Tranh cãi đèn năng lượng mặt trời tiết kiệm điện
Ngọc Thắng ở Dak Lak, từng tốn 5,2 triệu đồng tiền điện cho 18 tháng sử dụng 2 bóng đèn. Chuyển sang đèn năng lượng mặt trời, ông tính chỉ mất 1,5 triệu đồng.
Ông Ngọc Thắng, sống tại huyện Krông Năng, mua hai đèn năng lượng mặt trời, mỗi bóng công suất 200W, giá 1,5 triệu đồng, về thắp sáng cho khu sân rộng 500 mét vuông của mình. Ông cho rằng chi phí bỏ ra cho loại đèn này, ít nhất trong 18 tháng – thời gian bảo hành của nhà sản xuất, sẽ có lợi hơn là dùng hai bóng đèn cùng công suất với điện lưới.
Một hộ dân dùng đèn năng lượng mặt trời để chiếu sáng. Ảnh: Hữu Bình .
Anh Thắng tính: chi phí ban đầu cho điện mặt trời là ba triệu đồng, thời gian sử dụng từ 18h hôm trước đến 6h hôm sau (12 tiếng), liên tục trong 18 tháng. Cùng mốc thời gian, một bóng đèn 200W (0,2KW) dùng điện lưới sẽ tiêu tốn 2,4 KWh mỗi ngày, tức 876 KWh mỗi năm. Với đơn giá điện trung bình 2.000 đồng mỗi KWh, mỗi bóng đèn sẽ tốn 1,752 triệu đồng tiền điện mỗi năm, tức là 2,628 triệu đồng trong 18 tháng. Với hai bóng đèn, số tiền điện phải trả là hơn 5,2 triệu đồng, chưa tính chi phí mua dây dẫn, phích cắm và bóng đèn.
Một số người sử dụng đèn năng lượng mặt trời cũng thấy rằng chi phí bỏ ra thấp hơn tiền điện phải trả trong cùng thời gian sử dụng. Anh Trần Thảo, 36 tuổi, huyện Ea Kar, dùng ba đèn năng lượng mặt trời để thắp sáng khoảng sân rộng hơn 200 mét vuông từ hơn một năm qua. “Đến vụ mùa, gia đình phải dùng đèn công suất lớn cả đêm để sản xuất nên tốn tiền điện lắm. Từ khi có đèn năng lượng mặt trời, tiền điện giảm khá nhiều. Nếu chỉ tính việc thắp sáng, gia đình mình tiết kiệm được 30 đến 40% tiền điện năm qua”, anh Thảo nói.
Trong bài viết về trào lưu dùng đèn năng lượng để tiết kiệm điện, nhiều ý kiến đồng tính với việc này.
“Tôi dùng đèn năng lượng mặt trời 100W giá tầm 500.000 đồng. Khoảng một năm là tôi ‘huề vốn’. Nếu sau thời gian bảo hành mà hư hỏng về pin, tôi có thể tự thay. Tôi dùng nửa năm nay không thấy có vấn đề gì”, tài khoản Ngọc Tùng bình luận.
Video đang HOT
“Dùng đèn sử dụng điện lưới tốn chi phí mua dây điện, bóng đèn, lại không tiện như đèn năng lượng mặt trời – bật tắt tự động, có thể đặt bất cứ đâu mình muốn mà không phụ thuộc vào dây dẫn, lại không nguy hiểm”, tài khoản Đỗ Thọ đồng tình.
Một số mẫu đèn năng lượng mặt trời bán trên thị trường. Ảnh: Hữu Bình .
Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ khả năng tiết kiệm điện của đèn năng lượng.
“Tính kiểu gì rẻ hơn điện lưới được. Một bóng đèn 100W dùng 10 tiếng mỗi tối, tức 60.000 đồng mỗi tháng, 720.000 đồng mỗi năm nếu tính giá điện 2.000 đồng/KWh, lại có thể dùng lâu dài. Trong khi đó, đèn năng lượng mặt trời cùng công suất có giá cao hơn nhiều so với số tiền điện trên, nhưng chạy tầm hai năm là hỏng”, tài khoản Kingpokemon bình luận.
“Ai dùng rồi mới biết, các loại đèn năng lượng mặt trời, nhất là thiết bị giá rẻ, có thể có lợi ích ban đầu, nhưng nhanh hỏng trong 2 – 3 năm. Đó chỉ là khoản đầu tư ngắn hạn”, độc giả Long Đỗ đồng tình.
