Trân trọng truyền thống
Việc Thừa Thiên – Huế thí điểm đưa nữ công gia chánh thành một nội dung giáo dục trong nhà trường đang được dư luận quan tâm.
Ảnh minh họa/INT
Sự ủng hộ khá hào hứng cho thấy giáo dục truyền thống, kỹ năng sống thực sự có chỗ đứng vững chắc.
Đầu tiên, sự quan tâm của dư luận đặt nhiều vào tên gọi “nữ công gia chánh”, với băn khoăn phải chăng đây chỉ là nội dung dành cho giới nữ. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ đã giải tỏa điều này khi cho biết đây chỉ là thuật ngữ để bao quát các kỹ năng sống.
Do đó, đối tượng của môn học không hạn chế bởi giới tính. Ngoài học nấu ăn với phong cách ẩm thực Huế, HS còn được dạy văn hóa ứng xử; tác phong của con người Huế từ tiếng dạ, thưa; đến cách ăn mặc, đi đứng, giao tiếp…
Được chọn thí điểm là Trường THPT Hai Bà Trưng – trước là Trường nữ sinh Đồng Khánh – với lịch sử lâu đời chỉ sau THPT chuyên Quốc học. Nhiều nghệ nhân xứ Huế đã xuất phát từ ngôi trường nổi tiếng này.
Ngành Giáo dục Thừa Thiên – Huế đang có những bước triển khai nghiêm túc và bài bản để một lần nữa môn “Nữ công gia chánh” được “sống lại” trong nhà trường.
Nói như vậy, bởi theo thông tin Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên – Huế Nguyễn Tân cung cấp, môn “Nữ công gia chánh” trước đây vốn được dạy trong trường nữ sinh ở Huế.
Nhưng sau nhiều lần đổi mới giáo dục, hệ thống trường nữ sinh không còn và môn học này ít được chú trọng ở bậc phổ thông. Nay, nhiều yếu tố dẫn đến nên và cần đưa môn học này quay trở lại. Trong đó có yêu cầu từ Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị với quan điểm xây dựng và phát triển Thừa Thiên – Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.
Video đang HOT
Bối cảnh đổi mới giáo dục cũng trân trọng, chú trọng giáo dục truyền thống, kỹ năng sống. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 dành đến 20% cho nội dung giáo dục địa phương; giúp HS hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng điều đã học góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương.
Việc đưa nội dung giáo dục đặc thù thấm đẫm nét văn hóa địa phương vào nhà trường không phải lạ. Tại Hà Nội, từ năm học 2010 – 2011 bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho HS Hà Nội” được đưa vào giảng dạy.
Nhiều năm nay, Phú Thọ đưa hát Xoan vào trường học. Trong khi đó, HS Thái Bình được học về nghệ thuật chèo; HS Bắc Ninh học dân ca quan họ… Giáo dục di sản có thể nói là nội dung giáo dục đặc sắc được ngành Giáo dục ở cả 63 địa phương quan tâm nhiều năm nay.
Quay lại việc đưa “Nữ công gia chánh” trở lại nhà trường. Môn học đậm chất Huế này không chỉ giúp gìn giữ, phát huy tinh hoa văn hóa ẩm thực, văn hóa ứng xử, tác phong xứ Huế, mà còn kết hợp giáo dục kỹ năng sống, giúp HS có được các kỹ năng cơ bản nhất, tự chăm sóc bản thân; đồng thời định hướng nghề nghiệp. Điều này vô cùng quan trọng.
Chuyên gia giáo dục Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) từng nhấn mạnh các năng lực công dân thế kỷ 21; trong đó có nhóm năng lực phục vụ cuộc sống và sự nghiệp, quản lý sức khỏe, giúp cá nhân thích ứng một cách linh hoạt với những điều kiện cuộc sống và công việc luôn luôn biến đổi.
Môn học “Nữ công gia chánh” cần được hoan nghênh nếu nó thực sự góp phần giúp HS hình thành năng lực phục vụ cuộc sống và quản lý sức khỏe của bản thân, nhất trong bối cảnh phải làm việc di động toàn cầu. Chưa kể, việc nội trợ ở một số quốc gia được coi trọng và xem là một nghề.
Trong công cuộc đổi mới giáo dục, có lẽ không cần quá để tâm tranh luận việc dạy cái gì mà nên tập trung bàn dạy như thế nào, truyền tải những giá trị, phẩm chất năng lực gì cho HS. Thật tốt nếu dạy nữ công gia chánh mà qua đó giáo dục HS về tình yêu lao động, sự tôn trọng yêu thương với những người âm thầm làm việc “nội trợ”, hay về nét văn hóa truyền thống dân tộc thể hiện qua những món ăn. Đó chính là giáo dục giá trị, giáo dục tình yêu gia đình, quê hương đất nước. Với ý nghĩa này, không chỉ Huế, các nhà trường trên cả nước đều có thể đưa “nữ công gia chánh” vào giảng dạy.
