Trăn trở phía sau cuộc đua mua đơn vào Trường Thực Nghiệm
Dù phụ huynh rất vất vả trong cuộc “chinh chiến” để mua được đơn dự tuyển thì cơ hội vào Trường tiểu học Thực Nghiệm vẫn rất mong manh bởi sau đó con em họ phải trải qua khâu tiến hành đo nghiệm. Tuy nhiên, phụ huynh không thể buông xuôi cho dù biết là khó.
Vì đơn, hết cả tình thương
Chất lượng đào tạo của Trường tiểu học Thực Nghiệm đã được các bậc phụ huynh ở Hà Nội truyền tai nhau. Do đó, việc cố gắng đưa con vào ngôi trường này là sự mong mỏi của nhiều gia đình. Tuy nhiên, với cơ sở vật chất hiện có nên hàng năm nhà trường chỉ tuyển khoảng gần 200 chỉ tiêu vào lớp 1. Nhu cầu của phụ huynh thì quá lớn vì thế chuyện phải xếp hàng thâu đêm để mua đơn dự tuyển luôn xảy ra.
Trong 2-3 năm trở lại đây, không ít gia đình có điều kiện vì ngại cảnh khổ sở “canh” cổng trường nên họ chọn giải pháp “thuê người đi mua đơn”. Chính vì thế, sức nóng tiếp tục được gia tăng bởi những người được thuê xác định bằng mọi giá phải có đơn. Cũng từ đây mà cãi vã, thậm chí là đe nẹt lẫn nhau, đã diễn ra vào giữa đêm khuya trước cổng trường tiểu học Thực nghiệm vào rạng sáng nay 12/5.
Chị Hương ở quận Hoàng Mai chia sẻ: “Cả hai vợ chồng đều có mặt ở đây từ rất sớm. Chị có nhiệm vụ trông xe còn chồng thì có trách nhiệm xếp hàng đăng ký. Tuy nhiên tình hình rất là lộn xộn, không có một quy cách nào cả nên chẳng ai phục ai”.
Cũng theo chị Hương, mặc dù rất mong muốn cho con được vào học nhưng cả hai vợ chồng xác định là tìm kiếm “cơ may” chứ không đặt mục tiêu bằng mọi giá phải đạt được. “Nghe nói đến cảnh xếp hàng xin học mà chưa được thực tế lần nào. Đi chuyến này cho biết, còn nếu không được thì cũng vui vẻ cho con về trường làng” – chị Hương cười cho hay.
Sáng nay, không chỉ những bậc cha mẹ trẻ tuổi mà kể cả các cụ già đã ngoài 60-70 tuổi nhưng vẫn lặn lội đêm hôm tìm kiếm cơ hội cho con, cháu.
Phụ huynh chen lấn nhau trong cuộc chạy đua sáng nay ở trường tiểu học Thực nghiệm.
Cụ Thành, nhà ở gần trường Thực nghiệm, chia sẻ: “Năm nay tôi có đứa cháu đang sống cùng gia đình ở Thanh Xuân Bắc. Không muốn con cái khổ sở đêm hôm phải lặn lội xuống đây nên tranh thủ ra xếp hàng. Tôi ra từ lúc 3 rưỡi sáng, ấy vậy mà đã có gần 100 người đứng xếp hàng rồi”.
“Tôi cũng chẳng biết chất lượng của trường thực sự thế nào nhưng con cái nó nhờ thì phải chịu vất vả một chút. Chắc sức tôi cũng chẳng thể chen lấn được. Hi vọng nhà trường sẽ phát ra nhiều đơn để mọi người khỏi khổ” – cụ Thành bộc bạch.
Sáng nay, khi cổng trường mở ra, đoàn người chỉ biết ào ào đổ bộ vào bên trong cho dù ngay dưới chân họ có người chẳng may bị vấp ngã nằm sõng soài
Video đang HOT
Nhà trường: Sung sướng gì đâu…, khổ lắm
Không ít người cao tuổi đua cùng giới trẻ chạy vào khu vực phát tích kê nhận đơn than thở: “Tại sao nhà trường không phát nhiều đơn, mới chỉ đăng ký dự tuyển chứ đã được vào trường đâu”.
