean