‘Trang mới’ của đào tạo Y Dược?
Nhiều người đặt câu hỏi thời gian tới đây, đào tạo Y Dược sẽ phát triển theo hướng nào.
Đầu tháng 12/2014, Bộ GD&ĐT ra quyết định tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ ĐH các ngành Y đa khoa, Răng hàm mặt, Y học cổ truyền và trình độ ĐH, CĐ đối với các ngành dược học tại các trường đa ngành, không thuộc khối chuyên ngành y, dược.
Để đi đến quyết định này, trước đó, Bộ GD&ĐT đã phải “nghe” và “nhận” được nhiều phản ánh về tình trạng lộn xộn trong đào tạo y dược, thậm chí cả văn bản kiến nghị từ Bộ Y tế.
Thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH Y Hà Nội năm 2015. Ảnh: VietNamNet.
Từ công văn “kiện”
Tháng 9/2013, cho rằng chất lượng nhân lực ngành kém là do việc mở ngành không có sự giám sát của mình, Bộ Y tế đã gửi công văn tới Bộ GD&ĐT. Trong công văn, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường đặt vấn đề về thực trạng quá nhiều cơ sở đào tạo, kể cả các trường đa ngành cùng tham gia đào tạo nhân lực y tế.
Ông Cường cho rằng, khi không có sự tham mưu về mặt chuyên môn của Bộ Y tế và các chuyên gia y tế thì việc thẩm định mã ngành đào tạo nhân lực ngành này sẽ không đảm bảo chất lượng.
Một bất cập khác dưới góc nhìn của Bộ Y tế là chuyện các trường ngoài công lập cũng tham gia thị phần đào tạo này.
Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH Y dược Việt Nam đã họp và phản ánh việc nhiều trường ngoài công lập có chỉ tiêu tuyển sinh số lượng khá lớn trong khi năng lực đào tạo và cơ sở thực hành hạn chế. Điều này dẫn đến điểm tuyển sinh vào các trường ngoài công lập rất thấp, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Từ đó, Bộ Y tế đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét chỉ đạo việc giao chỉ tiêu đào tạo nhân lực y tế cho các cơ sở đào tạo ngoài công lập cần căn cứ tiêu chí năng lực chuyên môn và cơ sở thực hành. Đồng thời, cần có khuyến cáo tình trạng thừa nhân lực đối với các ngành nói trên để thí sinh có định hướng lựa chọn.
Hơn một năm sau, Bộ GD&ĐT có quyết định về tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ ĐH các ngành Y đa khoa, Răng hàm mặt, Y học cổ truyền và trình độ ĐH, CĐ đối với các ngành dược học tại các trường đa ngành, không thuộc khối chuyên ngành Y, Dược.
Video đang HOT
Động thái này một mặt thể hiện quyết tâm chấn chỉnh chất lượng ngành đào tạo một nghề đặc thù, liên quan sinh mạng con người – mặt khác cũng cho thấy có nhiều bất cập trong đào tạo nhân lực ngành y tế.
Quy mô tăng, chất lượng giảm
Trong vài mùa tuyển sinh gần đây, hàng loạt trường ĐH, CĐ được phép mở thêm một số ngành đào tạo thuộc khối Y dược. Chỉ tiêu tuyển sinh ngành này cũng tăng đột biến.
Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước có hơn 20 trường ĐH đào tạo nhân lực ngành này với các chuyên ngành Bác sĩ, Điều dưỡng, Dược sĩ… 35 trường CĐ Y, Dược đào tạo điều dưỡng, hộ sinh, dược sĩ… cùng 44 trường trung cấp và 16 viện, bệnh viện đào tạo sau ĐH.
Hàng năm, số sinh viên y, dược đều tăng, năm 2011 tăng gấp 7 lần năm 2003 và gấp 2 lần năm 2007.
Trong khi một số trường lấy điểm đầu vào rất cao như ĐH Y Hà Nội, ĐH Y dược TP HCM, ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP HCM và ĐH Y dược Huế…, thì ở một số trường ngoài công lập, thí sinh chỉ cần đạt điểm sàn hoặc trên mức sàn không đáng kể đã có thể theo học ngành y dược.