Ngoài ra, nhiều người cho rằng đèn năng lượng mặt trời có những hạn chế nhất định, chỉ phù hợp với các địa hình không thể kéo điện lưới, ở xa nguồn điện, vùng sâu vùng xa. Đây chỉ là giải pháp ngắn hạn trong một vài năm, không thể mang lại hiệu quả kinh tế như điện lưới nếu sử dụng lâu dài. Ngoài ra, các loại đèn rẻ tiền, chóng hỏng, không thể tái sử dụng còn gây nên lo ngại về vấn đề ô nhiễm môi trường.
Chất lượng của đèn năng lượng mặt trời
Ông Hữu Bình, kỹ thuật viên một công ty kinh doanh đèn năng lượng mặt trời tại TP HCM, đánh giá, đèn năng lượng mặt trời có tiết kiệm điện hay không phụ thuộc vào hai yếu tố: giá bán và công suất đèn. Trong các trường hợp người dùng cảm thấy “lời”, họ đã mua bóng đèn công suất lớn nhưng giá bán rẻ. “Các loại đèn này thường có chất lượng không cao, bởi nhà sản xuất đã bỏ qua các khâu kiểm định, cũng như sử dụng vật liệu rẻ tiền để sản xuất, tiết kiệm chi phí”, ông Bình giải thích. “Thậm chí, có những mẫu đèn được nhà sản xuất tính toán để sử dụng ‘vừa đủ’ trong thời gian bảo hành. Hết thời gian này, chúng sẽ hỏng. Đa phần phải vứt bỏ, khó tái chế”. Theo ông Bình, nếu sử dụng đèn năng lượng mặt trời đắt tiền mà công suất thấp, người dùng sẽ “lỗ” khi so sánh với đèn cùng công suất sử dụng điện lưới truyền thống.
Hữu Thành, một kỹ sư điện tại Buôn Mê Thuột (Dak Lak), cho rằng không phải lúc nào đèn năng lượng mặt trời cũng duy trì đúng công suất chiếu sáng. Chẳng hạn vào các ngày mưa, ngày không có nắng, lượng điện năng thu được có thể không đủ để thắp sáng đèn trong thời gian đủ lâu như nhà sản xuất công bố. Trong khi đó, bóng đèn dùng điện lưới luôn duy trì tính ổn định của mình, trừ khi mất điện.
Ngoài ra, ông Thành cho rằng bộ lưu trữ điện đóng vai trò quan trọng trong hệ thống năng lượng mặt trời. “Kể cả bóng đèn có công suất lớn, tấm pin năng lượng mặt trời thu điện tốt, mà nguồn lưu trữ chất lượng kém, đèn cũng hoạt động không đúng công suất và chiếu sáng kém”, ông giải thích. Ông Thành cũng lưu ý pin lưu điện thường bị giảm hiệu suất theo thời gian, đồng nghĩa với khả năng chiếu sáng của đèn cũng bị giảm theo. Pin chất lượng càng kém, tốc độ suy giảm hiệu suất càng nhanh.
Đèn mặt trời hiệu quả cho những vùng khó dùng điện lưới
Cũng dùng đèn năng lượng mặt trời, ông Thanh Hưng sống tại huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) xem đây chỉ là giải pháp cho các khu vực khó kéo điện lưới, chứ không tiết kiệm. Cụ thể, ông đã đầu tư hai đèn năng lượng mặt trời 100W, thời gian bảo hành hai năm, với giá 2 triệu đồng mỗi đèn để thắp sáng cho ao nuôi tôm cách nhà hơn 500 mét. Với cách tính tương tự như ông Thắng ở Dak Lak, số tiền mà ông Hưng bỏ ra nếu dùng điện lưới khoảng 3,5 triệu đồng trong hai năm. Như vậy, so với giải pháp dùng điện lưới, ông Hưng đã “lỗ” khoảng 500.000 đồng khi dùng đèn năng lượng mặt trời.
Tuy nhiên, khu vực nuôi tôm của ông Hưng khá xa khu vực dân cư sinh sống. Việc kéo điện lưới xuống để chiếu sáng tốn nhân công và chi phí tiền triệu. Do đó, việc lắp đèn năng lượng mặt trời được các chuyên gia đánh giá là hợp lý hơn rất nhiều so với kéo điện lưới về, không những thế, thời gian lắp đặt lại nhanh hơn.