Một giảng viên của trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng “nhẫn nại” xuống trường mua đơn cho cháu lắc đầu bộc bạch: “Tôi cũng đã từng góp ý với Hiệu trưởng là nên phát nhiều đơn. Nhà trường tính toán thu lệ phí thi hợp lý để đảm bảo ai đủ tiêu chuẩn thì vào. Tại sao lại cứ chọn cái cách “chẳng giống ai” khiến cho mọi người phải khổ sở”.
Trường học nào chẳng muốn nhận được sự tín nhiệm của bậc phụ huynh nhưng có ai hiểu nhà trường tiến hành đo nghiệm cần nhiều thời gian. Nếu phát đơn không hạn chế thì số lượng người tham gia rất lớn, thử hỏi lúc nào trường mới tuyển chọn xong.
Giáo viên của nhà trường chia sẻ: “Trường cũng muốn phát ra nhiều đơn nhưng quản lý khó lắm, tổ chức tiến hành đo nghiệm cho số lượng lớn trẻ tham gia thì không kham nổi. Chúng tôi cũng mong muốn trường được mở rộng để tiếp nhận nhiều chỉ tiêu hơn nhưng cơ sở chỉ có vậy, biết làm sao được”.
Chứng kiến cảnh phụ huynh mướt mát để mua đơn dự tuyển, nhà trường có sung sướng gì đâu.
Việc Trường tiểu học Thực nghiệm quyết định hủy không bán đơn mà chuyển vào ngày mai cũng là tính huống bất đắc dĩ. Bởi nếu cố tổ chức bán đơn thì dễ xảy ra mất an toàn mà điều này thì nhà trường hoàn toàn không mong muốn. Thông điệp từ phía Phó hiệu trưởng nhà trường trên loa là sẽ đảm bảo đủ đơn cho các bậc phụ huynh vào ngày mai nhưng đây cũng là giải pháp “xoa dịu” tạm thời, còn thực tế thế nào vẫn còn là một ẩn số.
Bảo vệ của trường không ngần ngại tiết lộ: “Nếu tình hình mà căng quá thì nhà trường hoàn toàn có thể ngừng tuyển sinh năm nay và lúc đó phụ huynh có muốn cũng chẳng được”.
Một cán bộ của Phòng GD-ĐT Quận Ba Đình cho hay, mặc dù đóng trên địa bàn nhưng hiện nay Trường tiểu học Thực nghiệm thuộc sự quản lý trực tiếp của Bộ GD-ĐT và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Toàn bộ công tác tuyển sinh đều do Viện đảm nhận chứ không chịu sự giám sát của Phòng hay Sở GD-ĐT.
Nguyễn Hùng
Theo dân trí
Khốc liệt cuộc đua vào các lớp đầu cấp
Người nhập cư ngày càng tăng, địa bàn rộng và chất lượng không đồng đều giữa các trường vẫn là những yếu tố làm nóng việc tuyển sinh đầu cấp ở TP.HCM.
"Chạy" vào lớp 1 vì nhiều lý do
Đua vào trường tốt không chỉ dành cho cư dân có hộ khẩu lâu đời ở TP.HCM mà còn là cái đích nhắm đến của những người nhập cư vào TP.HCM từ những thành phố lớn khác.
Có kế hoạch chuyển từ Hà Nội và TP.HCM sinh sống năm nay, chị Bạch Hà đã lo chuyện hộ khẩu từ hai năm trước. Không có họ hàng, chị phải xin nhập hộ khẩu vào nhà một người quen và tốn một khoản chi phí không nhỏ. Chị Hà bật mí, để được đồng ý cho nhập hộ khẩu nhờ là điều không dễ dàng, cái giá cho nhập nhờ hộ khẩu tùy theo mức độ thân quen mà cao hay thấp, "cỡ vài chục triệu là chuyện thường".
