Trang phục các dân tộc vùng Tây Bắc
Trong không gian văn hóa Tây Bắc, trang phục truyền thống là một biểu trưng văn hóa phản ánh sinh động phong tục, tập quán, vẻ đẹp và bản sắc của mỗi dân tộc anh em trên vùng đất địa đầu Tổ quốc.
Mỗi dân tộc ở Tây Bắc đều có trang phục riêng, qua đó có thể nhận biết tộc người, nơi cư trú, tập quán, đời sống văn hóa của họ. Độc đáo, đa màu sắc là những gì chúng ta được chiêm ngưỡng và trải nghiệm với những bộ trang phục của đồng bào Tây Bắc.
Trang phục đồng bào Tây Bắc tạo nên bức tranh đa sắc màu
Đơn giản nhưng tinh tế, riêng biệt là những gì người ta cảm nhận về bộ trang phục truyền thống của người Tày. Giữa sắc xanh của núi rừng Tây Bắc, bộ trang phục ấy như ẩn như hiện, thể hiện nét sống giản đơn mà đầy xúc cảm. Trang phục truyền thống của người phụ nữ dân tộc Thái với những họa tiết mang một nét văn hóa riêng, hấp dẫn và độc đáo. Điểm nổi bật trong bộ trang phục này là chiếc khăn Piêu đội đầu.
Trang phục dân tộc Tày
Video đang HOT
Trang phục dân tộc Mông
Trang phục dân tộc Si La
Trong khi đó, người Mông sử dụng chủ đạo bốn màu xanh, đỏ, tím, vàng tạo nên các hình họa tiết muôn màu muôn sắc. Áo, yếm, xà cạp, cùng đồ trang sức vàng bạc, khăn vấn đầu là những yếu tố cấu thành nên bộ trang phục hoàn chỉnh của người Dao. Trang phục của người phụ nữ dân tộc Mường có điểm nhấn nằm ở cạp váy, với những nét hoa văn rực rỡ nổi lên, thể hiện sự khéo léo tinh tế của người dệt.
Trang phục dân tộc Hà Nhì
Trang phục dân tộc Khơ Mú
Trang phục của đồng bào Tây Bắc góp phần tạo nét đẹp văn hóa, thể hiện những giá trị truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Thảo My
Vẻ đẹp trang phục phụ nữ Lô Lô trên cực Bắc
Giống như các dân tộc khác, người Lô Lô ở Hà Giang cũng có trang phục riêng.
Những sắc màu rực rỡ trên bộ trang phục thổ cẩm của người phụ nữ dân tộc Lô Lô nơi địa đầu Tổ quốc đã điểm tô thêm những mảng màu tươi sáng, làm phong phú thêm bức tranh văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Thiếu nữ Lô Lô Hoa nổi bật với bộ trang phục truyền thống rực rỡ của dân tộc mình tại bản Lô Lô Chải. Ảnh: Thanh Thuận
Người Lô Lô ở Việt Nam phân bố chủ yếu tại miền Bắc, sinh sống tập trung tại các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang), Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng). Người Lô Lô được chia thành hai nhóm: Lô Lô Hoa và Lô Lô Đen căn cứ vào trang phục, đặc trưng văn hóa. Với đặc điểm sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, điều kiện kinh tế chưa phát triển, nhưng bản sắc văn hóa của người Lô Lô lại vô cùng đặc sắc và phong phú. Cũng như nhiều dân tộc thiểu số cư trú ở miền núi phía Bắc như dân tộc Dao, Mông, trang phục của phụ nữ Lô Lô Hoa mang sắc màu rực rỡ như rừng hoa khoe sắc trong nắng xuân cao nguyên.
Đến bản Lô Lô Chải (nằm dưới chân núi Rồng, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), nơi sinh sống tập trung của người Lô Lô Hoa chiếm đến 90%, ta sẽ được chiêm ngưỡng một khung cảnh tuyệt đẹp với màu xanh của cây cối, nương rẫy trù phú, màu vàng nâu của kiến trúc nhà trình tường lợp ngói máng nằm lọt thỏm giữa những triền đá tai mèo sắc nhọn. Nơi đây còn là nơi lưu giữ những nét văn hóa rất riêng biệt và đặc sắc của tộc người Lô Lô nơi địa đầu Tổ quốc.
Trước đây, người Lô Lô Hoa chủ yếu mưu sinh bằng ruộng nương trên cao nguyên đá khắc nghiệt, nên đời sống vẫn còn nhiều thiếu thốn. Tuy nhiên, với tiềm năng du lịch dồi dào từ vị trí đắc địa nơi cực Bắc cùng với văn hóa bản địa truyền thống đã giúp nơi đây dần thay đổi, phát triển theo con đường du lịch và ngày càng được nhiều người biết đến. Khách đến thăm Cột cờ Lũng Cú sẽ được giới thiệu vào thăm bản Lô Lô Chải. Đến đây, du khách có thể bắt gặp những cô gái trẻ và cả những phụ nữ trung niên diện những bộ trang phục của dân tộc mình. Trong các nhánh người Lô Lô, trang phục đẹp mắt và sặc sỡ nhất chính là của người Lô Lô Hoa.