Ngô Thu, một chuyên gia về điện mặt trời, đánh giá mỗi loại đèn có những ưu và nhược điểm riêng. Theo ông Thu, nếu xét về hiệu quả kinh tế, việc đầu tư ban đầu vào đèn truyền thống dùng điện lưới ít tốn chi phí hơn. Tuy nhiên, đèn năng lượng mặt trời lại dễ lắp đặt và sử dụng, nhất là ở những khu vực không có hạ tầng điện hoặc hạ tầng điện lưới chưa đáp ứng. Bên cạnh đó, đèn năng lượng mặt trời có tính an toàn cao do không dùng điện xoay chiều như đèn truyền thống – vốn có thể gây nguy hiểm cho con người.
Chuyên gia Ngô Thu nhận định, về hiệu quả về kinh tế, đèn năng lượng có thể không như nhiều người mong đợi. “Các mẫu đèn chất lượng cao trên thị trường thường được bán với giá không hề rẻ, chưa thể tiết kiệm chi phí nếu so sánh với đèn dùng điện lưới. Còn nếu mua các thiết bị giá rẻ, người dùng có thể thấy lợi ích ban đầu, nhưng sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ về hỏng hóc hay thời gian sử dụng ngắn”, ông Thu nói.
Không khí khô cằn của sa mạc có thể trở thành nguồn nước vô tận
Nhờ có thiết bị hấp thụ nước mới, các nhà khoa học có thể "biến" không khí trong môi trường khắc nghiệt như sa mạc thành nước.
Một thiết bị mới có khả năng chiết xuất nước từ không khí khô cằn đã được nhóm các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts phát triển. Theo nhà khoa học Alina LaPotin, việc tìm ra các công nghệ cung cấp nước mới, đặc biệt tại những khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, là rất quan trọng.
Thiết bị này sẽ chứa một loại vật liệu hấp thụ có tác dụng thu hơi nước từ không khí ban đêm, được gọi là zeolit. Vào ban ngày, nhiệt từ Mặt Trời sẽ đi qua tấm chuyển đổi năng lượng và thúc đẩy quá trình giải phóng nước khỏi zeolit.
Theo nhóm nghiên cứu, zeolit là vật liệu xốp, có diện tích bề mặt lớn cho khả năng hấp thụ một lượng nhỏ nước trong không khí. Các mô hình thí nghiệm dự đoán thiết bị này có thể tạo ra nước ngay cả trong môi trường không khí có độ ẩm chỉ 20%, tương đương môi trường sa mạc.
Thiết bị được làm bằng kim loại tấm acrylic, nhôm, đồng và chỉ nặng 7 kg.
Trong khi đó, những thiết bị hấp thụ nước trong không khí hiện nay như hệ thống tạo ẩm hay thu thập sương mù chỉ có thể hoạt động ở môi trường có độ ẩm thấp nhất là 50%. Ngoài ra, việc thu thập sương mù cũng chịu nhiều giới hạn về mặt địa lý, năng lượng cần thiết để hoạt động.
"Không giống như các công nghệ khử muối, thu hoạch nước trong không khí là một phương án trong trường hợp không có sẵn nước lỏng. Công nghệ này đồng thời phù hợp ở những khu vực không có cơ sở sản xuất nước tập trung. Chúng tôi quan tâm đến việc phát triển các hệ thống nhỏ gọn, tập trung nhiều vào tính di động và hạn chế về trọng lượng", LaPotin chia sẻ.
Thiết bị có hình hộp, được làm bằng kim loại tấm acrylic, nhôm, đồng và chỉ nặng 7 kg. Trong các cuộc thử nghiệm, thiết bị có thể sản xuất 0,77 lít nước/ngày với mỗi mét vuông tấm năng lượng mặt trời.
"Các vật liệu mới đang được phát triển có khả năng hấp thụ hiệu quả hơn nữa. Việc kết hợp những vật liệu đó vào thiết bị của chúng tôi sẽ giúp nâng cao hiệu suất hoạt động" LaPotin cho biết nhóm của cô đang cố gắng nghiên cứu các giải pháp tăng lượng nước hấp thụ trong thiết bị.
Chrome thêm tính năng mới cải thiện thời lượng pin Báo cáo từ TheWindowsClub cho thấy Google đang thử nghiệm một thẻ với chức năng cho phép các trang web bật tính năng tiết kiệm năng lượng. Tính năng mới có thể phải chờ đến Chrome 86 hoặc 87 mới được triển khai Theo Engadget, tính năng mới có thể giảm tốc độ khung hình, làm chậm quá trình thực thi tập lệnh...