Những trường ĐH ngoài công lập đào tạo Y dược có thể kể đến là ĐH Đại Nam, ĐH Lạc Hồng, ĐH Nam Cần Thơ, ĐH Thăng Long, ĐH Nguyễn Tất Thành…
Năm 2015, với phương thức tuyển sinh mới, hầu hết các trường ĐH đào tạo nhóm ngành y – dược đều xét tuyển từ kết quả của kỳ thi quốc gia và theo khối B (Toán – Hóa – Sinh).
Tuy nhiên, đã có không ít lo ngại khi tại một số trường, tổ hợp môn xét tuyển để vào các ngành Y dược lại thiếu những môn quan trọng nhất. Chẳng hạn như tổ hợp mới được ĐH Nguyễn Tất Thành đưa vào xét tuyển ngành Dược và Điều dưỡng gồm Toán, Lý, tiếng Anh, không có môn Hóa. Ngành Dược của ĐH Nam Cần Thơ cũng xét tuyển trên 2 tổ hợp mới: Lý, Hóa, Văn và Hóa, Sinh, Văn, bỏ qua môn Toán…
Chương trình đào tạo ở một số trường cũng khiến người trong ngành băn khoăn.
Đào tạo Y khoa sẽ đi đường nào?
Nếu như quyết định “tạm dừng” của Bộ GD&ĐT được đồng tình ủng hộ, thì quyết định “cho phép” mới đây của Bộ gây ra rất nhiều ý kiến băn khoăn. Nhiều người đặt câu hỏi thời gian tới đây, đào tạo y dược sẽ phát triển theo hướng nào.
Được biết, hiện nay, Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Y tế thu thập thông tin, số liệu phục vụ cho báo cáo “Phân tích thực trạng đào tạo nguồn nhân lực y tế”. Đây là một trong những hoạt động mà hai bộ thực hiện theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về đào tạo nhân lực cho ngành y.
Tại hội nghị “Đẩy mạnh xã hội hóa và kết hợp công tư trong hoạt động khám, chữa bệnh theo Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 15/12/2014 của Chính phủ” diễn ra ngày 16/9/2015, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp Bộ GD&ĐT nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh khung trình độ, thời gian đào tạo ĐH, sau ĐH của ngành y bảo đảm hội nhập quốc tế, khắc phục những bất cập trong thời gian qua và bảo đảm quyền lợi của người học.
Theo ông Đam, khung trình độ, thời gian đào tạo ĐH, sau ĐH của ngành y phải điều chỉnh theo hướng: Đối với trình độ ĐH, phải xác định thời gian cần thiết để đào tạo trình độ đại học y khoa và văn bằng sau khi tốt nghiệp ĐH y khoa.
Đối với trình độ sau ĐH, phải xác định rõ chương trình, thời gian đào tạo theo 2 hướng: Hướng hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (đào tạo bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa) và hướng nghiên cứu (đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ); Đồng thời thiết kế các chương trình để bảo đảm người học có thể liên thông được giữa hai hướng này khi có nhu cầu…
Theo Ngân Anh/Vietnamnet
ĐH Kinh doanh và Công nghệ đã chuẩn bị gì để đào tạo y dược?
Lãnh đạo trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ khẳng định, trường đã chuẩn bị đầy đủ cơ sơ vật chất đạt tiêu chuẩn, cùng đội ngũ giảng viên, bác sĩ uy tín.
Mới đây, ngày 19.11.2015, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã ký quyết định cho phép trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo trình độ đại học hệ chính quy, ngành Y đa khoa (mã số 52720101) và Dược học (mã số 52720410).
"Chỉ tiêu tuyển sinh của các ngành trên nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy của trường. Việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đánh giá kết quả học tập và cấp bằng tốt nghiệp thực hiện theo quy định hiện hành", quyết định nêu rõ.
