Trận chung kết AFF Cup 2018 vào đề thi học kỳ Lịch sử ở Sài Gòn
Hình ảnh trận chung kết AFF Cup 2018 xuất hiện trong đề thi môn Lịch sử khiến nhiều học sinh lớp 12 trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) thích thú.
Hình ảnh cầu thủ Phan Văn Đức và Phạm Đức Huy ăn mừng sau pha làm bàn vào lưới Malaysia, nâng tỷ số lên 2-0 cho Việt Nam trong trận chung kết lượt đi AFF Cup 2018 diễn ra tại Malaysia ngày 11/12 xuất hiện trong đề kiểm tra học kỳ I môn Lịch sử của khối 12, trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM).
Cụ thể, câu 2 trong phần tự luận của đề nêu hình ảnh Đức Huy ăn mừng bàn thắng trong trận chung kết lượt đi đăng trên Zing.vn, và hỏi việc gia nhập ASEAN sẽ mang lại cho các cổ động viên bóng đá các nước những thuận lợi và thách thức gì?
Hình ảnh Đức Huy và Phan Văn Đức trong trận chung kết lượt đi AFF Cup 2018 đăng trên Zing.vn được đưa vào đề thi. Ảnh: ĐD.
Video đang HOT
Chia sẻ về đề thi này, thầy Nguyễn Viết Đăng Du – Tổ trưởng Tổ Lịch sử, trường THPT Lê Quý Đôn – người soạn đề thi – cho biết câu hỏi đã được soạn cách đây một tuần khi kết thúc trận đấu chung kết lượt đi giữa đội tuyển Việt Nam và Malaysia.
“Tôi muốn đề thi nói riêng và môn Lịch sử nói chung phải mang hơi thở của cuộc sống hiện tại. Trận chung kết AFF Cup 2018 rõ ràng là sự kiện cả nước chú ý, không dùng nó để mang lại sự hứng thú cho học trò khi làm bài thi thì thật phí. Tuy nhiên, điều quan trọng là lồng ghép sự kiện đó với kiến thức đã học phải thật khéo léo, nếu không sẽ làm cho đề thi rỗng và chỉ là chạy theo trend”, thầy Du nói.
Đức Huy ăn mừng sau pha ghi bàn trên sân Bukit Jalil. Hình ảnh này đã được thầy Nguyễn Viết Đăng Du đưa vào để thi học kỳ I môn Lịch sử cho học sinh THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM. Ảnh: Thuận Thắng.
Tác giả của đề thi này cho hay câu hỏi hướng đến lợi ích của các nước khi gia nhập ASEAN. Hiện công dân các nước trong khối này đều được miễn Visa, nên cổ động viên Việt Nam có thể dễ dàng sang Malaysia. Đó là điểm tích cực khi các nước gia nhập ASEAN nhưng không phải học sinh nào cũng nhận ra.
“Kết thúc buổi thi, nhiều em học sinh nói với tôi nhờ có đề thi này mà nhiều em giờ mới biết là các nước ASEAN được miễn Visa. Các em hào hứng viết theo suy nghĩ của mình dù đây chẳng phải là môn Văn”, thầy Du nói.
Theo Zing
Em làm gì khi biết ba mẹ 'mua điểm' cho mình?
Tình huống được đặt ra trong đề kiểm tra cuối học kỳ 1 môn giáo dục công dân dành cho học sinh khối 9 ở quận 3, TP.HCM sáng 14-12.
Một tiết học giáo dục công dân của học sinh quận 3, TP.HCM - Ảnh: H.HG.
Theo đó, câu 2c của đề như sau: "Là người con hiếu thảo, bên cạnh việc chăm lo, phụng dưỡng...cha mẹ thì chúng ta còn phải biết khuyên can khi cha mẹ làm những việc chưa đúng. Em sẽ khuyên can cha mẹ mình như thế nào trong những trường hợp sau:
- Em biết ba mẹ mình đang kinh doanh mặt hàng không đảm bảo chất lượng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khách hàng.
- Em biết ba mẹ mình đang tìm cách "mua điểm" để bài kiểm tra, bài thi của em được điểm cao".
Tương tự, trong đề kiểm tra cuối học kỳ 1 năm học 2018-2019 môn giáo dục công dân dành cho học sinh khối 8 ở quận 3 cũng có câu hỏi liên quan đến vụ gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
"Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 vừa qua đã xảy ra hiện tượng tiêu cực vô cùng nghiêm trọng. Đó là việc sửa điểm thi ở một số nơi, hàng trăm bài thi đã được sửa từ 1 điểm lên 9 điểm...
a/ Những người liên quan đến việc tiêu cực trên có tôn trọng lẽ phải hay không? Thế nào là tôn trọng lẽ phải?
b/ Những người liên quan đến việc tiêu cực trên có tôn trọng người khác hay không? Thế nào là tôn trọng người khác?
c/ Em hãy cho biết tác hại của việc làm trên?
d/ Bản thân em sẽ làm gì để góp phần làm cho các kỳ kiểm tra của nhà trường tốt đẹp hơn?", đề hỏi.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngay sau khi bước ra khỏi phòng thi, đa số học sinh lớp 9 ở Trường THCS Lê Quý Đôn, Hai Bà Trưng, quận 3 đều cho biết đề thi khiến các em phải suy ngẫm khá lâu.
"Chuyện về gian lận thi cử em đã đọc trên báo khá nhiều nhưng tình huống mà đề thi đặt ra khiến em rất bất ngờ. Tuy nhiên, nghĩ kỹ lại em thấy tình huống này cũng rất thú vị: nếu là em, em sẽ phản ứng ngay nếu biết ba mẹ đi mua điểm cho mình.
Bài thi đạt điểm cao thì ai cũng thích - em cũng thích bài của mình được điểm cao. Nhưng điểm đó phải do năng lực của mình tạo nên thì mới thích, chứ đi mua điểm thì...em thấy nhục lắm. Lỡ bạn bè mà biết được thì còn nhục hơn nữa", em N.T.T.X bày tỏ.
Theo bà Dương Hữu Nghĩa - phó trưởng Phòng GD-ĐT quận 3 cho biết: "Mục tiêu của ban ra đề khi đưa nội dung gian lận thi cử vào đề kiểm tra là nhằm lưu ý và giáo dục học sinh biết thể hiện chính kiến của mình khi phát hiện người lớn làm sai. Nó như một 'liều thuốc' phòng ngừa điều xấu cho học sinh lứa tuổi THCS".
Theo infonet
Học trò mặc áo đỏ sao vàng, nhảy flashmob ủng hộ tuyển Việt Nam Sáng nay, học sinh Trường THPT Nguyễn Du, TPHCM ngập trong sắc đỏ với những màn cổ vũ ấn tượng để gửi đến thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo trước trận chung kết lượt đi AFF Cup 2018 với đội tuyển Malaysia. Hơn 1.500 học sinh và các giáo viên trong trường đã cùng mặc áo đỏ sao vàng 5 cánh...