Trần Đăng Khoa: Hãy làm cho học sinh giỏi tiếng Anh trước
Mới đây, Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ đưa việc học tiếng Nga, tiếng Trung vào các trường phổ thông.
Một đề xuất đang thu hút sự chú ý của công luận. Đấy là việc Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ đưa việc học tiếng Nga, tiếng Trung vào các trường phổ thông. Đó là ngoại ngữ thứ nhất.
Theo đó, bắt buộc các em sẽ phải học hai ngoại ngữ này bắt đầu từ lớp ba. Cũng theo giải thích của Bộ GD&ĐT, “ngoại ngữ thứ nhất” là ngoại ngữ bắt buộc.
Nhiều ý kiến trái chiều đang được đưa ra trước đề xuất sẽ đưa việc học tiếng Nga, tiếng Trung vào các trường phổ thông của Bộ GD&ĐT.
Năm 2006, Quy định Chương trình Giáo dục phổ thông của Bộ ban hành, cho phép học sinh được lựa chọn một trong bốn ngoại ngữ: Tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc làm ngoại ngữ thứ nhất.
Năm 2011, Bộ GD&ĐT lại bổ sung quy định về việc tiếng Nhật được dạy và học trong trường phổ thông như ngoại ngữ thứ nhất hoặc ngoại ngữ thứ hai tùy theo nhu cầu và lựa chọn của các địa phương và trường học.
Còn “ngoại ngữ thứ hai” là ngoại ngữ tự chọn, không bắt buộc, tùy theo nhu cầu của người học và điều kiện dạy học, các trường phổ thông có thể bố trí dạy và học.
Cám ơn Bộ GD&ĐT đã luôn quay đảo, để tìm những phương án tốt nhất đổi mới giáo dục phổ thông.
Tôi nghĩ, học được ngoại ngữ nào cũng tốt cả. Nhưng cần thiết thực và cũng nên tham khảo, nghe tiếng nói thiện chí của giới trí thức và đông đảo nhân dân. Đừng bày vẽ ra quá lắm trò, mà rồi chẳng có trò nào làm được cho đến nơi đến chốn.
Tiếng Anh là thứ tiếng thông dụng nhất, hầu như cả thế giới đều dùng, chúng ta cũng đã bỏ ra đến hàng nghìn tỷ đồng làm đề án tiếng Anh tầm nhìn 2020. Bây giờ sắp đến năm 2020, nhưng thử xem chúng ta đã làm được những gì? Chẳng đâu vào đâu cả.
Video đang HOT
Thôi, khỏi bàn đến học sinh phổ thông. Hãy xem lại đội ngũ được đào tạo ở trình độ Đại học. Trong số hàng nghìn em tốt nghiệp Đại học ra trường mỗi năm, em nào sử dụng được ngoại ngữ?
Anh bạn tôi, nhà báo Hoàng Anh Sướng, chủ Hiên trà Trường Xuân, hàng ngày đã tiếp rất nhiều khách quốc tế, các cháu giúp việc cho anh đều trình độ Đại học hạng ưu cả mà gặp ông Tây nào cũng chỉ “Hế lô”, “Hề lồ” là “cạn vốn”.
Đề án Tiếng Anh, ý chí phổ cập Tiếng Anh là rất đúng, rất chuẩn, chúng ta làm còn chưa đâu vào đâu. Bây giờ chúng ta lại đề xuất bắt các em phải học tiếng Trung, tiếng Nga nữa thì có nên không? Đành rằng học được tiếng nước nào cũng tốt. Nhưng cần thiết thực. Bộ cũng nên nghe tiếng nói của dân.
Tôi đồng ý với bạn Ngô Đình Phong (một người bạn của tôi): “Học tiếng gì cũng cần hợp lí, phải tính đến tác dụng sau này khi vào đời của các em, Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu kỹ chưa?
Nếu đã kỹ thì hãy tóm tắt luận chứng kỹ thuật công bố minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nên nhớ là giáo dục được quy định bởi hạ tầng kinh tế xã hội đấy, đừng làm lộn ngược”.