Tuy nhiên, theo chị Hà, đó vẫn là cái giá rẻ so với việc con chị sẽ có hộ khẩu để con đi học ở trường tốt nhất trong quận. Cuộc đua vào trường tốt của quận, nghe nói người ta còn mất hàng chục triệu, đằng này chị vừa có hộ khẩu, con vừa được học trường tốt thì vài chục triệu vẫn là rẻ!
Chị Thanh Thảo có hộ khẩu ở quận Gò Vấp nhưng lại tạm trú ở quận Phú Nhuận. Theo quy định, với tuyển sinh lớp 1, các em có hộ khẩu thường trú ở quận, huyện nào thì sẽ được mời ra lớp theo quận, huyện đó. Chị Thảo than phiền: "Năm nay đưa con vào học lớp 1 để học theo đúng tuyến thì phải mất 20 km mỗi ngày đưa đón con đi học từ Phú Nhuận đến Gò Vấp. Giá mà "chạy" cho con đi học ở quận Phú Nhuận thì mất bao nhiêu tôi cũng chịu, nhưng không quen biết ai thì đành phải chấp nhận".
Trên thực tế, nhiều phụ huynh sẵn sàng bỏ tiền và vận động đủ mọi mối quan hệ cho con học trường mà họ mong muốn, không phải vì lý do trường tốt mà để học gần nhà, do hộ khẩu một nơi, sinh sống và làm việc một nẻo. Đây vẫn là một bài toán khó với ngành giáo dục TP.HCM. Việc quy định học đúng theo hộ khẩu chỉ là biện pháp dễ thực hiện chứ chưa hoàn toàn phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân.
Những "đại gia" lắm tiền thì luôn mơ ước cho con học ở quận 1, với hai trường Nguyễn Bỉnh Khiêm và Lê Ngọc Hân là hai điểm ngắm không thể bỏ qua. Tuy nhiên, nhiều đại gia cũng thất bại trong việc xin học vì không phải cứ có tiền là xin được, bởi những "suất đặc biệt" của mỗi "trường điểm" là một con số rất hạn chế.
Với nhiều "đại gia", mặc dù có tiền cho con học trường quốc tế, nhưng họ không mặn mà lắm với loại trường này vì con sẽ không giỏi tiếng Việt. Hơn nữa, các "trường điểm" (uy tín do phụ huynh tự đánh giá) ở các quận thì được các phụ huynh truyền nhau rằng chất lượng hơn hẳn, giáo viên giỏi, cơ sở vật chất khang trang, dạy tiếng Anh tốt, trong khi đó, các trường khác thì cơ sở vật chất nhiều nơi xập xệ, giáo viên không giỏi, thành tích thi cử kém hơn.
Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, ông đang chú trọng đến việc bồi dưỡng cho hiệu trưởng các trường tiểu học thuộc diện "trung bình", để nâng chất lượng các trường tiểu học cho đồng đều. Nếu chất lượng mọi ngôi trường tiểu học là như nhau thì mới hết tình trạng chạy trường. Cách bồi dưỡng là đưa các hiệu trưởng đi thăm quan, học tập ở nước ngoài. Đồng thời, hàng năm, các trường phải tổ chức Ngày hội giới thiệu ngôi trường tiểu học của em, các trường tiểu học khó khăn đã vươn lên cần tổ chức với quy mô rộng để tạo niềm tin cho nhân dân, cha mẹ học sinh ở địa phương biết được hoạt động giáo dục, giảng dạy của trường.
Trong cuộc đua vào lớp 10, có nhiều cơ hội mở ra hơn vì có nhiều trường chuyên, trường điểm hơn. (Ảnh minh họa).
Đua vào trường chuyên để nhắm đích du học
Sở dĩ cuộc đua của các học sinh vào lớp 6 vẫn căng thẳng vì các em cần đạt tới đích là vào trường chuyên và trường có tiếng đếm trên đầu ngón tay. Vào được lớp chuyên từ cấp hai, các em sẽ nắm chắc phần thắng khi vào trường chuyên cấp THPT như Trường phổ thông năng khiếu (thuộc ĐHQGTP.HCM) và trường chuyên Lê Hồng Phong. Mà đã vào các trường này thì cầm chắc đỗ ĐH cũng như có nhiều hy vọng hơn cho việc đi du học ở bậc đại học.
