Trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Mường
So với các dân tộc thiểu số khác, trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Mường khá đơn giản, song cũng có rất nhiều nét đặc trưng.
Phụ nữ dân tộc Mường trong trang phục truyền thống,
Trang phục truyền thống của người phụ nữ dân tộc Mường có hai màu chủ đạo, đó là màu xanh và trắng, cũng có những địa phương sử dụng thêm áo màu hồng (như người Mường ở Hòa Bình). Đối với loại áo này, người Mường thường sử dụng các loại sợi dệt mảnh, có thân ngắn đến chấm eo lưng, xẻ ngực, ống tay dài.
Đối với váy, có 3 bộ phận chính, đó là đầu váy, thân váy và cạp váy. Trong đó, đầu váy là chi tiết cực kỳ quan trọng bởi đây là điểm nhấn đại diện cho sự sáng tạo của người dệt, thường là các họa tiết hoa văn cực kỳ tinh xảo không bị lệ thuộc vào các mẫu có sẵn. Các hoa văn trên đầu váy chủ yếu được thêu hình long, phượng và các khối hình khác, nhưng nổi bật và mang tính phổ biến của sự ảnh hưởng văn hóa trên mặt trống đồng Đông Sơn.
Thân váy được dệt từ một tấm vải tơ tằm, màu sắc được nhuộm theo ý thích của người mặc. Cạp váy là phần cuối cùng của chiếc váy, được vắt và khâu bên trong thân váy thường có màu đỏ hoặc đen. Bên ngoài cạp được thêu các hoa văn với nhiều màu sắc để khi mặc lên những mảng hoa văn nổi bật giữa cơ thể người phụ nữ. Đặc biệt, phần cạp váy thể hiện sự tinh tế, khéo léo, sâu sắc của người dệt.
Ngoài áo, váy, người Mường sử dụng thêm thắt lưng được làm bằng chất liệu vải, lụa tơ tằm, có màu xanh lục hoặc màu xanh lá mạ, có chiều dài khoảng 160 cm, chiều ngang 35 cm, khi mặc phụ nữ Mường thường thắt dây lưng bên ngoài váy, quấn tầm ngang hông.
Video đang HOT
Đặc biệt, trong bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Mường, còn được tạo điểm nhấn bằng yếm và chiếc khăn đội đầu. Chiếc khăn đội đầu là một dải vải trắng không viền, rộng chừng một gang tay, khoảng 15 cm, dài khoảng 50-60 cm quá vòng đầu để thắt sau gáy theo kiểu thắt vặn, không luồn dưới tóc. Chiếc khăn này dùng để giữ cho nếp tóc được gọn gàng, giữ ấm trước nhiệt độ, thời tiết ở núi rừng.
Còn với yếm của phụ nữ Mường thì có điểm gần giống với yếm của phụ nữ người Việt (Kinh). Yếm được mặc bên trong dùng để che ngực trước khi mặc các loại áo khác ở ngoài. Đây thực chất là một miếng vải mộc vuông, góc trên cùng được khoét tròn là cổ có đính dây buộc, 2 góc kế tiếp đính dây để khi mặc sẽ buộc lại phía sau lưng, góc dưới cùng khi mặc sẽ giắt trong cạp váy…
Theo nhiều phụ nữ Mường tại Cẩm Thủy (Thanh Hóa) chia sẻ: Hiện nay, người Mường tại địa phương vẫn luôn lưu giữ những nét đẹp của văn hóa dân tộc Mường, trong đó có việc gìn giữ trang phục truyền thống. Vào các dịp lễ hội, sự kiện quan trọng, người Mường nơi đây vẫn luôn sử dụng bộ quần áo dân tộc. Qua thời gian, với sự phát triển của kinh tế- xã hội, xuất hiện nhiều dạng chất liệu dệt, vải vóc khác nhau nên bộ trang phục dân tộc Mường cũng được sáng tạo may gọn nhẹ, dễ mặc hơn nhưng vẫn giữ được bản sắc và cấu trúc riêng truyền thống.
