Trận chiến không đối hải kinh điển của lực lượng Không quân vận tải VN
Vào giai đoạn đầu năm 1966, bên cạnh nhiệm vụ vận chuyển trang thiết bị quân sự và bộ đội bằng đường không trên các chiến trường, Trung đoàn Không quân 919 còn được giao thêm một nhiệm vụ rất quan trọng, đó là nhanh chóng chuẩn bị lực lượng và phương án để triển khai các đòn tập kích đường không vào các mục tiêu trên biển và trên đất liền, góp phần cùng các lực lượng Không quân khác tiêu hao sinh lực địch.
Thời điểm đó, Trung đoàn 919 được trang bị các loại máy bay quân sự như: IL-14, Li-2, An-2.
Để thực hiện nhiệm vụ chiến đấu được giao, các cơ quan Quân chủng và Trung đoàn tích cực nghiên cứu cải tiến để có thể lắp vũ khí lên các máy bay vận tải quân sự. Với kết quả là 14 chiếc IL-14 và 2 chiếc Li-2 có thể lắp được giá treo, lắp đạn cối 120mm, 12 chiếc An-2 được cải tiến, lắp ráp thêm dàn phóng rốc-két. Đến đầu năm 1966, đã có 61 tổ bay đủ điều kiện tham gia chiến đấu. Giữa tháng 2-1966, các máy bay được cải tiến lắp vũ khí đã bay thử thành công tại trường bắn Kép và Hòa Lạc. Các tổ bay của Trung đoàn Không quân 919 đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu.
Tổ An-2 của đồng chí Phan Như Cẩn. Ảnh tư liệu.
Đến đầu tháng 3 năm 1966, Bộ Tư lệnh Quân chủng chính thức được giao nhiệm vụ tập kích ban đêm vào các tàu chiến Mỹ hoạt động cách bờ biển Khu 4 từ 50km trở vào cho Trung đoàn Không quân 919. Các tổ bay và cơ quan của Trung đoàn đã bắt tay vào công tác chuẩn bị với tinh thần kiên quyết tấn công, tiêu diệt tàu chiến Mỹ để tạo thuận lợi cho tuyến chi viện trên biển của Hải quân.
Video đang HOT
Đêm 7-3-1966, sau khi nhận được tin tình báo có tàu Mỹ vào hoạt động ngoài khơi bờ biển Sầm Sơn, Thanh Hóa, Sở chỉ huy Quân chủng quyết định cho 2 chiếc An-2 cất cánh theo phương án tác chiến đã chuẩn bị. Lúc 23 giờ 18 phút, tổ bay cất cánh và từ Sân bay Gia Lâm. Phi công Phan Như Cẩn lái chính, dẫn đường trên không là Phạm Thanh Tâm và các nhân viên tổ bay Trần Sĩ Tiêu, Loan Thế Linh làm nhiệm vụ chỉ thị mục tiêu. Một chiếc nữa do phi công Đào Hữu Ngoan điều khiển (tổ bay còn có các phi công Trần Thoan, Lê Đình Oa, Vũ Công Tuân) làm nhiệm vụ thả pháo sáng, chỉ thị mục tiêu.
Cất cánh từ sân bay Gia Lâm, 2 máy bay tuyệt đối giữ bí mật, cố gắng giữ yên lặng, bay trong điều kiện thời tiết phức tạp ở độ cao thấp, vòng chờ ở Ninh Bình, sau đó tiến vào khu vực tác chiến. Lúc 23 giờ 47 phút, đội hình 2 chiếc An-2 bay ra biển, hạ xuống độ cao 300m. Theo chỉ dẫn của Sở Chỉ huy, Biên đội trưởng Phan Như Cẩn báo cáo phát hiện mục tiêu và xin vào công kích. Khi đó có ánh trăng, lái chính Phan Như Cẩn lệnh cho Đào Hữu Ngoan không thả pháo sáng mà bay chờ vòng ngoài, hỗ trợ khi cần thiết. Trên màn hình hiện sóng, ba tín hiệu tàu địch mỗi lúc một gần, Phan Như Cẩn quyết đánh chiếc cuối cùng. Anh đưa về chế độ công tắc bắn đồng loạt, chỉnh mục tiêu vào đúng vòng ngắm. Khi cự ly còn 300m, anh siết cò phóng liền 32 quả rốc-két, chiếc tàu Mỹ bốc cháy sáng cả một góc trời, các tàu khác hoảng hốt tháo chạy. Đến độ cao 50m, anh kéo máy bay lên cao, lệnh cho biên đội thoát ly khỏi vị trí chiến đấu. Trong khi đó, chiếc tàu chiến Mỹ vẫn bốc cháy dữ dội phía dưới.
