Trăn trở của cô giáo duy trì lớp học tình thương hơn 20 năm ở Cà Mau
Hơn 20 năm qua, lớp học tình thương ở Cà Mau vẫn rộn ràng tiếng đọc ê a của trẻ nhỏ. Hầu hết các em này đều có chung hoàn cảnh là… không có điều kiện đến trường.
“Cô giáo của công chúng”
Những ngày giữa tháng 11, PV Người Đưa Tin Pháp luật có dịp đến thăm lớp học tình thương do cô Lê Thu Thiết, 61 tuổi, ngụ phường 7, TP.Cà Mau (giáo viên đã nghỉ hưu) trực tiếp đứng lớp giảng dạy. Điểm đặc biệt ở lớp học nằm trong con hẻm nhỏ thuộc khóm 6, phường 6, TP.Cà Mau chính là 3 lớp học chung một bục giảng.
Theo tìm hiểu của PV, lớp học tình thương này được hình thành từ năm 1999 đến nay. Lớp học được bố trí trong một căn nhà có diện tích khoảng 45m2. Hiện tại lớp học có 70 em, các em học sinh tại đây chủ yếu ở các phường 1, phường 4, phường 5, phường 6, phường 7 và phường 8, TP.Cà Mau.
Hầu hết các em theo học là con, em của những lao động có hoàn cảnh khó khăn, nên một số em chưa có giấy khai sinh và một số em phải bán vé số để phụ giúp gia đình.
Lớp học giảng dạy từ lớp 1 đến lớp 5 và được dạy 2 buổi/ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Buổi sáng có 34 em là những em chưa biết đọc và biết viết sẽ bắt đầu học từ lúc 7h; buổi chiều có 36 em là những em đã biết đọc và biết viết được học bắt đầu từ 15h.
Trao đổi với chúng tôi, cô Thiết cho biết, trước đây cô từng là giáo viên của trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, phường 5, TP.Cà Mau. Ban đầu, cô đến với lớp là do các cha xứ ở nhà thờ đề nghị.
Ngày này qua tháng nọ, cô Thiết cứ đều đặn dạy học mỗi ngày 2 buổi và dần dần thương các em hồi nào không hay rồi gắn bó đến nay.
Nhớ lại những năm đầu còn khó khăn, cô Thiết kể: “Tôi vẫn còn nhớ lớp học những ngày đầu chỉ có 9 em, cô giáo phải đến từng nhà để năn nỉ phụ huynh cho các em đến lớp. Lúc này, nhiều phụ huynh không muốn cho con đi học, vì nghèo khó. Nhưng rồi, bằng sự kiên nhẫn, chúng tôi ngày càng nhận được nhiều em vào lớp”.
Trải qua thời gian đổi chỗ liên tục, đến năm 2016, lớp học của cô Thiết mới dời về khóm 6, phường 6 và ổn định đến nay. Hơn 20 năm theo lớp học tình thương này, những kỷ niệm buồn vui của người đứng lớp như cô Thiết không sao kể hết.
Video đang HOT
Cô Thiết gắn bó với lớp học tình thương hơn 20 năm qua.
Cô Thiết chia sẻ: “Hiện tại, đứa học trò lớn nhất tôi đang giảng dạy năm nay đã 18 tuổi, tuy vậy vẫn chưa biết chữ. Thậm chí, có em 3 năm rồi chưa qua nổi lớp 1.
Tuy vậy, dù hoàn cảnh và điều kiện như thế nào, nhưng đã là học trò ở lớp học này thì tôi đều hết lòng, hết sức dạy dỗ. Bởi, các con của tôi hay nói vui rằng: “Mẹ là cô giáo của công chúng”.
Ba lớp học, một bục giảng
Cô Thiết cho biết thêm, từ những ngày đầu thành lập, cô đảm nhận lớp học tình thương cùng với cô Th., nhưng được một thời gian cô giáo này mất do tai nạn giao thông. Hiện tại, lớp học chỉ có mình cô Thiết phải cáng đáng hết mọi việc đứng lớp nên rất vất vả.
Cô dạy một lúc 3 lớp trong cùng phòng học bằng cách chia theo nhóm. Chẳng hạn, nhóm lớp 1 cô cho các cháu tập rèn chữ, nhóm lớp 2 cho các cháu tập đọc, nhóm lớp 3 thì làm toán. Cứ như vậy cô thường xuyên đi lại để theo dõi, hướng dẫn cho các cháu học bài và tiếp thu bài.
Niềm vui của các em khi được đến lớp học tình thương.
Theo cô Thiết, vì đây là lớp học đặc biệt nên việc soạn giáo án cũng rất đặc biệt. Cô không dạy đại trà tất cả các môn như ở nơi khác mà chủ yếu tập trung vào 2 môn chính: Tiếng việt, Toán. Khi đã có kiến thức cơ bản rồi, sau này nếu có điều kiện các em muốn học lên nữa thì cũng có kiến thức cơ bản.