Với bản tính cần cù, chăm chỉ, phụ nữ Lô Lô Hoa thường tự tay may trang phục cho riêng mình với các họa tiết trang trí và những gam màu sặc sỡ, tươi tắn. Để làm được một bộ trang phục Lô Lô, đòi hỏi người phụ nữ không chỉ có lòng kiên trì, mà còn có tài khéo léo, trình độ thẩm mỹ cao.
Những bộ trang phục của người Lô Lô Hoa được may và thêu hết sức cầu kỳ trong từng đường kim, mũi chỉ từ váy, áo, quần cho đến khăn, mũ. Áo là loại áo ngắn, cổ tròn, tay dài, gấu áo vừa chạm cạp quần. Thân trước và thân sau của áo trang trí các mảng màu hình tam giác, ghép lại với nhau thành các khối hình vuông. Trong một ô trang trí hình vuông như vậy, thường là ghép từ 12 đến 20 miếng vải màu hình tam giác. Vạt trước của áo có hai đường trang trí lớn dọc theo nẹp áo và đường ngang sát gấu áo. Tay áo gồm 4 đoạn dài may nối lại với nhau và trên các đoạn nối này đều có đáp những khoanh vải màu là những đường kẻ song song, xen giữa những ô vải ghép giống như những trang trí trên thân áo. Quần là quần ống lửng, trang trí nhiều mảng hoa văn chạy vòng quanh trục ống quần hoặc gần gấu.
Phụ nữ Lô Lô Hoa thường chải tóc quấn quanh đầu, rồi đội khăn ra ngoài. Có hai loại khăn, khăn vuông và khăn dài, làm bằng vải tự dệt. Hai đầu khăn thêu chỉ màu, xung quanh viền đính cườm hoặn có tua màu sắc sặc sỡ như màu đỏ, cam, vàng. Khi đội, người Lô Lô Hoa gấp đôi hay ba theo chiều dài khăn, rồi quấn quanh đầu, để lộ hoa văn và hạt cườm ra phía ngoài. Để bộ trang phục đẹp mắt hơn, phụ nữ Lô Lô Hoa dùng thắt lưng, khi thắt để thõng 2 đầu ra phía trước, tạo vẻ duyên dáng. Khi mặc trang phục, người Lô Lô Hoa thường kết hợp với đồ trang sức bằng bạc hoặc nhôm làm tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ.
"Theo truyền thống, phụ nữ Lô Lô Hoa mặc áo cổ tròn, xẻ ngực, quần quấn váy lửng. Áo có thể mặc áo cổ vuông và áo chui đầu. Trên bộ trang phục của người Lô Lô Hoa có trang trí bằng nhiều họa tiết, hoa văn với những gam màu sặc sỡ, tươi tắn được tạo ra từ kỹ thuật chắp ghép từ vải màu hình tam giác lên trang phục với họa tiết vô cùng tinh xảo và đẹp mắt, mang đặc trưng riêng của người Lô Lô không giống bất cứ dân tộc nào. Ngày nay, với hoạt động biểu diễn ca múa, trang phục của người phụ nữ Lô Lô Hoa đã được may cách tân chút cho phù hợp" - Bà Vàng Thị Thành, 62 tuổi, thôn Lô Lô Chải cho biết.
Có thể thấy, sự tinh tế của người phụ nữ Lô Lô Hoa thể hiện trong cách phối màu để làm nên bộ trang phục rực rỡ, cũng như khi chọn phối giữa áo, quần, khăn, thắt lưng, nhằm tạo một tổng thể trang phục hài hòa, đẹp mắt. Điều đó cũng cho thấy những quan niệm thẩm mỹ và đời sống tinh thần vô cùng phong phú của dân tộc Lô Lô nơi địa đầu Tổ quốc.
Bà Vàng Thị Thành, 62 tuổi, thôn Lô Lô Chải cho biết: "Ngày xưa, biết may trang phục truyền thống đẹp cũng là một tiêu chuẩn quan trọng để các chàng trai Lô Lô kén vợ. Người phụ nữ Lô Lô nào không biết thêu thùa đều bị coi thường, là điều xấu hổ đối với gia đình, dòng họ. Bởi thế, từ khi còn rất nhỏ, các em gái đã được mẹ dạy thêu, tập ghép vải màu và khâu vá trang phục, để tới lúc trưởng thành, cô gái Lô Lô đã có bàn tay khéo léo trong việc thêu thùa, làm ra những bộ trang phục đẹp. Những người Lô Lô may vá, thêu thùa giỏi được bản làng đánh giá rất cao".
Thanh Thuận
Sông Đà Sông Đà chảy qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc vào địa phận Việt Nam ở địa bàn xã Mù Cả, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Con sông chảy dọc địa hình hiểm trở của miền núi cao mang trên mình rất nhiều tiềm năng xây dựng các công trình thủy điện lớn. Ảnh: TTH Sông Đà cũng là dòng sông...