Đây là trận chiến không đối hải đầu tiên và đã thành công vang dội của Không quân nhân dân Việt Nam. Trên đường trở về, mặc dù bị thương nhưng phi công Phan Như Cẩn vẫn điều khiển máy bay hạ cánh an toàn xuống bãi biển xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa trong đêm, các thành viên tổ bay đều an toàn. Chiếc An-2 thứ 2 của Đào Hữu Ngoan hạ cánh an toàn xuống Sân bay Gia Lâm lúc 2 giờ 38 phút, ngày 8-3-1966.
Sau khi rút kinh nghiệm thành công trận đánh ngày 7-3, lúc 0 giờ, ngày 14-4, Sở Chỉ huy Trung đoàn tiếp tục lệnh cho 2 tổ bay An-2 tiếp tục cất cánh từ Sân bay Gia Lâm làm nhiệm vụ tấn công mục tiêu trên biển. 2 chiếc An-2 bay thấp dưới mây tiến vào khu vực mục tiêu. Chiếc An-2 thứ nhất do phi công Nguyễn Tấu lái chính bay thấp dưới mây tiến vào khu vực mục tiêu và thực hiện nhiệm vụ thả pháo sáng chỉ thị mục tiêu, chiếc An-2 thứ hai do phi công Nguyễn Ngọc Huân điều khiển vòng vào công kích chiếc tàu biệt kích của Mỹ ở vùng biển gần khu vực Hòn Mê, Thanh Hóa. Sau khi tiếp cận mục tiêu, chiếc An- 2 phóng 11 quả rốc-két, trúng mục tiêu, chiếc tàu chiến Mỹ bốc cháy ở Đông Nam đảo Hòn Mê 9km. Lúc 3 giờ 23 phút, sáng 14-4-1966, cả hai chiếc An-2 về hạ cánh an toàn tại Sân bay Gia Lâm.
Với hai trận thắng liên tiếp trên biển, địch đã thay đổi chiến thuật, nếu trận ban đầu ta đánh tàu biệt kích Mỹ vào đêm sáng trăng. Phía Mỹ sau đó đã thay đổi chiến thuật đêm sáng trăng chúng không vào mà vào đêm tối đen. An-2 của chúng ta cũng thay đổi chiến thuật rất linh hoạt, dùng một chiếc mở cửa buồng hàng ra để thả pháo sáng, soi rõ mục tiêu. Và cơ trưởng Phan Như Cẩn cũng rất dũng cảm, sáng tạo trong cách đánh, để chắc thắng ông đã quyết định bắn rốc-két từ độ cao 300m, thay vì 600m như trong lý thuyết của các thầy giáo Liên Xô truyền cho. Có những lúc súng phòng không từ tàu địch bắn lên rất dữ dội, nhưng các phi công đã dũng cảm bổ nhào bắn trúng tàu địch, làm nên những kỳ tích trên biển.
(Theo Báo Phòng Không – Không Quân)
Điều chưa biết về quần áo của phi công tiêm kích Việt Nam
Bộ quần áo bay của phi công Không quân Việt Nam được thiết kế "tinh vi" như máy bay chiến đấu.
Quân trang nghiệp vụ bay là quân trang đặc thù được bảo đảm cho phi công và các thành viên tổ bay trong khi làm nhiệm vụ bay huấn luyện, chiến đấu và được trang bị từ đầu xuống chân bao gồm mũ, quần áo, găng tay, giầy.
Ấn tượng và dễ nhận ra nhất có lẽ là bộ quần áo bay. Thay vì màu cát cháy, vài năm gần đây, quần áo phi công đã được chuyển sang màu ghi sáng, đậm chất "lính canh trời". Thượng tá Trần Trung - Phó trưởng Phòng Quân nhu (Cục Hậu cần) cho biết, dựa trên những nghiên cứu về mẫu vải của Nhật, Đức và khối Nato, vải dệt dobby hiện đang được sử dụng để may quần áo bay cho phi công quân sự. Vải được cài sợi các bon, có khả năng chống tĩnh điện, xử lí chống cháy, chống tia UV, thấm mồ hôi, chống nhàu và siêu bền. Thêm vào đó, một đặc tính vượt trội của loại vải này là rất nhẹ. Có thời kỳ quần áo phi công nặng tới 3 kg/bộ, nếu mặc đi trực chiến dài ngày, phi công thường rất khó chịu. Thứ nữa, khi nhảy dù, nếu tiếp đất ở vị trí các ao, hồ, do quần áo giữ nước, trọng lượng trên người lúc đó tăng thêm đến hàng chục ki lô gam.
Phi công Trung đoàn 925 (Sư đoàn 372) trong trang phục bay
khi làm nhiệm vụ huấn luyện, chiến đấu.