Cô Thiết trăn trở: “Cực khổ là vậy nhưng nhiều em đã theo học đến lớp 5, biết viết và đọc, đó là phần thưởng quý giá nhất đối với những người làm nghề giáo. Ước muốn lớn nhất hiện tại của tôi là sau khi các em đã biết chữ thì có ai đó có thể tạo điều kiện cho các em được học nghề, để sau này các em tự kiếm sống bằng chính khả năng của mình”.
Các mạnh thường quân hỗ trợ tủ sách cho lớp học tình thương.
Em Lâm Hoàng Khang, học sinh của lớp học tình thường, chia sẻ: “Năm nay con đã học đến lớp 3. Sau thời gian học, bây giờ con đã biết được con chữ. Tụi con ở đây đứa nào cũng thương cô nhiều lắm”.
Rời lớp học tình thương ở phường 6, chúng tôi thấy còn nhiều trăn trở. Tương lai của các em sau khi đã biết đọc, biết viết vẫn còn là dấu chấm hỏi lớn.
Nhưng, dẫu sao hiện tại các em được sống trọn vẹn tuổi thơ, ở nơi đó các em được yêu thương, dạy dỗ, được hồn nhiên vui đùa với các bạn trong lớp, được cộng đồng xã hội quan tâm, chăm lo. Đây cũng là hành trang quan trọng để các em tự tin bước vào cuộc sống.
Ông Trần Văn Thơm, Phó Chủ tịch UBND phường 6, TP.Cà Mau thông tin: “Ban đầu lớp học được xây dựng với mục đích giúp cho các em không có điều kiện đến trường biết chữ. Qua thời gian 20 năm, lớp học ngày một đông thêm. Phường cũng kiến nghị các ngành chức năng hỗ trợ về cơ sở vật chất, đồ dùng học tập cho lớp học và hỗ trợ thêm kinh phí cho người trực tiếp giảng dạy”.
Người thầy của trẻ em nghèo Bến Lức
Trong suốt hơn 4 năm qua, đối với các em học sinh nghèo trên địa bàn thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, hình ảnh thầy giáo quân hàm xanh Trần Văn Cảnh đã trở nên thân quen và gần gũi.
Chính sự tâm huyết, lòng kiên trì và tình thương vô bờ dành cho các em nhỏ của người lính Biên phòng này đã giúp nhiều học sinh nghèo biết đến với con chữ, phép tính.
Thượng úy Trần Văn Cảnh giảng bài cho các em học sinh tại lớp học tình thương. Ảnh: Hồ Phúc
Khác hẳn với khoảng 1 năm trước, hiện nay, lớp học tình thương của trẻ em nghèo tại thị trấn Bến Lức đã chuyển đến địa điểm mới tại khu phố 8, thị trấn Bến Lức. Tại đây, 4 phòng học và 1 phòng đọc sách được thiết kế khang trang, thoáng mát, bàn ghế được bố trí ngăn nắp, không còn cảnh chật chội như tại khu nhà trọ thời gian trước đó.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Biên phòng, những năm về trước, nhiều người dân thuộc các tỉnh như: Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang... đến làm công nhân tại các khu công nghiệp và tạm trú tại địa bàn thị trấn Bến Lức. Nhiều trẻ nhỏ cũng được cha mẹ đưa đến sinh sống tại đây, nhưng do cuộc sống khó khăn nên một số gia đình không có điều kiện cho con em mình đến trường như các bạn cùng trang lứa. Vì thế mà việc học hành của các em bị dang dở.
Từ thực tế đó, năm 2012, ông Nguyễn Văn Lới, chủ nhà trọ Duy Quý tại thị trấn Bến Lức đã thành lập lớp học tình thương cho trẻ em nghèo nơi đây. Lúc đầu, lớp học chỉ có khoảng 7 em hoc sinh, tình nguyện đứng lớp là một giáo viên đã nghỉ hưu trên địa bàn. Đến năm 2013, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức, BĐBP Long An đã phối hợp tham gia giảng dạy tại lớp học tình thương này.
Trong những năm qua, mặc dù điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhưng lớp học tình thương vẫn được duy trì đều đặn, hiệu quả. Điều đó thể hiện tình thương, trách nhiệm của các thầy cô giáo và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức dành cho lớp học tình thương này.
Là người phụ trách công tác giảng dạy tại lớp học suốt hơn 4 năm qua, Thượng úy Trần Văn Cảnh, nhân viên Đội tham mưu hành chính Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức chia sẻ: "Năm 2006, khi đang công tác tại Đồn Biên phòng Sông Trăng, BĐBP Long An, tôi đã có một thời gian tham gia giảng dạy tại lớp học tình thương cho trẻ em nghèo trên địa bàn xã Hưng Hà, thuộc huyện Tân Hưng (tỉnh Long An).
