Tranh cãi quanh chuyện thi hay không thi THPT quốc gia
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 Bộ GD&ĐT phải điều chỉnh kế hoạch năm học nhiều lần. Nhiều chuyên gia cho rằng Bộ GD&ĐT cần tính toán đến phương án không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, ý kiến này đang nhận được những tranh luận trái chiều.
Thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: Như Ý
Hết “đường lùi”?
Trong công văn hỏa tốc gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư vừa qua thông báo về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019 – 2020 (lần 2), Bộ GD&ĐT quyết định lùi lịch thi THPT quốc gia 2020 đến ngày 8/8.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Marie Curie (Hà Nội), cho rằng lần điều chỉnh thứ nhất khi học sinh nghỉ 1 tháng, Bộ GD&ĐT đã quyết định lùi 1 tháng; hiện nay học sinh nghỉ 2 tháng, Bộ lùi 1,5 tháng và các trường phải “dùng” hết 2 tuần dự trữ mới kịp dạy hết chương trình. Nếu phải nghỉ sang tháng thứ 3, hoặc 3 tháng trở lên, thì sẽ “kịch khung” và ảnh hưởng tới kế hoạch năm học sau.
Còn theo tính toán của các trường ĐH, kỳ thi THPT quốc gia diễn ra vào gần giữa tháng 8, phải mất thêm 1 tháng nữa để chấm thi, công bố kết quả thi, xét tốt nghiệp, xét tuyển sinh ĐH lần 1… Điều này đồng nghĩa việc sang đến ít nhất nửa cuối tháng 9, trong khi khai giảng năm học mới đã được ấn định là ngày 5/9.
Như vậy, có thể nói, điều chỉnh lần 2 gần như Bộ GD&ĐT đã hết đường lùi. Chính vì vậy, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng vì sức khỏe và an toàn tính mạng của học sinh được đặt lên hàng đầu. Nếu vẫn phải có tấm bằng tốt nghiệp THPT thì Bộ cần tính toán để đề nghị Chính phủ, Quốc hội cho phép các trường xét tốt nghiệp THPT trong năm nay.
Tuy nhiên, đứng ở góc độ các trường ĐH thì việc dừng không thi THPT quốc gia không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển sinh của các trường mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến thí sinh.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tỷ lệ tốt nghiệp hàng năm rất cao, ngay cả năm 2019 khi thay đổi cách thức xét thì tỷ lệ này cũng chỉ giảm nhẹ từ trên 97% xuống còn trên 94%. Như vậy dù không có kỳ thi này thì hầu hết học sinh đã tốt nghiệp.
Video đang HOT
Nhưng thống kê số liệu xét tuyển ĐH các năm vừa qua cho thấy các trường ĐH lấy nguồn tuyển từ kỳ thi này là chủ yếu. Có tới trên 70% chỉ tiêu của các trường ĐH xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Trong đó, có khoảng 100 trường ĐH lớn chủ yếu tuyển sinh từ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia. Các trường khác, đặc biệt là khối trường tư thục, chủ yếu xét tuyển từ học bạ. Do vậy, việc không có kỳ thi này sẽ ảnh hưởng tới việc tuyển sinh của các trường lớn, và các trường này tuyển sinh theo phương thức nào khi không có nguồn tuyển từ đây sẽ có tác động rất lớn đến thí sinh.
Có thể sẽ vỡ trận?
PGS Trần Trung Kiên, trưởng phòng tuyển sinh, trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết do dịch Covid-19 nên thời gian đăng ký, thi, chấm thi, thay đổi nguyện vọng của thí sinh sẽ bị lùi đi một chút. Và khóa tuyển mới năm nay của trường sẽ bị lùi vài tuần. Tuy nhiên, giả sử Bộ GD&ĐT không thể tổ chức được kỳ thi THPT quốc gia do dịch bùng phát, lúc đó cần tìm phương án thay thế và phương án này cần có sự đồng thuận của các trường và xã hội. Trường sẽ bàn thêm với một số trường trong nhóm để có phương thức tuyển sinh nào hợp lý nhất.
“Do chống dịch Covid-19 được đặt lên hàng đầu nên việc thi hay tuyển sinh của các trường cũng chỉ là thứ yếu. Bộ cũng cân nhắc theo sự tiến triển của dịch. Trường sẽ căn cứ trên khuyến cáo của Bộ để triển khai. Tuy nhiên, không phải đợi đến khi Bộ khuyến cáo trường mới chuẩn bị. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đang phối hợp với những tổ chức để tổ chức thi đánh giá năng lực, trong trường hợp cần sẽ sử dụng”, PGS Trần Trung Kiên thông tin.
PGS.TS Bùi Đức Triệu, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng nếu không có kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh sẽ vất vả hơn nhiều so với mọi năm. Vì các trường ĐH sẽ tổ chức tuyển sinh. Mà như thế thí sinh không có nhiều thời gian để chuẩn bị trước nên sẽ gặp khó khăn. “Vì vậy, ý kiến cá nhân của tôi là có thể linh hoạt hơn trong xét tốt nghiệp THPT, còn không thể bỏ thi THPT quốc gia”, PGS Bùi Đức Triệu nói.
Đồng quan điểm này, đại diện một trường ĐH Y khu vực phía Bắc cho rằng nếu không tổ chức thi THPT quốc gia, các trường ĐH tự chọn phương án tuyển sinh sẽ “vỡ trận”. Vì các trường và bản thân thí sinh còn quá ít thời gian để chuẩn bị.
Nếu không tổ chức thi THPT quốc gia có trái Luật Giáo dục?
