Trại tạm giam còn thuộc công an thì còn… khuất tất (?!)
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cảnh báo, còn để trại tạm giam thuộc công an tỉnh, nhà tạm giữ nằm trong công an huyện thì còn khó tránh được khuất tất, vi phạm trong hoạt động giam giữ.
Ý kiến của bà Nga được đưa ra trong phiên thảo luận tại UB về dự thảo luật Tạm giữ, tạm giam ngày 2/4.
Dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam quy định tạm giữ, tạm giam là biện pháp ngăn chặn do cơ quan, người tiến hành tố tụng áp dụng đối với người bị bắt quả tang, truy nã, bị can, bị cáo nhằm cách ly họ khỏi đời sống xã hội một thời gian nhất định để ngăn chặn họ tiếp tục phạm tội; ngăn chặn hành vi trốn tránh việc điều tra, truy tố, xét xử; cản trở việc xác định sự thật của vụ án hoặc để bảo đảm thi hành án. Đây là các biện pháp có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tự do, dân chủ của cá nhân được Hiến pháp quy định phải được luật hóa.
Dự thảo còn quy định cả quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam. Theo đó, họ có quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp nhưng bị hạn chế đi lại, giao dịch, tiếp xúc, thông tin, liên lạc, tuyên truyền tín ngưỡng, tôn giáo. Trong trường hợp cần giao dịch dân sự hợp pháp thì họ phải thông qua luật sư hoặc người đại diện theo pháp luật.
Dự thảo quy định tạm giữ, tạm giam là biện pháp ngăn chặn do cơ quan, người tiến hành tố tụng áp dụng đối với người bị bắt quả tang, truy nã, khẩn cấp và đối với bị can, bị cáo nhằm cách ly họ ra khỏi đời sống xã hội một thời gian nhất định để ngăn chặn họtiếp tục phạm tội, ngăn chặn hành vi trốn tránh việc điều tra, truy tố, xét xử, cản trở việc xác định sự thật của vụ án hoặc để bảo đảm thi hành án.
Cả nước hiện có 400 nhà tạm giữ và hơn 100 trại tạm giam.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nêu yêu cầu luật xây dựng nhằm khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn, nhất là tình trạng chết, bức cung, nhục hình, vi phạm quyền con người xảy ra ở nhà tạm giữ, trại tạm giam thời gian qua.
Cơ quan thẩm tra dự án luật đề nghị tổ chức các trại tạm giam, nhà tạm giữ theo hệ thống dọc do Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục 8) thuộc Bộ Công an quản lý.
Về việc này, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga, cho biết nhiều năm qua, UB Tư pháp đã kiên trì kiến nghị tách nhà tạm giữ ra khỏi công an huyện và trại tạm giam khỏi công an tỉnh, đồng thời hoạt động độc lập theo hệ thống ngành dọc từ Tổng cục 8 xuống nhưng hiện nay, các trại tạm giam và nhà tạm giữ mới tách được phần quản lý nhà nước chứ còn thực tế thì vẫn như cũ. Bà Nga phân tích, 2 cơ quan này cùng hệ thống công an địa phương nên dễ “thông cảm”, “tạo điều kiện” cho nhau trong hoạt động lấy cung và sẽ không đảm bảo tính độc lập.
Video đang HOT
“Còn để trại tạm giam thuộc công an tỉnh, nhà tạm giữ nằm trong công an huyện thì còn khó tránh được khuất tất, vi phạm trong hoạt động giam giữ” – bà Nga cảnh báo.
Ở khía cạnh khác, Uỷ viên UB Tư pháp Phạm Xuân Thường cho rằng có thể giữ mô hình hiện hành nhưng luật phải quy định cho những người làm trưởng nhà tạm giữ, giám thị trại tạm giam trách nhiệm chống bức cung, nhục hình.
Ông Thường phân tích, nếu có quy định về trách nhiệm và chế tài cho những người này, chắc chắn chuyện bức cung, nhục hình trong các cơ sở giam giữ sẽ không xảy ra.
Thượng tướng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an – cũng cho rằng không nên thay đổi mô hình quản lý các cơ sở tạm giữ, tạm giam vì Bộ đã thành lập Cục quản lý, hướng dẫn tạm giam, tạm giữ, thuộc Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, trong khi các cơ quan điều tra của Bộ Công an thì thuộc Tổng cục An ninh và Tổng cục Cảnh sát, các thủ trưởng hoàn toàn khác nhau, ở tỉnh, huyện cũng độc lập, hoàn toàn tách bạch và có sự kiểm soát lẫn nhau.
Ngoài ra, một vấn đề khác nhiều đại biểu lo ngại là dự thảo luật chưa làm rõ trách nhiệm của giám thị trại tạm giam, trưởng nhà tạm giữ và chế tài xử lý khi để xảy ra việc bức cung, nhục hình.
Tướng Lê Quý Vương thừa nhận dự thảo đã quy định một số nội dung nghiêm cấm nhưng vẫn cần phải làm rõ hơn về trách nhiệm của giám thị trại tạm giam, trưởng nhà tạm giữ và lãnh đạo các cấp quản lý.
P.Thảo
Theo Dantri
Bắt buộc ghi âm, ghi hình để chống bức cung, nhục hình (?!)
Ngày 30/3, UB Tư pháp của Quốc hội họp thẩm tra dự thảo Bộ Luật Tố tụng hình sự sửa đổi. Dự thảo đề xuất nhiều biện pháp để chống bức cung, nhục hình, đảm bảo quyền con người như áp dụng "quyền im lặng", ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can...
Nghi can chém chết 3 người vẫn để ngồi im vì "quyền im lặng"?
Trình bày về dự thảo Bộ luật, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Hữu Thể nêu rõ hướng sửa đổi quy định theo hướng bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội; các biện pháp chống bức cung, nhục hình.
