Trăm bài học lý thuyết không bằng 1 bài thực hành: Học sinh một trường ở Hà Nội được học kỹ năng thoát hiểm khi bị kẹt trong xe ô tô
Học sinh đã được hướng dẫn trực tiếp các nút điều khiển trên ô tô để báo động hoặc thoát ra bên ngoài xe khi bị mắc kẹt.
Ngay sau vụ tai nạn thương tâm về bé trai lớp 1 trường Quốc tế Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội) tử vong vì nghi bị bỏ quên trên xe ngày 6/8, nhiều trường đã có động thái tích cực nhằm quản lý chặt chẽ hơn khâu đưa đón học sinh.
Nếu như trường Marie Curie phát báo động đỏ, trường Tiểu học Lômônôxốp họp khẩn cấp thì trường Tiểu học Brendon đã tổ chức ngay tiết học Kỹ năng sống.
Học sinh được thực hành các kỹ năng báo động hoặc thoát hiểm trên ô tô.
Chiều 7/8, học sinh lớp 5B2 của trường đã được thầy giáo hướng dẫn cách xử lý tình huống khi bị kẹt trong xe ô tô. Đây là một kỹ năng cần thiết mà bất kỳ bạn nhỏ nào từ 3 tuổi trở lên đều có thể nhận biết và thực hiện được.
1. Hãy bình tĩnh: Khi bị kẹt trên xe, đầu tiên con cần bình tĩnh, không khóc và la hét gây mất sức và hãy mở cửa sổ để lấy không khí.
Khi bị kẹt trên xe, đầu tiên cần bình tĩnh.
2. Trèo lên ghế lái xe và mở cửa sát cạnh ghế lái. Bởi dù khoá bên ngoài thì cửa sát cạnh ghế lái vẫn có thể mở được từ bên trong nên con hãy trèo lên ghế lái xe và mở cửa, bật lẫy và đẩy cửa thoát ra ngoài.
Trèo lên ghế lái xe và mở cửa sát cạnh ghế lái.
Video đang HOT
3. Bấm còi xe: Dù xe có tắt máy, rút khoá điện thì còi xe vẫn luôn hoạt động do sử dụng nguồn điện trực tiếp từ Ắc-quy và tiếng còi sẽ thu hút sự chú ý của những người có mặt gần đó. Các con hãy bấm còi xe liên tục để được cứu kịp thời.
Nhấn còi hoặc đèn báo động.
4. Đèn Hazard: Tương tự còi, đèn Hazard được thiết kế nguồn điện riêng để lúc nào cũng sẵn sàng hoạt động. Nút bật đèn có hình tam giác rất dễ thấy trên tablo buồng lái. Con hãy bấm nút liên tục kết hợp cùng còi xe để gây sự chú ý.
Mở cửa thoát hiểm.
5. Sử dụng búa thoát hiểm: Hầu hết các xe chở khách đều có trang bị búa thoát hiểm (có 2 đầu nhọn, màu đỏ được gắn trên vách xe). Búa được thiết kế để có thể chỉ dùng một lực nhỏ cũng có thể đập vỡ kính mà không cần dùng quá nhiều sức.
Mặt khác, khi vỡ kính ô tô cũng sẽ vỡ vụn, không có mảnh sắc nên hoàn toàn yên tâm không thể gây tổn thương đến con.
Dùng búa đập kính.
Dạy kỹ năng sống để học sinh tự tin, an toàn.
Theo chia sẻ, ngày mai (8/8) toàn bộ học sinh trường sẽ tiếp tục học và thực hành các kỹ năng này. Nhà trường hi vọng bên cạnh việc chủ động đảm bảo an toàn cho học sinh thì việc trang bị các kỹ năng tự sẽ giúp các con tự tin và bình tĩnh để xử lý mọi tình huống gặp phải trong cuộc sống.
Theo Helino
Vụ học sinh trường Gateway tử vong: Chưa có quy định cụ thể việc đưa đón học sinh bằng xe bus trường học?
"Khoán" việc vận chuyển, đưa đón học sinh cho công ty cung cấp dịch vụ, trường Gateway đã quá chủ quan trong quy trình đưa đón học sinh của trường, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến vụ việc đau lòng xảy ra.
