Tranh cãi quy định phạt học sinh vi phạm giao thông nghỉ học
Nhiều ý kiến cho rằng học sinh vi phạm luật giao thông bị phạt nghỉ học một tuần là nặng nề và cứng nhắc. Tuy nhiên, không ít giáo viên, phụ huynh ủng hộ quy định này.
Ngày 7/3, Sở GD&ĐT Hà Nội có văn bản về việc xử phạt học sinh vi phạm giao thông, trong đó nêu nội dung: “Học sinh khi vi phạm một lần sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm, nếu vi phạm lần hai sẽ trả về gia đình giáo dục trong 3 ngày, trường hợp tái phạm nhiều lần sẽ buộc thôi học một tuần”.
Ngay lập tức, thông tin này nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Có người đồng tình vì cho rằng đây là giải pháp cứng rắn và cần thiết, nhưng cũng có ý kiến băn khoăn về tính hiệu quả và phù hợp của quy định này.
Học sinh kêu phản tác dụng
Minh Tiến, học sinh lớp 11 ở Hà Nội, nêu quan điểm vi phạm một lần đã hạ hạnh kiểm là quá nặng, chưa kể còn buộc thôi học 1 tuần sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tinh thần học sinh.
“Hạnh kiểm ở trường trung học rất quan trọng. Không nên chỉ vì một lỗi mà ảnh hưởng cả thời gian dài phấn đấu của học sinh. Nếu phải nghỉ ở nhà một tuần, em sẽ rất xấu hổ, bị sức ép từ gia đình, bạn bè cười chê, không biết còn dám quay lại trường không”, nam sinh này nói.
Không ít học sinh khác cũng lo ngại phạt nghỉ học một tuần là quá mạnh tay. Minh Trang, học sinh lớp 10, chia sẻ nghỉ học một ngày đã gây khó khăn trong việc tiếp nhận kiến thức, huống hồ một tuần.
“Học sinh cấp ba phải học nhiều, nghỉ học sẽ khiến chậm bài vở ở lớp. Người không có ý thức nghỉ một tuần không giải quyết được vấn đề, mà còn cho các bạn cơ hội đi chơi”, nữ sinh nêu quan điểm.
Bạn Giang Hoài, học sinh lớp 11, lại có ý kiến khác. Nhà trường chưa có nhiều giờ học chất lượng về an toàn giao thông, học sinh không được giảng dạy kỹ về Luật Giao thông.
“Không dạy kỹ nhưng lại phạt thì chỉ tạo ra những bức xúc. Em mong muốn được học và hiểu biết một cách đầy đủ, chứ không phải liên tục bị dọa bởi những quy định này”, nữ sinh bày tỏ.
Học sinh vi phạm luật giao thông. Ảnh: Hoàng Anh.
Nhiều phụ huynh ủng hộ
Có con đang học lớp 11 ở quận Ba Đình, Hà Nội, chị Dương Vân Hà bức xúc khi nói về tình trạng tham gia giao thông của nhiều bạn trẻ.
Phụ huynh này cho rằng tình trạng học sinh đèo ba, bốn, lạng lách, vượt đèn đỏ không hiếm. Nếu chỉ nhắc nhở, răn đe như bình thường, nhiều em sẽ tái phạm.
Nữ phụ huynh cho rằng việc buộc thôi học một tuần sẽ khiến học sinh sợ, thay đổi cách tham gia giao thông.
Video đang HOT
Cùng ý kiến về việc xử phạt, chị Nguyễn Thị Hương (Minh Khai, Hai Bà Trưng) nói: Ở nhiều nước, trẻ em được dạy về Luật Giao thông từ mẫu giáo. Không thể có chuyện chỉ vì còn là học sinh phổ thông mà ngang nhiên vi phạm luật.
Anh Nguyễn Văn Toàn (Yên Phụ, Ba Đình) đang có con học lớp 9 trường THCS Mạc Đĩnh Chi, cho hay đã được con thông báo quy định này từ vài hôm trước. Anh hoàn toàn đồng tình với quy định mới. Tuy nhiên, bên cạnh các hình thức xử phạt, gia đình và nhà trường nên chung sức giáo dục, giảng giải cho con em để thay đổi nhận thức, hành vi khi tham gia giao thông.
