Trái tim không khỏe do lối sống
Lối sống không lành mạnh, sử dụng nhiều rượu, bia, thuốc lá, lười tập thể dục, béo phì… là những nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tình trạng trẻ hóa bệnh nhân mắc bệnh tim mạch hiện nay
PGS-TS.Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia ( Bệnh viện Bạch Mai) cho biết bệnh tim mạch đã và đang là gánh nặng cho xã hội với tỉ lệ tử vong và tàn phế cao hàng đầu.
Nguyên nhân gây tử vong hàng đầu
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy có đến 17,5 triệu người tử vong mỗi năm do các bệnh liên quan đến tim mạch và con số bệnh nhân tích lũy ngày một nhiều. Việt Nam chưa có thống kê cụ thể về con số, tuy nhiên thống kê nguyên nhân tử vong hàng đầu tại các bệnh viện (BV) là do bệnh lý tim mạch (BLTM). Cứ 3 người chết do bất kỳ nguyên nhân gì thì có 1 người chết do BLTM.
Kiểm soát huyết áp sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng của bệnh tim mạch
Chia sẻ tại buổi hợp báo ngày 8-11 nhân sự kiện 30 năm thành lập Viện Tim mạch Việt Nam, PGS-TS Nguyễn Ngọc Quang, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết tình trạng trẻ hóa độ tuổi đột quỵ, nhồi máu cơ tim cấp được ghi nhận khá phổ biến tại các BV trong khoảng 5- 10 năm gần đây. Có những người mới ngoài 20- 30 tuổi đã bị nhồi máu cơ tim cấp.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong. Theo thống kê của Viện Tim Mạch năm 2015 cho thấy tỉ lệ tăng huyết áp (THA) ở người trưởng thành trong độ tuổi 18- 65 chiếm 25%, vậy cứ 4 người trưởng thành thì có một người THA.
THA làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ lên gấp 4 lần và tăng nguy cơ tử vong do BLTM lên gấp 3 lần so với người không mắc bệnh. BLTM thường được cho là chỉ gặp ở người lớn tuổi thế nhưng hiện nay bệnh có thể xảy ra với bất kỳ ai và bất kỳ lứa tuổi nào và tuổi mới bị mắc cũng ngày càng trẻ hóa. “Đa số người mắc bệnh tim mạch đều do các yếu tố nguy cơ gây ra như người có huyết áp cao, bệnh nhân đái tháo đường, rối loạn mỡ máu… mà nguyên nhân chung vẫn là do ăn uống, sinh hoạt tùy tiện, hút thuốc lá, lười vận động”- PGS Quang nói.
Ngừa bệnh bằng việc thay đổi thói quen
Theo giới chuyên môn BLTM không chừa một ai, và có xu hướng gia tăng theo lối sống, cách sinh hoạt trong xã hội. Đó thực sự là “kẻ giết người thầm lặng”. Tuy nhiên, bệnh lý này lại có thể phòng ngừa được với kiến thức sức khỏe và dinh dưỡng, vận động. Bên cạnh dó, sự phát triển của y học hiện đại cũng đã tăng khả xử lý được đa số vấn đề của tim mạch nếu được phát hiện kịp thời.
Video đang HOT
PGS Hùng cũng cho biết tim mạch can thiệp là một trong những lĩnh vực phát triển mạnh nhất và là một trong những thế mạnh của Viện Tim mạch Việt Nam. Viện đã ứng dụng hầu hết các kỹ thuật tiến bộ, bắt kịp với các tiến bộ tim mạch can thiệp trên thế giới. Đơn cử như các kỹ thuật siêu âm tim phức tạp, các kỹ thuật can thiệp tim mạch tiên tiến; thăm dò điện sinh lý tim và điều trị các rối loạn nhịp tim phức tạp qua ống thông hoặc cấy máy tạo nhịp tim…
“Với những kỹ thuật mới về tim mạch can thiệp đã được ứng dụng như vậy được coi là bước tiến lớn, nhờ đó góp phần cứu sống rất nhiều bệnh nhân hiểm nghèo một cách kịp thời mà nếu như trước đây không có tim mạch can thiệp thì các phẫu thuật thông thường khác nhiều khi cũng không thực hiện được. Chẳng hạn, đối với bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp được can thiệp động mạch vành sớm hoặc trường hợp bệnh nhân bị rối loạn nhịp trầm trọng thì nhờ kỹ thuật tim mạch can thiệp hoàn toàn có thể triệt phá, đốt được qua đường ống thông”- PGS Hùng nói.