Thông tin về văn bản này được rất nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội, cùng những ý kiến khác nhau. Nhiều người tỏ ra bất ngờ, khi một trường đại học ngoài công lập, có tên gọi không liên quan tới ngành y dược lại được đồng ý cho đào tạo ngành này.
Mời giáo sư, bác sĩ uy tín về giảng dạy
Sáng 26.11, trao đổi với PV, GS.TS Vũ Văn Hóa - Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ cho biết, trường đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và mời các giáo sư, bác sĩ uy tín giảng dạy.
"Các cơ quan chức năng đã đến kiểm tra, cơ sở vật chất cũng như các trang thiết bị đào tạo của trường đạt tiêu chuẩn mới đồng ý cho chúng tôi đào tạo 2 khoa nêu trên. Ngoài ra, nhà trường cũng đã liên kết và ký hợp đồng với các bệnh viện, để các sinh viên học ở trường đi thực tập", ông Hóa khẳng định.
Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ
Đại diện trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ cho hay, trường đã chuẩn bị hồ sơ, thủ tục xin đào tạo hai ngành này trong suốt 3 năm qua. Ngoài ra, trường còn mời các bác sĩ uy tín ở các bệnh viện lớn, các giáo sư, tiến sĩ hàng đầu ở trường Đại học Y Hà Nội đã nghỉ hưu đến trường giảng dạy.
Đặc biệt, trường đã mời TS Nguyễn Quốc Triệu, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương về trường tham gia giảng dạy.
Bắt đầu tuyển sinh từ năm 2016
Ông Hóa cho biết thêm, dự kiến trường sẽ tổ chức thi tuyển hai ngành Y đa khoa và Dược theo các tổ hợp môn: Toán - Lý - Hóa, Toán - Hóa - Sinh, Toán - Lý - Sinh. Trường xét tuyển những thí sinh đạt 20 điểm trở lên và không có môn nào dưới điểm 5. Nhà trường không xét tuyển dựa trên học bạ và không sử dụng điểm thi của kỳ thi THPT quốc gia.
Trường đang xin ý kiến của Cục Khảo thí và Kiểm định giáo dục, Bộ GD-ĐT. Việc tuyển sinh chính thức bắt đầu vào năm 2016, dự định đầu tháng 12.2015 sẽ thông báo để tuyển sinh.
Nhà trường cũng xem xét việc tuyển các thí sinh trong ngành, đã học năm thứ 3, thứ 4 ở các trường khác chuyển sang. Ông Hóa kỳ vọng trong đợt tuyển sinh đầu sẽ lấy 100 chỉ tiêu.
Mức mức học phí đã được thống nhất, theo đó mức dành cho sinh viên theo học ngành Y đa khoa là 50 triệu đồng/năm/sinh viên. Còn với ngành Dược thì học phí là 25 triệu đồng/ năm/sinh viên.
Trước đó, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Quyền Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: "Tiêu chí để mở ngành mới của các trường đại học đã được quy định cụ thể trong Thông tư 08/2011 TT-BGDĐT của Bộ. Việc xét mở ngành mới căn cứ vào các tiêu chí đó, không phân biệt trường công hay trường tư".
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện nay có 21 trường đào tạo Y đa khoa, trong đó có 5 trường ngoài công lập. Về ngành Dược, có 26 trường, trong đó có 14 trường ngoài công lập.
ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (trước đó là ĐH Dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội) là trường tư thục, được thành lập tháng 6.1996, do Giáo sư Trần Phương (Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, nguyên Ủy viên Trung ương ĐCSVN (Khóa IV và V), nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) làm Hiệu trưởng.
Theo_Dân việt
Sinh viên ĐH Y dược TP HCM nợ học phí hơn 5,18 tỷ đồng Theo thống kê của ĐH Y dược TP HCM, sinh viên thuộc khoa Y các khóa từ Y 2007 đến Y 2014 nợ học phí với tổng số tiền lên đến hơn 5,18 tỷ đồng. Trong đó, khóa Y 2012 có số sinh viên nợ học phí nhiều nhất (78 người) với hơn 1,26 tỷ đồng. PGS.TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng nhà...