Để vào được lớp 6 chuyên ở trường Trần Đại Nghĩa, Trường Trung học Thực hành Sư phạm (thuộc ĐHSP TP.HCM), thực ra các học sinh đã phải nỗ lực từ...lớp 1. Năm nay, Trần Đại Nghĩa tuyển 360 học sinh lớp 6 tiếng Anh tăng cường, điều kiện để thi vào lớp 6 Trần Đại Nghĩa là HS phải có có học lực môn Tiếng Việt và Toán năm lớp 5 đạt loại giỏi.
Điều kiện thi vào lớp 6 Trường Trung học Thực hành Sư phạm còn "chát" hơn, đó là phải 5 năm liền đạt học sinh giỏi. Năm ngoái, có nhiều em thi được 10 Toán, 10 Tiếng Việt vào trường này mà vẫn rớt vì có những em được cộng thêm điểm do được cộng thêm điểm HS giỏi cấp thành phố, giải năng khiếu... Năm ngoái, trường này có 114 HS trúng tuyển dạng đúng tuyến (có hộ khẩu quận 5 theo quy định) và 94 ngoài tuyến (HS có hộ khẩu tại quận 1, 3, quận 10).
Trong cuộc đua vào lớp 10, có nhiều cơ hội mở ra hơn vì có nhiều trường chuyên, trường điểm hơn.
Năm nay, Trường Trung học Thực hành Sư phạm tuyển 3 lớp chuyên Toán, Văn, Anh, mỗi lớp 30 HS, điều kiện dễ dàng hơn là xếp loại tốt nghiệp từ khá trở lên. Tuy nhiên, do lấy số lượng quá ít nên cuộc đua vào trường không hề đơn giản.
Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TPHCM) năm nay tuyển các lớp 10 chuyên Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, tiếng Anh, Ngữ văn và 4 lớp không chuyên, tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 450 học sinh.
Khi ĐH Quốc gia TP.HCM tháng 5 vừa qua công bố quyết định xét tuyển thẳng HS Trường Phổ thông năng khiếu (điều kiện HS giỏi trong 3 năm liền và đạt kết quả thi tốt nghiệp loại giỏi, hoặc là thành viên đội tuyển thi HS giỏi quốc gia, Olympic quốc tế và có kết quả thi tốt nghiệp loại khá trở lên) vào các trường, khoa thành viên của ĐHQG, càng làm cho quyết tâm thi vào trường này của các HS tăng cao.
Với trường chuyên Lê Hồng Phong, với số lượng khoảng 300 em đi du học giữa chừng hoặc học xong là đi du học hàng năm cũng khiến cho trường cũng là mục tiêu nhắm đến của HS thành phố. Năm nay trường Lê Hồng Phong tuyển 485 HS vào các lớp chuyên lớp 10.
Chia sẻ với PV, Trần Thị Bảo Trân, vừa đạt giải nhất Anh văn quốc gia bật mí, bạn từ chối đi học thêm, không chạy đua vào trường chuyên từ cấp hai, chỉ học trường bình thường ở quận Tân Bình nhưng đã đỗ thủ khoa vào Trường Phổ thông Năng khiếu. Như vậy, cuộc đua vào trường chuyên có căng thẳng hay không phụ thuộc rất lớn vào bản lĩnh "biết chính mình" của mỗi HS.
Theo VNN
Trẻ mầm non háo hức "khám phá" trường tiểu học Để tạo cơ hội cho trẻ làm quen với môi trường học mới trước khi bước vào lớp 1, một số trường mầm non đã tổ chức cho học sinh tham quan trường tiểu học. Sáng nay 8/5, gần 250 trẻ 5 tuổi của trường mầm non Họa Mi (Q. Ba Đình, Hà Nội) đã "đột kích" Trường tiểu học Thành Công B...