Để phòng các BLTM, PGS Quang cho rằng mỗi người nên có lối sống lành mạnh cho tim mạch và sức khỏe bao gồm chế độ ăn uống hợp lý, không ăn quá mặn, bỏ hút thuốc lá, tăng cường vận động và nên vận động 30 phút mỗi ngày.
Đi đầu trong phát triển các kỹ thuật cao
Sáng 8-11, Viện Tim mạch Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước. GS-TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc phụ trách, quản lý điều hành BV Bạch Mai cho biết mỗi năm, Viện Tim mạch điều trị nội trú cho trên 20.000 bệnh nhân bị bệnh tim mạch nặng đến phức tạp, thăm khám, phẫu thuật cho hàng ngàn trường hợp.
Viện Tim mạch Việt Nam là cơ sở y tế đi đầu trong triển khai, áp dụng và phát triển các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới trong chuyên ngành. Viện cũng là trung tâm đào tạo và chuyển giao kỹ thuật chuyển môn cho các BV trong nước và quốc tế. Với 3 mũi nhọn: Tim mạch can thiệp, phẫu thuật tim mạch và cấp cứu – chăm sóc tích cực tim mạch, mỗi năm có hơn 12.000 lượt bệnh nhân được can thiệp tim mạch, Viện đã trở thành trung tâm lớn nhất khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực này.
Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước trao Huân chương Lao đông hang Ba cho đại diện Viện Tim mạch Việt Nam
Bài và ảnh: Ngọc Dung
Theo nguoilaodong
'Chẩn đoán viêm cơ tim không phải thích gì phán nấy'
Mấy ngày gần đây trên mạng xã hội xuất hiện những dòng chia sẻ, cảnh báo về một loại "virus lạ" tấn công gây viêm cơ tim dẫn đến tử vong cho hai cô gái ở Hà Nội.
Những chia sẻ gây hoang mang trên mạng xã hội về loại "virus lạ" lây lan bệnh viêm cơ tim.
"Virus lạ" mang tên viêm cơ tim
Theo một tài khoản Facebook Quân.... cảnh báo "siêu virus mới khu vực chùa Bộc" (Hà Nội) có viết: Chính cô cháu gái của mình cũng mắc phải và sau thời gian ngắn đã qua đời tại BV Bạch Mai cách đây 3 năm. Giờ xuất hiện trở lại và phát tán mức độ nghiêm trọng hơn. Chỉ trong vòng 1-2 ngày cướp đi mạng sống của 2 cô gái đang khoẻ mạnh. Mọi người lưu ý không có việc gì không đi qua mạn Chùa Bộc bán kính 2km, Đại học Y, Bệnh viện Bạch Mai".
Chuyện "virus lạ" mang tên "viêm cơ tim" có thể lây lan và gây chết người là không có cơ sở. Không phải ai nhiễm virus cũng viêm cơ tim, không phải ai nhiễm viêm cơ tim cũng nguy kịch" PGS.TS Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, Tổng thư ký Hội Tim mạch học Việt Nam
Thậm chí, Facebooker này còn khẳng định: "Hiện đã có nhiều người tử vong do một loại virus lạ... Các bác sỹ vẫn chưa tìm ra đó là virus gì, cơ chế lây nhiễm ra sao". Và nói rằng "khu vực đó đang có dịch rất căng. Hạn chế đi qua vùng dịch. Mà tốt nhất không có việc gì không nên qua".
Nhiều thông tin na ná như trên nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội, trong các hội nhóm khiến cộng đồng thực sự hoang mang.
Theo một lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, cơ quan này đang tiến hành điều tra về thông tin về 2 trường hợp tử vong do "virus lạ" gây viêm cơ tim được đăng tải trên mạng xã hội. Khi nhận được thông tin về hai trường hợp tử vong gây xôn xao trên cộng đồng mạng những ngày qua, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã khẩn trương cử cán bộ đến điều tra.
Theo thông tin ban đầu, cả hai trường hợp được nhắc đến trên mạng đều làm cùng tại một Viện khoa học trên địa bàn Hà Nội song ở hai cơ quan khác nhau. Chẩn đoán tử vong của Bệnh viện Bạch Mai là do viêm cơ tim không rõ nguyên nhân. Bệnh nhân khởi phát với dấu hiệu sốt nhẹ, mệt mỏi. Bước đầu, cơ quan chức năng chưa thấy liên quan về dịch tễ, dù cùng là một Viện nhưng lại thuộc hai phân viện độc lập với nhau, hai cơ quan khác nhau, nơi ở khác nhau. Hai ca bệnh khởi phát bệnh vào thời điểm khác nhau, cách nhau 1 tuần, không phải lây cho nhau. Thông tin trên mạng xã hội hai ca bệnh "lây" cho nhau là không có cơ sở.