Khoản 3, điều 34 Luật Giáo dục 2019 ghi rõ rồi “học sinh học hết chương trình trung học phổ thông đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông”.
Vì vậy nếu cấp bằng tốt nghiệp THPT mà không thi là vi phạm Luật Giáo dục. Còn nếu cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp cho học sinh có nhu cầu thì được. Việc quyết định có thi hay không để làm căn cứ cấp bằng tốt nghiệp THPT phải do Quốc hội quyết. Chứ Chính phủ, hay Bộ GD&ĐT không làm trái luật được.
GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục, ĐH quốc gia Hà Nội
NGHIÊM HUÊ (tienphong.vn)
Hiệu trưởng Trường Marie Curie viết thư đề nghị Bộ trưởng giảm môn thi THPT quốc gia
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Marie Curie, viết thư gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị giảm môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội.
Thầy Nguyễn Xuân Khang tại lễ khai giảng năm học mới của Trường THCS - THPT Marie Curie - Ảnh TUỆ NGUYỄN
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến học sinh phải nghỉ học kéo dài, ngày 16.3, thầy giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Marie Curie (gọi tắt là MC), Hà Nội, đã gửi thư cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ và Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, trong thư kiến nghị các vị lãnh đạo xem xét, cắt giảm số môn thi của 2 kỳ thi quan trọng là thi THPT quốc gia và tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội năm 2020.
Trong thư, thầy Khang bày tỏ tâm tư khi Việt Nam đã bước sang giai đoạn 2 phòng, chống dịch bệnh Covid-19, phức tạp hơn và quyết liệt hơn. Đến ngày 15.3, tất cả các địa phương đều phải tiếp tục cho học sinh từ mầm non đến THCS nghỉ học, trong đó có những nơi đã cho học sinh đi học được một thời gian cũng phải thay đổi và tiếp tục đóng cửa trường. Gần 30 tỉnh, thành phố vẫn chưa thể cho học sinh THPT đến trường, trong đó có các thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng...
Theo thầy Khang, Bộ GD-ĐT đã 2 lần điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học và thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2020. Các trường đã phải dạy và học online hoặc qua truyền hình... Tuy nhiên, không phải địa phương, nhà trường, giáo viên, học sinh nào cũng có đủ điều kiện để dạy và học từ xa có hiệu quả.
Thầy Khang nhắc tới chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, trong đó có nội dung liên quan đến lĩnh vực GD-ĐT: "Giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học nhưng phải bảo đảm chất lượng học tập". Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nói "chống dịch như chống giặc, chấp nhận thiệt hại kinh tế để bảo vệ sức khoẻ nhân dân".
"Không biết tình hình này tiếp diễn đến bao giờ? Dịch bệnh Covid-19 không những ảnh hưởng đến giáo dục mà còn ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác, làm đảo lộn cuộc sống hàng triệu người", thầy Khang trăn trở.
Thầy Nguyễn Xuân Khang và học trò trường MC - Ảnh Tuệ Nguyễn
Chỉ nên thi 3 môn
Thầy Khang viết trong thư kiến nghị: "Trong bối cảnh này, lắng nghe nguyện vọng của nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh, tôi xin phép đề nghị 2 nội dung".
Cụ thể: thứ nhất, về kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, thầy Khang đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ xem xét và quyết định chỉ thi các môn toán, ngữ văn và ngoại ngữ; bỏ các bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
Nội dung đề thi năm nay cũng cần có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Năm nay, khi chưa xảy ra dịch bệnh, Bộ GD-ĐT chủ trương không công bố đề minh hoạ kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh phức tạp khiến học sinh tiếp tục phải nghỉ học như hiện nay, theo thầy Khang, Bộ cần cân nhắc, xây dựng và sớm ban hành đề minh hoạ các môn thi, giúp học sinh và các nhà trường có kênh tham khảo chính thức để ôn tập và yên tâm về định hướng ra đề trong năm học "đặc biệt" này.
Thứ hai, về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020 - 2021 của Hà Nội, thầy Khang đề nghị Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung xem xét, sửa quyết định về kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020 - 2021. Theo đó, chỉ thi các môn toán, ngữ văn và ngoại ngữ; bỏ môn thi thứ tư, là một trong các môn lý, hoá, sinh, sử, địa, giáo dục công dân (được chọn ngẫu nhiên vào cuối tháng 3).
Thầy Khang chia sẻ thêm: "Tôi đề xuất giảm bớt một số môn thi trong các kỳ thi nói trên, trước hết là nhằm giảm áp lực cho giáo viên và học sinh cuối cấp, giúp người dân thêm tin tưởng, yên tâm, đồng lòng chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, giảm được đáng kể quy mô tổ chức các kỳ thi đó của Bộ và thành phố".
"Việc đề xuất ý kiến này là trong tình hình đặc biệt chống dịch Covid-19, "thời chiến"! Những năm sau, "thời bình", xã hội có điều kiện thuận lợi, các kỳ thi nói trên sẽ được tổ chức "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn", thầy Khang nói.
Theo thanhnien.vn
Hiệu trưởng Hà Nội tranh luận về đề xuất 4 kỳ nghỉ trong năm học Nhiều hiệu trưởng trường phổ thông ở Hà Nội đã đưa ra quan điểm trước đề xuất chia năm học làm 4 kỳ nghỉ của Chủ tịch UBND TP. Tại cuộc họp ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội chiều ngày 14/2, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã đề nghị Sở GD-ĐT đề xuất Bộ...