Chủ tịch tỉnh dự chào cờ cùng học sinh và truyền cảm hứng 'giấc mơ Huế'
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, Phan Ngọc Thọ đã đến dự lễ chào cờ đầu tuần và nói chuyện với học sinh của Trường THPT chuyên Quốc học Huế, thắp lên ngọn lửa học tập vì tình yêu quê hương, vì 'Giấc mơ Huế'.
Học sinh Quốc học Huế chụp ảnh cùng Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ - ĐÌNH TOÀN
Sáng 15.3, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, đã đến dự lễ chào cờ đầu tuần và nói chuyện với học sinh của Trường THPT chuyên Quốc học Huế. Tại đây, ông Phan Ngọc Thọ đã có buổi nói chuyện với học sinh về "giấc mơ Huế".
Ông Phan Ngọc Thọ nói chuyện cùng thầy và trò Trường THPT chuyên Quốc học Huế - ĐÌNH TOÀN
Học vì "giấc mơ Huế"
Ông Phan Ngọc Thọ thông tin: Thừa Thiên-Huế đang phấn đấu xây dựng và phát triển trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Huế đang xây dựng để trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.
Vẻ đẹp cổ kính của hàng cây đại (hoa sứ) trong Đại nội - Huế - PHAN THIÊN ĐỊNH
"Trong các mục tiêu đặt ra, tỉnh vẫn xác định giáo dục là một trong những lĩnh vực then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh dạy kiến thức văn hóa theo chương trình của Bộ GD-ĐT, phải tập trung vào giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đạo đức, lịch sử, văn hóa và con người Huế, để cốt cách Huế thấm sâu vào học sinh Huế, để học sinh Huế có lòng tự hào về vùng đất, lòng biết ơn, lòng vị tha, làm hành trang cho các em vào đời", ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.
Học sinh Trường THPT chuyên Quốc học Huế chụp ảnh cùng Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ - ĐÌNH TOÀN
"Học sinh Huế không chỉ phải học giỏi mà phải có trách nhiệm giữ gìn bản sắc văn hóa Huế, yêu Huế và khát khao cống hiến cho Huế. Các em học sinh phải giỏi tiếng Việt để hiểu văn hóa; giỏi vi tính, tiếng Anh để hội nhập, rút ngắn khoảng cách số và phát triển xã hội số.
Huế đã từng sang trọng trong quá khứ và Huế phải giàu có trong hiện tại và tương lai, Huế phải phát triển nhanh trên nền tảng tri thức, phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa, các thế hệ học sinh sẽ là những nhân tốt quan trọng giúp Huế giàu có trong tương lai, giúp Huế giữ được những nét văn hóa đặc sắc không nơi nào có được", ông Phan Ngọc Thọ, nói.
"Những thông điệp, thông tin các em tiếp thu được trong buổi nói chuyện lần này sẽ được lan tỏa cho các bạn, học sinh các trường, để từ đó các em có định hướng và lựa chọn đúng ngành nghề để phát triển cho bản thân cũng như công hiến cho quê hương Thừa Thiên - Huế nhiều hơn", ông Phan Ngọc Thọ, kêu gọi.
Học sinh được truyền cảm hứng, tiếp thêm động lực
Em Nguyễn Nhật Thủy Tiên (học sinh lớp 12 chuyên văn của Trường THPT chuyên Quốc học Huế) tặng quà lưu niệm cho ông Phan Ngọc Thọ - NGỌC MINH
Bờ sông Hương Huế được chỉnh trang rất đẹp từ chỉ đạo của ông Phan Ngọc Thọ - PHAN THIÊN ĐỊNH
Phát biểu cảm tưởng sau cuộc trò chuyện, Nguyễn Nhật Thủy Tiên (học sinh lớp 12 chuyên văn của Trường THPT chuyên Quốc học Huế) nói: "Buổi nói chuyện thật gần gũi và bình dị nhưng thật sự có ý nghĩa lớn với các em. Ở đây, khi lắng nghe, khi thực sự hiểu những giá trị văn hóa Huế, tầm nhìn phát triển Huế, ý thức được mình phải làm gì, đóng góp thế nào với quê hương tỉnh nhà trong tương lai, các em đã được tiếp thêm sức mạnh, động lực để phấn đấu học tập, để sau này cống hiến, lan tỏa khát vọng đến tất cả mọi người để cùng chung tay vì một "giấc mơ Huế" vì xứ Huế giàu đẹp".
Vì sao nam sinh Huế cũng sẽ học 'nữ công gia chánh'? Mục tiêu của môn học là trang bị cho các em một hành trang kiến thức, đạo đức, nhân cách... giúp các em vững tin làm việc và hội nhập Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Phan Ngọc Thọ vừa thống nhất cho thí điểm khôi phục lại việc dạy nữ công gia chánh trong trường THPT để làm cơ sở...