“Hãy phạt phụ huynh”
Anh Nguyễn Hòa – phụ huynh tại Hà Nội – chia sẻ học sinh chưa đủ khả năng nhận thức sự nghiêm trọng của vấn đề và chưa tuân thủ được luật giao thông. Điều này do người lớn, nếu áp dụng hình phạt cho trẻ em, sẽ chỉ khiến các cháu xấu hổ với bạn bè và mặc cảm. Hãy phạt bố mẹ các cháu.
Còn TS Vũ Thu Hương chỉ ra thực tế học sinh bị buộc nghỉ học một tuần sẽ khiến cha mẹ rất khổ sở và bối rối. Phụ huynh phải quan tâm hơn và tuân thủ luật để làm gương cho con trẻ. Bố mẹ cũng phải giáo dục, răn đe con nhiều hơn.
“Học sinh lứa tuổi cấp hai, ba dễ thay đổi tâm lý, thích nổi loạn. Cả cha mẹ và thầy cô cần phải chung tay giáo dục con bằng nhiều cách khác nhau. Gia đình không thể phó mặc hoàn toàn việc này cho nhà trường được”, phụ huynh này đưa ý kiến.
Cô Nguyễn Bích Ngọc, giáo viên trường THCS Mạc Đĩnh Chi có cái nhìn thoáng hơn về quy định xử phạt an toàn giao thông này. Cô cho hay quy định chỉ rõ, học sinh vi phạm nhiều lần mới bị buộc thôi học một tuần, có nghĩa những em đã cố tình làm sai quy định mới bị phạt như vậy, chứ không phải tất cả.
Theo PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, vấn đề giao thông hiện nay diễn ra rất phức tạp. Trước đây, nhiều chương trình vận động mọi người tuân thủ luật nhưng gần như không hiệu quả.
PGS Văn Như Cương nêu quan điểm học sinh, sinh viên phải gương mẫu, bởi họ được giáo dục trong trường phổ thông. Không có lý do gì để không tuân thủ luật giao thông cả.
“Tôi thấy rất khó hiểu với ý kiến cho rằng chuyện tham gia giao thông ở ngoài đường tại sao đưa vào trường học để xử lý. Nếu người bên ngoài chửi bậy không bị phạt nhưng trong trường tôi, học sinh nói bậy sẽ bị phạt. Quy định về an toàn giao thông không phải của nhà trường mà toàn xã hội”, thầy Cương nhấn mạnh.
Ông chia sẻ phạt một học sinh vi phạm giao thông không quan trọng yếu tố hành chính mà là kỷ luật với xã hội.
TS Vũ Thu Hương, khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đồng tình với mức phạt của Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra.
Bà Hương cho biết trong chương trình giáo dục mầm non, phần giáo dục ý thức an toàn giao thông đã có và là mục quan trọng. Giáo dục phổ thông cấp nào cũng nói đến việc này. Nếu học sinh biết mà vẫn vi phạm thì đương nhiên phải có những hình thức phạt thích đáng.
Đề xuất hình thức phạt khác
Nguyễn Trang, học sinh lớp 7 tại Mỹ Đình, Từ Liêm chia sẻ: Nhiều học sinh vi phạm luật giao thông phần lớn là đi xe đạp điện. Hình thức phạt của Sở GD&ĐT có phần cứng nhắc, bởi việc nghỉ học một tuần để lại nhiều hậu quả nặng nề như các bạn không theo kịp chương trình học, thậm chí không muốn đến trường nữa.
Cho rằng hình phạt nghỉ học một tuần là nặng nề, nhiều người đặt ra các biện pháp khác như phạt lao động tại trường.
Chị Nguyễn Tố Loan, phụ huynh có con đang học lớp 12, ý kiến: Khi con vi phạm giao thông, tôi thường yêu cầu viết kiểm điểm tại nhà, sau đó xin lỗi và hứa không tái phạm. Con cũng không được tự đến trường mà bố mẹ đưa đón một tuần.
Nữ phụ huynh cho hay việc này sẽ khiến trẻ vừa phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình, lại vừa thấy có lỗi vì ảnh hưởng công việc của bố mẹ, từ đó không vi phạm nữa.
Còn cô Tô Hương Thảo, giáo viên lớp 7, có con học THPT lại xử lý rất thú vị. “Ở nhà, tôi luôn có cuốn Luật Giao thông, con vi phạm điều gì là bắt chép lại. Bên cạnh đó, bố mẹ giải thích vì sao phải chấp hành luật, nếu vi phạm sẽ ảnh hưởng những ai”.