Đến năm 2016, tôi được phân công về Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức, ngoài thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, tôi còn phụ trách giảng dạy tại lớp học tình thương. Hiện nay, có tất cả 70 em đang theo học từ lớp 1 đến lớp 5, độ tuổi từ 6 đến15 tuổi. Hầu hết các em sống tại khu vực thị trấn Bến Lức nếu không theo học ở các trường công lập đều tìm đến học tại đây.
Để các em theo kịp với chương trình đào tạo bậc tiểu học, lớp học được chia làm 2 ca, từ 14 giờ đến 16 giờ và từ 17 giờ đến 19 giờ, từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Tôi cùng 2 chiến sĩ của đơn vị và cô giáo Trịnh Thị Thủy, một tình nguyện viên trú tại thị trấn Bến Lức phụ trách việc đứng lớp tại lớp học tình thương này".
Trong thời gian giảng dạy tại lớp học tình thương, ngoài truyền thụ kiến thức cho các em học sinh, Thượng úy Cảnh còn tranh thủ thời gian đến nhà vận động các phụ huynh không để các em bỏ học giữa chừng và quan tâm hơn đến việc học tập của con em mình.
Thượng úy Cảnh tâm sự: "Quá trình giảng dạy tại đây, điều tôi băn khoăn nhất là làm thế nào để các em đến lớp đầy đủ. Bởi đa số học sinh theo học ở đây đều chịu nhiều thiệt thòi hơn các bạn đồng trang lứa. Nhiều em hằng ngày phải giúp cha mẹ bán cơm hay đi bán vé số nên ít có thời gian dành cho việc học. Tuy nhiên, sau một thời gian đến lớp, hầu hết các em đều tiến bộ, không chỉ biết đọc, biết viết, mà còn ứng xử rất lễ phép với cha mẹ, người lớn nên gia đình các em rất vui và ủng hộ lớp học tình thương này".
Bên cạnh đó, thời gian qua, Thượng úy Cảnh thường xuyên cùng đồng đội vận động nhiều tổ chức, cá nhân ủng hộ sách, vở, đồ dùng học tập cho các em học sinh và các trang thiết bị phục vụ công tác dạy học tại lớp học tình thương. Qua đó, đã giúp đỡ một phần khó khăn cũng như tiếp thêm niềm vui, nghị lực đến trường cho các em.
Chỉ tính riêng từ đầu 2020 đến nay, Thượng úy Cảnh đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí để sửa chữa bàn ghế, phòng học, thành lập phòng đọc với gần 200 đầu sách, trao tặng 120 phần quà dịp trung thu cho các em học sinh, với tổng trị giá hơn 60 triệu đồng.
Đặc biệt, đợt tháng 5 vừa rồi, anh cũng đã tham mưu cho đơn vị thành lập "Thùng nhân ái", vận động cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tự nguyện quyên góp tiền để mua các đồ dùng học tập giúp các em học sinh ở lớp học. Đến thời điểm hiện tại, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bến Lức đã quyên góp được hơn 2 triệu đồng.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức quyên góp tiền tại "Thùng nhân ái" để mua đồ dùng học tập cho các em học sinh. Ảnh: Hồ Phúc
Anh Nguyễn Văn Mùa, trú tại thị trấn Bến Lức, một phụ huynh có con em theo học tại lớp học tình thương chia sẻ: "Cách đây hơn 5 năm, vợ chồng tôi từ Kiên Giang lên đây làm ăn, sinh sống. Công việc hàng ngày là đi bán vé số nên phải rất tiết kiệm mới đủ trang trải cuộc sống và nuôi 4 đứa con khôn lớn.
Trong khi đó, mặc dù mấy đứa lớn đã đủ tuổi đến trường, nhưng gia đình lại không đủ điều kiện để các con theo học ở các trường công lập. Vì thế, khi được các cán bộ Biên phòng vận động cho các con theo học tại lớp học tình thương, vợ chồng tôi mừng lắm.
Hiện nay, mấy con của tôi đều học ở lớp học tình thương, 3 cháu đầu đang học lớp 3, còn cháu út hiện mới vào lớp 1. Sau một thời gian theo học, các con tôi đều rất ngoan ngoãn và lễ phép. Vợ chồng tôi cảm ơn thầy Cảnh và các giáo viên dạy tại lớp học nhiều lắm!".
Thượng tá Chung Văn Hai, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức cho biết: "Không chỉ hết lòng với trẻ em nghèo trên địa bàn, mà trong quá trình công tác tại đơn vị, đồng chí Cảnh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, đồng chí Cảnh liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở".
Bà giáo già 22 năm mở lớp học tình thương, dạy miễn phí cho trẻ khuyết tật Bất kể trời nắng nóng hay mưa rét, ngày nào người ta cũng thấy bóng dáng nhỏ bé của bà giáo già gần 90 tuổi chầm chậm đi vào lớp học tình thương. "Linh hôm nay giỏi quá, bà thưởng cho điểm 10", bà giáo Hồ Hương Nam (88 tuổi, Hà Nội) nhẹ nhàng xoa đầu Linh (26 tuổi) khen ngợi. "Con cảm...