Thông tin tại buổi họp báo trưa ngày 07/8 về vụ việc học sinh lớp 1 trường Gateway, quận Cầu Giấy, Hà Nội bị bỏ quên trên xe bus đưa đón học sinh của trường khiến cháu bé tử vong, Trưởng phòng GDĐT quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh cho biết, "Trong văn bản chỉ đạo hàng năm về công tác an toàn trường học luôn chú trọng đến công tác giao nhận học sinh thế nào. Sự việc này xảy ra do lỗi lầm của người lớn. Trong vụ việc này, chắc chắn có trách nhiệm của cô giáo đưa đón các cháu, chúng tôi đang yêu cầu rà soát lại hợp đồng của nhà trường với đơn vị cung cấp dịch vụ."
Ông Ngọc Anh cũng cho biết, xe vận chuyển phải có đăng ký lưu hành, phải là xe vận chuyển hành khách. "Riêng đối với việc vận chuyển đối tượng học sinh thì chưa có văn bản quy chuẩn quy định cụ thể riêng cho phần này", ông Phạm Ngọc Anh khẳng định.
Thực hiện chỉ đạo, Phòng GDĐT cũng đã có văn bản yêu cầu các trường rà soát các loại xe vận chuyển. Trong đó cũng yêu cầu xe phải đảm bảo điều kiện lưu hành cũng như đảm bảo quy định của các cơ quan quản lý đường bộ, các cơ quan chuyên môn. Trong đó nhấn mạnh, quy trình vẫn là đảm bảo đưa đón học sinh có sự bàn giao giữa giáo viên chủ nhiệm với phụ huynh học sinh.
Như vậy, Phòng GDĐT khẳng định là luôn quan tâm tới "công tác an toàn trường học luôn chú trọng đến công tác giao nhận học sinh thế nào".
Tuy nhiên, sự việc xảy ra cho thấy quy định việc đưa đón học sinh bằng xe bus trong các trường học hiện nay tương đối lỏng lẻo, mỗi trường sẽ tự tổ chức đưa đón học sinh theo cách riêng chứ chưa có quy định cụ thể nào.
Nguy hiểm hơn khi Sở GTVT Hà Nội cung cấp thông tin chiếc xe đưa đón học sinh của trường quốc tế Gateway trong vụ việc cháu bé 6 tuổi tử vong chưa được cấp phù hiệu chở khách hợp đồng theo quy định.
Ảnh một chiếc xe bus vận chuyển học sinh của trường Gateway
Cũng theo Sở GTVT Hà Nội, hiện tại số lượng xe đưa đón học sinh trên địa bàn TP Hà Nội rất nhiều. Theo số liệu thống kê được Sở GDĐT gửi sang Sở GTVT Hà Nội, năm học 2019-2020, trên địa bàn Hà Nội có 17 trường có xe đưa đón học sinh, với tổng số xe đưa đón là 629 xe. Trong đó, loại xe 16 chỗ chiếm số lượng lớn nhất với 345 xe. Đáng chú ý, trong danh sách 17 trường đã nêu không có trường Gateway.
Liên quan đến vụ việc đặc biệt nghiêm trọng này, ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ GDĐT) cho biết, dịch vụ đưa đón học sinh diễn ra khá phổ biến tại các tỉnh, không chỉ ở thành phố mà tại các tỉnh, nhiều phụ huynh cũng tham gia vì điều kiện đường xa, không có nhân lực đưa đón. Tuy nhiên, việc này cũng tồn tại nhiều bất cập như: chất lượng xe không đảm bảo; ý thức lái xe không cao; hiểu biết pháp luật giao thông, các biện pháp bảo đảm an toàn không có hoặc thiếu...
Theo ông Linh, tới đây, Bộ sẽ phối hợp với Ủy ban an toàn giao thông quốc gia nghiên cứu hướng dẫn, quy định cụ thể hơn các tiêu chí đối với dịch vụ này theo hướng đảm bảo các tiêu chuẩn cụ thể, trách nhiệm các bên liên quan; các chỉ báo dán mác/ màu xe... để dịch vụ này được đảm bảo chất lượng và an toàn tuyệt đối cho học sinh.
Theo tìm hiểu trên thế giới cũng từng xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm do bị 'quên' hoặc 'nhốt' trong xe, mà hậu quả là trẻ bị ngất xỉu, thậm chí bị hôn mê sâu dẫn đến tử vong vì ngạt khí. Chính vì vậy, nhiều nước quy định rất chặt chẽ đối với việc vận chuyển hành khách là học sinh, đặc biệt là những quy định đối với lái xe.