Điều tra nơi làm việc sơ bộ của cả hai cũng chưa thấy ai có biểu hiện tương tự. "Vì thế người dân không nên quá hoang mang, cho rằng đây là bệnh lạ hay virus lạ gây viêm cơ tim" - đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết.
Không phải ai nhiễm virus cũng gây viêm cơ tim
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, Tổng thư ký Hội Tim mạch học Việt Nam cho rằng: Chuyện "virus lạ" mang tên "viêm cơ tim" có thể lây lan và gây chết người là không có cơ sở. Không phải ai nhiễm virus cũng gây viêm cơ tim, không phải ai nhiễm viêm cơ tim cũng trở nên nguy kịch.
PGS Hùng cho biết, bệnh viêm cơ tim có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như thuốc, do ngộ độc, nhiễm trùng, do virus... Việc phát hiện, chẩn đoán viêm cơ tim cũng phải dựa trên xét nghiệm, thăm khám cụ thể có tính khoa học chứ không phải thích gì phán nấy. Việc tìm ra nguyên nhân gây viêm cơ tim có những trường hợp không thể chẩn đoán, bởi có rất nhiều căn nguyên gây ra căn bệnh này.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, giảng viên Bộ môn Nội, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết: Viêm cơ tim như tên gọi là tình trạng viêm của toàn bộ hoặc một phần khối cơ tim. Nguyên nhân viêm cơ tim thường gặp là virus hoặc bệnh lý tự miễn.
Ở nhóm nguyên nhân tự miễn, chính hệ miễn dịch của cơ thể tấn công mô cơ tim lành chứ không phải vi khuẩn. Bệnh lý tự miễn có thể là nguyên nhân gây viêm cơ tim hoặc tổn thương cơ quan khác. Bên cạnh đó, một số thuốc cũng có thể gây nên viêm cơ tim.
Theo PGS.TS Hoàng Bùi Hải, viêm cơ tim biểu hiện triệu chứng rất đa dạng, phụ thuộc thể bệnh, nguyên nhân và một số yếu tố khác. Các triệu chứng bao gồm: Suy tim-Tim không đủ khả năng bơm máu, biểu hiện qua các triệu chứng mệt, hạn chế vận động, phù chân, khó thở- có thể liên tục hoặc khi hoạt động hoặc chỉ khi nằm, đau ngực, rối loạn nhịp tim (nhịp nhanh hoặc bỏ nhịp). Khi có các triệu chứng trên, mọi người cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, theo thống kê, trên toàn thế giới, bệnh viêm cơ tim gây ra cái chết cho 294.000 người từ năm 1990 tăng lên đến 354.000 người năm 2015.
Nhiễm virus, điều trị triệu chứng là biện pháp điều trị chủ yếu cho hầu hết các dạng viêm cơ tim. Trong giai đoạn cấp tính, liệu pháp hỗ trợ là chính, bao gồm cả nghỉ ngơi tại giường. Với những người suy tim nặng không đáp ứng với liệu pháp thông thường có thể chỉ định hỗ trợ chức năng tim bằng thiết bị màng trao đổi oxy ngoài cơ thể (như ECMO) hoặc ghép tim cho những người không cải thiện chức năng tim bằng liệu pháp ECMO.
Hiện không có phòng ngừa đặc hiệu cho viêm cơ tim, một số lời khuyên sau đây có thể giúp ngăn ngừa bệnh viêm cơ tim: Thực hiện vệ sinh tốt, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; tránh những hành vi nguy cơ cao để giảm khả năng bị nhiễm trùng cơ tim liên quan đến HIV, tình dục an toàn và không sử dụng ma túy bất hợp pháp; giảm thiểu tiếp xúc với côn trùng; tiêm vaccin phòng bệnh, bao gồm cả những loại vaccin bảo vệ chống lại rubella và cúm-những bệnh có thể gây viêm cơ tim. Hạn chế tiếp tiếp xúc với người mắc bệnh giống như virus hoặc cúm cho đến khi họ bình phục, đặc biệt những người suy giảm miễn dịch, có bệnh lý mạn tính.
Hà Dũng
Theo ngaynay
Những thói quen 'độc' hơn mắc ung thư, nhiều người Việt làm hàng ngày Nhiều thói quen chúng ta làm hàng ngày mà không hề biết rằng nó là thủ phạm gây nên vô số bệnh nguy hiểm, thậm chí 'độc' hơn cả ung thư. Ảnh minh họa: Internet Cắn móng tay Móng tay là nơi sinh sản lý tưởng cho các vi khuẩn như E.coli và Salmonella được truyền qua thực phẩm. Khi mọi người cắn...