Trên mạng xã hội, bạn Thủy Trần nêu quan điểm: Hình phạt bắt học sinh nghỉ học chỉ nên áp dụng trong những trường hợp “cực chẳng đã”, nhưng dường như hiện nay đang tràn lan, trong đó có lý do thành tích.
Học sinh bướng, trường học phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba để giáo dục, chứ không nên cho nghỉ học. Đây không phải phạt mà là trốn tránh trách nhiệm. Một đứa trẻ bị đuổi học trước hết là thất bại giáo dục của nhà trường, sau đó mới đến gia đình, xã hội. Nhà trường nên có hình thức răn đe khác phù hợp tâm lý, lứa tuổi các em hơn là bắt nghỉ học.
Văn bản số 932 ra ngày 7/3 của Sở GD&ĐT Hà Nội về việc tổ chức phong trào thi đua đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong ngành giáo dục giai đoạn 2016-2020 nêu rõ:
100% cán bộ, viên chức, nhân viên, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục và đơn vị trường học được quán triệt quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, ký cam kết với nhà trường chấp hành nghiêm túc các quy định này.
Phụ huynh học sinh ký cam kết với nhà trường trong việc không giao xe máy cho con khi chưa đủ điều kiện, thực hiện đội mũ bảo hiểm có chất lượng và đúng cách cho học sinh khi tham gia giao thông bằng môtô, xe gắn máy và xe đạp điện.
Các trường để xảy ra tình trạng cán bộ, viên chức, nhân viên, học sinh sinh viên vi phạm pháp luật, không có biện pháp xử lý kịp thời, không thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo, sẽ căn cứ tình hình thực tế xét trừ vào tiêu chí thi đua cuối năm.
Các học sinh, sinh viên khi vi phạm một lần sẽ hạ một bậc hạnh kiểm trong tháng, phê bình trước lớp, trước trường, kiểm điểm và mời gia đình.
Nếu vi phạm lần hai, học sinh sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm của học kỳ, trả về gia đình giáo dục trong 3 ngày, thông báo tới địa phương nơi cư trú.
Trường hợp tái phạm nhiều lần sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ, buộc thôi học một tuần.
Theo Zing
Môn công nghệ quá lạc hậu
Nói đến công nghệ là cập nhật và ứng dụng nhưng chương trình và sách giáo khoa môn này hiện nay ở trường phổ thông quá xa rời thực tế.
Không chỉ chương trình quá cũ, thiếu tính ứng dụng, tư duy đây chỉ là môn phụ khiến môn học này là môn tập trung những giáo viên kiêm nhiệm. Kiến thức chuyên môn còn yếu, có thực trạng giáo viên còn dùng tiết học này để dạy các môn khác còn dang dở... Thực tế đó khiến học sinh thờ ơ, không còn hứng thú với môn học.
Sử dụng số liệu của năm 2004
Dẫn chứng về sự lạc hậu của môn công nghệ, giáo viên một trường THPT tại quận Tân Bình (TP HCM) cho biết trong chương trình công nghệ lớp 10 học về nông nghiệp, sách giáo khoa (SGK) vẫn còn sử dụng số liệu của những năm 1995 đến 2004.
Chẳng hạn, ở bài "Ngành nông lâm ngư nghiệp có vai trò quan trọng trong sản xuất hàng hóa xuất khẩu", SGK lấy nguồn từ Tổng cục Thống kê để dẫn chứng nhưng số liệu này có từ những năm 1995, 2000 và 2004.
Nghiêm trọng hơn, ở phần biểu đồ thể hiện về cơ cấu lực lượng lao động xã hội ở nước ta lại tiếp tục dùng số liệu của những năm 1995 đến 2000. Rõ ràng cơ cấu lao động hiện nay tại các ngành nghề ở nước ra đã khác rất nhiều. Số liệu lạc hậu sẽ dẫn đến những phân tích sai và cách hiểu sai.