Chẳng hạn, ở Mỹ, để được cấp chứng nhận lái xe bus trường học, các lái xe bắt buộc phải có giấy chứng nhận lái xe thương mại CDL hạng D. Ngoài ra, các tài xế cũng phải vượt qua các yêu cầu cấp phép ngặt nghèo của liên bang và tiểu bang tại Mỹ.
Riêng Bang California đã ban hành đạo luật 1072, cũng có tên là luật an toàn xe bus trường học Paul Lee, vào năm 2016 để ngăn chặn tai nạn tử vong trên xe bus trường học. Theo quy định của đạo luật này, trong xe phải có nút báo ở cuối xe, khi đưa đón học sinh, lái xe phải xuống cuối xe kiểm tra và ấn vào nút này để chắc chắn không còn học sinh nào ở trên xe.
Còn tại Seoul, Hàn Quốc, trên các xe đưa đón học sinh tiểu học được lắp đặt thiết bị kiểm tra trẻ ngủ quên, các lái xe sẽ phải kiểm tra toàn bộ xe trước khi đưa xe về bến để đảm bảo không học sinh nào bị sót lại trên xe.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc tại trường Gateway, Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia đã có văn bản về triển khai các nhiệm vụ cấp bách bảo đảm an toàn giao thông đối với xe ô tô đưa đón học sinh.
Theo chỉ đạo của Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, để ngăn ngừa những vụ việc tương tự có thể xảy ra, đảm bảo an toàn cho học sinh khi đi học bằng dịch vụ đưa đón bằng xe ô tô do nhà trường tổ chức, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục (từ bậc mầm non đến trung học phổ thông) các tỉnh, thành phố trong cả nước có tổ chức đưa đón học sinh đến trường bằng xe ô tô phải lựa chọn các đơn vị kinh doanh vận tải có đủ điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định pháp luật; ghi rõ trong hợp đồng vận chuyển giữa cơ sở giáo dục và đơn vị kinh doanh vận tải những yêu cầu, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan về an toàn giao thông, bảo vệ sức khỏe cho học sinh khi ngồi trên xe và khi lên, xuống xe tô tô; trên xe phải có người chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra danh sách học sinh, duy trì trật tự, vệ sinh và hướng dẫn, nhắc nhở học sinh thực hiện các quy định và kỹ năng an toàn khi ngồi trên xe và khi lên, xuống xe ô tô.
Cùng đó, Bộ GDĐT chỉ đạo lực lượng chức năng ngành giáo dục phối hợp với lực lượng chức năng ngành giao thông vận tải và cơ quan chức năng địa phương thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật và hợp đồng vận chuyển đối với các cơ sở giáo dục và đơn vị kinh doanh vận tải tổ chức đưa đón học sinh bằng xe ô tô.
Bộ Giao thông vận tải rà soát, bổ sung các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông và sức khỏe cho hành khách là trẻ em trên các phương tiện vân tải; nghiên cứu, bổ sung các quy định pháp luật và hướng dẫn cụ thể đối với loại hình vận tải hành khách theo hợp đồng để đưa đón học sinh từ bậc mầm non đến trung học cơ sở.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở Giáo dục và đào tạo tổ chức kiểm tra, rà soát các trường học sử dụng xe ô tô hợp đồng đưa đón học sinh; yêu cầu các cơ sở giáo dục và đơn vị kinh doanh vận tải phải thực hiện đầy đủ quy định về an toàn giao thông đối với phương tiện, người lái; phối hợp với Sở Giao thông vận tải kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về an toàn giao thông đối với các đơn vị vận tải có hợp đồng đưa đón học sinh; chấm dứt hợp đồng và xử lý nghiêm các lái xe, chủ xe không tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn giao thông và trách nhiệm đã được xác định trong hợp đồng đưa đón học sinh bằng xe ô tô.
Khánh Vân
Theo toquoc
Những lỗ hổng trong quy trình đưa đón học sinh Vụ bé 6 tuổi tử vong tại trường quốc tế Gateway tử vong do bị bỏ quên trên ô tô là hồi chuông cảnh báo về việc cần siết lại qui trình đưa đón học sinh nhằm đảm bảo an toàn cho các con. Quy trình đưa đón học sinh ra sao? Thông thường tại một trường có tổ chức đưa đón học...