Nét tinh tế trong trang phục phụ nữ Nùng Dín
Để làm được một bộ trang phục truyền thống, phụ nữ Nùng Dín phải rất kỳ công. Ngay từ nhỏ, mỗi cô gái đều được tham gia trồng bông, se sợi, quay sợi, dệt và được mẹ dạy dệt, thêu thổ cẩm.
Phụ nữ Nùng Dín ở Hà Giang trong trang phục truyền thống.
Người Nùng Dín là nhóm địa phương của người Nùng, sống rải rác ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Họ có những bản sắc văn hóa riêng nhưng nổi bật là bộ trang phục của phụ nữ. Với bàn tay khéo léo, phụ nữ dân tộc Nùng Dín đã tự làm cho mình những bộ trang phục bằng vải nhuộm chàm, có gam màu tối. Nét độc đáo trên trang phục này là hoa văn không cầu kỳ mà thiên về tạo dáng.
Trang phục phụ nữ Nùng Dín được tạo nên từ vải bông tự dệt với màu đen hoặc chàm xanh. Để có được bộ trang phục này, phụ nữ Nùng Dín phải tốn khá nhiều công sức, từ cắt may đến trang trí. Áo của họ ngắn ngang thắt lưng, may kiểu xẻ ngực, gồm 4 thân - cả váy và áo đều được may 2 lớp vải, vải dày và cứng, lớp trong mỏng, mềm. Cổ và nẹp áo còn được trang trí bởi các miếng bạc mỏng, nhỏ hoặc các khoanh vải hoa nhiều màu.
Hai bên nẹp áo đơm các hạt bạc trắng nhỏ xíu tạo thành cánh hoa làm nền cho 12 chiếc cúc bạc. Cúc bé là cúc con và một chiếc là cúc mẹ... Mô típ hoa văn nơi gấu áo được bố cục theo mảng xen kẽ nhau bằng các đường thẳng song song có hình răng cưa tạo nên thế đối xứng cách quãng. Phía ngoài mảng hoa văn có viền vải nhiều màu song song với nhau tạo thành vòng tròn nổi bật ôm lấy thân hình người phụ nữ.
Kết hợp với áo là chiếc váy dạng xoè, nếp xếp từ cạp váy xuống mắt cá chân. Váy cũng được may bởi 2 lớp vải như thân áo, lớp ngoài dày, cứng, lớp trong mỏng và mềm, ghép lại từ 4 mảnh vải màu đen, hoặc chàm xanh.
Cạp tạo thành từ 12 màu vải khác nhau tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Hai mép vải từ đầu váy đến dọc thân váy để hở, khi mặc mép nọ xếp chồng lên mép kia, tạo sự kín đáo. Hai bên đầu váy nối với nhau tạo thành hai dây vải dài dùng để thay cho dây thắt lưng hay dải rút, thắt cho váy giữ chặt vào eo lưng người phụ nữ. Khi mặc, quấn dây lưng quanh bụng, hai đầu dây dắt mối ở hai bên hông.
Đầu váy có chiều dài khoảng gấp rưỡi vòng bụng, nhưng lại ngắn hơn rất nhiều chiều ngang của vải thân váy. Khi khâu lại với nhau, thân váy xếp nếp đều nhau, chảy dài theo chân váy. Phía chân váy cũng được táp thêm vải hoa nhiều màu vừa làm cứng chân váy, vừa tôn thêm vẻ đẹp sặc sỡ của chiếc váy.
Các chi tiết trang trí bằng bạc trên trang phục.
Ngoài váy áo, phụ nữ Nùng Dín còn làm duyên với chiếc khăn chíp đội đầu. Đó là loại khăn vấn vải chàm màu đen, kích thước khoảng 0,2 x 1m, quấn 2 lớp trên đầu. Mép khăn có viền chỉ đỏ, trên khăn gắn mảng hoa văn từ những hạt bạc nhỏ đính xít vào nhau, tạo nên các hoạ tiết giống như trang trí trên cổ áo. Đồng thời, họ cũng sử dụng thêm các phụ kiện khác như tạp dề, xà cạp, đệm vai, giầy vải và các đồ trang sức bằng bạc trắng.