Về kiểu dáng, để tiện lợi, trang phục bay mùa hè được thiết kế áo rời quần; để tăng độ ấm, trang phục bay Đông được thiết kế áo liền quần, bằng chất vải dày hơn; cả hai đều có các lỗ thoáng. Trang phục bay của phi công, học viên bay và lực lượng dù có nhiều điểm được thiết kế khác biệt với trang phục của các lực lượng khác. Quần áo bay có tới 7 loại túi chuyên dụng cả ở áo và quần: túi đựng bản đồ, sổ tay phi công, túi để súng ngắn, túi để băng tiếp đạn, túi đựng dao cắt dù. Hệ thống khuy trên quần áo đã được hạn chế tối đa, thay vào đó là các khóa nhựa cao cấp, dễ sử dụng.
Trung tá Đinh Văn Yên - Trợ lí Quân trang, Phòng Quân nhu cho biết, để có được trang phục bay khá phù hợp như hiện tại, Phòng Quân nhu đã phối hợp với Viện nghiên cứu ứng dụng, Cục Quân nhu đến các đơn vị bay lấy ý kiến phi công và đề nghị trên phê duyệt. Còn đồng chí Đào Xuân Thu - Quyền phụ trách Phân xưởng May đặc chủng, Trung tâm Đo lường miền Bắc, để có được những bộ quần áo phi công, cán bộ, nhân viên Phân xưởng phải cơ động đến các đơn vị trực tiếp đo số đo của từng phi công; kế đó, phải chọn những thợ may có kỹ thuật, tay nghề cao thực hiện việc may đo. Sản phẩm hoàn thiện trước hết phải đáp ứng được tính năng trong huấn luyện, SSCĐ; đảm bảo tiện ích khi phi công ngồi trong buồng lái hoặc khi nhảy dù và phải đảm bảo tính thẩm mĩ, nghĩa là quần áo phải vừa với "phom" người, không quá chật hoặc quá rộng.
Trao đổi với Trung tá Nguyễn Trường Nam - Chính trị viên Phi đội 1, Trung đoàn 927 (Sư đoàn 371), được biết trong trang phục bay của phi công còn có cả quần áo kháng áp và quần áo cao không. Quần áo kháng áp tạo ra áp suất lên cơ thể phi công tùy theo cường độ, hướng tác động của gia tốc nhằm hạn chế tác động của quá tải. Còn quần áo cao không làm tăng hiệu quả của việc thở ô xy dưới áp lực cao, do đó nâng được trần bay của phi công. Khi hoạt động ở độ cao từ 10km, phi công bắt buộc phải sử dụng quần áo cao không và đội mũ kín. Cả mũ và quần áo cao không đều được bơm ôxy, làm ấm cơ thể và giúp lưu thông máu. Các loại quân trang này đều được nhập khẩu.
Bên cạnh quần áo, trong trang phục nghiệp vụ bay còn có mũ lót, găng tay và giày. Mũ lót bay được may bằng vải cotton, thấm mồ hôi, thoáng. Mũ lót có tác dụng cố định, giữ ổn định mũ bay; đồng thời tạo cảm giác êm và thấm mồ hôi. Găng tay với chất vải sợi, không chỉ giúp thấm mồ hôi mà còn phòng điện giật khi phi công sử dụng các nút ấn, công tắc trong buồng lái. Giày của phi công cũng có những đặc thù riêng. Phi công phản lực khi bay sử dụng giày da bay cao cổ; phi công trực thăng, vận tải sử dụng dày da thấp cổ. Ngoài ra còn có giầy da nhảy dù cao cổ cho lực lượng dù. Giày bay thường rất êm, ôm chân song cũng rất dễ cởi (giúp phi công dễ dàng giải phóng đôi chân khỏi giày khi gặp sự cố). Đế giày có lớp cao su non, mềm, xốp, dẻo, có độ ma sát nhưng không dính cát để đảm bảo không có vật ngoại lai theo đế dày lên buồng lái.
Phi công, xưa nay thường được biết đến là những người có "phom" chuẩn, dáng đẹp. Vẻ đẹp hình thể ấy một phần được tôn lên bởi những trang phục bay. Đó là nhận xét và đánh giá từ những người ngoài cuộc. Còn với phi công, bên cạnh yêu cầu thẩm mĩ thì sự tiện ích là yếu tố phải bảo đảm trước tiên khi sử dụng quân trang nghiệp vụ bay.
(Theo Kiến Thức)
Cận cảnh bộ binh, không quân Việt Nam bắn chiến đấu Từ ngày 11 đến 17/11, Sư đoàn Bộ binh 3 (Quân khu 1) tổ chức diễn tập chỉ huy cơ quan 1 bên 2 cấp ngoài thực địa có 1 Tiểu đoàn bộ binh bắn chiến đấu phòng ngự có hiệp đồng quân, binh chủng. Nhiều tướng lĩnh Bộ Tư lệnh Quân khu 1 có mặt chỉ đạo cuộc diễn tập Sư đoàn...