Tôi cũng rất tâm đắc với bạn Hoàng Lê, một nhà Nga học thực sự. Hoàng Lê bảo: “Tôi sang Liên bang Nga du học từ 1979 đến 1985. Chúng tôi được các bà giáo Nga “tuyên truyền” rằng: “Tiếng Ý dùng để nói với bạn bè, tiếng Pháp dùng để tâm sự với người yêu, tiếng Đức dùng để nói với quân thù, còn tiếng Nga dùng để nói với tất cả”.
Nhưng rồi thời thế thay đổi, nay tôi hầu như chỉ sử dụng tiếng Anh cho công việc chuyên môn, còn tiếng Nga thì rất ít khi dùng, mặc dù đang công tác ở một cơ quan văn hóa ở trung tâm Hà Nội.
Từ thực tế bản thân, mặc dù tiếng Nga và văn hóa Nga đã thấm đẫm vào máu của tôi, nhưng vì tương lai con em chúng ta, tôi khẩn thiết đề nghị Bộ GD&ĐT hãy xem xét lại cẩn trọng đề án dạy tiếng Nga và tiếng Trung như dự kiến.
Hai thứ tiếng này chỉ nên dạy cho ai có nhu cầu và dạy ở các trường chuyên và ở bậc đại học. Còn dồn tất cả nhân lực và tiền bạc cho việc phổ cập bắt buộc tiếng Anh từ lớp 3 cho đến lớp 12 và cả ở bậc đại học. Tiếng Anh sẽ giúp mở toang cánh cửa để con cháu chúng ta hội nhập vào thế giới văn minh”.
Đó là tâm sự rất chân thành của một người đã từng học ở Nga, yêu mến đất nước Nga và cũng là người rất yêu, rất có trách nhiệm với đất nước của mình.
Tôi cũng yêu nước Nga vô cùng. Nhưng đến nước Nga, tôi hỏi một người dân Nga bằng tiếng Nga thì họ lại trả lời tôi bằng tiếng Anh. Thấy tôi ngớ ra thì họ lại nhìn tôi như nhìn một người thất học.
Vậy đấy. Những bạn bè tôi học ở Nga năm xưa, bây giờ họ đều chuyển sang tiếng Anh cả. Ngay cả tôi bây giờ cũng đang loay hoay học Tiếng Anh dù tuổi đã xế chiều. Nhưng không thể khác. Dù tôi rất yêu nước Nga…
Theo Trần Đăng Khoa/VOV
Bộ GD&ĐT trả lời về dạy tiếng Nga, Trung Quốc từ lớp 3
Tối 22/9, Bộ GD&ĐT có văn bản giải đáp thắc mắc của dư luận liên quan dạy tiếng Nga, tiếng Trung Quốc trong trường phổ thông.
Mới đây, thông tin từ hội nghị trực tuyến về Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân do Bộ GD&ĐT tổ chức cho biết lộ trình: Đưa tiếng Nga, tiếng Trung Quốc giảng dạy hệ 10 năm từ năm 2017.
Vấn đề này nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Có người cho rằng thời đại hội nhập cần giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp nên dạy tiếng Nga và tiếng Trung Quốc trong trường phổ thông là lạc hậu.
Ý kiến khác chia sẻ học sinh hiện phải học quá nhiều ngoại ngữ, Bộ GD&ĐT nên chú tâm nâng cao trình độ tiếng Anh.
Về kế hoạch thí điểm chương trình giảng dạy tiếng Nga và tiếng Trung Quốc hệ 10 năm của ngoại ngữ thứ nhất, Bộ GD&ĐT cho biết ngoại ngữ thứ nhất là bắt buộc.
Theo Quy định của Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5/5/2006, học sinh được lựa chọn một trong bốn ngoại ngữ: Tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc là ngoại ngữ thứ nhất.
Năm 2011, Bộ trưởng GD&ĐT ban hành Quyết định số 2051/QĐ-BGDĐT ngày 18/5/2011 về việc tiếng Nhật được bổ sung dạy và học trong trường phổ thông như ngoại ngữ thứ nhất hoặc ngoại ngữ thứ hai, tùy nhu cầu và lựa chọn của các địa phương và trường học.