Được biết, đây cũng chính là bộ lễ phục để nhà gái thách cưới khi người con gái trưởng thành xuất giá. Các cô gái sẽ mặc trong ngày cưới, khi đi trẩy hội và để mặc khi trở về với tổ tiên ở một thế giới khác.
Ngoài nét tinh tế trong trang phục, những phụ kiện đi kèm được phụ nữ Nùng Dín sử dụng cũng rất đặc biệt. Hài cô dâu thường được làm theo kiểu mũi cong hình thuyền giống như hài thêu của các bậc vương giả thời phong kiến. Trên cổ áo và khăn đội đầu được đính hạt cườm bằng bạc theo hình núi non và sóng nước. Bộ trang sức không thể thiếu cũng đều được làm từ bạc trắng hoa xòe và được chạm trổ công phu gồm vòng cổ (xà tích), vòng tay, trâm cài đầu và khuyên tai.
Để làm được một bộ trang phục truyền thống, phụ nữ Nùng Dín phải rất kỳ công. Ngay từ nhỏ, mỗi cô gái đều được tham gia trồng bông, se sợi, quay sợi, dệt và được mẹ dạy dệt, thêu thổ cẩm. Tuy nhiên, hiện nay do giá tơ tằm đắt nên người dệt thổ cẩm dùng len để thay thế. Trong đó, công đoạn xếp chỉ lên khung để dệt đòi hỏi sự tỉ mẩn nhất, cần sự giúp sức của nhiều người.
Từ khung dệt bằng tre gỗ, tự nhiên thô sơ, từ màu cây chàm và hoa văn được tạo nên từ trí nhớ, qua bàn tay khéo léo, sự chăm chỉ và tỉ mẩn, phụ nữ Nùng Dín tạo nên trang phục vô cùng đặc sắc của mình.
Màu sắc của trang phục cũng được tạo ra từ kỹ thuật nhuộm chàm độc đáo, cầu kỳ, khéo léo của phụ nữ Nùng Dín. Công đoạn này cũng cần thời gian và khá vất vả. Lá chàm được ngâm trong nước một đêm rồi vắt ra một thứ nước màu xanh lục, khi cho thêm vôi vào nước sẽ dần dần ngả nâu, bọt tím sẽ nổi trên bề mặt, cuối cùng nước sẽ chuyển sang màu xanh lam đậm (màu chàm). Sau khi nhuộm vải 10 nước đầu, người Nùng Dín còn ngâm vào nước keo da trâu loãng để hãm màu và còn lại nhuộm thêm nhiều lần nữa. Sau khi nhuộm xong, vải được đánh bóng bằng cách mài mặt vải vào đá cuội.
Việc thêu thùa với con gái người Nùng cũng rất được coi trọng. Ngày xưa đây được xem là điểm then chốt để các chàng trai tìm hiểu, lựa chọn bạn đời. Chỉ nhìn vào từng đường kim mũi chỉ có thể biết được đâu là cô gái khéo léo, đảm đang, được các chàng trai mong đợi làm vợ. Đến tuổi hẹn hò, khi tìm được người ưng ý, các cô gái sẽ thêu áo để tặng người con trai. Khi kết hôn, cô gái phải tự tay làm nên bộ váy áo của mình và trang phục tặng nhà trai. Khi làm mẹ, người phụ nữ lại tiếp tục thêu thùa, máy vá cho chồng con và dạy con gái dệt vải, thêu áo váy.
Có thể nói, nét đẹp của trang phục truyền thống của phụ nữ Nùng Dín là dấu ấn đặc trưng, là niềm tự hào của đồng bào Nùng Dín. Càng đi sâu vào tìm hiểu, càng khám phá được giá trị lớn về phong tục tập quán và nét văn hóa truyền thống của họ...
AFP: Nhà thiết kế Việt Nam truyền cảm hứng giới trẻ về văn hóa truyền thống Doanh nhân trẻ Nguyễn Đức Lộc cùng với nhóm bạn khoảng 11 người tại Hà Nội đã thực hiện thiết kế lại các trang phục Việt Nam trong thế kỷ 19. Với chất liệu vải bằng lụa, đường nét thêu tinh tế và có ống tay loe rộng, trang phục Việt Nam thế kỷ 19 dường như không còn phù hợp với cuộc...