Biện pháp quan trọng để chống tình trạng bức cung, nhục hình theo cơ quan soạn thảo là phải quy định, người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội...
Đồng tình với đề xuất này, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Lê Thúc Anh nhấn mạnh, "quyền im lặng" phải quy định rõ trong bộ luật, nếu không thì cũng phải viết là "bị can có quyền không khai báo bất lợi cho mình" để bảo đảm quyền con người.
Nhiều biện pháp chống bức cung, nhục hình được cho là hiệu quả nhưng ít khả thi, khó áp dụng trong điều kiện hiện nay. (Ảnh minh họa)
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nêu quan điểm của nhóm nghiên cứu thuộc UB này, theo quy định hiện hành, việc khai hoặc không khai và khai báo như thế nào được coi là quyền, chứ không phải nghĩa vụ của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Do đó, người bị bắt, bị tạm giam, tạm giữ có thể tự lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện "quyền im lặng".
Tuy nhiên, để tăng cường tính minh bạch, dễ hiểu, tạo nhận thức thống nhất trong hoạt động lấy lời khai, góp phần chống bức cung, nhục hình, nhiều thành viên Nhóm nghiên cứu đề nghị cần quy định theo hướng: người bị bắt, bị tạm giữ, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, ý kiến, không bị ép buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc bị ép buộc phải nhận mình có tội.
Đồng tình hướng lập luận này, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an chia sẻ: "Tôi vào ngành đã 30 năm và thấy băn khoăn nếu đưa vào luật "quyền im lặng. Nghi can được xác định chém chết 3 người mà đưa vào công an cứ ngồi im chờ vài ngày để luật sư đến thì chả ai làm được gì".
Buộc ghi âm, ghi hình khi lấy cung với tội phạm đặc biệt
Một nội dung khác đáng chú ý trong dự thảo Bộ luật là đề xuất quy định theo hướng bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can để chống bức cung, nhục hình, mớm cung, bảo đảm tính minh bạch, tăng khả năng kiểm soát đối với hoạt động tố tụng hình sự.
Về vấn đề này, nhóm nghiên cứu thuộc UB Tư pháp cho rằng, quy định bắt buộc trong mọi trường hợp là không cần thiết, không khả thi, chỉ cần quy định việc hỏi cung bị can đều phải lập biên bản và mọi biên bản hỏi cung đều phải được đưa vào hồ sơ vụ án. Trong trường hợp cần thiết như bị can kêu oan ngay từ đầu, tố cáo bị bức cung, nhục hình hoặc phạm tội có khung hình phạt chung thân, tử hình, có thể bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình.
Tuy nhiên, báo cáo của nhóm nghiên cứu phản ánh, cũng có ý kiến cho rằng bắt buộc ghi âm, ghi hình sẽ phản ánh trung thực quá trình hỏi cung, hạn chế tối đa bức cung, nhục hình.
Băn khoăn nhiều về đề xuất này, Phó Chánh án TAND TPHCM Huỳnh Ngọc Ánh nhận xét, Cho phép chụp ảnh, ghi hình khi lấy cung hay ghi chép lời khai là không khả thi vì trại tạm giam lấy đâu ra máy photocopy, máy ảnh. Thực tế, ngay cả cán bộ toà án vào trại giam, "muốn chụp tài liệu cũng chịu vì không có máy".
Thượng tướng Lê Quý Vương cũng đồng tình nhận định, việc buộc ghi âm, ghi hình quá trình hỏi cung trước mắt chưa thể làm ngay được nên chỉ những trường hợp cần thiết thì bắt buộc phải kết hợp ghi âm, ghi hình khi hỏi cung.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an Hà Nội cũng phân tích, mỗi năm, cả nước có hàng trăm ngàn đối tượng hình sự mà lời khai của họ trong thời gian tạm giam, tạm giữ chỉ là một loại chứng cứ nếu bắt buộc phải photocopy thì quá tải, lãng phí. Ông Chung cũng lo quy định này dẫn tới áp lực, chi phí khó giải quyết cho việc lưu hồ sơ khi thời hạn hiện áp dụng trong ngành công an tới 50-60 năm.
"Việc để xảy ra một số vụ oan sai vừa qua là do thiếu tinh thần trách nhiệm của điều tra viên, kiểm sát viên. Từ đó mà cho là do bức cung, nhục hình rồi quy định phải quay phim, ghi âm, chụp lời khai trong quá trình hỏi cung... thì nơi nào mà lưu được, rất tốn kém. Cần có tổng kết thực tiễn về vấn đề này" - ông Chung kiến nghị.
Ngoài ra, Giám đốc Công an Hà Nội cũng thông tin, thực tế, có những vụ án CQĐT vẫn ghi âm, ghi hình dù bị can, bị cáo không yêu cầu. Đó là những vụ phạm tội có tổ chức, can phạm có dấu hiệu phản cung liên tục... Những cuộc hỏi cung đó được ghi rõ trong biên bản là được ghi âm, ghi hình sau đó cho người bị hỏi cung xem lại, xác nhận đúng rồi mới niêm phong. Tài liệu ghi âm, ghi hình khí đó mới trở thành chứng cứ trước tòa, còn ghi âm, ghi hình mà bí mật thì xét về tố tụng không có giá trị pháp lý.
P.Thảo
Theo Dantri
Tội phạm trộm cắp còn nhiều ở Hà Nội và TP HCM Lãnh đạo Bộ Công an cho rằng tội phạm này hoạt động lưu động, khi gây án thường tạo bức xúc trong nhân dân. Sáng 23/3, thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, số liệu các vụ phạm pháp hình sự trên địa bàn toàn quốc thể hiện, trộm cắp đang chiếm tỷ lệ cao. "Có địa...