Ngoại ngữ thứ hai là tự chọn. Tùy theo nhu cầu của người học và điều kiện dạy học, các trường phổ thông có thể bố trí dạy đáp ứng nhu cầu của học sinh. Căn cứ ngoại ngữ thứ nhất, học sinh có thể chọn một trong năm ngoại ngữ nói trên là ngoại ngữ thứ hai.
Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đã trình Bộ trưởng GD&ĐT kế hoạch triển khai giai đoạn 2016-2020, trong đó có hoạt động xây dựng môn học tiếng Nga, tiếng Trung Quốc theo chương trình mới - hệ 10 năm như đã xây dựng đối với tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nhật.
Việc xây dựng chương trình này nhằm đảm bảo người học khi hoàn thành chương trình tiểu học, THCS, THPT đạt được các chuẩn đầu ra quy định theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam đã được ban hành.
Tóm lại, Bộ GD&ĐT khẳng định hiện tại, 3 thứ tiếng là ngoại ngữ một gồm tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nhật. Theo lộ trình, sắp tới, tiếng Trung Quốc và tiếng Nga được thêm vào nhóm một theo quyết định được ban hành năm 2006.
Tuy nhiên, việc lựa chọn ngoại ngữ nào là thứ nhất tùy thuộc điều kiện, nhu cầu của địa phương chứ Bộ không quy định cứng.
Học sinh tại Hà Nội học tiếng Anh của "thần đồng" Đỗ Nhật Nam. Ảnh minh họa: Hoàng Anh.
Trước đó, trao đổi với Zing.vn, đại diện Ban đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 cho biết tiếng Nga, tiếng Trung Quốc đã và đang được dạy và học như ngoại ngữ thứ nhất nhiều năm nay ở cấp THCS và THPT theo chương trình 7 năm (từ lớp 6 đến lớp 12).
Ví dụ, tiếng Trung Quốc được dạy ở các tỉnh thành: Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Giang, Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM.
Ngoại ngữ thứ hai là tự chọn, trong đó tiếng Hàn và tiếng Đức đã được cấp phép.
Ban đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 khẳng định không có chuyện vì dạy tiếng Trung Quốc hay tiếng Nga, giáo viên và học sinh sẽ "chối bỏ" hay sẽ có những "phản ứng gây khó khăn".
Ban đề án cho biết thông tin tiếng Trung Quốc và tiếng Nga sẽ trở thành ngoại ngữ thứ nhất theo chương trình 10 năm từ năm học 2017 là kế hoạch triển khai giai đoạn 2016-2020, chưa được Bộ trưởng GD&ĐT phê duyệt.
Nếu được phê duyệt, Ban đề án sẽ phối hợp các trường đại học, chuyên gia xây dựng chương trình từ năm học 2017-2018. Thời gian và quy mô triển khai sẽ dựa trên cơ sở điều kiện dạy học của địa phương, trường học, nhu cầu và nguyện vọng của người học. Nếu triển khai, quy mô ban đầu cũng sẽ nhỏ từ 2 tới 5 lớp mỗi ngoại ngữ.
Lý giải về băn khoăn Đề án đưa nhiều ngoại ngữ vào trường học, trong khi tiếng Anh được cho là dạy chưa tốt, đại diện Ban đề án phân tích: Chất lượng và hiệu quả của việc dạy và học tiếng Anh nói riêng hay ngoại ngữ nói chung phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Việc dạy một ngoại ngữ này ít ảnh hưởng tới chất lượng và hiệu quả của việc dạy ngoại ngữ khác.
Theo Zing
Trường ở Mỹ không bắt buộc học ngoại ngữ Ngoại ngữ không phải môn bắt buộc ở Mỹ. Các trường tiểu học tại Anh chỉ mới đưa nó thành môn bắt buộc từ năm 2014, trong khi giới trẻ Phần Lan cần biết đến 4 thứ tiếng. Ở Mỹ, ngoại ngữ không phải là môn học bắt buộc ở bậc tiểu học và trung học cơ sở. Tuy nhiên, phần lớn các...