Tương tự, bài học về tầm quan trọng của sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trong nền kinh tế quốc dân yêu cầu học sinh dựa vào biểu đồ trong sách để nhận xét về đóng góp của ngành nông, lâm, ngư nghiệp trong cơ cấu tổng sản phẩm nội địa. Biểu đồ sử dụng số liệu của 3 năm là 1995, 2000 và 2004 để yêu cầu học sinh nhận xét
"Nếu các em nhận xét theo số liệu cách đây hơn 10 năm thì vô hình trung chúng ta đang gieo vào đầu các em những tư duy lạc hậu vì số liệu này không phản ánh được thực tế ngành nghề hiện nay" - giáo viên này bức xúc.
Một giáo viên khác dẫn chứng trong chương trình môn công nghệ lớp 12, ở bài máy thu hình, SGK ghi khái niệm về máy thu hình là thiết bị nhận và tái tạo âm thanh và hình ảnh của đài truyền hình. Âm thanh và hình ảnh được xử lý độc lập trong máy thu hình.
Tiếp sau đó, SGK có hình mô phỏng nhưng vẫn còn sử dụng khái niệm ăng-ten. Ăng-ten là thiết bị thu sóng nhưng hiện nay rất ít gia đình còn sử dụng. Hầu hết đã sử dụng đầu thu và các thiết bị kỹ thuật số. Chưa kể, sắp tới sẽ chuyển hoàn toàn sang việc sử dụng đầu thu, không còn ăng-ten nữa. Vậy học sinh học về ăng-ten thì cũng như không, trong khi đó đầu thu lại không biết sử dụng.
Một bằng chứng lạc hậu của sách giáo khoa môn công nghệ lớp 12 . Ảnh: Người Lao Động.
Cập nhật không đúng chỗ
Ông Đỗ Ngọc Thịnh, giáo viên môn công nghệ Trường THPT Bà Điểm (TP HCM), cho biết trong vài năm trở lại đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo có cập nhật một số chuyên đề bổ sung trong SGK công nghệ.
Đơn cử như chuyên đề về kinh doanh, dạy học sinh các kỹ năng về tài chính, gọi chung là các chuyên đề về kỹ năng sống. Nhưng có bất cập là những giáo viên chuyên về công nghệ thì được đi tập huấn về những thay đổi, còn những giáo viên kiêm nhiệm thì không. Trong khi đó, hầu hết hiện nay giáo viên dạy môn công nghệ là giáo viên kiêm nhiệm.
Ông Thịnh cũng cho rằng việc giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh là yêu cầu cần thiết, trách nhiệm của tất cả môn học, giáo viên song nếu bỗng dưng xây dựng thành chuyên đề rồi cập nhật vào SGK công nghệ thì rất khiên cưỡng. Giống như môn học thập cẩm, có thể ghép bất kỳ môn nào còn thiếu vào. Lâu dần tạo tâm lý cho học sinh tư tưởng học lệch vì là môn phụ, có hay không cũng không ảnh hưởng gì.
Hiệu trưởng một trường THPT thống kê trong 10 giáo viên dạy môn công nghệ thì có tới 8 giáo viên là kiêm nhiệm từ môn sinh học. Từ thực tế này dẫn đến tình trạng nếu giáo viên nào dạy quen thì biết SGK chỗ nào hạn chế, chỗ nào cần cập nhật để bổ sung kiến thức cho học sinh. Ngược lại, nếu là giáo viên không chuyên thì bám sách, dạy theo phân phối chương trình (thiếu sự cập nhật) cho đủ tiết.
Giáo viên không có hứng thú dạy
Giáo viên một trường THPT tại quận Bình Thạnh (TP HCM) cho biết số liệu lạc hậu, không những khiến học sinh không hứng thú, thờ ơ với môn học mà chính bản thân người dạy cũng không còn cảm hứng để dạy. Mặt khác, SGK cung cấp những số liệu, kiến thức quá cũ thì mục đích cung cấp trở thành sự không nghiêm túc. Chưa kể công nghệ mà lạc hậu dễ dẫn đến học sinh học sai, hiểu sai và không thể thực hành, áp dụng trong thực tế được thì rất nguy hiểm.
Theo Đặng Trinh/Người Lao Động
Tâm thư của thầy giáo dành cho những sinh viên lười 'Các em mất cả gốc lẫn rễ rồi, nhưng thầy có thể giúp đi lên từ con số 0 nếu có thái độ học tập tốt. Vậy mà các em thờ ơ, có em bất cần, có em hứa thật nhiều và thất hứa cũng thật nhiều', thầy Nguyễn Quốc Vỹ viết. Sau gần 4 năm rời xa phấn trắng, bảng đen để...